Chăm sóc thỏ nhà

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thỏ là loài vật nuôi mang lại nhiều niềm vui cho gia đình bạn. Tuy nhiên, chúng cần được quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng giống như chó hoặc mèo. Tuổi thọ trung bình của thỏ là từ 8 đến 12 năm, vì vậy người chủ cần có trách nhiệm lâu dài với chúng.[1] Trước khi nuôi thỏ bạn cần thực hiện một số nguyên tắc và chuẩn bị sẵn mọi thứ. Sau khi đã sẵn sàng, bạn có thể tìm hiểu cách chăm sóc thỏ tại nhà.

Các bước[sửa]

Tìm hiểu Nhu cầu của Thỏ[sửa]

  1. Chuẩn bị chăm sóc thỏ chu đáo. Thỏ là loài thú cưng rất cần nhiều sự quan tâm. Việc nuôi chúng cũng tốn thời gian, tiền bạc và công sức không khác gì chó và mèo. Thỏ cần được cung cấp nước sạch, thức ăn chất lượng cao, hoạt động thể chất giống như chó, và khay vệ sinh. Hơn nữa, chúng cần được chăm sóc hằng ngày.
    • Loài động vật này có đặc điểm riêng và cần sự chăm sóc đặc biệt. Nếu không đủ thời gian và tiền bạc để trông nom chúng thì bạn nên cân nhắc lựa chọn thú cưng khác ít nhu cầu hơn.[2]
  2. Dành thời gian ở bên thỏ cưng. Thỏ cần bầu bạn và phát triển mối quan hệ thân thiết với người chủ, đặc biệt nếu chúng là thú nuôi duy nhất trong nhà. Bạn nên dành ít nhất ba tiếng mỗi ngày giao tiếp với thỏ ở bên ngoài chuồng, nhưng chúng có thể thích ở ngoài lâu hơn. Sắp xếp thời gian chơi đùa với thỏ. Cung cấp một số món đồ chơi mà chúng thích như là ống giấy cứng, danh bạ, và con lăn.
    • Thỏ rất dễ cảm thấy cô đơn và chán chường nếu không được tiếp xúc với con người thường xuyên. Vì vậy bạn nên hi sinh khoảng thời gian mình sao cho phù hợp với nhu cầu của chúng.
    • Nếu không thể ở bên thỏ cưng mỗi ngày với lượng thời gian thích hợp, bạn nên xem xét việc nhận nuôi thêm con thỏ khác. Bạn cần tách chúng ra cho đến khi cho hai con thỏ làm quen để chúng gắn kết với nhau. Thỏ không thích chia sẻ không gian trừ khi chúng thật sự gần gũi đặc biệt.[3]
  3. Tránh âu yếm thỏ quá nhiều. Mặc dù đây là loài vật có vẻ ngoài giống như cục lông tơ đáng yêu, nhưng chúng lại không thích bị vuốt ve và ôm ấp quá mức. Thỏ rất sợ bị ôm chặt, đặc biệt là khi bạn tiến lại gần rồi cố gắng bồng chúng lên. Thỏ là loài bị săn đuổi, cho nên hành động này khiến chúng liên tưởng đến việc bị diều hâu hoặc những con chim khác săn bắt và rồi trở nên sợ hãi.
    • Một số con thỏ có thể chịu được hành động vuốt ve trong thời gian dài, trong khi những con khác chỉ thích vuốt ve trong thời gian ngắn. Đôi khi thỏ vẫn có thể cắn nhẹ khi bạn đã ngừng lại.
    • Mỗi con vật có cách ứng xử khác nhau. Bạn nên hiểu rõ tính cách của thỏ cưng và tìm cách phù hợp để tiếp cận và ẵm chúng.[3]
  4. Lưu ý với trẻ em. Trẻ nhỏ, đặc biệt là những đứa bướng bỉnh, có thể khiến cho thỏ rất sợ. Thỏ sẽ cảm thấy như thể chúng bị thú săn mồi tấn công khi nghe trẻ nhỏ la hét om sòm ở gần đó. Bạn không nên để trẻ con đuổi chạy con thỏ quanh nhà hoặc cố gắng ẵm chúng sau khi bắt được. Thỏ cưng sẽ cảm thấy bị đe dọa và tấn công bất ngờ.
    • Nhiều đứa trẻ không biết dịu dàng và có thể làm đau thỏ trong khi âu yếm chúng. Không nên cho trẻ em từ 5 tuổi trở xuống tiếp xúc với thỏ.[4]

