Chữa đau cổ/2

Từ VLOS
< Chữa đau cổ(đổi hướng từ Chữa Đau Cổ)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn đã bao giờ bị đau cổ mà không có cách nào chữa khỏi? Nếu bạn đã từng đối mặt với vấn đề này thì bài viết này là dành cho bạn! Có nhiều nguyên nhân gây đau cổ, bao gồm tư thế ngủ không thoải mái, bị thương, hay môi trường làm việc được thiết kế thiếu khoa học.

Các bước[sửa]

Điều trị Đau cổ[sửa]

  1. Vận động các cơ một cách từ từ. Từ từ xoay cổ theo chuyển động tròn để giúp làm giãn các cơ bị kích thích. Ban đầu có thể bạn sẽ cảm thấy không quen nhưng động tác này có tác dụng xoa dịu cơn đau rất hiệu quả.

    • Từ từ đưa cổ về trước và ra sau. Dừng động tác này lại nếu bạn cảm thấy đau. Bạn nên tăng dần tần suất chuyển động để cổ linh hoạt hơn.
    • Lắc cổ sang hai bên. Dừng động tác này lại khi thấy cổ đau. Tương tự như lắc trước và sau, bạn nên tăng dần tần suất chuyển động để cổ linh hoạt hơn.
    • Xoay cổ theo hình số 8. Xoay cổ sang hai bên đồng thời lắc về trước và sau. Thực hiện động tác một cách từ từ và dừng lại nếu thấy đau.
  2. Uống các loại thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Những loại thuốc này sẽ giúp giảm đau ở vùng cổ. Tuy nhiên, không được cho trẻ em dưới 18 tuổi uống Aspirin vì Aspirin gây ra hội chứng Reye, gây sưng não bộ nghiêm trọng ở trẻ.
  3. Tắm. Xối nước ấm lên cổ trong ít nhất 4-5 phút. Giữ thẳng cổ và không xoay cổ khi xối nước.
  4. Ngâm trong muối tắm. Muối tắm giúp tăng cường tuần hoàn, giảm căng cơ và giải tỏa căng thẳng. Sử dụng các loại muối tắm khác nhau để tăng hiệu quả giảm đau.
    • Có thể dùng muối Epsom khi tắm nước ấm. Muối Epsom được làm từ magie và sulfate, là phương thuốc trị liệu cho nhiều vấn đề về sức khỏe và giúp thư giãn đầu óc. Magie giúp điều chỉnh hoạt động của nhiều enzyme cũng như tăng cường lượng serotonin trong não.
  5. Đắp túi chườm nóng. Chườm túi chườm nóng lên cổ trong vài phút để kích thích máu ở cổ lưu thông.
  6. Đắp túi chườm lạnh. Chườm túi chườm lạnh hoặc gói một vật nào đó trong tủ lạnh vào khăn tắm và chườm lên vùng cổ bị đau. Phương pháp chườm lạnh giúp giảm đau hiệu quả hơn chườm nóng.
  7. Thoa dầu cù là lên cổ. Dầu cù là có nhiều dạng khác nhau: dạng thảo dược, thuốc Analgesic (giảm đau) hoặc Rubefacient (thúc đẩy tuần hoàn máu). Bạn phải biết chính xác mình đang sử dụng loại dầu cù là nào.
    • Các loại dầu cù là như IcyHot hoặc Namman (dầu thảo dược từ Thái Lan) giúp tạo nhiệt hoặc gia tăng nhiệt trên da. Dầu IcyHot giúp giảm cơn đau bằng cách gây lạnh, sau đó làm nóng để xua tan cơn đau. Massage hoặc thoa bằng các loại dầu cù là tương tự sẽ giúp xua đi cơn đau cổ.
  8. Nếu cơn đau cổ quá nghiêm trọng thì sử dụng nẹp cổ là điều cần thiết. Bạn chỉ nên sử dụng nẹp nếu thấy bất ổn ở cổ và đau dữ dội. Để nẹp cổ tại nhà, hãy cuộn tròn một cái khăn tắm và quấn quanh cổ sao cho phần dưới của hộp sọ nằm kề lên chiếc khăn. Ngồi ở tư thế thoải mái.
    • Nếu cơn đau quá dữ dội, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Nếu như bạn bị tai nạn, đang bị ốm hoặc nghĩ mình bị chấn thương do giật cổ đột ngột, hãy đến gặp bác sĩ để được nẹp cổ y tế đúng cách.
  9. Mát-xa. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện phương pháp mát-xa nếu bị đau cổ kéo dài. Bạn có thể đến spa gần nhất để mát-xa. Mát-xa ở tiệm tuy tốn kém nhưng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
    • Châm cứu có thể giúp điều trị cơn đau cổ mãn tính. Mặc dù vậy, những thử nghiệm trong thập kỷ qua cho thấy châm cứu không mang lại hiệu quả bằng điều trị giả dược.[1] Cả châm cứu và mát-xa đều tạo áp lực mạnh vào trong các cơ, nhưng nếu muốn tạo áp lực mạnh hơn vào các cơ thì phương pháp châm cứu sẽ phù hợp hơn.[1]
    • Hydrotherapy, hay phương pháp điều trị bằng nước cũng rất hiệu quả. [2] Trị liệu bằng nước có thể được thực hiện tại nhà dưới vòi tắm hoa sen và đây cũng được xem là một trong các hình thức mát-xa. Xối nước ấm lên vùng cổ bị đau trong 3-4 phút. Vặn nước sang chế độ lạnh rồi tiếp tục xối lên cổ trong 30 giây đến 1 phút. Lặp lại nhiều lần nếu cần thiết.
    • Mát-xa bằng nhiều loại tinh dầu hoặc cồn xoa bóp. Các tinh dầu như oải hương, trà xanh hoặc dầu sả ngoài việc kích thích khứu giác còn có những đặc tính chữa bệnh. Giống như dầu cù là, cồn xoa bóp mang lại hiệu quả giảm đau bằng cơ chế nóng lạnh.

Ngăn ngừa Đau cổ[sửa]

  1. Ngủ đúng tư thế. Rất nhiều người gặp phải tình trạng trật cổ hoặc bị đau cổ do tư thế ngủ không đúng cách. Những mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn tránh bị trẹo cổ.
    • Đóng cửa trước khi ngủ để giữ ấm. Đặc biệt vào mùa hè, nhiều người có thói quen mở cửa sổ phòng ngủ khi ngủ. Khi mở cửa, nhiêt độ giảm đột ngột về đêm sẽ khiến không khí lạnh tràn vào làm cơ cổ bị cứng lại và chuột rút. Vì vậy, nếu bạn muốn lạnh, hãy bật quạt thay vì mở cửa sổ.
    • Gối đầu khi ngủ, nhưng không nên gối quá cao. Những người có sở thích nằm úp khi ngủ nên sử dụng ít nhất một cái gối để tránh bị trật cổ khi quay đầu 90 độ để lấy không khí.
      • Người nằm ngửa khi ngủ cũng không nên gối quá cao vì điều này sẽ tạo ra góc nhọn, khiến cổ và vai không được thoải mái suốt cả đêm.
    • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau khi làm những việc mà ngày thường không hay làm. Rất nhiều người cho biết họ thường bị đau cổ sau khi làm một việc gì đó khác ngày thường như làm vườn, thực hiện động tác thể dục mới, khuân vác và di chuyển. Nếu bạn đã làm một việc gì đó có thể gây nguy cơ bị trật cổ, hãy massage và thực hiện các động tác khác nhau để giúp cổ linh hoạt hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên tắm nước nóng trước khi đi ngủ.
  2. Hãy đảm bảo rằng nơi làm việc của bạn được sắp xếp một cách khoa học. Nếu phải làm việc hàng giờ tại bàn, bạn phải chắc chắn rằng môi trường làm việc được thiết kế ưu tiên cho sự nghỉ ngơi. Nếu biết sắp xếp thời gian cho việc thư giãn gân cốt, bạn sẽ không bao giờ bị trật cổ.
    • Đặt bàn chân thẳng lên sàn nhà. Điều này thường phụ thuộc vào chiều cao của ghế ngồi. Vì vậy, hãy điều chỉnh chiều cao của ghế cho phù hợp để tránh gây đau cổ.
    • Thay đổi tư thế liên tục. Ngồi nguyên một tư thế quá lâu sẽ không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, hãy thay đổi tư thế bằng cách ngồi thẳng lưng, sau đó đổi sang ngồi ngã ra sau và thỉnh thoảng có thể ngồi dựa lưng.
    • Thỉnh thoảng đứng dậy. Cứ cách một tiếng, hãy đi dạo vòng quanh trong 5 phút. Nhìn lên trời, trò chuyện với đồng nghiêp, ngân nga một giai điệu yêu thích hay làm bất cứ việc gì để đứng lên sau khi ngồi hàng giờ liền.
      • Cân nhắc việc sử dụng bàn làm việc đứng. Bạn nên xem xét việc sử dụng bàn làm việc đứng hoặc bàn làm việc kết hợp với máy chạy bộ.
  3. Ngồi thiền. Hãy cố gắng ngồi thiền, quên đi cuộc sống bận rộn hằng ngày và hướng đến những suy nghĩ nội tâm. Thiền giúp bạn giải tỏa những căng thẳng về cảm xúc, nhờ đó rất hữu ích trong việc phòng tránh đau cổ. Bài tập dưới đây chỉ mất 3 phút và phù hợp với mọi đối tượng.
    • Tập trung nhận thức những gì đang diễn ra xung quanh bạn trong 1 phút. Nhìn nhận suy nghĩ, cảm xúc của bản thân và chiêm nghiệm về chúng.
    • Trong 1 phút tiếp theo, hãy tập trung hít thở. Chú ý xem bộ phận nào trong cơ thể có khả năng cảm nhận hơi thở tốt nhất.
    • Trong 1 phút cuối cùng, hãy chiêm nghiệm về những điều nằm ngoài nhận thức tức thời: từ đầu đến ngón tay, ngón chân, tóc và thậm chí là những gì bên ngoài cơ thể nếu có thể.
  4. Giải tỏa những mệt mỏi và căng thẳng trong cuộc sống. Căng thẳng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bạn, thậm chí là gây đau đớn cho cơ thể. Vì vậy, hãy tìm những phương pháp tự nhiên và lành mạnh để xoa dịu căng thẳng trong cuộc sống:
    • Tập thể dục thường xuyên. Thử bơi lội, chạy bộ, đạp xe, leo núi hay tất cả những môn thể thao khiến bạn hứng thú và cho bạn sức sống. Như vậy, cơ thể sẽ khỏe hơn và đầu óc sẽ thư giãn hơn.
    • Không nên có thói quen tiêu cực. Đừng tự hành hạ chính mình mà hãy nhìn nhận xem chuyện gì đang xảy ra và kiểm soát chúng, đồng thời tìm ra những lý do để yêu thương bản thân mình hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Để ngăn ngừa đau cổ, khi ngủ hãy giữ đầu đúng tư thế. Đau cổ thường xảy ra do ngủ sai tư thế và gối nhiều làm cơ cổ bị căng ra.
  • Nhờ người khác xoa bóp cổ để giúp xua tan cơn đau.
  • Khi sử dụng thiết bị cầm tay, ví dụ như iPhone, bạn nên áp thiết bị ngang tầm mặt và hơi ngửa đầu ra sau vai một chút.
  • Cúi đầu cho cằm chạm vào ngực trong 30 giây để căng cơ cổ.
  • Gối đầu bằng gối có kích cỡ phù hợp khi ngủ.
  • Khi đọc hoặc làm việc trên máy tính, hãy giữ thẳng đầu và hạn chế cúi đầu.
  • Nếu những cách trên đều không có tác dụng, hãy đến khám bác sĩ để biết được bạn đang gặp vấn đề gì.
  • Lăn cổ trên con lăn phục hồi để giảm căng cơ.
  • Uống thuốc NSAID (Thuốc Kháng viêm Không Steroid) như lbuprofen để giảm đau.
  • Tham khảo ý kiến của các chuyên gia như chuyên gia về thần kinh cột sống, nắn xương và vật lý trị liệu.
  • Hạn chế xoay cổ vì xoay quá nhiều sẽ khiến cơn đau nặng thêm.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng khom người khi đọc sách hoặc nhìn các vật nhỏ vì sẽ gây đau cổ và đau lưng.
  • Tránh ngủ ở ghế dài, ghế dựa hay những nơi không thích hợp để thư giãn cổ.
  • Không được lắc hay đẩy cổ vì những động tác này có thể bớt đau lúc đầu, nhưng sau đó sẽ khiến cơn đau nặng thêm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây