Điều trị chứng viêm xoang

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Xoang là các khoang rỗng ở trán và mặt, có nhiều chức năng khác nhau như làm ẩm không khí hít vào, sản xuất dịch nhầy để bao vây và tống các mầm bệnh ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên đôi khi các xoang không đẩy lùi được mầm bệnh, và các triệu chứng viêm xoang xuất hiện: các xoang sưng và viêm, tăng tiết dịch nhầy, đau đầu, ho, nghẹt mũi và đôi khi sốt. Có một số cách để điều trị bệnh viêm xoang tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Chứng viêm xoang thường tự khỏi, nhưng bạn có thể giúp bệnh mau lành hơn và làm nhẹ các triệu chứng với một số biện pháp chăm sóc tại nhà.[1]

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Xác định các dạng viêm xoang[sửa]

  1. Nhận biết các triệu chứng cơ bản. Viêm xoang thường có cùng các triệu chứng cơ bản. Các triệu chứng viêm xoang cấp thường trở nặng sau 5-7 ngày. Viêm xoang mãn tính có thể có các triệu chứng nhẹ hơn, nhưng kéo dài lâu ngày hơn.[1]
    • Đau đầu
    • Cảm giác căng và áp lực xung quanh mắt
    • Nghẹt mũi
    • Chảy nước mũi
    • Đau họng và chảy dịch mũi sau (cảm giác “nhỏ giọt” hoặc dịch nhầy chảy xuống cuống họng)[2]
    • Mệt mỏi
    • Ho
    • Hơi thở hôi
    • Sốt
  2. Xem xét khoảng thời gian xảy ra các triệu chứng. Chứng viêm xoang có thể thuộc dạng cấp tính (kéo dài dưới 4 tuần) hoặc mãn tính (kéo dài trên 12 tuần).[1] Các triệu chứng xảy ra trong thời gian dài cũng không có nghĩa là chứng viêm xoang đó nghiêm trọng hơn hoặc nguy hiểm hơn.
    • Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm xoang cấp, nhưng tình trạng nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất (chiếm 90-98% số trường hợp).[3] Bạn có thể bị viêm xoang cấp sau đợt cảm cúm. Bệnh viêm xoang cấp do virus thường sẽ được cải thiện trong vòng 7-14 ngày.
    • Dị ứng là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm xoang mãn tính. Người bị hen suyễn, polyp mũi hoặc hút thuốc cũng dễ bị viêm xoang mãn tính hơn.
  3. Lưu ý hiện tượng sốt. Viêm xoang do dị ứng thường không kèm sốt. Viêm xoang do viêm nhiễm như bệnh cúm thường kèm sốt.[1]
    • Hiện tượng sốt cao (trên 38,9 độ C) thường là dấu hiệu của chứng viêm xoang do vi khuẩn. Liên lạc với bác sĩ nếu bạn bị sốt cao trên 38,9 độ C.
  4. Quan sát dịch nhầy màu xanh hoặc vàng đậm. Dịch nhầy màu xanh hoặc vàng đậm kèm mùi hôi có thể là dấu hiệu viêm xoang do vi khuẩn. Đến bác sĩ nếu bạn nghĩ mình bị viêm xoang do vi khuẩn. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh như amoxicillin, augmentin, cefdinir, hoặc azithromycin để chữa bệnh viêm xoang do vi khuẩn.[4]
    • Bác sĩ thường chờ một thời gian để quan sát thêm trước khi kê toa thuốc kháng sinh. Nhiều trường hợp viêm xoang do nhiễm vi khuẩn tự khỏi mà không cần dùng thuốc kháng sinh. Các bác sĩ thường cố gắng tránh dùng kháng sinh, trừ khi thực sự cần thiết, vì việc lạm dụng kháng sinh có thể tăng nguy cơ đề kháng thuốc kháng sinh.[4]
    • Thuốc kháng sinh chỉ dùng để điều trị viêm xoang do vi khuẩn, và không có tác dụng đối với các dạng viêm xoang khác.
    • Chỉ có 2-10% trường hợp viêm xoang cấp là do nhiễm vi khuẩn.[3]
  5. Biết khi nào cần đến bác sĩ. Ngoài hiện tượng sốt cao và dịch nhầy có màu xanh hoặc vàng đậm, một số triệu chứng khác cũng cho thấy bạn nên đến bác sĩ để khám bệnh. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng và xác định chứng viêm xoang ở bạn có phải là do vi khuẩn gây ra không, và liệu có cần dùng thuốc kháng sinh không. Bạn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị nếu có bất cứ triệu chứng nào dưới đây:
    • Các triệu chứng kéo dài quá 7-10 ngày
    • Các triệu chứng như đau đầu không đáp ứng với các thuốc giảm đau không kê toa[5]
    • Ho kèm dịch nhầy màu xanh, vàng đậm hoặc có máu trong dịch nhầy
    • Thở gấp, tức ngực hoặc đau ngực
    • Cổ cứng hoặc đau dữ dội
    • Đau tai
    • Thay đổi thị lực, đỏ hoặc sưng quanh mắt
    • Có phản ứng dị ứng với thuốc. Các triệu chứng có thể bao gồm nổi mề đay, sưng môi hoặc mặt và/hoặc thở gấp
    • Các triệu chứng hen suyễn nặng hơn ở người mắc bệnh suyễn.
    • Bạn nên đến bác sĩ để khám nếu bị viêm xoang mãn tính. Bác sĩ có thể giúp bạn điều trị bệnh viêm xoang lâu ngày. Bạn cũng có thể được giới thiệu đến chuyên gia về dị ứng hoặc bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị các triệu chứng bằng thuốc[sửa]