Sẵn sàng Nhận nuôi Thỏ[sửa]

  1. Lựa chọn giống thỏ phù hợp. Việc lựa chọn thỏ nuôi tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Bạn nên cân nhắc giữa giống thỏ cụ thể và giống nòi. Có rất nhiều giống thỏ với sự đang dạng về kích thước và màu lông của như tính cách riêng. Ngoài ra bạn cũng nên xem xét giới tính và độ tuổi xấp xỉ của thỏ.
    • Tiến hành nghiên cứu tất cả giống thỏ nếu bạn không chắc mình nên chọn giống nào.[5]
  2. Tìm địa điểm mua bán thỏ. Bạn có thể mua thỏ ở nhiều nơi khác nhau. Mỗi giống thỏ mà bạn chọn sẽ có những chỗ chuyên bán. Nếu không quan tâm nhiều đến các yếu tố cụ thể, bạn có thể tìm đến trung tâm cứu hộ và chọn một trong số những con thỏ trong đó. Nhiều con thỏ ở đây có lợi thế là đã trưởng thành, trải qua giai đoạn dậy thì mới lớn, và thường đã được triệt sản.
    • Bạn cũng có thể mua thỏ ở cửa hàng vật nuôi. Chất lượng cơ sở có thể dao động, vì thế bạn nên tìm đến cửa hàng chăm sóc thú cưng cẩn thận và đội ngũ nhân viên hiểu biết nhiều.
    • Nếu trong đầu đã định sẵn giống thỏ, bạn có thể đến trại chăn nuôi tìm giống đó. Hơn nữa bạn nên tìm hiểu về giống nòi của thỏ. Những con này cũng hòa đồng hơn khi bạn nhận nuôi, vì chúng đã được tiếp xúc với người chăn nuôi kể từ khi sinh ra.[5]
  3. Tìm bác sĩ thú y phù hợp. Khi nhận nuôi thỏ, bạn cần phải biết rõ người bác sĩ thú y nào có thể chăm sóc cho chúng. Tìm bác sĩ có nhiều kinh nghiệm với thỏ và động vật nhỏ, vì cách thức chăm sóc khác với mèo và chó. Sau đó, khi bạn đã có con thỏ trong tay, mang chúng đi kiểm tra để đảm bảo sức khỏe.
    • Thỏ cũng nên được khám sức khỏe thường xuyên giống như những thú cưng khác.
    • Bước này cũng hỗ trợ bạn khi thỏ gặp sự cố, vì bác sĩ thú y đã quen thuộc với chúng.[6]
  4. Tiếp xúc với thỏ đúng cách. Khi sắp sửa mang thỏ về nhà, bạn cần hướng dẫn người thân trong nhà làm sao để tiếp xúc với chúng. Bước này đặc biệt quan trọng nếu trong nhà có trẻ nhỏ. Bạn cần cho mọi người biết rằng thỏ không thích bị nhấc lên và chỉ dẫn cho họ cách nhấc thỏ lên chính xác.
    • Thỏ có thể kháng cự lại khi chúng cảm thấy sợ hãi. Chúng có khả năng cố gắng chạy trốn khỏi tình huống nguy hiểm. Trong những trường hợp này thỏ có thể bị gãy xương lưng, dẫn đến tình trạng liệt tai hại nếu không được bồng bế đúng cách.[7]
    • Để ẵm thỏ đúng cách, bạn dùng một tay đặt ở phía bên cơ thể rồi vốc chúng lên, tay kia đặt dưới phần mông. Khi nhấc lên, bạn di chuyển con thỏ lại gần thân người của mình để tăng thêm hỗ trợ.
  5. Dọn dẹp đồ đạc trong nhà. Trước khi mang thỏ về nhà, bạn cần loại bỏ những yếu tố có thể gây hại cho chúng khi đang chạy nhảy trong nhà. Thỏ có tật hay nhai dây điện nếu thấy sờ sờ trước mắt. Bạn cần giấu kín toàn bộ dây điện, dây nguồn máy tính, và bất kỳ các loại dây cáp trong nhà. Mua dây cáp hoặc bọc dây hay ống nhựa để dọn sạch dây nhợ.
    • Bạn có thể nối dây cáp phía sau đồ đạc và gắn chặt lên tường tránh xa tầm với của thỏ.[8]
    • Không bao giờ đặt dây cáp hoặc dây điện dưới thảm trải sàn. Hàng động này có thể gây nên sự cố hỏa hoạn.

