Chăm sóc thỏ sơ sinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn nhận ra hoặc nghi ngờ thỏ cái đang mang thai. Vậy phải làm gì bây giờ đây? Bạn cần biết cách chuẩn bị sẵn sàng cho thỏ và lót ổ đẻ trong thời gian nhạy cảm này, cũng như bảo đảm sức khỏe cho thỏ sơ sinh.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị Đón Thỏ Sơ sinh Chào đời[sửa]

  1. Cho thỏ mẹ ăn uống chất lượng. Chế độ ăn uống của thỏ không thay đổi nhiều trong khi mang thai hoặc cai sữa, nhưng nó vẫn phải cung cấp dinh dưỡng chất lượng cao. Kiểm tra nhãn thức ăn và cung cấp thức ăn bao gồm:[1]
    • 16-18 phần trăm protein
    • 18-22 phần trăm chất xơ
    • 3 phần trăm chất béo hoặc ít hơn
    • Thỏ cái cần được uống nước sạch, vì vậy bạn nên thay nước 2-3 lần mỗi ngày.[1]
    • Bạn có thể bổ sung chế độ ăn uống trong khi thỏ mang thai và cai sữa cho thỏ sơ sinh bằng cách cho chúng ăn cỏ linh lăng khô để cung cấp thêm protein.[2]
  2. Tách thỏ cái ra khỏi thỏ đực. Thông thường thỏ đực không làm hại thỏ sơ sinh. Tuy nhiên, chúng có thể làm cho thỏ cái thụ thai một lần nữa ngay sau khi sinh con, dẫn đến mang thai lần hai trước khi thỏ cái kết thúc cai sữa cho lứa đầu tiên. Để tránh điều này, bạn nên tách hai con thỏ ra xa nhau.[3]
    • Tốt nhất bạn nên cho thỏ đực tiếp xúc đủ gần với thỏ cái ngăn cách bằng chuồng nhốt riêng biệt. Thỏ có xu hướng kết nối chặt chẽ và việc gần gũi với thỏ đực sẽ giúp giảm thiểu căng thẳng không cần thiết trong thời kỳ mang thai và sinh nở.[3]
  3. Chuẩn bị ổ đẻ. Thỏ sơ sinh không có lông và cần sự ấm áp liên tục. Ổ được lót bằng chất liệu mềm sẽ giúp thỏ sơ sinh được ấm áp và tập trung vào một nơi. Ổ đẻ (có thể chọn thùng các tông) nên lớn hơn kích thước thỏ cái với phần mép cao khoảng 3 cm nhằm tránh thỏ sơ sinh rơi ra khỏi ổ.[4]
    • Lót nhiều cỏ (không chứa phân bón hoặc thuốc trừ sâu), rơm rạ, hoặc cỏ khô vào trong ổ cho thỏ nằm nghỉ.[4] Đặt ổ rơm lên khăn sạch không bị sút chỉ vướng vào thỏ sơ sinh.[3]
    • Thỏ cái thường có biểu hiện sắp xếp lại ổ rơm hoặc nhổ lông lót thêm lên ổ, báo hiệu thời điểm sinh nở sắp đến gần.[3]
    • Ổ rơm cần đặt đối diện với khay vệ sinh của thỏ mẹ để tránh gây biến chứng cho thỏ sơ sinh.[5]
    • Bạn cũng nên đặt lồng ở vị trí tối và yên tĩnh. Địa điểm quá ồn ào sẽ khiến cho thỏ mẹ cũng như đàn con cảm thấy căng thẳng.[3]

Chăm sóc Thỏ Sơ sinh[sửa]