  1. Nhờ bác sĩ tư vấn. Chắc chắn là bạn phải đến bác sĩ trước khi điều trị bằng các loại thuốc cần toa bác sĩ. Tuy nhiên, trong vài trường hợp bạn cũng có thể cần tham khảo bác sĩ trước khi uống thuốc không kê toa. Mặc dù nhiều loại thuốc không kê toa là an toàn cho người trưởng thành khỏe mạnh, việc tự điều trị bằng thuốc không kê toa cũng có thể gây biến chứng trong một số trường hợp.
    • Không bao giờ cho trẻ em uống thuốc dành cho người lớn, vì nhiều loại thuốc trị cảm được khuyến cáo không dùng cho trẻ em.
    • Phụ nữ mang thai thường được khuyến cáo tránh nhiều loại thuốc trị cảm, và phụ nữ đang cho con bú cần phải tham khảo bác sĩ hoặc chuyên gia về sữa mẹ trước khi uống thuốc không kê toa.
  2. Dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định. Nếu được bác sĩ kê toa thuốc kháng sinh để điều trị bệnh viêm xoang do vi khuẩn, bạn phải đảm bảo tuân thủ đúng liệu trình dùng thuốc kháng sinh, ngay cả khi cảm thấy đã bớt bệnh. Điều này giúp hạn chế rủi ro viêm nhiễm trở lại hoặc trở nên đề kháng với thuốc kháng sinh.
    • Các loại thuốc kháng sinh thông dụng để điều trị viêm xoang do vi khuẩn bao gồm amoxicillin (thông dụng nhất), augmentin, cefdinir, hoặc azithromycin (cho những người có thể dị ứng với amoxicillin).[6]
    • Tác dụng phụ thường gặp của các thuốc kháng sinh này là buồn nôn, nôn, tiêu chảy và phát ban trên da. Báo ngay với bác sĩ nếu xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như choáng ngất, khó thở hoặc nổi mề đay.[6]
  3. Chữa dị ứng bằng thuốc kháng histamine. Thuốc kháng histamine có thể hữu ích cho các bệnh về xoang liên quan đến dị ứng theo mùa hoặc dị ứng toàn thân. Thuốc kháng histamine giúp chống lại phản ứng của cơ thể đối với các dị ứng nguyên bằng cách ngăn chặn histamine bám vào các thụ thể trong tế bào. Thuốc kháng histamine có thể ngăn chặn các triệu chứng viêm xoang dị ứng trước khi khởi phát.[7]
    • Thuốc kháng histamine thường có dạng viên như loratidine (Claritin), diphenhydramine (Benadryl), và Cetirizine (Zyrtec). Ngoài ra còn có các dạng lỏng, nhai và hòa tan, đặc biệt dành cho trẻ em.
    • Tham khảo bác sĩ hoặc dược sĩ để biết loại thuốc kháng histamine nào có hiệu quả nhất đối với bạn.
    • Không dùng thuốc kháng histamine để điều trị bệnh viêm xoang cấp mà không tham khảo bác sĩ. Thuốc kháng histamine có thể khiến chứng viêm xoang cấp rắc rối hơn do tác dụng làm đặc dịch mũi.[8]
  4. Uống thuốc giảm đau không kê toa. Thuốc giảm đau không chữa khỏi chứng viêm xoang, nhưng có thể giúp giảm nhẹ một số triệu chứng khó chịu như đau đầu và đau xoang.[9]
    • Acetaminophen/paracetamol (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil) giúp giảm đau đầu, đau họng và hạ sốt.
      • Lưu ý rằng không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống ibuprofen.
  5. Dùng thuốc xịt mũi. Thuốc xịt mũi không kê toa có thể nhanh chóng giúp thông các xoang bị nghẹt. Có ba loại thuốc xịt mũi chủ yếu là thuốc xịt nước muối, thuốc xịt thông mũi, và thuốc xịt có chứa steroid.
    • Thuốc xịt thông mũi như Afrin không nên dùng quá 3-5 ngày vì thuốc này có thể khiến mũi nghẹt hơn nếu dùng lâu ngày.[1]
    • Thuốc xịt nước muối có thể sử dụng an toàn và giúp rửa sạch dịch nhầy.
    • Fluticasone (Flonase) là loại thuốc xịt mũi có chứa steroid, được dùng để điều trị triệu chứng dị ứng. Loại thuốc xịt này có thể dùng lâu ngày hơn thuốc xịt thông mũi, nhưng có thể không có tác dụng chữa viêm xoang vì thuốc này chỉ để chữa triệu chứng dị ứng.
  6. Thử uống thuốc làm thông mũi. Loại thuốc này có thể giúp giảm nghẹt mũi và đau xoang. Không uống thuốc thông mũi quá 3 ngày. Thuốc thông mũi dùng lâu ngày có thể gây “tác dụng ngược”.[10]
    • Một số thuốc thông dụng là phenylephrine (Sudafed PE) hoặc pseudoephedrine (Sudafed 12-hour). Một số thuốc kháng histamine kết hợp chất làm thông mũi như Allegra-D, Claritin-D, or Zyrtec-D.
    • Nhiều loại thuốc được xếp loại “D” có chứa pseudoephedrine và được bán ở các hiệu thuốc với sự tư vấn của dược sĩ, do quy định hạn chế mua bán.
    • Một số thuốc làm thông mũi có chứa acetaminophen. Không uống thêm acetaminophen nếu đang uống thuốc làm thông mũi đã sẵn có dược chất này. Việc dùng quá liều có thể gây các biến chứng nghiêm trọng.[9]
  7. Cân nhắc dùng thuốc tiêu đờm. Thuốc tiêu đờm (như Consider guaifenesin/Mucinex) làm loãng đờm và có thể giúp chất nhầy thoát ra khỏi các xoang.[8] Không có bằng chứng chắc chắn cho thấy thuốc này giúp điều trị viêm xoang, nhưng bạn cũng có thể khỏi khi dùng thuốc này.