Mua Vật dụng Phù hợp[sửa]

  1. Mua chuồng lớn. Trước khi mang thỏ về nhà, bạn cần chuẩn bị trước toàn bộ vật dụng cần thiết dành cho chúng. Bằng cách này, khi thỏ về nhà mới, mọi thứ có thể sẵn sàng và chúng làm quen nhanh mà không bị khó chịu. Thứ đầu tiên bạn cần chuẩn bị đó là chuồng thỏ an toàn. Mặc dù thỏ sẽ sinh hoạt bên ngoài khá nhiều, nhưng chúng vẫn nên có ngôi nhà riêng tư tránh khỏi yếu tố phiền nhiễu bên ngoài. Chuồng chỉ nên dành cho thỏ. Đây là nơi mà chúng ngủ mỗi đêm và lui về mỗi khi cảm thấy bực hội hoặc không an toàn.
    • Bạn có thể mua chuồng rộng rãi thoáng mát hoặc thậm chí là chuồng chó. Điều quan trọng là thỏ cảm thấy an tâm khi ở trong ngôi nhà này.[9]
  2. Chuẩn bị lót ổ phù hợp. Mỗi con thỏ có nhu cầu cung cấp chỗ nghỉ ngơi khác nhau. Bạn nên thử nghiệm nhiều vật liệu lót ổ để xem chúng thích loại nào nhất. Vật liệu phổ biến dùng để lót ổ đó là giấy vụn, rơm, và cỏ khô. Bạn không nên dùng vỏ bào gỗ, vì thỏ có thể vô tình hít phải loại vật liệu này.
    • Nếu cần sử dụng vỏ bào gỗ, bạn nên tránh các loại tuyết tùng, thông và vỏ bào có mùi hương khác. [9]
  3. Chuẩn bị khay vệ sinh phù hợp. Vì thỏ sống trong nhà, cho nên chúng sẽ cần đến khay vệ sinh. Không phải con thỏ nào cũng dùng một loại khay cố định. Chúng có thể thích loại có nắp đậy, và có độ cao phù hợp vì có nhiều loại khay quá cao hoặc quá thấp. Bạn nên bắt đầu với khay vệ sinh đủ lớn để có thể nằm thoải mái trong đó.
    • Bạn có thể mua nhiều khay vệ sinh. Điều này sẽ tạo điều kiện cho thỏ chạy nhảy thoải mái quanh nhà mà không phải lo lắng về việc muốn giải quyết nỗi buồn nhưng khay vệ sinh đặt quá xa.
    • Bạn cũng có thể thay đổi loại đất vệ sinh cho phù hợp với thỏ cưng. Thử nghiệm với nhiều loại khác nhau. Một số loại đất phổ biến bao gồm đất vệ sinh dành cho mèo silica, giấy vụn, vỏ bào gỗ ngoại trừ thông hoặc tuyết tùng, rơm, và cỏ khô.
    • Đất vệ sinh không nên bị vón cục và làm từ đất sét. Hai loại này có thể làm tổn hại đến thỏ cưng nếu chúng nuốt hoặc hít phải. [9]
  4. Mua bát đựng thức ăn phù hợp. Thỏ của bạn cần có bát thức ăn riêng. Bát nên làm từ chất liệu nặng như là sành sứ để giữ cố định, vì nhiều con thích úp ngược bát đựng thức ăn của mình.
    • Phần cạnh bát nên đủ cao để thức ăn không rơi ra ngoài nhưng vẫn đủ thấp để thỏ ăn uống thoải mái. [9]
  5. Mua chai hoặc bát đựng nước. Chai nước thường đi kèm với chuồng, nhưng bạn cũng nên chuẩn bị sẵn nhiều cái. Thỏ nên uống nước trong bát theo lẽ tự nhiên, nhưng chúng có thể làm đổ nước, còn chai thì không gặp phải trường hợp như vậy.
    • Thỏ cưng có thể cảm thấy khó chịu với chai nước. Nếu nhận thấy điều này, bạn nên chuyển sang bát đựng nước có khối lượng lớn làm bằng sành sứ.[9]
