Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/61

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

NGƯỜI KHÔN SỐNG LÂU

Vua Ai Công nước Lỗ hỏi đức Khổng Tử: “Người khôn có sống lâu được không?”

Đức Khổng Tử đáp:

Có. Khôn thì sống lâu, chớ dại thì sống lâu sao được! Người ta có ba thứ chết, tự mình làm cho mình chết, chớ không phải số mệnh đáng chết mà chết:

  • Ăn uống không có chừng mực, thức ngủ không có điều độ, làm lụng khó nhọc quá, lười biếng chơi bời quá, người như thế, thì phải chết về bệnh tật;
  • Phận là người dưới, mà can phạm người trên, lòng tham muốn không chừng, tính yêu cầu không chán, người như thế thì chết về hình pháp;
  • Mình ngu, mà kình địch người khôn, mình yếu, mà khinh bỉ người mạnh; không biết lượng sức mình, mà cứ giận dữ làm liều, người như thế thì chết về binh đao.

Ba thứ chết ấy, thực không phải là số mệnh, chỉ tự mình giết mình mà thôi!

HÀN THI NGOẠI TRUYỆN

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Số mệnh: cái phận hay, dở, may rủi mà giời đã định cho mình.

- Can phạm: đây là làm cái gì động chạm đến người ta.

- Yêu cầu: cậy cục nài ép cho được việc gì.

- Kình địch: không chịu ai, muốn chọi với người ta.

- Lượng: đắn đo mà biết.

- Binh đao: những đồ khí giới như gươm, giáo, súng ống có thể giết chết người.

- Hình pháp: những luật, những tội, người ta đặt ra để bắt buộc và trừng trị những kẻ can phạm.

NHỜI BÀN[sửa]

Xưa nay ta vấn cho khôn ngoan thì chóng già, ngu xuẩn thì sống lâu; là lấy lý rằng: người khôn dùng trí, dùng sức nhiều, thi chóng suy; người ngu, chỉ ăn no ngủ kỹ, không lo lắng gì, thì sống lâu. Nhưng xét một mặt khác, thì trái hẳn lại: khôn thì sống, dại thi mái, khôn ăn người, dại người ăn. Như đức Khổng Tử đáp vua Ai Công đây, chính là ngụ cái ý đó. Ôi! sống chết tuy tại mệnh giời, nhưng thường khi người cũng có phần vào đấy: lắm người chỉ ngu xuẩn, không giữ vệ sinh, không hiểu pháp luật, không biết tự lượng mà thành không đáng chết, cũng phải chết. Chết như thế, cũng là chết uổng nên thương, nên tiếc.

Liên kết đến đây