Cảm thấy tốt hơn khi bị nhiễm trùng xoang

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Khi bị nhiễm trùng xoang, bạn sẽ thấy đau đầu, đau họng và nghẹt mũi. Những triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Để giúp giảm triệu chứng, có nhiều cách khác nhau mà bạn có thể áp dụng, bao gồm đi khám bác sĩ để lấy thuốc khi cần thiết, liệu pháp tại nhà như chườm ấm, và nghỉ ngơi. Bạn nên tìm hiểu xem nên làm gì và bắt đầu thực hiện các bước để cảm thấy tốt hơn khi bị nhiễm trùng xoang.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Tiếp nhận sự giúp đỡ của bác sĩ[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ nếu triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày. Nếu bị chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, bạn không nên tự cho rằng đó là nhiễm trùng xoang. Thông thường, việc dùng thuốc kháng histamine không kê đơn, nghỉ ngơi, bổ sung nước và chườm mát có thể giúp giảm bớt triệu chứng. Mặt khác, việc dùng thuốc kháng sinh kê đơn không cần thiết có thể khiến vi khuẩn kháng kháng sinh và khiến thuốc kháng sinh trở nên vô hiệu. Để tránh tình trạng này, bạn nên nghỉ ngơi chờ hồi phục trước khi nghĩ đến việc đi khám bác sĩ. Một khi cần thiết, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng, từ đó kê thuốc giúp bạn phục hồi và cảm thấy khỏe hơn. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:[1]
    • Nghẽn xoang kéo dài hơn 10 ngày
    • Sốt trên 39°C
    • Triệu chứng cải thiện rồi lại trở nặng vào khoảng ngày thứ 6 của giai đoạn bệnh
  2. Trao đổi với bác sĩ về thuốc không kê đơn chữa nghẹt mũi. Hỏi bác sĩ về các loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm triệu chứng. Nhiễm trùng xoang thường đi kèm tình trạng tích tụ dịch nhầy và nghẽn xoang và thuốc chống lại các triệu chứng này có thể giúp bạn thấy tốt hơn. Các thuốc này có sẵn ở dạng viên và dạng xịt mũi.
    • Thuốc chữa nghẹt mũi phổ biến bao gồm Phenylephrine (Sudafed PE), Pseudoephedrine (Sudafed 12 Hour).[2] Các thuốc này ở dạng thuốc gốc cũng mang lại hiệu quả tương tự, miễn là có chứa cùng thành phần.
    • Không dùng sản phẩm xịt mũi như Afrin quá 3 ngày trừ khi được bác sĩ chỉ định — để tránh làm tăng tình trạng nghẹt mũi.[3]
  3. Hỏi bác sĩ về thuốc giảm đau không kê đơn để giảm đau ở xoang. Thuốc giảm đau thường không tác động trực tiếp đến nguyên nhân gây nhiễm trùng xoang mà chỉ giúp giảm đau và áp lực trong xoang. Luôn tuân thủ hướng dẫn trên nhãn về việc dùng thuốc — vì thuốc có thể gây nguy hiểm nếu uống với liều quá cao. Không dùng thuốc giảm đau không kê đơn quá một tuần rưỡi khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.[3]
    • Ibuprofen là loại thuốc đặc biệt tốt vì còn có đặc tính kháng viêm. Tức thuốc giúp giảm sưng trong hốc xoang, giảm tích tụ dịch nhầy và áp lực trong xoang.
    • Các thuốc giảm đau không kê đơn khác cũng rất hữu hiệu bao gồm Acetaminophen (Paracetamol) và Naproxen sodium.
    • Chỉ uống thuốc với liều được chỉ định. Uống quá liều có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như vấn đề ở gan hoặc thận.
  4. Trao đổi với bác sĩ về thuốc chữa dị ứng. Nhiễm trùng xoang có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Ví dụ, một số trường hợp nhiễm trùng xoang không phải do bệnh mà là do phản ứng với các chất trong không khí mà bạn bị dị ứng phải. Rất may mắn là có nhiều loại thuốc giúp chống triệu chứng dị ứng và giúp bạn thấy tốt hơn:
    • Hầu hết các loại thuốc không kê đơn dùng cho trường hợp dị ứng đều thuộc nhóm thuốc kháng histamine. Ví dụ như Diphenhydramine (Benadryl), Brompheniramine (Dimetapp) và Loratadine (Claritin).
    • Nếu bạn bị nhiễm trùng xoang và chưa bao giờ xét nghiệm dị ứng, bạn nên đặt lịch hẹn xét nghiệm dị ứng. Cách này giúp bạn tránh lãng phí thời gian vào việc áp dụng các phương pháp điều trị không phù hợp.
  5. Hỏi bác sĩ về thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh là loại thuốc tiêu diệt vi khuẩn gây hại trong cơ thể. Nếu cho rằng nhiễm trùng xoang là do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn. Không uống thuốc kháng sinh không được kê riêng cho bạn và không uống thuốc cũ được dùng để điều trị bệnh khác.
    • Nếu được kê đơn thuốc kháng sinh, bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng của bác sĩ. Không tự ý ngừng thuốc khi cảm thấy khỏe hơn. Luôn uống kháng sinh đúng liều và đủ thời gian. Tự ý ngừng thuốc có thể khiến vi khuẩn thích nghi với thuốc, khiến thuốc kháng sinh mất hiệu quả về sau.
    • Cần lưu ý rằng việc dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng xoang vẫn còn nhiều tranh cãi nên một số bác sĩ có thể không kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn.[4]
  6. Trao đổi với bác sĩ về thuốc kê đơn Steroid cho trường hợp nhiễm trùng xoang nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, viêm xoang có thể nặng hoặc mãn tính tự nhiên và không phải do nhiễm khuẩn. Do đó, bác sĩ có thể kê đơn một loại thuốc xịt mũi chứa một loại corticosteroid. Các thuốc này giúp chống viêm trong hốc xoang, cải thiện lưu thông dịch nhầy và giảm áp lực trong xoang.[5]
    • Một số thuốc Steroid ví dụ như Nasacort và Flonase.

Sử dụng nguyên liệu tại nhà[sửa]

  1. Uống nước nóng. Nước nóng giúp làm loãng và phá vỡ dịch nhầy trong hốc xoang, từ đó giảm "áp lực" gây đau khi bị nhiễm trùng xoang. Không những vậy, cảm giác ấm mà nước mang lại còn giúp giảm cơn đau họng và kích thích tuần hoàn máu cho bạn phục hồi nhanh hơn. Một số loại nước hiệu quả cho bạn lựa chọn bao gồm:
    • Trà: Nhiều người cho rằng trà mật ong, gừng và chanh đặc biệt hữu hiệu.[6]
    • Sôcôla nóng
    • Súp: Súp loãng như phở gà là lựa chọn tốt nhất.
    • Nước nóng pha với một chút mật ong và/hoặc chanh.
    • Tránh uống thức uống chứa caffeine vào buổi chiều tối vì chúng có thể khiến bạn khó ngủ và gây mất nước. Nghỉ ngơi đầy đủ vào buổi tối là bước vô cùng quan trọng khi bạn bị bệnh.
  2. Chườm ấm. Bạn có thể chườm ấm trên sống mũi. Hơi ấm sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn và dễ hỉ mũi hơn.
    • Nhúng khăn mặt vào bát nước nóng hoặc đặt dưới vòi nước nóng đang chảy. Cẩn thận để tránh bị bỏng.
    • Khi khăn đạt đến nhiệt độ phù hợp, đặt khăn lên dọc theo sống mũi và chờ đến khi hơi nóng tỏa hết. Dựa ngửa lên ghế hoặc nằm xuống khi chườm ấm để khăn khỏi bị rớt.
  3. Ăn đồ cay. Một số thực phẩm (nói chung là thực phẩm cay) là lưa chọn tuyệt vời giúp "thông" xoang. Ban đầu, cảm giác cay sẽ kích thích sản sinh dịch nhầy và chảy nước mũi một lúc nhưng sau đó sẽ giúp đầu óc bạn thông thoáng hơn và giảm khó chịu. Một số lựa chọn hàng đầu:
    • Thực phẩm chứa nhiều ớt đỏ/ớt Cayenne.
    • Thực phẩm chứa tương ớt (ví dụ như tương ớt Sriracha)
    • Đặc biệt thức ăn có vị "tươi mát" hoặc vị "sảng khoái" như bạc hà.
    • Củ cải ngựa
  4. Dùng máy tạo độ ẩm. Máy tạo độ ẩm giúp giữ ẩm không khí để bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Có thể thêm vài giọt dầu khuynh diệp vào máy tạo độ ẩm. Phương pháp này được chứng minh là giúp giảm nghẹt mũi, kháng khuẩn và kháng viêm, từ đó giúp làm sạch xoang và hỗ trợ phòng ngừa nhiễm trùng xoang.[7]
  5. Ngậm viên ngậm chứa kẽm. Viên ngậm chữa đau họng cũng giúp làm thông thoáng hốc mũi và giúp bạn thấy khỏe hơn. Viên ngậm chứa kẽm còn giúp rút ngắn thời gian cảm lạnh nếu bạn ngậm trong vòng 24 tiếng đầu tiên xuất hiện triệu chứng. [6] Dùng viên ngậm chứa kẽm khi cần thiết để giúp giảm tình trạng kích ứng cổ họng.
    • Cẩn thận khi dùng viên ngậm. Dùng viên ngậm với lượng nhỏ có thể giúp bạn thấy dễ chịu, còn dùng với liều cao hoặc kéo dài hơn 5 ngày có thể gây đau bụng hoặc vị khó chịu trong miệng.[6]
  6. Bổ sung đủ nước. Bổ sung đủ nước là một thói quen cần thiết và càng quan trọng hơn khi bạn bị bệnh. Nên mang theo chai nước bên mình và uống suốt cả ngày. Uống càng nhiều nước thì cơ thể càng tăng khả năng chống lại nhiễm trùng.
    • Bên cạnh đó, nước còn giúp làm ẩm màng nhầy, giảm tắc nghẽn và giảm cảm giác khó chịu.[8]
  7. Ngủ đủ giấc vào buổi tối. Khi bị bệnh, bạn cần nghỉ ngơi thật nhiều — và đầy đủ. Giấc ngủ là một phần quan trọng cho chu trình phục hồi tự nhiên của cơ thể mà bạn không thể xem thường. Đó là thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi và tự "hồi phục". Ngủ không đủ giấc có thể khiến cơ thể khó đương đầu với bệnh tật và nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu có thể, bạn nên đi ngủ sớm hơn 2 tiếng và dậy muộn hơn 1 tiếng (trừ khi không phải đi học hoặc đi làm) để đảm bảo được nghỉ ngơi thật nhiều. Nếu khó ngủ do nhiễm trùng xoang, bạn có thể áp dụng các cách sau:[9]
