Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/172

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

BA ĐIỀU PHẢI NGHĨ

Đức Khổng Tử nói: Người quân tử có ba điều phải nghĩ, ta chẳng nên chẳng xét đến:

Lúc nhỏ mà chẳng học, đến lúc nhớn, ngu dốt không làm được việc gì; lúc già mà không đem những điều mình biết để dạy người, sau đến khi chết chẳng ai thương tiếc; lúc giàu có mà chẳng bố thí, đến lúc khốn cùng chẳng ai cứu giúp. Cho nên người quân tử lúc nhỏ nghĩ đến lúc nhớn thì chăm học, lúc già nghĩ đến lúc chết thì chăm dạy, lúc có nghĩ đến lúc không thì chăm cứu giúp kẻ nghèo khổ.

GIA NGỮ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Quân tử: bực tài đức hơn người.

- Bố thí: đem của mình cho người ta để cứu giúp người ta.

- Khốn cùng: khốn quẫn cùng khổ, ăn không có, ở không yên.

NHỜI BÀN[sửa]

Lúc nhỏ mà nghĩ đến lúc nhớn, lúc già mà nghĩ đến lúc chết, đang giàu mà nghĩ đến nỗi nghèo khổ, ba điều người quân tử phải nghĩ ấy tức là ba điều dự bị lo xa vậy. Phàm người ta có chịu trông xa như thế mới là biết phòng bị những cái lo tự trước khi nó xảy ra, mà tức lại là giữ cho nó không xảy ra vậy. Đức Khổng Tử còn có câu nói: "Người ta không nghĩ xa, tất có cái lo gần”[1] cũng là có cái nghĩa dự phòng như câu nói trong bài này.

Chú thích[sửa]

  1. Câu chữ hán là: Nhân vô viễn tự, tất hữu cận ưu

Liên kết đến đây