Chữa đau tai bằng các liệu pháp tự nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đau tai là một cảm giác rất đau đớn, xuất hiện ở cả tai trong và tai ngoài. Cơn đau có thể buốt, nhói hoặc nhức và âm ỉ. Bạn có thể đau ở một hoặc hai tai, có thể đau trong thời gian ngắn hoặc dài ngày.[1] Trẻ nhỏ thường dễ bị đau tai và nhiễm trùng hơn người lớn vì vòi nhĩ chạy từ cuống họng đến tai giữa của trẻ em nhỏ hơn và không có khả năng điều hòa chất lỏng hoặc áp suất trong tai.[2] Người lớn có thể bị đau tai do các vấn đề khác về sức khỏe. Bạn có thể điều trị một số trường hợp đau tai tại nhà, tuy tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng đòi hỏi phải được bác sĩ chăm sóc.

Các bước[sửa]

Chẩn đoán bệnh[sửa]

  1. Xác định nguyên nhân. Trong khi nguyên nhân gây đau tai phổ biến nhất ở trẻ em là viêm tai, người lớn có thể bị đau tai do một số nguyên nhân khác. Những nguyên nhân gây đau tai phổ biến bao gồm:
    • Viêm tai ngoài - tình trạng viêm, ngứa hoặc nhiễm trùng ở ống tai ngoài do nước đọng lại trong tai sau khi bơi.[3]
    • Viêm tai giữa, nhiễm vi khuẩn hay virus ở tai giữa do chất lỏng tích tụ bên trong màng nhĩ sau khi bị bệnh đường hô hấp trên.
    • Ráy tai tích tụ bên trong tai.[1]
    • Viêm xoang.[1]
    • Viêm khớp hàm.[1]
    • Tổn thương tai do áp suất (thông thường do sự thay đổi cực đoan về độ cao).[1]
    • Thủng màng nhĩ.[1]
    • Hội chứng rối loạn thái dương hàm (TMJ), khi đó các khớp ở cả hai bên đầu bị căng thẳng hoặc tổn thương.[4]
    • Bệnh Ménière, (còn gọi là sũng nước mê nhĩ), là một rối loạn ở tai trong gây ra vấn đề về thính lực và thăng bằng. Các cơn Ménière có thể xảy ra hàng ngày hoặc xảy ra không thường xuyên ở mức một năm một lần.[5]
  2. Để ý dấu hiệu ù tai. Ù tai (tinnitus), là thuật ngữ chỉ tiếng ồn, vo ve trong tai át âm thanh bên ngoài, xảy ra khá phổ biến ở phần lớn bệnh nhân cấp tính. Tuy nhiên tiếng ồn kinh niên kéo dài trong tai có thể là một dấu hiệu của bệnh ù tai. Ù tai khách quan là một tình trạng hiếm gặp, có nguyên nhân từ sự rối loạn mạch máu, căn bệnh về xương tai, hoặc sự co thắt cơ. Bác sĩ có thể quan sát tình trạng ù tai khách quan trong quá trình thăm khám (do vậy mới có tên này). Ù tai chủ quan, hiện tượng thường gặp hơn và chỉ bệnh nhân mới nhận thấy, có thể do tổn thương ở tai ngoài, tai giữa hay tai trong, hoặc tổn thương dây thần kinh thính giác.[6] Đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn bị ù tai sau chấn thương đầu hoặc kèm với các triệu chứng không rõ nguyên nhân như chóng mặt, buồn nôn và nôn. Các nguyên nhân phổ biến của chứng ù tai chủ quan bao gồm:
    • Viêm tai[7]
    • Ráy tai tích tụ hoặc vât lạ chọc vào tai[7]
