Chăm sóc vết trám răng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Trám răng nhằm mục đích phục hồi hình dáng, chức năng và vẻ thẩm mỹ cho răng sâu hay bị hư hại vì lý do nào đó. Sau khi trám răng bạn phải có cách chăm sóc đặc biệt cả trong ngắn hạn và dài hạn. Chăm sóc sức khoẻ răng miệng đúng cách có thể giảm thiểu rủi ro sâu răng và ngăn ngừa tổn hại cho chỗ răng vừa trám.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Chăm sóc răng mới trám[sửa]

  1. Hiểu thời gian cần cho chỗ trám đông cứng. Có nhiều kiểu trám răng và mỗi loại cần có thời gian đông cứng khác nhau. Nếu biết thời gian này bạn sẽ hiểu mình phải chăm sóc đặc biệt cho răng trong bao lâu để tránh làm hỏng chỗ mới trám.
    • Trám bằng vàng, chất liệu amalgam hay composite cần thời gian đông cứng khoảng 24-48 giờ.[1]
    • Trám bằng sứ sẽ đông cứng ngay lập tức với điều kiện phải chiếu sáng bằng đèn LED xanh nha khoa.[2]
    • Chất liệu thủy tinh ionomer có thể đông cứng trong vòng 3 giờ nhưng cần tới 48 giờ để cứng hoàn toàn.[2]
  2. Uống thuốc giảm đau nếu cần. Bạn có thể uống thuốc giảm đau không kê toa trước khi thuốc tê hết tác dụng, và tiếp tục uống thuốc cho đến khi chỗ trám bớt đau. Ngoài giảm đau thuốc còn có tác dụng giảm sưng.[3]
    • Hỏi nha sĩ về uống thuốc giảm đau để hạn chế nhạy cảm hậu phẫu thuật. Tuân theo hướng dẫn trên bao bì hoặc của nha sĩ về uống thuốc giảm đau sau khi trám răng.[4]
    • Thông thường độ nhạy cảm tại chỗ trám sẽ giảm bớt trong vòng một tuần.[4]
  3. Không ăn và uống cho đến khi thuốc tê hết tác dụng. Miệng bạn sẽ còn tê trong vài giờ sau khi trám răng vì bạn phải sử dụng thuốc tê trong quá trình tiến hành thủ thuật. Nếu có thể bạn nên tránh ăn hoặc uống cho đến khi thuốc tê hết tác dụng để không tự làm tổn thương mình.[5]
    • Vì miệng còn tê nên nếu ăn bạn sẽ không cảm nhận được độ nóng của thức ăn, hoặc cắn phải mặt trong má hay lưỡi mà không biết.[4]
    • Nếu thật sự cần phải ăn hay uống bạn nên chọn thức ăn mềm như sữa chua, cháo, với đồ uống chỉ nên uống nước lọc. Cố gắng nhai ở phía bên miệng không có răng trám để chắc chắn không làm hỏng chỗ trám hay cắn phải má.[4]
  4. Tránh đồ ăn và thức uống quá nóng hay quá lạnh. Răng và chỗ trám có thể còn nhạy cảm trong vài ngày sau khi thực hiện thủ thuật. Vì vậy bạn nên tránh đồ ăn và thức uống quá nóng hay quá lạnh để không bị đau, cũng là để tránh làm hỏng chỗ mới trám.[6]
    • Quá nóng hay quá lạnh đều có tác động xấu đến liên kết của chỗ trám. Vật liệu composite thường được dính vào răng khi trám, thời gian tạo kết dính tối thiểu là 24 giờ, do đó bạn nên dùng thực phẩm/thức uống hơi ấm trong thời gian này.
    • Đồ ăn thức uống nóng hay lạnh khiến vật liệu trám giãn nở và co ngót, đặc biệt nghiêm trọng nếu là kim loại. Hiện tượng này làm thay đổi độ bám dính, hình dạng cũng như cường độ của vật liệu, gây ra nứt hoặc rò rỉ ở chỗ trám.[4]
    • Nhớ để nguội những thức ăn nóng như súp hoặc món nướng, đồ uống nóng như cà phê và trà trước khi dùng.
  5. Tránh thức ăn cứng, dai hay dính. Bạn phải tránh các thức ăn này trong vài ngày sau khi trám răng. Kẹo, bánh và rau củ sống có thể gây ra rắc rối, thậm chí kéo bung chỗ trám.[7]
    • Thức ăn cứng có thể làm nứt chỗ trám hoặc nứt cả răng, trong khi thức ăn dính sẽ bám vào bề mặt răng mới trám trong thời gian dài, và khiến răng dễ sâu hơn.
    • Thức ăn bám vào kẽ răng sẽ làm suy yếu chỗ trám và tạo nguy cơ sâu răng cao hơn. Để tránh điều này bạn nên súc miệng sau khi ăn và sử dụng nước súc miệng khử trùng bằng flo sau khi đánh và xỉa răng.
  6. Nhai ở phía miệng đối diện với chỗ trám. Trong một hay hai ngày đầu tiên bạn phải nhai ở phía miệng đối diện với chỗ trám, nhằm đảm bảo cho nó cứng hoàn toàn và tránh hư hại.[5]
  7. Kiểm tra tìm các điểm cao trên chỗ trám. Khi nha sĩ “trám” răng, có khả năng họ cho quá nhiều vật liệu vào vị trí này. Vì vậy bạn thử tìm xem có xuất hiện điểm nhô cao nào không bằng cách cắn nhẹ. Báo cho nha sĩ biết nếu phát hiện một điểm nhô cao để ngăn chặn khả năng nứt hay gây đau sau này.
    • Điểm nhô cao trên chỗ trám có thể khiến bạn không thể đóng miệng hay nhai đúng cách. Chúng cũng gây ra các vấn đề như đau, không thể nhai ở phía miệng có răng trám, nứt vết trám, đau tai hay có tiếng lách cách trong khớp hàm.[4][4]
  8. Liên hệ với nha sĩ khi bạn gặp bất kì vấn đề nào. Bạn phải liên hệ với nha sĩ khi răng, miệng hay chỗ trám có vấn đề, để đảm bảo không có nguyên nhân tiềm ẩn và đề phòng tổn hại thêm cho răng.
    • Để ý những triệu chứng sau và cho nha sĩ biết nếu có hiện tượng:
    • Nhạy cảm ở chiếc răng được trám[7]
    • Nứt vết trám[7]
    • Chỗ trám rơi ra hoặc mẻ một phần[7]
    • Răng hay vết trám đổi màu[7]
    • Nhận thấy vết trám lung lay, và nước có thể thấm qua viền xung quanh nó khi bạn uống nước.[7]