  6. Chọn thức ăn phù hợp. Thức ăn tốt nhất dành cho thỏ là cỏ tươi và cỏ khô, hai loại dành riêng cho đường tiêu hóa của chúng. Bạn nên cho thỏ ăn càng nhiều cỏ tươi càng tốt. Chỉ bổ sung một lượng nhỏ thức ăn viên (mỗi viên giống hệt nhau) và trái cây rau quả tươi. Một số loại rau quả nên cho thỏ ăn bao gồm súp lơ xanh, cải thìa, ngọn cà rốt, ngọn củ cải, rau mùi, cải xoăn, bắp cải con, cải bắp, cải xanh và các loại rau xanh khác.
    • Không nên cho thỏ ăn quá nhiều thức ăn viên, vì chúng sẽ tăng cân và suy giảm sức khỏe. Ngoài ra cũng không cho thỏ ăn thực phẩm có màu sáng chứa đậu, hạt, và trái cây. Loại này có hàm lượng đường và carbohydrate cao.
    • Nếu không chắc chắn nên cho thỏ ăn loại rau quả gì, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ thú y hoặc người chăn nuôi thỏ tại địa phương để được tư vấn về thực phẩm.
    • Tránh bổ sung vitamin vào bữa ăn của thỏ. Thỏ khỏe mạnh không cần dưỡng chất này.
    • Mặc dù có nhiều quan điểm phổ biến rộng rãi, nhưng việc cho thỏ ăn quá nhiều cà rốt sẽ gây ảnh hưởng không tốt. Chúng thích ăn vặt bằng cà rốt, nhưng bạn không nên cho thỏ cưng ăn cà rốt hằng ngày. Bạn nên cho ăn hàng tuần thì tốt hơn.[10][11]
  7. Cung cấp thú vui tiêu khiển. Cũng như vật nuôi khác, thỏ cần chơi đồ chơi. Bạn có thể mua nhiều loại đồ chơi cho chúng như là đồ chơi gặm nhấm hoặc hang thỏ có không gian di chuyển qua lại. Bạn có thể tự làm đồ chơi cho thú cưng của mình bằng cách đục lỗ trên hộp giấy cứng để thỏ có thể chui qua.
    • Bạn có thể sử dụng nhánh cây Gỗ táo chưa qua xử lý để làm đồ chơi cho thỏ gặm nhấm. Nhánh cây phải sạch sẽ và chưa qua xử lý trước khi bạn cho thú cưng của mình chơi đùa .
    • Nếu chọn loại cây khác, bạn nên đảm bảo rằng chúng không có độc và phơi khô nhánh cây ít nhất sáu tháng trước khi cung cấp cho thỏ. Tuy nhiên, Gỗ táo không cần phải qua công đoạn xử lý này. Bạn chỉ cần làm sạch và giữ nguyên trạng thái của nhánh cây.
    • Bạn nên chọn đồ chơi có nhiều chức năng khác nhau. Mỗi con thỏ thích mỗi kiểu đồ chơi riêng. [9]
  8. Cho thỏ ăn nhiều cỏ khô. Đây được xem là nguyên liệu có nhiều chức năng nhất dành cho những ai nuôi thỏ. Cỏ khô có thể được sử dụng để lót ổ, làm thức ăn, và tạo thú vui giải trí cho thỏ, cũng như được dùng làm đất vệ sinh.
    • Cỏ khô cung cấp chất xơ cần thiết cho quá trình tiêu hóa của thỏ.[12]
    • Cỏ khô cũng tạo điều kiện cho thỏ cưng đào bới. Vật liệu này có tính giải trí cao đối với thỏ, đặc biệt là khi bạn giấu đồ ăn vặt, như là miếng táo hoặc ngũ cốc Cheerio vào bên trong lớp cỏ. Ngoài ra bạn có thể thay thế bằng giấy vụn để cho thỏ đào bới. [9]

Lựa chọn Thỏ Phù hợp[sửa]

  1. Chọn thỏ con. Nếu muốn nuôi thỏ con, bạn cần làm theo một số hướng dẫn nhất định. Trong quá trình lựa chọn, bạn nên quan sát kích thước, màu sắc, tính cách, và sức khỏe của thỏ bố và mẹ để xem thỏ con sau này sẽ phát triển như thế nào. Bạn nên chơi đùa với thỏ bố và mẹ để quan sát hành vi của chúng và có cơ sở dự đoán tính cách của thỏ con.
    • Nếu phát hiện điều gì bất thường, bạn nên hỏi chủ nhân của thỏ bố và mẹ về bản chất và tính cách của chúng. Thỏ có thể hành xử khác với người lạ hoặc vì bạn tiếp cận gần thỏ con.
  2. Lựa chọn thỏ con. Nếu thích vẻ ngoài của thỏ bố và mẹ, bạn sẽ muốn chọn một trong số những đứa con của chúng. Quan sát cách mà chúng phản ứng với bạn. Không nên chọn thỏ con thu mình lại gần sát thỏ mẹ ngay cả khi bạn thấy tội nghiệp, vì chú thỏ con này không thích hợp làm vật nuôi có tính cách hòa đồng. Thay vào đó, bạn nên lựa thỏ con hay chạy nhảy xung quanh và dùng mũi ngửi bạn. Để giúp cho việc lựa chọn dễ dàng hơn, bạn cần kiểm tra sức khỏe của thỏ con. Quan sát các đặc điểm như là:[5]
    • Đôi mắt trong suốt và sáng, không có nước nhầy, vảy cứng, hoặc vật thể lạ bên trong hoặc gần mắt.
    • Đôi tại sạch sẽ, không bị mắc ráy tai và không mùi.
    • Lông sạch, không rối xù và không có mùi lạ.
    • Da không bị nhiễm ve bét, bọ ve, hoặc ký sinh trùng khác.
    • Hậu môn không dính phân cục hoặc có vấn đề ở phần lông xung quanh vì đây có thể là dấu hiệu vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
    • Lanh lợi và phấn kích, không bồn chồn hoặc run rẩy.
    • Không có dấu hiệu đau ốm bên ngoài, như là hắt hơi, chảy nước mũi, rụng lông, hoặc bệnh về răng.
  3. Nhận nuôi thỏ trưởng thành. Thỏ lớn nên được chọn theo cách thức khác hơn so với thỏ con. Bạn có thể đi đến bất kỳ địa điểm nào để tìm vật nuôi. Ở mỗi địa điểm như vậy bạn nên tìm tất cả con thỏ trưởng thành. Kiểm tra xem chúng có vui vẻ và nhanh nhạy hay không. Bạn nên tránh những con nhìn có vẻ khốn khổ và hung hăng. Ngoài ra chúng cũng phải khỏe mạnh hoàn toàn.
    • Các đặc điểm nhận dạng thỏ lớn khỏe mạnh cũng giống như thỏ con. Bạn cần kiểm tra tất cả dấu hiệu sức khỏe bên ngoài, như là mắt, tai, và lông.
    • Trại động vật là địa điểm lý tưởng để chọn thỏ trưởng thành. Thường thì chúng đã được triệt sản. Ngoài ra, bạn đang tạo cơ hội thứ hai cho thỏ có được mái ấm cho riêng mình.[13]
  4. Chọn con thỏ mà bạn thích. Sau khi kiểm tra sức khỏe tổng quát của thỏ, bạn có thể chọn chúng. Bạn không nên quá hấp tấp. Con thỏ mà bạn chọn sẽ ở cùng bạn trong suốt tám năm tiếp theo hoặc hơn, vì thế bạn nên tìm một con thật phù hợp. Bạn có thể chơi đùa với những con mà bạn thích để xem chúng có phải là thú cưng phù hợp. Hơn nữa bạn cũng nên chú ý xem chúng có thích bạn hay không.
    • Bạn cần ghi nhớ rằng thỏ có thể hơi rụt rè và căng thẳng lúc đầu vì chúng chưa quen bạn. Chỉ cần kiểm tra dấu hiệu bản chất và tính hòa đồng khái quát.
    • Sau khi nhắm được một con, bạn nên hỏi một số thông tin trước khi mang chúng về nhà. Nội dung câu hỏi đề cập đến thói quen ăn uống, giống nòi, và tuổi tác của thỏ.[14]