    • Dùng miếng dán thông mũi để làm thông thoáng hốc mũi
    • Tắm trước khi đi ngủ (hơi nước giúp thông xoang) để cảm thấy thư giãn
    • Nâng cao đầu khi ngủ để lưu dẫn chất nhầy ra khỏi đầu. Bạn nên nâng cao toàn bộ phần thân trên, không nên chỉ nâng cao cổ để tránh thấy khó chịu và gây tắc đường thở.
    • Dùng phương thuốc chứa menthol, ví dụ như Vick's, tinh dầu bạc hà, tinh dầu khuynh diệp.
  8. Dùng khăn giấy mềm để lau nước mũi. Lau mũi không đúng cách có thể khiến mũi kích ứng và nhiễm trùng xoang trở nặng. Nếu bị chảy nước mũi do nhiễm trùng xoang, bạn nên dùng loại khăn giấy siêu mềm. Chọn sản phẩm có tác dụng dưỡng ẩm hoặc làm mát để xoa dịu và cung cấp độ ẩm cho mũi khi lau, từ đó tránh được cảm giác khó chịu.
  9. Rửa mũi bằng bình Neti. Rửa mũi là quy trình đổ dung dịch muối sinh lý vào một bên lỗ mũi và lưu dẫn ra ngoài qua lỗ mũi còn lại. Khi di chuyển qua xoang, nước muối giúp làm ẩm và làm sạch nhiễm trùng xoang.[10] Nếu muốn, bạn có thể rửa mũi thường xuyên để làm sạch xoang nhanh chóng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nếu áp dụng quá thường xuyên, phương pháp này có thể gây tác dụng ngược. Do đó, bạn nên chỉ nên rửa mũi bằng nước muối trong 1-3 tuần. [11] Rửa mũi bằng nước muối theo hướng dẫn dưới đây:
    • Cho 120-240 ml nước cất hoặc nước tinh khiết vào lò vi sóng hoặc đặt lên bếp lửa để đun cho ấm. Nên nhớ cần dùng nước sạch để rửa mũi vì nước bẩn có thể mang vi khuẩn gây hại vào xoang. Nếu không chắc, bạn nên đun sôi nước rồi để nguội.
    • Để nước vào bình hoặc chai để chuẩn bị rửa mũi. Bình Neti là dụng cụ phổ biến nhất nhưng bạn cũng có thể dùng các dụng cụ khác.
    • Đổ hỗn hợp nước muối sinh lý pha sẵn vào nước. Nước muối sinh lý pha sẵn thường được bán kèm bình Neti hoặc bán riêng. Tuân thủ hướng dẫn pha chế trên bao bì.
    • Đổ nước muối vào một bên lỗ mũi, nghiêng đầu cho nước chảy ra ở lỗ mũi còn lại và vào bổn rửa.
  10. Cân nhắc việc dùng thực phẩm chức năng từ thảo mộc. Có nhiều loại nguyên liệu "tự nhiên" được bán trực tuyến hoặc tại cửa hàng thực phẩm chức năng giúp điều trị nhiễm trùng xoang. Thực phẩm chức năng chứa một lượng nhỏ thảo mộc, không chứa hóa chất, và được cho rằng giúp giảm triệu chứng nhiễm trùng xoang. Mặc dù vậy, vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh tính hiệu quả của hầu hết các sản phẩm thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng của thực phẩm chức năng cũng không giống như thuốc "thật" nên cần sử dụng cẩn trọng.
    • Bạn có thể tìm mua thực phẩm chức năng từ thảo mộc trực tuyến dựa trên từ khóa công cụ tìm kiếm. Một số nguyên liệu giúp ích trong điều trị nhiễm trùng xoang được gợi ý cho bạn:
      • Khuynh diệp (cho vào nước tắm)
      • Tinh dầu bạc hà (cho vào nước tắm)
      • Tỏi (để ăn)
      • Cúc La Mã (cho vào trà)
      • Nghệ (cho vào trà)
    • Cẩn trọng khi sử dụng vì độ tinh khiết và tính hiệu quả của thực phẩm chức năng không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA quản lý.