Chăm sóc vết trám mỗi ngày[sửa]

  1. Đánh và xỉa răng mỗi ngày, bao gồm sau mỗi bữa ăn. Thói quen này giúp bạn duy trì sức khỏe răng lợi và vết trám, ngoài ra môi trường răng miệng sạch sẽ cũng hạn chế khả năng phải trám răng sau này, cũng như các vết ố màu khó coi.
    • Nhớ đánh và xỉa răng sau mỗi bữa ăn nếu có thể. Mảng bám trên răng tạo môi trường thuận lợi cho sâu răng phát triển và phá hỏng các vết trám hiện có. Nếu không có sẵn bàn chải đánh răng bạn nên nhai kẹo cao su thay thế.[8]
    • Cà phê, trà và rượu có thể gây xỉn màu vết trám và răng. Nếu dùng những thức uống này bạn nên đánh răng sau đó để giữ khoang miệng sạch sẽ.
    • Hút thuốc lá cũng gây ố vàng răng và vết trám.
  2. Kiểm soát việc tiêu thụ đồ ăn hay thức uống chứa đường và axít. Những thực phẩm này là nguyên nhân góp phần dẫn tới nhu cầu trám răng, và nếu hạn chế tiêu thụ chúng bạn có thể cải thiện sức khỏe răng miệng. Tình trạng sâu răng dễ dàng xảy ra bên dưới vết trám hiện có. Theo thời gian những chỗ trám sẽ từ từ suy yếu và rò rỉ, vì vậy quan trọng là bạn phải duy trì chế độ ăn lành mạnh và vệ sinh tốt nhằm ngăn ngừa sâu răng bên dưới vết trám. Đánh răng sau khi ăn là biện pháp tốt để đề phòng phải trám răng trong tương lai.[5]
    • Nếu không thể đánh răng vì đang ở trường học thì bạn nên súc miệng. Uống nước nhiều hơn, hạn chế ăn vặt và không ăn thức ăn dính.
    • Tập ăn theo chế độ cân đối và lành mạnh, bao gồm protein ít béo, hoa quả, rau và rau đậu, cách ăn này nâng cao sức khỏe tổng quát và cả sức khỏe răng miệng.
    • Một số thực phẩm lành mạnh cũng chứa axít, trong đó có hoa quả họ cam chanh. Bạn vẫn có thể ăn loại hoa quả này nhưng phải hạn chế và nhớ đánh răng sau khi ăn. Cân nhắc pha loãng nước ép của chúng với nước theo tỷ lệ 50/50.
    • Ví dụ về thực phẩm vừa chứa đường vừa chứa axít là nước ngọt, kẹo và rượu. Thức uống thể thao, nước tăng lực và cà phê pha với đường cũng nên hạn chế tiêu thụ.
  3. Sử dụng chất gel chứa flo. Nếu phải trám nhiều chỗ bạn nên yêu cầu nha sĩ kê chất gel hay kem đánh răng chứa flo. Flo giúp bảo vệ răng không sâu và cải thiện sức khỏe răng miệng nói chung.[9]
    • Gel hoặc kem đánh răng chứa flo cũng tăng cường độ cứng men răng, kéo dài tuổi thọ chỗ trám.
  4. Tránh dùng nước súc miệng và kem đánh răng chứa cồn. Những sản phẩm này làm giảm độ bền của vật liệu trám hoặc khiến chúng ố vàng. Sử dụng kem đánh răng hay nước súc miệng có màu không chứa cồn để tránh tình trạng đó.[10]
    • Bạn có thể tìm mua kem đánh răng và nước súc miệng không chứa cồn ở siêu thị, nhà thuốc hoặc mua trực tuyến.
  5. Không nghiến răng. Nhiều người có thói quen nghiến răng vào ban đêm, dẫn đến hư hỏng răng hay chỗ trám. Nếu gặp trường hợp này bạn nên hỏi ý kiến nha sĩ về việc sử dụng miếng bảo vệ răng.[4]
    • Thói quen nghiến răng làm mòn vết trám, gây ra tình trạng nhạy cảm, mẻ hay nứt ở vết trám.[4]
    • Cắn móng tay, mở nắp chai hoặc giữ đồ vật bằng răng cũng là thói quen xấu. Cố gắng tránh các thói quen này để không làm tổn thương răng hay vết trám.
  6. Kiểm tra và vệ sinh răng định kỳ tại phòng khám nha khoa. Đây là một phần không thể thiếu để duy trì sức khỏe răng miệng. Bạn nên kiểm tra răng miệng ít nhất hai lần một năm, hoặc thường xuyên hơn nếu đang có vấn đề ở răng hay vết trám.[5]

Lời khuyên[sửa]

  • Khám răng đều đặn là yếu tố cần thiết để bảo vệ sức khỏe răng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này