    • Tổn thương thính lực vĩnh viễn do tiếng ồn lớn[7]
    • Bệnh Ménière[7]
  3. Lưu ý những triệu chứng nghiêm trọng. Nếu hiện tượng đau tai kéo dài quá 10 - 14 ngày, có thể đó là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng hơn, và bạn nên tìm sự hỗ trợ y tế ngay lập tức. Nếu không được chữa trị, tình trạng nhiễm trùng tai kéo dài có thể dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn[8] hoặc tổn thương không thể chữa cho các mô và ống tai hoặc các xương ở đáy sọ.[8] Gọi cấp cứu hoặc đến phòng cấp cứu nếu bạn có biểu hiện:
    • Co giật
    • Giảm ý thức
    • Lú lẫn nghiêm trọng
    • Yếu cơ mặt, mất tiếng hoặc khó nuốt kèm đau tai hoặc tổn thương tai trong
    • Tai chảy dịch hoặc chảy máu
  4. Thực hiện biện pháp đề phòng ở trẻ em. Trẻ em thường bị đau tai và viêm tai, đặc biệt sau khi bị cảm hoặc cúm.[9] Trẻ em viêm tai có thể đau tai (biểu hiện bằng cách khóc hoặc kéo tai), khó ngủ, sốt, chảy dịch tai, nghe kém hoặc khó giữ thăng bằng.[10] Có nhiều biện pháp ngăn chặn viêm tai ở trẻ:
    • Tránh cho trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh đi máy bay nếu trẻ đang bị cảm. Sự thay đổi áp suất có thể làm tăng các triệu chứng và dễ dẫn đến nhiễm trùng.[11]
    • Không dùng tăm bông để làm vệ sinh tai cho trẻ. Tăm bông có thể đẩy ráy tai sâu vào ống tai, và nếu được đẩy quá sâu thì màng nhĩ có thể bị tổn thương nghiêm trọng.[12] Thay vào đó, bạn nên làm vệ sinh tai ngoài bằng khăn ẩm, mềm để lau sạch ráy tai và bụi bẩn.
    • Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh phế cầu khuẩn (PCV13), để ngăn ngừa bệnh phế cầu khuẩn và viêm màng não. Vắc-xin PCV13 đã được kiểm chứng là giúp giảm tình trạng nhiễm trùng tai và máu, và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.[13]
    • Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Việc phơi nhiễm khói thuốc lá có liên quan đến bệnh viêm tai ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.[14]
    • Hạn chế để trẻ tiếp xúc với trẻ bị bệnh. Giữ tay sạch sẽ cho cả bạn và con bạn.[14]
  5. Tham khảo chuyên gia tai mũi họng. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một hoặc hai tuần, hoặc bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng làm việc, lái xe, ăn uống hoặc ngủ, có lẽ bạn cần đến gặp chuyên gia tai mũi họng. Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng có thể chẩn đoán các vấn đề liên quan đến tai, mũi, họng, và có thể thực hiện các thủ thuật thích hợp.[15] Bác sĩ tai mũi họng có thể đề nghị đặt ống tai, một thủ thuật giúp dẫn chất lỏng đọng trong tai giữa ra ngoài.[16] Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc nhỏ tai và các thuốc khác để điều trị nguyên nhân gây đau và khó chịu trong tai.

