Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/231
TÍNH NGƯỜI AI CŨNG THIỆN
Mặt giăng soi xuống muôn mặt sông, sông nào cũng có bóng sáng mặt giăng. Giời sinh ra mọi người, người nào cũng có tính của giời.
Bóng thì chẳng đâu là không sáng, tính thì chẳng ai là không lành. Vậy mà cũng có chỗ sáng, chỗ không sáng là nước có chỗ trong, chỗ đục khác nhau, cũng có người thiện, người bất thiện vì khí bẩm có người thuần, người tạp khác nhau. Nếu nước mà làm cho trong trẻo, thì giăng soi vào, nước nào cũng sáng, người có công rèn giũa biến hoá khí chất thì tính người nào cũng lành.
PHỤC NGUYÊN TỬ
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Tính: chất của người ta đã có sẵn tự lúc mới sinh ra.
- Khí bẩm: tính tự nhiên giời sinh ra vốn thế.
- Thuần: chỉ có tính một thứ không có gì lẫn vào.
- Tạp: lẫn lộn nhiều thứ.
- Rèn giũa: rèn loài kim, giũa đá ngọc đây là nói sửa sang tính nết.
- Biến hoá: đổi hình nọ ra hình kia, đây có ý nói bỏ cái dở hoá ra cái hay.
NHỜI BÀN[sửa]
Đức Khổng Tử thì cho rằng: “Tính vốn gần như nhau, sau vì sự tập quen mà xa khác nhau". Thầy Mạnh Tử thì cho rằng: "Người ta chẳng có ai là bất thiện“. Bài đây cũng là theo cái thuyết của Khổng, Mạnh cho rằng tính vốn thiện cả, nhưng vì cái khí bẩm khác nhau mà tính hoá khác nhau. Ta không được rõ hẳn cái khí bẩm là thế nào, ta chỉ biết người ta thực cũng có kẻ thiện, người ác không giống nhau. Mà muốn mong cho người ác hoá thiện, thế tất phải cạy nhờ ở công học tập nhiều lắm.