  1. Kiểm tra thỏ sơ sinh. Thời gian mang thai của thỏ kéo dài khoảng 31-33 ngày.[6] Thỏ cái không cần trợ giúp trong quá trình sinh nở, thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm.[7] Điều này có nghĩa bạn phải thức dậy vào buổi sáng để xem thỏ con chào đời. Ngay lập tức kiểm tra xem con thỏ nào không còn sống sót sau khi được sinh ra. Bạn cần lấy thức ăn dụ thỏ mẹ ra chỗ khác để tiến gần lại ổ rồi mang thỏ con đã chết ra ngoài.
    • Bạn cũng phải dọn sạch nhau thai trong ổ.
    • Bạn không cần phải ngần ngại khi đụng chạm vào thỏ sơ sinh vì thỏ mẹ sẽ làm quen với mùi của bạn.
  2. Sưởi ấm cho thỏ sơ sinh nếu cần thiết. Nếu thỏ mẹ sinh con bên ngoài ổ rơm, thì bạn phải đặt chúng vào trong hộp. Thỏ sơ sinh thường bị nhiễm lạnh và cần được sưởi ấm. Để thực hiện an toàn, bạn cần đổ nước ấm vào chai rồi đặt dưới khăn và ổ rơm. Không cho thỏ sơ sinh tiếp xúc trực tiếp với chai nước vì nhiệt tỏa ra có thể quá nóng.[5]
  3. Cung cấp đủ thức ăn và nước uống cho thỏ mẹ. Chúng sẽ cần ăn uống liên tục trong khi chăm sóc đàn con mới sinh.[2] Bước này nhằm đảm bảo thỏ cái có đủ sữa cho con bú. Bạn cần cho chúng ăn thức ăn mới hằng ngày và kiểm tra khay nước vì chúng uống nhiều hơn bình thường.
    • Việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thỏ mẹ có tác dụng ngăn ngừa tình huống thỏ cái ăn thịt thỏ con.[7]
  4. Quan sát dấu hiệu cho con bú. Bản năng tự nhiên của thỏ cái đó là đi ra khỏi ổ khá lâu, vì vậy bạn không nên lo lắng nếu thấy thỏ mẹ không cho con bú, vì hiện tượng này chỉ xảy ra một hoặc hai lần một ngày.[3] Thay vào đó, bạn nên quan sát dấu hiệu thỏ mẹ đã cho con bú. Thỏ con sẽ có thân nhiệt ấm và bụng tròn lên.[3] Chúng cũng sẽ im lặng thay vì kêu gào giống như mèo con nếu đã bụng đã no căng.[8]
  5. Liên lạc với bác sĩ thú y ngay lập tức nếu thỏ mẹ không cho con bú. Nếu thỏ con quá yếu (ít phản ứng với tác động), bụng xẹp xuống, và làn da nhăn nheo (do mất nước), thì là do thỏ mẹ không cho bú đúng cách, và bạn nên gặp bác sĩ thú y ngay lập tức.[5]
    • Nếu thỏ mẹ lót ổ rơm, đặc biệt là có hành động nhổ lông, thì chúng đang chú ý đến bản năng làm mẹ của mình. Vấn đề có thể đơn giản khi bác sĩ thú y kê một lượng nhỏ oxytocin để giúp thỏ mẹ tiết sữa.[4]
    • Bạn cũng nên liên hệ với bác sĩ thú y nếu có hơn tám con thỏ sơ sinh được chào đời, vì thỏ mẹ không có khả năng chăm sóc hết. Nếu thỏ cái có hơn tám đứa con hoặc bỏ rơi thỏ sơ sinh và không cho bú, thì bác sĩ thú y sẽ hướng dẫn bạn cách nuôi thỏ sơ sinh. Tuy nhiên, kết quả thường không thành công vì không có công thức sữa nào giống hoàn toàn 100 phần trăm phù hợp với thỏ sơ sinh.[5]
  6. Dọn sạch ổ rơm. Thỏ sơ sinh sẽ bài tiết chất thải ngay trong ổ cho đến khi chúng đủ mạnh để trèo ra ngoài. Vì vậy bạn cần vệ sinh ổ rơm hằng ngày, thay khăn mới lót dưới đáy ổ và trải cỏ sạch.
  7. Áp dụng chế độ ăn uống dành cho thỏ sơ sinh. Thỏ sơ sinh bắt đầu nhấm nháp bột viên sau hai tuần chào đời.[3] Tuy nhiên, chúng vẫn tiếp tục bú sữa mẹ cho đến khi được tám tuần tuổi.[3] Trong thời gian này, thỏ con sẽ giảm tần suất bú sữa và tăng mức hấp thụ bột viên, nhưng điều quan trọng là chúng vẫn tiếp tục bú vì sữa mẹ cung cấp kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.[3] Nếu cai sữa quá sớm, hệ thống miễn dịch của thỏ sơ sinh có thể chưa đủ mạnh để hình thành kháng thể.
    • Bạn nên tránh cho thỏ con ăn cỏ trong vài tháng do biến chứng tiêu hóa tiềm ẩn có thể xảy ra. Bạn có thể cho chúng ăn với lượng ít khi được hai tháng tuổi, nhưng cần ngừng cung cấp ngay lập tức nếu gây ra vấn đề liên quan đường ruột như tiêu chảy ở thỏ con.[9] Bạn có thể cho thỏ con ăn cà rốt, rau diếp, và cải xoăn.[9]
  8. Ẵm thỏ con sau tám tuần chào đời. Cho đến khi được cai sữa, thỏ con rất dễ bị bệnh và vi khuẩn, đặc biệt là E. coli, có thể làm thỏ sơ sinh tử vong chỉ trong vài giờ.[10] Bạn nên rửa tay sạch sẽ mỗi lần tiếp xúc với thỏ sơ sinh cho đến khi chúng cai sữa. Sau đó, bạn có thể ẵm chúng thường xuyên hơn để thuần hóa thỏ trưởng thành sau này.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn không cần lo ngại rằng thỏ mẹ không dành thời gian cho thỏ con. Thỏ không ở bên đàn con suốt ngày như chó mèo, vì trong tự nhiên nó sẽ chú ý vào ổ. Thỏ chỉ vào ổ để cho con bú một hoặc hai lần một ngày.
  • Luôn cố gắng hồi sinh thỏ sơ sinh nếu nó 'chết' hoặc lạnh cóng.
  • Thỏ con khi sinh ra không có lông và đôi mắt nhắm chặt.
  • Số lượng lứa đẻ tùy thuộc vào giống thỏ. (1-12 với giống lớn, và 1-10 với giống nhỏ.)
  • Thỏ sơ sinh không mở mắt trong khoảng 10-12 ngày.
  • Thỏ mẹ không bao giờ di chuyển đàn con, do đó, nếu thỏ sơ sinh rơi khỏi ổ, bạn cần đặt chúng vào lại. Bạn không cần lo lắng vì thỏ mẹ vẫn sẽ tiếp tục chăm sóc con của nó ngay cả khi bạn đụng chạm vào.
  • Thỏ thường mất lứa đầu tiên, vì vậy nếu bạn muốn có thỏ con thì không nên từ bỏ hy vọng! Thỏ mẹ sau khi sinh từ 4-5 lứa thì sẽ có thể thành thạo trong chuyện sinh nở .

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây