Chấm dứt cơn đau vai

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đau vai là hiện tượng phổ biến và xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ giật cơ cho tới trật khớp. Vai dễ bị tổn thương do đây là bộ phận có khớp với phạm vi cử động lớn nhất trong tất cả các khớp trên cơ thể.[1] Hơn nữa, những cơn đau vai đôi lúc cũng bắt nguồn từ các vùng khác trên cơ thể như cổ, lưng giữa hay thậm chí là tim. Trong phần lớn các trường hợp, chỉ cần bạn áp dụng hiểu biết thường thức và một vài phương pháp điều trị đơn giản tại nhà là đủ để chấm dứt cơn đau vai, nhưng trong một vài tình huống khác, điều trị từ chuyên gia y tế là cần thiết.

Các bước[sửa]

Áp dụng Các Phương pháp Điều trị Tại nhà[sửa]

  1. Thư giãn vai của bạn. Thông thường, nhưng không phải trong mọi trường hợp, nguồn gốc gây ra cơn đau vai là việc hoạt động quá sức — nâng những vật quá nặng hoặc nâng những vật nhẹ hơn với tần suất cao. Hãy ngừng vận động mạnh ít nhất trong vài ngày. Khi vấn đề của bạn liên quan tới tính chất công việc, nếu có thể, hãy nói chuyện với sếp để xin chuyển sang một công việc khác. Nếu cơn đau vai phát sinh do tập thể dục, bạn có thể đã tập luyện quá sức hoặc tư thế tập luyện sai — hãy xin tư vấn từ huấn luyện viên của mình.
    • Nằm nghỉ quá nhiều cũng không phải là ý hay khi điều trị chấn thương cơ xương, bởi bạn vẫn cần vận động đôi chút để kích thích tuần hoàn máu và phục hồi. Vì vậy, nghỉ ngơi đôi chút thì tốt, song hoàn toàn không vận động cũng sẽ phản tác dụng.
    • Xem xét lại không gian ngủ của bạn. Đệm quá mềm hoặc gối quá dày cũng có thể khiến bạn bị đau vai. Ngủ trong tư thế nằm ngửa trong vài ngày hoặc vài tuần là cần thiết để vai của bạn không đau thêm.
    • Những cơn đau khớp vai (khác với đau cơ) thường trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm khi bạn ngủ.[2]
  2. Chườm đá vai. Chườm đá là cách điều trị hiệu quả cho phần lớn mọi cơn đau cấp tính — bao gồm đau mỏi cơ và bong gân ở vai — bởi cách thức này sẽ siết các mạch máu (giảm tuần hoàn máu) và làm tê các sợi thần kinh.[3] Liệu pháp nhiệt lạnh nên được áp dụng cho phần mềm nhất ở vai bạn để giảm đau và sưng tấy. Chườm đá từ 10 đến 15 phút mỗi giờ, và giảm tần suất khi vai đã bớt đau và sưng.
    • Ép đá vào vai bằng băng gạc hoặc băng thun y tế sẽ giúp kiểm soát sưng tấy.
    • Luôn luôn bọc đá hoặc túi gel đông lạnh trong khăn mỏng để tránh bỏng lạnh da.
  3. Dùng thuốc mua không cần kê đơn. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen hoặc aspirin là giải pháp ngắn hạn giúp bạn đối phó với cơn đau hoặc sưng tấy ở vai — các loại thuốc trên có thể được tìm thấy ở mọi hiệu thuốc và cửa hàng tạp hóa. Lưu ý rằng những loại thuốc này có thể khiến dạ dày, thận và gan của bạn khó chịu, vì vậy tốt nhất bạn không nên sử dụng chúng liên tục trong hơn 2 tuần và phải dùng thuốc cùng đồ ăn.[4]
    • Trò chuyện với bác sĩ về những vấn đề y tế của bạn và bất kỳ loại thuốc nào bạn đã dùng trước khi sử dụng các loại thuốc trên.
    • Tuân thủ hướng dẫn sử dụng trên vỏ bao bì thuốc hoặc chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng.
    • Để thay thế, bạn cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau không cần kê đơn như acetaminophen (Tylenol và Paracetamol) hoặc thuốc giãn cơ (ví dụ như cyclobenzaprine) để điều trị cơn đau vai, nhưng không được sử dụng chúng cùng NSAID.
  4. Giãn vai nhẹ nhàng. Nếu những cơn đau vai của bạn đơn thuần chỉ nhức nhối mà không đau dữ dội, đau nhói hay đột ngột khi cử động, cũng không phải trật khớp, nhiều khả năng bạn đang bị đau mỏi cơ. Động tác giãn vai nhẹ nhàng sẽ giúp chữa trị đau mỏi cơ vai nhẹ bởi nó làm giảm căng thẳng ở các bó cơ, kích thích tuần hoàn máu và cải thiện sự mềm dẻo của vai.[5] Nhìn chung, hãy giữ cơ vai giãn nở (không được để cơ vai bật lại) trong vòng 30 giây và thực hiện động tác này 3 lần mỗi ngày cho tới khi vai bớt khó chịu.
    • Cố gắng bảo vệ bên vai đang bị đau bằng cách không cử động vai hoặc đeo băng giữ cố định vai sẽ tăng rủi ro viêm dính bao khớp vai hoặc "vai đông cứng," với biểu hiện đặc trưng là tế bào sẹo, chứng cứng khớp vai mãn tính và giảm thiểu phạm vi cử động.
    • Khi đứng hoặc ngồi, hãy vòng một tay quanh thân trước và nắm lấy khuỷu tay còn lại. Nhẹ nhàng kéo giãn phía sau khuỷu tay đó cho tới khi cảm thấy bờ vai cùng bên được căng giãn.
    • Khi đứng hoặc ngồi, hãy vòng tay qua sau lưng về phía xương bả vai và đan hai tay vào nhau (hình trên). Từ từ kéo cánh tay cùng bên với bờ vai bị đau cho tới khi bạn cảm thấy vai được căng giãn đủ.
  5. Tăng cường sức mạnh cho đôi vai. Nếu cơn đau vai của bạn phát sinh do vận động quá sức (đặc biệt khi làm việc), những bài tập tăng thể lực sẽ có lợi cho bạn, với điều kiện bạn phải thực hiện chúng một cách chuẩn xác và an toàn.[6] Khi cơn đau đầu tiên dịu bớt, hãy bắt đầu những bài tập tăng sức mạnh ở vai với cường độ thấp và ảnh hưởng vừa phải trong bài tập thường ngày của bạn. Khi khỏe hơn, những cơ như cơ Đen-ta ở khớp xương vai và chóp xoay sẽ có khả năng chịu đựng căng thẳng và những công việc cần gắng sức, thường là nguyên nhân dẫn tới đau vai, đồng thời giúp giảm thiểu khả năng tái phát cơn đau.
    • Làm việc với huấn luyện viên hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để đảm bảo rằng bạn đang luyện tập chuẩn xác.
    • Đảm bảo rằng các cơ vai của bạn đã được khởi động trước khi luyện tập. Bạn nên tắm nước nóng, dùng nhiệt ẩm, hoặc tập một số bài thể dục mềm dẻo trước khi tập tạ để cơ vai mềm dẻo hơn.
  6. Phân biệt tình trạng cấp tính và mãn tính. Mặc dù việc nghỉ ngơi, chườm đá hay dùng thuốc mua không cần kê đơn có thể có tác dụng đối với những chấn thương vai cấp tính (bất ngờ), những cơn đau vai mãn tính (dài ngày) phát sinh do viêm khớp hoặc tình trạng thoái hóa khác sẽ cần cách tiếp cận khác hơn một chút.[7] Ví dụ, với viêm xương khớp vai không tấy đỏ (viêm nhiễm do hoạt động thông thường), sử dụng nhiệt ẩm vào mỗi sáng sẽ giúp giảm đau, bớt cứng khớp vai và tăng cường cử động vai.
    • Bạn có thể sử dụng túi thảo dược được quay lò vi sóng như nguồn nhiệt ẩm, và thay đổi túi thảo dược này để áp dụng liệu pháp mùi hương (ví dụ như thêm hoa oải hương vào túi) có tính chất thư giãn.
    • Những chất bổ trợ như glucosamine, chondroitin, hoạt chất MSM và các loại dầu cá có thể giúp bôi trơn và lót nệm các khớp xương vai.

Tìm kiếm Cách Điều trị Thay thế[sửa]

  1. Xoa bóp vai. Cơ bị đau mỏi khi những thớ cơ hoạt động quá mức và bị rách, dẫn tới đau, viêm và phản ứng đề kháng nhất định (co thắt cơ nhằm phòng tránh tổn thương hơn). Xoa bóp chuyên sâu sẽ điều trị hiệu quả những cơn đau mỏi nhẹ và trung bình, bởi nó giảm co thắt cơ, chống sưng tấy và giúp người bệnh thư giãn.[8] Bắt đầu với bài xoa bóp 30 phút, tập trung vào vai, cổ dưới và vùng lưng giữa. Hãy để chuyên gia trị liệu xoa bóp sâu nhất có thể khi bạn còn chịu được mà không phải co người lại.
    • Luôn luôn uống thật nhiều nước ngay sau khi xoa bóp để rửa trôi phụ phẩm gây ra do sưng tấy và axit lactic trong cơ thể bạn. Nếu không làm vậy, bạn có thể sẽ cảm thấy đau đầu hoặc buồn nôn nhẹ.
    • Chuyên gia trị liệu có thể áp dụng liệu pháp xoa bóp điểm kích hoạt, tập trung vào vùng có sợi cơ căng do vai bạn bị chấn thương hoặc vận động quá sức.
  2. Cân nhắc châm cứu. Châm cứu là nghệ thuật cổ xưa, người châm cứu sẽ châm kim mỏng vào những điểm năng lượng trong da/cơ để giảm đau và sưng tấy.[9] Châm cứu có thể hiệu quả với những cơn đau vai (xuất phát từ chấn thương hoặc viêm khớp), đặc biệt khi những triệu chứng mới xuất hiện lần đầu. Dựa vào nguyên tắc của các bài thuốc cổ truyền của Trung Quốc, châm cứu giúp giải phóng rất nhiều chất, bao gồm endorphin (chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm xúc tích cực) và chất dẫn truyền thần kinh serotonin, có tác dụng giảm đau.
    • Châm cứu được thực hiện bởi rất nhiều chuyên gia y tế, bao gồm bác sĩ, chuyên gia trị liệu cột sống, chuyên gia chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên, chuyên gia vật lý trị liệu và chuyên gia trị liệu bằng xoa bóp — bất kỳ ai bạn chọn, tại Hoa Kỳ, đều phải được chứng nhận bởi Ủy ban Chứng nhận Quốc gia Châm cứu Đông y.
    • Không phải tất cả mọi điểm được châm cứu giúp giảm nhẹ cơn đau vai sẽ ở gần vùng cơ thể mà bạn cảm thấy đau — nhiều điểm có thể ở những vùng rất xa trên cơ thể bạn.
  3. Gặp chuyên gia trị liệu cột sống. Chuyên gia trị liệu cột sống là những người có chuyên môn về khớp, tập trung xây dựng cử động và chức năng thông thường của cột sống và các khớp ngoại biên như vai.[10] Đau vai không chỉ phát sinh do khớp cánh tay và khớp cùng vai-đòn, mà còn bởi những vấn đề về khớp ở cổ và lưng giữa. Chuyên gia trị liệu cột sống được đào tạo để chẩn đoán những vấn đề về khớp và điều trị chúng (nếu phù hợp) bằng cách nắn khớp bằng tay, cũng được gọi là chỉnh khớp — động tác này thường tạo âm thanh "bốp" hoặc "răng rắc".
    • Mặc dù đôi khi nắn khớp một lần có thể khiến cơn đau của bạn hoàn toàn biến mất, thông thường bạn cần 3 đến 5 lần điều trị như vậy để nhận ra tác động rõ rệt.
    • Nắn khớp bằng tay không phải là ý hay với chứng viêm khớp sưng tấy.
    • Chuyên gia nắn xương, bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu và một vài chuyên gia hành nghề khác cũng áp dụng nắn khớp bằng tay.

Tìm kiếm Cách Điều trị Y tế[sửa]

  1. Gặp bác sĩ của bạn. Nếu cơn đau vai đã trở nên đặc biệt trầm trọng và kéo dài (trong nhiều hơn vài tuần) hoặc khiến cơ thể bạn suy nhược, song những liệu pháp tại nhà không thực sự hiệu quả, hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ. Cơn đau vai của bạn có thể phát sinh do những nguyên nhân nghiêm trọng, ví dụ như đứt gân, thương tổn sụn, trật khớp, gãy rạn xương hoặc viêm khớp sưng tấy.[11] Bác sĩ có thể giới thiệu chuyên gia cho bạn, ví dụ như chuyên gia chấn thương chỉnh hình, chuyên gia thần kinh hoặc chuyên gia phong thấp, để chẩn đoán và xử lý vấn đề ở vai bạn hiệu quả hơn.
    • Chụp X quang, scan xương, cộng hưởng từ, chụp CT và đo dẫn truyền thần kinh là những phương pháp mà các chuyên gia thường sử dụng để chẩn đoán cơn đau vai của bạn.
    • Tùy thuộc vào chẩn đoán, bạn có thể được kê đơn những loại thuốc có tác dụng mạnh hơn (đặc biệt khi cơn đau của bạn xuất phát từ chứng viêm khớp) và/hoặc phải đeo băng cố định vai trong thời gian ngắn, cách điều trị thông thường khi đau mỏi khớp nghiêm trọng hoặc trật khớp. Bác sĩ sẽ thảo luận cùng bạn về kế hoạch điều trị phù hợp với chẩn đoán của bạn.
  2. Tới gặp chuyên gia vật lý trị liệu. Nếu cơn đau ở vai bạn hay tái phát (mãn tính) và không thể xoa dịu bởi bài tập hàng ngày của bạn, bạn cần cân nhắc phục hồi chức năng vai dưới sự hướng dẫn của chuyên gia. Bác sĩ của bạn có thể giới thiệu một chuyên gia vật lý trị liệu, người sẽ hướng dẫn cho bạn những bài tập cụ thể, phù hợp để căng giãn và tăng sức mạnh cho vai nhằm phục hồi chức năng vai.[12] Tần suất vật lý trị liệu thường là 2-3 lần mỗi tuần trong vòng 4-8 tuần để tạo tác động tích cực tới những vấn đề mãn tính ở vai.
    • Nếu cần thiết, chuyên gia vật lý trị liệu có thể điều trị cơ vai đau mỏi của bạn bằng các phương thức như siêu âm trị liệu hoặc kích thích cơ bằng xung điện tử.
    • Những bài tập tăng sức mạnh cho vai bao gồm chống đẩy, kéo xà, bơi và chèo thuyền, nhưng hãy đảm bảo chấn thương của bạn đã được xử lý trước khi luyện tập.
  3. Tiêm cortisone. Cortisone là một hoóc-môn, đôi khi được phân phối như thuốc chữa trị chấn thương và các chứng viêm khớp như thấp khớp và viêm xương khớp. Tiêm thuốc chứa steroid gần hoặc vào vùng cơ, gân hay dây chằng sẽ giúp giảm sưng tấy, cho phép vai bạn cử động bình thường và thoải mái trở lại.[13] Cortisone, so với NSAID, có hiệu quả lâu dài và mạnh mẽ hơn. Các hợp chất thuốc thông thường bao gồm prednisolone, dexamethasone và triamcinolone.
    • Biến chứng của việc tiêm chất chống viêm corticoid bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, yếu gân, teo cơ, kích thích/tổn hại thần kinh và giảm chức năng miễn dịch.
    • Nếu việc tiêm chất chống viêm corticoid không thể giải quyết được vấn đề ở vai bạn, hãy cân nhắc phẫu thuật và thảo luận với bác sĩ.
  4. Cân nhắc phẫu thuật như biện pháp cuối cùng. Phẫu thuật xử lý đau vai mãn tính thường là biện pháp cuối cùng (sau khi đã thử nhiều các cách tiếp cận vừa phải hơn), mặc dù đôi lúc phẫu thuật cần phải được thực hiện ngay lập tức khi vai bạn bị trật khớp hoặc gãy xương do tổn thương nghiêm trọng phát sinh từ tai nạn ô tô hoặc chấn thương khi chơi thể thao.[14]
    • Viêm xương khớp vai có thể dẫn tới hình thành nhánh xương hoặc gây hư hại sụn, được điều trị bằng cách phẫu thuật nội soi khớp.
    • Rách chóp xoay — nhóm gồm bốn cơ xung quanh bao khớp vai — là nguyên nhân thông thường dẫn tới đau và tàn phế vai mà cần điều trị bằng phẫu thuật.[15]
    • Phẫu thuật vai có thể cần sử dụng tới que và ghim kim loại, hoặc một số dụng cụ khác để hỗ trợ cấu trúc vai.
    • Biến chứng có thể phát sinh từ phẫu thuật vai bao gồm nhiễm trùng, dị ứng với thuốc gây mê, tổn hại thần kinh và sưng tấy/đau mãn tính.
    • Chuẩn bị dành thời gian lâu dài sau khi phẫu thuật để phục hồi. Nhiều khả năng bạn sẽ cần căng giãn vai, tập thể dục hoặc điều trị vật lý trị liệu trong quá trình hồi phục.

Lời khuyên[sửa]

  • Ngâm mình trong bồn tắm muối Epsom ấm có thể giảm thiểu mạnh mẽ cơn đau và vùng sưng tấy ở vai bạn, đặc biệt khi cơn đau phát sinh do đau mỏi cơ hoặc viêm xương khớp.[16] Magiê trong muối Epsom giúp thư giãn các cơ.
  • Túi rau củ đông lạnh, ví dụ như đậu hoặc ngô, cũng có thể thay thế túi đá hoặc gel đông lạnh.
  • Tránh mang theo túi không chia đều cân nặng sang hai vai, ví dụ như cặp một quai hoặc túi xách tay. Thay vào đó, hãy sử dụng cặp có bánh xe hoặc ba-lô hai quai đeo vai có lót đệm.
  • Tập thể dục thường xuyên.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]