Làm vệ sinh tai đúng cách[sửa]

  1. Không dùng tăm bông. Tăm bông có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn trong ống tai, và nếu đẩy quá sâu có thể làm thủng hoặc tổn thương màng nhĩ, gây tổn hại thính lực vĩnh viễn. Bác sĩ cũng khuyến cáo không cho bất cứ vật gì vào tai, vì mọi vật lạ đều có thể gây tổn thương.[12]
  2. Dùng dung dịch nhỏ tai để làm sạch tai. Vài giọt dầu khoáng, dầu em bé hoặc dung dịch nhỏ tai không kê toa có thể giúp đánh tan ráy tai. Chờ khoảng 15 đến 30 phút để dầu phát huy tác dụng. Khi ráy tai đã mềm, dùng ống bơm đầu cao su để rót nước ấm vào tai, rửa trôi ráy tai từ trong ra.[17]
    • Bóp đầu ống bơm để đẩy hết không khí ra ngoài.
    • Trong khi tiếp tục bóp đầu ống bơm, nhúng ống bơm vào nước hơi âm ấm. Sau đó thả lỏng tay để hút nước vào. Không dùng nước lạnh vì có thể gây chóng mặt.[17] Không dùng nước nóng vì có thể gây bỏng và làm tổn thương tai trong vốn rất mỏng manh.
    • Nghiêng đầu sao cho tai định rửa hướng xuống dưới.
    • Đưa ống bơm lên tai, vừa đủ chạm vào tai. Không cố đưa ống bơm vào ống tai.
    • Nhẹ nhàng bóp đầu ống bơm để bơm nước ấm vào trong ống tai.
    • Lặp lại nếu cần.[18]
  3. Thổi khô tai. Dùng máy sấy tóc đặt ở chế độ thấp nhất và để cách xa đầu ít nhất 30 cm. Nghiêng đầu qua bên khi thổi gió để nước còn sót lại chảy ra ngoài.[19]
  4. Lên lịch định kỳ đến bác sĩ để làm vệ sinh tai. Nếu bạn thường xuyên gặp các vấn đề về tai hoặc thường bị tái phát các bệnh về tai, có lẽ bạn cần lên lịch làm vệ sinh tai hàng tháng với bác sĩ hoặc chuyên gia tai mũi họng. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của tai và ráy tai, chuyên gia tai mũi họng có thể thực hiện thủ thuật vệ sinh tai chuyên môn như sau:
    • Dùng dung dịch nhỏ tai và ống bơm để làm long ráy tai và rửa tai.[20]
    • Dùng máy hút nhỏ để hút ráy tai.[17] Chỉ người có chuyên môn mới được dùng máy hút ráy tai. Bạn không nên cố thử hút ráy tai tại nhà.
    • Dùng dụng cụ lấy ráy tai gọi là thìa nạo để nhẹ nhàng múc ráy tai ra khỏi tai.[20] Thìa nạo chỉ được sử dụng bởi người có chuyên môn. Không cố thử dùng dụng cụ này tại nhà.

Thay đổi lối sống[sửa]

  1. Tránh các thức ăn gây sưng viêm. Sưng viêm là một phản ứng miễn dịch của cơ thể với mọi dị vật có liên quan đến một số vấn đề về sức khỏe. Bạn có thể ngăn ngừa hoặc giảm sưng viêm bằng cách tránh một số loại tthực phẩm nhất định.[21] Những loại thực phẩm có thể gây sưng viêm gồm:
    • Tinh bột tinh chế
    • Thức ăn chiên rán
    • Nước soda, các loại thức ăn và nước uống khác có thêm đường
    • Thịt đỏ và thịt chế biến
    • Thực phẩm nhiều chất béo như bơ thực vật và mỡ lợn[21]
  2. Duy trì chế độ ăn ít sodium. Bệnh nhân có vấn đề kinh niên về tai, đặc biệt là bệnh Ménière, nên giảm lượng tiêu thụ sodium hàng ngày còn khoảng 1.500 đến 2.000 mg để giảm sưng viêm và giảm áp suất chất lỏng ở tai trong.[22]
  3. Giữ đủ nước cho cơ thể. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể luôn gắn liền với việc duy trì chế độ ăn ít sodium. Các bệnh về tai trong như endolymphatic hydrops (sũng nước nội dịch), một bệnh lý liên quan đến sự thay đổi lượng chất lỏng hoặc áp suất chất lỏng ở tai trong, có thể xảy ra do mất nước và mất cân bằng điện giải.[23]
    • Hầu hết các chuyên gia khuyến nghị uống 8 ly nước, mỗi ly 8 ounce (240 ml) mỗi ngày để cung cấp đủ nước cho cơ thể.[24] Tuy nhiên, tùy vào các yếu tố như môi trường và mức độ hoạt động, bạn cũng có thể uống nhiều hơn.[25]
    • Không uống quá nhiều. Cơ thể có thể bị "quá liều" nước. Việc uống quá nhiều nước sẽ làm loãng lượng muối trong máu, có thể dẫn đến tình trạng hạ natri máu (hyponatremia) nguy hiểm đến tính mạng.[26]
    • Tốt nhất là nên nhấp từng ngụm nước nhỏ trong cả ngày để tránh mất nước một cách an toàn. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng khi cảm thấy khát khô cổ nghĩa là cơ thể có thể đã bị mất nước ở mức độ nào đó.[27]
  4. Nghỉ ngơi. Giấc ngủ giúp cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và chữa lành. Gần đây các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa hiện tượng mất thính lực ở một số bệnh nhân và tình trạng rối loạn giấc ngủ ban đêm do hội chứng ngưng thở khi ngủ.[28] Ngoài ra, hiện tượng ù tai có liên quan đến tình trạng thiếu ngủ. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc ngủ đủ và ngon giấc mỗi đêm.[29]
  5. Bổ sung vitamin. Vitamin C và B cho thấy tác dụng giảm các triệu chứng ù tai,[30] trong khi vitamin E được biết là giúp sửa chữa tế bào. Một số nghiên cứu cho thấy vitamin E thực sự có thể giúp phục hồi thính lực ở các bệnh nhân mất thính lực đột ngột.[31]
    • Bạn có thể thu nạp vitamin C từ các nguồn thực phẩm tự nhiên như hoa quả họ cam quýt, cà chua và các loại quả mọng.
    • Bạn có thể bổ sung vitamin E từ rau bina, bông cải xanh và dầu thực vật.
    • Thử uống thực phẩm bổ sung vitamin mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu hàng ngày được khuyến nghị cho từng loại vitamin.
  6. Bổ sung ma-giê. Nghiên cứu cho thấy ma-giê, một loại khoáng chất có trong rau lá xanh như rau bina và thực phẩm bổ sung không kê toa, có thể giúp bảo vệ hệ thính giác và giảm các triệu chứng ù tai.[32]
    • Liều lượng ma-giê được khuyến nghị hiện nay là 400 mg cho nam giới trưởng thành, 310 mg cho nữ, 350 mg cho phụ nữ mang thai và 310 mg đối với phụ nữ đang cho con bú.[33] Bác sĩ có thể khuyến nghị liều lượng cao hơn hoặc thấp hơn tùy vào độ tuổi hoặc các yếu tố khác liên quan đến sức khỏe. Tham khảo bác sĩ trước khi bắt đầu áp dụng bất cứ chế độ thực phẩm bổ sung nào.
  7. Bổ sung kẽm. Kẽm là một khoáng chất cần thiết có trong nhiều nguồn tự nhiên như hải sản, phô mai, thịt gia cầm và thịt đỏ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung kẽm cho các bệnh nhân thiếu hụt kẽm trầm trọng có thể giúp giảm tình trạng viêm tai giữa, tuy rằng lĩnh vực này vẫn cần được nghiên cứu thêm.[34]
    • Liều lượng kẽm được khuyến nghị hiện nay là 11 mg cho nam giới trưởng thành, 8 mg cho nữ, 11 mg cho phụ nữ mang thai và 12 mg đối với phụ nữ đang cho con bú.[35] Bác sĩ có thể khuyến nghị liều lượng cao hơn hoặc thấp hơn tùy vào độ tuổi hoặc các yếu tố khác liên quan đến sức khỏe. Tham khảo bác sĩ trước khi bắt đầu áp dụng bất cứ chế độ thực phẩm bổ sung nào.

Sử dụng các liệu pháp tại nhà[sửa]

  1. Đắp gạc ấm. Thử dùng khăn ấm, chai nước ấm hoặc túi đựng muối ấm đắp lên tai – tuy nhiên cần đảm bảo vật liệu đắp không quá nóng.[36] Lặp lại nếu cần, giữ yên trên tai vài phút mỗi lần. Liệu pháp này giúp giảm đau nhanh chóng.[37]
  2. Thử dùng tinh dầu trà. Tinh dầu trà đôi khi được các bác sĩ thú y dùng để chữa viêm tai cho chó.[38] Bệnh nhân muốn thử giảm đau tai bằng liệu pháp này nên thận trọng, vì tinh dầu trà có thể gây kích ứng da.[36]
    • Pha loãng tinh dầu trà trước khi nhỏ vào tai. Bạn có thể dùng nước nếu muốn. Tuy nhiên cách chữa phổ biến là pha 3 giọt tinh dầu trà với 2 thìa canh dầu ô liu và 1 thìa cà phê giấm táo. Dùng ống nhỏ giọt để nhỏ hỗn hợp vào tai bị đau.
    • Không dùng tinh dầu trà nếu bạn có đặt ống tai vì có thể gây viêm và kích ứng.[39]
    • Không dùng tinh dầu trà khi mang thai, vì có thể gây biến chứng trong các cơn gò tử cung.[40]
  3. Hỏi dược sĩ về Otikon. Otikon là chất chiết xuất từ thực vật thường được dùng như một chất gây tê nhẹ giúp giảm đau do viêm tai. Tuy nhiên một số loại cây chứa Otikon có các tác dụng ngược. Tốt nhất là bạn nên tham khảo bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi thử dùng liệu pháp này hoặc bất cứ loại thảo mộc nào khác.[36]
  4. Ngáp hoặc nuốt để giúp thông tai. Động tác nuốt và ngáp có thể giúp thông vòi nhĩ, giảm áp lực và giảm đau tai.[41]
    • Thủ thuật Valsalva có thể giúp giảm áp suất trong tai, tuy nhiên bạn không nên dùng thủ thuật này khi bị đau tai. Bịt mũi và thở ra như đang xì mũi. Nếu thực hiện đúng, bạn sẽ nghe tiếng “nổ”.[42]
  5. Nhai kẹo cao su. Nhai kẹo cao su có thể giúp giảm áp suất trong tai, cũng như động tác ngáp và nuốt.[43]
  6. Uống aspirin giúp giảm đau và chống viêm. Chỉ nên dùng aspirin cho người lớn. Aspirin là chất giảm đau và kháng viêm hiệu quả và an toàn.[43] Uống một hoặc hai viên cách mỗi 4 đến 6 tiếng nếu cần. Đọc hướng dẫn trên nhãn thuốc để biết liều lượng an toàn trong thời gian 24 giờ.[44]
    • Không nên cho trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên uống aspirin do sự liên quan đến hội chứng Reye ở trẻ em. Hội chứng Reye hiếm khi xảy ra, nhưng có thể rất nghiêm trọng, gây sưng não và gan.[45] Tham khảo bác sĩ nhi khoa về thuốc giảm đau cho trẻ em.
  7. Nhận biết sự hạn chế của các liệu pháp tự nhiên. Nếu cơn đau vẫn dai dẳng dù đã dùng các phương pháp điều trị tự nhiên, bạn cần phải đến bác sĩ. Bạn cũng nên đi khám càng sớm càng tốt nếu tai bị tiết dịch, mủ hoặc máu.[46]
    • Nếu con bạn bị đau tai và không khỏi trong một ngày, bạn nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa.[46]

Lời khuyên[sửa]

  • Cố gắng tránh đi máy bay vì áp suất trong máy bay có thể gây khó chịu. Tình trạng này cũng xảy ra khi lặn với bình khí.
  • Nếu phải ra ngoài khi đang bị đau tai, bạn nên choàng khăn và đội mũ để bảo vệ tai khỏi gió, hoặc nhét bông vào hai tai.

Cảnh báo[sửa]

  • Cơn đau dữ dội và đột ngột trong tai mà không kèm bệnh cảm hoặc đau họng là bất thường, có thể là dấu hiệu của hiện tượng nhiễm trùng và cần phải đi khám. Nếu tai bị sưng, chảy máu hoặc mủ, chóng mặt, mất thính lực, bạn cần tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003046.htm
  2. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/basics/risk-factors/con-20014260
  3. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/swimmers-ear/basics/definition/con-20014723
  4. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001227.htm
  5. http://umm.edu/health/medical/ency/articles/menieres-disease
  6. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tinnitus/basics/symptoms/con-20021487
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 http://umm.edu/health/medical/ency/articles/tinnitus
  8. 8,0 8,1 http://umm.edu/health/medical/ency/articles/ear-infection-chronic
  9. http://www.nidcd.nih.gov/health/hearing/pages/earinfections.aspx#5
  10. http://www.nidcd.nih.gov/health/hearing/pages/earinfections.aspx#3
  11. http://kidshealth.org/parent/general/eyes/flying_ears.html
  12. 12,0 12,1 http://www.thestar.com/life/health_wellness/2014/04/14/why_you_need_to_stop_cleaning_your_ears_with_cotton_swabs.html
  13. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a610017.html
  14. 14,0 14,1 http://www.nidcd.nih.gov/health/hearing/pages/earinfections.aspx#10
  15. https://www.entnet.org/content/what-otolaryngologist
  16. http://www.mountsinai.org/patient-care/health-library/treatments-and-procedures/myringotomy
  17. 17,0 17,1 17,2 http://www.entnet.org/content/earwax-and-care
  18. http://www.pennmedicine.org/encyclopedia/em_DisplayAnimation.aspx?gcid=000021&ptid=57
  19. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/swimmers-ear/basics/prevention/con-20014723
  20. 20,0 20,1 http://www.wsj.com/articles/SB10000872396390444354004578058513951005712
  21. 21,0 21,1 http://www.health.harvard.edu/staying-healthy/foods-that-fight-inflammation
  22. http://umm.edu/programs/hearing/services/menieres-disease
  23. http://vestibular.org/secondary-endolymphatic-hydrops-seh
  24. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
  25. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256?pg=2
  26. http://www.medicaldaily.com/water-intoxication-just-how-much-h2o-does-it-take-kill-person-312958
  27. http://www.heart.org/HEARTORG/GettingHealthy/PhysicalActivity/FitnessBasics/Staying-Hydrated---Staying-Healthy_UCM_441180_Article.jsp
  28. http://www.reuters.com/article/2012/01/20/us-study-apnea-idUSTRE80J1U420120120
  29. http://www.jacksonearclinic.com/pages/pitinnitus.htm
  30. http://www.ion.ac.uk/information/onarchives/tinnitustrouble
  31. http://news.bbc.co.uk/2/hi/health/3681472.stm
  32. http://www.dailymail.co.uk/health/article-1359265/Daily-pill-stop-ringing-ears.html
  33. http://ods.od.nih.gov/factsheets/Magnesium-HealthProfessional/
  34. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0014065/
  35. http://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/zinc/dosing/hrb-20060638
  36. 36,0 36,1 36,2 http://www.nytimes.com/health/guides/disease/ear-infection-acute/home-remedies.html
  37. http://www.healthguidance.org/entry/2408/1/Home-Remedies-For-Ear-Aches.html
  38. http://www.vcahospitals.com/main/pet-health-information/article/animal-health/tea-tree-oil/578
  39. https://www.zocdoc.com/answers/13511/can-tea-tree-oil-relieve-earache-even-with-ear-tubes
  40. http://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/tea-tree-oil/safety/hrb-20060086
  41. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001064.htm
  42. http://stvincent.dochs.org/our-services/ear-surgery/hearing-disorders/eustachian-tube-problems/http://stvincent.dochs.org/our-services/ear-surgery/hearing-disorders/eustachian-tube-problems/
  43. 43,0 43,1 http://www.healthline.com/symptom/earache
  44. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682878.html#how
  45. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/reyes-syndrome/basics/definition/con-20020083
  46. 46,0 46,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/basics/symptoms/con-20014260