Dùng các liệu pháp thay thế[sửa]

  1. Nghỉ ngơi. Bệnh viêm xoang có thể lâu khỏi hơn nếu bạn tiếp tục không ngủ đủ giấc và làm việc quá nhiều. Bạn nên cố gắng nghỉ ngơi hoàn toàn trong vòng 24 tiếng nếu có thể.[11]
    • Thử kê cao đầu khi ngủ. Tư thế này giúp dịch nhầy thoát ra ngoài và giảm nghẹt mũi.[11]
  2. Uống nhiều chất lỏng. Việc uống đủ nước sẽ giúp làm loãng chất nhầy và làm nhẹ cảm giác tắc nghẽn.[1] Nước lọc là tốt nhất, nhưng các thức uống như trà không chứa caffeine, nước thể thao điện giải và nước thịt trong cũng là những lựa chọn tốt.
    • Mỗi ngày nam giới nên uống ít nhất 13 ly (3 lít), và nữ giới 9 ly (2,2 lít) chất lỏng. Có thể bạn còn cần uống nhiều hơn khi bị bệnh.[12]
    • Tránh uống rượu bia. Chất cồn thực sự có thể làm các tình trạng sưng viêm ở các xoang nặng hơn.[13] Caffeine có thể khiến bạn mất nước và làm chất nhầy đặc hơn.[11]
  3. Thử dùng bình rửa mũi hoặc bơm tiêm. Thông rửa các xoang có thể giúp quét sạch dịch nhầy tích tụ một cách tự nhiên. Bạn có thể rửa nhiều lần trong ngày và hầu như không gặp phải tác dụng phụ.[1][14]
    • Sử dụng dung dịch nước muối vô trùng rót vào bình hoặc bơm tiêm. Bạn có thể mua dung dịch pha chế sẵn hoặc tự pha với nước cất, nước đun sôi để nguội hoặc nước đã khử trùng.
    • Nghiêng đầu một góc 45 độ. Bạn nên rửa ở bồn rửa hoặc trong phòng tắm để dễ dàng dọn dẹp hơn.[15]
    • Đặt vòi của bình rửa mũi (hoặc đầu bơm tiêm) vào lỗ mũi phía trên. Nhẹ nhàng rót dung dịch vào lỗ mũi sao cho chảy qua lỗ mũi bên kia.
    • Lặp lại với lỗ mũi bên kia.
  4. Xông hơi nước. Hơi nước sẽ giúp làm ẩm xoang và có thể giúp bạn dễ thở hơn. Tắm dưới vòi sen nước nóng hoặc dùng bát đựng nước nóng để xông.[16] Viên tắm sủi có menthol cũng có thể hữu ích.
    • Cẩn thận rót nước sôi vào bát chịu được nhiệt độ cao. (không hít hơi nước khi còn trên bếp!). Đặt bát nước lên bàn sao cho vừa tầm.[3]
    • Ghé đầu trên bát nước. Không cúi sát quá kẻo bỏng do hơi nước nóng.
    • Dùng khăn mỏng trùm qua đầu và bát nước. Hít hơi nước trong 10 phút.
    • Bạn có thể thêm vào nước 2-3 giọt tinh dầu khuynh diệp hoặc tinh dầu giúp thông mũi nếu thích.
    • Thực hiện 2-4 lần một ngày.[1]
    • Hết sức cẩn thận khi dùng phương pháp này cho trẻ em. Không để trẻ một mình khi xông hơi nước nóng.
  5. Dùng máy tạo ẩm. Không khí khô và nóng gây kích ứng hốc mũi, do đó dùng máy tạo ẩm khi ngủ sẽ giúp bạn dễ thở hơn. Máy tạo ẩm phun sương ấm hoặc mát đều tốt như nhau. Bạn có thể thêm vào nước vài giọt tinh dầu như tinh dầu khuynh diệp để giúp giảm nghẹt mũi (tuy nhiên bạn cần kiểm tra sổ hướng dẫn sử dụng của máy tạo ẩm trước khi cho bất cứ thứ gì vào nước).[17]
    • Đề phòng nấm mốc. Nấm mốc có thể bắt đầu phát triển quanh máy tạo ẩm nếu không khí quá ẩm. Làm vệ sinh máy tạo ẩm thường xuyên để chống nấm mốc.
  6. Chườm gạc nóng. Để giảm đau và căng trên mặt, bạn có thể dùng gạc ấm chườm vào vùng bị đau.
    • Nhúng ướt một chiếc khăn nhỏ và làm nóng trong lò vi sóng khoảng 30 giây. Khăn cần phải ấm nhưng không quá nóng đến mức khó chịu.
    • Đắp khăn ấm lên mũi, má hoặc gần mắt để giảm đau. Chườm trong khoảng 5-10 phút.[18]
  7. Ăn thức ăn cay. Một số nghiên cứu cho thấy thức ăn cay như ớt hoặc rau cải ngựa có thể giúp thông xoang.[19]
    • Chất capsaicin trong ớt và các món ăn cay có thể giúp làm loãng dịch nhầy và chảy ra ngoài.[20]
    • Các thức ăn “cay” khác như gừng cũng có thể giúp bạn thấy khá hơn.
  8. Uống trà. Trà nóng không chứa caffeine có thể giúp làm dịu cổ họng, đặc biệt nếu có thêm gừng và mật ong. Trà cũng có thể giúp giảm ho. Tuy nhiên bạn nên tránh loại trà có caffeine vì caffeine có thể khiến bạn mất nước hoặc mất ngủ.
    • Bạn có thể tự pha trà gừng ở nhà. Dùng 30 g gừng tươi nạo cho mỗi tách nước sôi và ngâm ít nhất 10 phút.
    • Một loại trà thảo mộc truyền thống, trà giảm đau họng “Throat Coat,” đã được chứng minh có tác dụng giảm đau họng so với trà giả dược.[21]
    • Trà xanh Benifuuki có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng nếu được uống thường xuyên.[22]
  9. Chữa ho. Chứng viêm xoang thường kèm theo ho. Để làm dịu cơn ho khó chịu và bất tiện, bạn nên giữ đủ nước, uống các loại chất lỏng ấm như trà thảo mộc và uống mật ong (không dùng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi).
  10. Ngừng hút thuốc. Hút thuốc lá, cho dù là hút thuốc thụ động, sẽ gây kích ứng niêm mạc xoang và viêm xoang.[23] Hút thuốc thụ động chiếm đến 40% trường hợp viêm xoang mãn tính ở Mỹ. Bạn cần ngưng hút thuốc và tránh khói thuốc lá gián tiếp khi bị viêm xoang.
    • Ngừng hút thuốc hoàn toàn để ngăn ngừa viêm xoang và tốt cho sức khỏe tổng thể. Thuốc lá gây tổn hại cho hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể và làm giảm tuổi thọ.[24]

Ngăn ngừa chứng viêm xoang[sửa]

  1. Điều trị các triệu chứng dị ứng và bệnh cảm cúm. Tình trạng viêm mũi do dị ứng có thể dẫn đến viêm xoang.
    • Tiêm phòng cúm. Vắc-xin tiêm phòng cúm giúp giảm rủi ro nhiễm virus cúm, vốn là một thủ phạm khác gây bệnh viêm xoang cấp do virus.[1]
  2. Tránh ô nhiễm. Môi trường và không khí ô nhiễm có thể kích ứng hốc mũi và làm nặng thêm chứng viêm xoang. Các hóa chất và khí thải có thể kích ứng niêm mạc xoang.
  3. Giữ vệ sinh tốt. Tình trạng nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm xoang. Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách rửa tay thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng.
    • Rửa tay sau khi bắt tay, chạm vào các bề mặt ở nơi công cộng (như tay nắm trên xe buýt, tay nắm cửa), trước sau khi chuẩn bị thức ăn.
  4. Uống nhiều nước. Nước giúp làm ẩm cơ thể và ngăn ngừa tắc nghẽn xoang. Nước cũng giúp làm loãng dịch nhầy giúp dịch nhầy dễ thoát ra hơn.
  5. Ăn nhiều hoa quả và rau. Hoa quả và rau dồi dào chất chống ô-xy hóa và vitamin, giúp cơ thể duy trì sức khỏe và sự dẻo dai.[1]
    • Hoa quả họ cam quýt có hàm lượng cao flavonoids, một hợp chất có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống virus, viêm và dị ứng.[25][26]

