Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/210
BẠN TRI KỶ
Việt Thạch Phủ người nước Tề về thời Xuân Thu, có tiếng là người giỏi. Anh ta phải tội oan, bị giam trói, Án Tử đi chơi, gặp ở đường, tháo một con ngựa đang phóng xe ra bán, để chuộc tội cho anh ta, rồi đưa lên xe đem về.
Về đến nhà, Án Tử chẳng hỏi han gì đến, vào ngay nhà trong, rồi ở mãi không ra.
Thạch Phủ tức giận bỏ đi và nói rằng từ rày không bước đến cửa Án Tử nữa.
Án Tử nghe tiếng, ngạc nhiên, sửa khăn áo chạy theo ra, tạ rằng:
- Tôi tuy chẳng ra gì, song cũng vừa gỡ được tội cho ông, sao ông lại vội cự tuyệt tôi thế.
- Thạch Phủ nói: Không phải. Tôi nghe người quân tử gặp phải kẻ bất tri kỷ thì phải cực thân, gặp được người tri kỷ thì được hả dạ. Tôi đã phải giam trói oan là tôi gặp phải kẻ bất tri kỷ. Tôi nay gặp được ông đã biết tôi mà chuộc cho tôi khỏi tội oan, thì ông là tri kỷ của tôi. Nếu tôi lại gặp phải người tri kỷ mà vô lễ, thì thà rằng tôi cứ ngồi trong chỗ giam trói còn hơn.
Án Tử nghe ra bèn kính trọng Thạch Phủ, rồi sau tôn Thạch Phủ làm thượng khách.
SỬ KỶ
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Ngạc nhiên: sợ hãi ngơ ngác.
- Tạ: xin lỗi.
- Cự tuyệt: chống cự ghét bỏ tuyệt không đi lại chơi với nữa.
- Bất tri kỷ: kẻ chẳng biết mình, ưa mình.
NHỜI BÀN[sửa]
Tri kỷ là quí. Tuy vậy bạn tri kỷ cũng phải giữ lễ với nhau, chớ không bảo là tri kỷ mà suồng sã cư xử với nhau thế nào cũng được. Nên câu đức Khổng Tử khen Án Bình Trọng “Thiện dữ nhân giao cửu nhi kính chi” nghĩa là khéo chơi với người lâu ngày mà vẫn kính trọng, thực là phải, vì có như thế tình nghĩa bè bạn mới giữ cho có thuỷ chung như nhất được. Còn như Án Tử đây đã biết Thạch Phủ là quí rồi. Nhưng nếu cậy là giúp được việc người ta, mà xử vô lý với người ta thì sao gọi là khéo đối với người tri kỷ được.