Gắn kết với Thỏ[sửa]

  1. Quan sát thú cưng. Lần đầu khi mang thỏ về nhà, bạn cần theo dõi cách tương tác của chúng đối với môi trường. Xem cách thức thỏ cưng đi vệ sinh, bày tỏ thái độ với người thân trong nhà, đồ chơi, món đồ mà chúng yêu thích hoặc không có hứng thú, và cách mà chúng phản ứng với không gian mà bạn cho chúng ở trong đó.
    • Không nên quá lo lắng về việc thỏ chỉ ngồi ở một góc trong vài phút, sau đó ăn uống, nằm nghỉ khi lần đầu về nhà mới. Bạn không được làm phiền chúng cho dù đang làm gì. Thỏ đang tập thích ứng với môi trường mới.
    • Trong vài ngày đầu, bạn nên cho thỏ ở trong chuồng. Hằng ngày, bạn có thể dành thời gian ngồi bên thỏ cưng và trò chuyện với chúng bằng tông giọng thấp, nhẹ nhàng. [15]
  2. Thả vật cưng ra ngoài. Khi thỏ đã làm quen, bạn có thể cho chúng ra ngoài. Đóng toàn bộ cửa trong phòng đặt chuồng. Nếu không có cửa, bạn nên bịt kín lối đi trong thời điểm này. Sau đó, mở cửa chuồng để thỏ nhảy ra ngoài. Bạn không nên nhấc chúng lên, thay vào đó là mở cửa và cho phép thỏ cưng tự nhảy ra.
    • Bạn có thể ngồi giữa phòng, thực hiện một số hoạt động không gây tiếng ồn như là đọc sách, nghe nhạc nhẹ, hoặc viết lách. [15]
    • Chuẩn bị sẵn rau quả phòng khi thỏ cưng tò mò.
  3. Tạo điều kiện cho thỏ tương tác với bạn. Sau khi thỏ nhảy ra khỏi chuồng, bạn để chúng tự chạy nhảy xung quanh. Không nên ép chúng lại gần và di chuyển quá nhiều. Cuối cùng, thỏ yêu cũng sẽ tiến lại gần người chủ, tò mò về việc bạn đang làm gì cũng như bạn là ai. Khi đó, bạn để chúng tự ngửi mình, rồi cho ăn miếng rau quả to bằng đầu ngón tay cái.
    • Nếu thỏ cưng có vẻ dè chừng, bạn chỉ cần ngồi yên và trò chuyện thỏ thẻ với chúng. Không nên đi lại quá nhanh vì có thể làm thỏ sợ. [15]
  4. Chờ đợi. Nếu con thỏ mất khá nhiều thời gian để tiến lại gần, bạn nên kiên nhẫn chờ đợi hành động của chúng. Trong trường hợp thỏ cưng lại gần và không ăn rau quả, bạn chỉ cần đặt thức ăn xuống và quay trở lại hoạt động của mình. Phớt lờ chúng cho đến khi thỏ lại gần thức ăn. Khi đó, bạn có thể cho chúng ăn tự do.