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu cảm thấy đau trong ống tai (phía sau hàm dưới), có thể bạn đã bị viêm tai. Bạn nên đến bác sĩ vì có thể cần dùng kháng sinh để chữa chứng viêm.
  • Không cho thêm nước máy vào dung dịch rửa mũi. Nếu không muốn dùng nước lọc, bạn có thể đun sôi nước máy và để nguội đến nhiệt độ thường. Trong nước máy có trùng a-míp, có thể gây những biến chứng nghiêm trọng.
  • Uống trà "Breathe Easy", một phương thuốc cổ truyền có thể thực sự giúp thông xoang và giảm đau họng.

Cảnh báo[sửa]

  • Nhất thiết phải đến bác sĩ ngay nếu có biểu hiện khó thở, đau ngực, cổ cứng hoặc đau dữ dội; đỏ, đau hoặc sưng mặt hoặc mắt; hoặc lo ngại bị mất nước do uống không đủ nước, đặc biệt là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
  • Nếu bị viêm xoang mãn tính, bạn nên trao đổi với bác sĩ về các cách điều trị. Trong một số trường hợp, bạn phải cần đến phẫu thuật để dễ thở hơn.[27]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 1,6 1,7 1,8 1,9 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000647.htm
  2. https://www.entnet.org/content/post-nasal-drip
  3. 3,0 3,1 3,2 http://umm.edu/health/medical/reports/articles/sinusitis
  4. 4,0 4,1 http://www.cdc.gov/getsmart/community/materials-references/print-materials/hcp/adult-acute-bact-rhino.pdf
  5. http://www.medicinenet.com/sinusitis/article.htm
  6. 6,0 6,1 http://www.webmd.com/cold-and-flu/antibiotics-for-sinusitis
  7. http://www.medicinenet.com/nasal_allergy_medications/page3.htm
  8. 8,0 8,1 http://emedicine.medscape.com/article/232670-treatment
  9. 9,0 9,1 http://www.webmd.com/drug-medication/otc-pain-relief-10/choosing-an-otc-pain-reliever
  10. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acute-sinusitis/basics/treatment/con-20020609
  11. 11,0 11,1 11,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acute-sinusitis/basics/lifestyle-home-remedies/con-20020609
  12. http://www.mayoclinic.org/healthy-living/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
  13. http://www.webmd.com/allergies/sinusitis?page=2
  14. http://www.webmd.com/allergies/sinus-pain-pressure-11/neti-pots
  15. http://www.webmd.com/allergies/sinus-pain-pressure-11/neti-pots?page=2
  16. http://www.emedicinehealth.com/sinus_infection/page6_em.htm#sinus_infection_home_remedies
  17. http://www.webmd.com/allergies/sinus-pain-pressure-11/home-treatments
  18. http://www.webmd.com/allergies/tc/sinusitis-home-treatment
  19. http://www.nytimes.com/health/guides/disease/sinusitis/treatment.html
  20. http://www.webmd.com/pain-management/tc/capsaicin-topic-overview
  21. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12804082
  22. http://www.naro.affrc.go.jp/english/vegetea/benifuuki/
  23. http://www.webmd.com/smoking-cessation/news/20100419/secondhand-smoke-linked-to-chronic-sinusitis
  24. http://www.cdc.gov/tobacco/data_statistics/fact_sheets/health_effects/effects_cig_smoking/
  25. Yao LH, et al. “Flavonoids in food and their health benefits.” Plant Foods Hum Nutr. 2004 Summer;59(3):113-22.
  26. http://www.news-medical.net/health/What-are-Flavonoids.aspx
  27. http://www.emedicinehealth.com/sinus_infection/page10_em.htm#sinus_surgery
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này