Tạo động lực cho bản thân và cảm thấy tốt hơn[sửa]

  1. Tắm nước nóng. Tắm nước nóng giúp bạn cảm thấy khỏe hơn trong quá trình phục hồi sau nhiễm trùng xoang. Hơi nóng không những giúp hốc mũi thông thoáng, nước ấm còn giúp bạn thấy thư thái và sảng khoái cho ngày mới.
  2. Làm mát đôi mắt sưng. Mắt sưng, đỏ, kích ứng là triệu chứng thường đi kèm nhiễm trùng xoang. Làm mát đôi mắt sưng sẽ giúp mắt được thư giãn và thoải mái hơn. Có nhiều cách làm mát đôi mắt:
    • Cho vài viên đá viên vào túi nhựa, gói trong khăn giấy. Nhắm mắt lại rồi đắp đá lên mí mắt khoảng 5-10 phút.
  3. Đón ánh nắng. Dù bạn có tin hay không nhưng trên thực tế, ánh nắng mặt trời có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Cơ thể người cần vitamin D (được tạo ra khi da hấp thụ ánh nắng) cho nhiều quá trình quan trọng, bao gồm chức năng của hệ miễn dịch.[12] Bên cạnh đó, ánh nắng còn giúp chống trầm cảm - một lợi ích đáng kể khi bạn bị nhiễm trùng xoang.[13]
    • Chỉ cần bầu trời không u ám, bạn có thể đón ánh nắng mọi lúc. Nếu vào mùa đông, bạn có thể ngồi cạnh cửa sổ để vừa đọc sách và vừa đón nắng. Nếu ngoài trời ấm áp hơn, bạn có thể ra ngoài vườn dạo chơi.
  4. Mát-xa. Khi bị nhiễm trùng xoang, bạn thường cảm thấy không được khỏe trong người và tâm trạng giảm sút. Mát-xa là một cách tuyệt vời để cải thiện tâm trạng. Áp lực nhẹ nhàng được tạo ra giúp bạn thấy thư giãn, tâm trạng phấn chấn hơn và quên đi triệu chứng bệnh (ít nhất là tại thời điểm được mát-xa).
    • Bạn có thể tự mát-xa mặt. Đây là phương pháp cực kỳ tốt nếu nhiễm trùng xoang tạo áp lực và gây đau vùng mặt. Để mát-xa mặt, bạn dùng ngón tay ấn nhẹ lên vị trí giữa hai lông mày, phía trên mũi. Ấn và xoa bóp nhẹ khoảng 1 phút. Sau đó, từ từ di chuyển ngón tay, đồng thời xoa bóp xung quanh khuôn mặt, bắt đầu từ trán, xuống hai bên thái dương, má và hàm.

Lời khuyên[sửa]

  • Đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và hỗ trợ điều trị nhiễm trùng xoang. Điều trị nhiễm trùng xoang không đúng cách có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này