    • Sau khi thỏ ăn hết miếng đầu tiên, bạn cho chúng ăn tiếp miếng khác. Nếu thỏ lại gần với mục đích ăn thức ăn, thì bạn vẫn cứ ở yên và nói chuyện nhẹ nhàng với chúng.[15]
  5. Âu yếm thỏ. Sau khi thỏ lại gần và ăn thức ăn mà bạn cung cấp, bạn có thể vuốt ve đầu của chúng từ từ sau khi chúng ăn xong. Nếu thỏ cưng vẫn ngồi yên và cuối đầu xuống đất, bạn cứ tiếp tục âu yếm chúng. Khi thấy thỏ ngần ngại hoặc chạy đi, bạn nên ngừng vuốt ve chúng và tiếp tục hoạt động của mình. Bạn nên chờ chúng tiếp cận một lần nữa và thử lại sau. [15]
    • Nếu thỏ cắn bạn, hãy la lên. Hành động này cho chúng biết rằng bạn cảm thấy đau đớn, và nhận ra mình làm tổn thương chủ nhân.
  6. Tiếp tục cố gắng. Nếu đang gặp khó khăn, bạn không nên vội chán nản. Thay đổi luân phiên hành động cho ăn miếng rau nhỏ, vuốt ve, và phớt lờ chúng hoàn toàn. Nếu thỏ tiếp cận, bạn có thể thử cho chúng ăn lần nữa. Khi thỏ dụi đầu vào bạn, thì chúng muốn được quan tâm. Lúc này bạn có thể vuốt ve thỏ cưng nếu chúng làm hành động này.
    • Lặp lại quá trình này trong vài ngày cho đến khi mối quan hệ của bạn và thú cưng đã trở nên thắm thiết hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu muốn nhận nuôi thỏ đực và cái cùng một lúc, bạn nên triệt sản cho chúng. Bạn nên nhớ rằng hành vi gần gũi khi còn nhỏ cũng sẽ khiến chúng giao phối với nhau. Hơn nữa, thỏ cái thường đến thời kỳ động dục khi được năm tháng tuổi. Nếu không triệt sản thỏ đực, chúng sẽ đi giao phối khắp nơi và giao cấu với bất kỳ loài động vật nào.
  • Đưa thỏ đi khám răng một lần một tháng. Răng của chúng có thể mọc sai vị trí và cần nhổ đi. Nếu răng mọc không đều hoặc bạn thấy miệng chúng chảy nhiều nướt bọt hoặc gặp khó khăn trong khi ăn uống, thì bạn cần đưa chúng đi khám bác sĩ thú y.
  • Không để thỏ rơi vào tình trạng sốc nhiệt. Thỏ có bộ lông dày, cho nên chúng sẽ thích nghi tốt ở nhiệt độ mát hơn.
  • Không nên dọa thỏ cưng của bạn, vì chúng có thể bị đau tim gây nên tử vong .

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây