Chữa vết bỏng nắng phồng giộp

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Phần đông chúng ta hầu như ai cũng có lần bị bỏng nắng. Bỏng nắng quả là khó chịu: làn da bị tấy, đỏ và có thể bong nhẹ. Tác nhân độc hại gây bỏng nắng là tia cực tím (tia UV) do phơi nắng, sử dụng giường nhuộm nâu da hoặc những thứ tương tự. Tia UV có thể trực tiếp phá hủy ADN, gây viêm nhiễm và làm chết các tế bào da.[1] Tuy việc phơi mình dưới ánh nắng vừa phải trong thời gian ngắn có thể cho bạn làn da rám nắng tuyệt vời (sự gia tăng sắc tố da giúp bảo vệ cơ thể khỏi tia cực tím), nhưng mọi hình thức tiếp xúc với tia UV là có hại cho mọi loại da, và bạn nên tránh tiếp xúc quá nhiều để ngăn chặn những tổn thương nghiêm trọng, kể cả ung thư da.[2] Làn da bỏng nắng sưng phồng là dấu hiệu da bị tổn thương. Với làn da bỏng nắng phồng giộp, điều cốt yếu là phải có cách điều trị thích hợp.

Các bước[sửa]

Xử lý Tình trạng Bỏng Nắng[sửa]

  1. Tránh ánh nắng mặt trời. Chắc hẳn bạn không muốn làm tổn hại làn da vốn đã mỏng manh của bạn thêm nữa. Nếu buộc phải ra ngoài nắng, bạn hãy bôi toàn thân với kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Tia UV vẫn có thể xuyên qua lớp quần áo ở một mức độ nào đó.[3]
    • Tiếp tục bôi kem chống nắng sau khi các vết phồng giộp đã lành.
    • Đừng để mây và thời tiết lạnh đánh lừa bạn. Tia UV vẫn còn hoạt động mạnh ngay cả khi trời đầy mây, và tuyết có thể phản xạ 80% các tia nắng mặt trời. Khi mặt trời lên là tia UV cũng có mặt.
  2. Giữ nguyên vùng da thương tổn. không bóp vỡ vết phồng giộp. Có thể các vết phồng tự vỡ, nhưng bạn cần phải hết sức bảo vệ chúng để ngăn nhiễm trùng và tổn thương cho các lớp mỏng manh hơn ở bên dưới. Nếu vết phồng bị vỡ, hãy đắp một lớp gạc lên trên để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nếu thấy da có vẻ như đã nhiễm trùng, bạn cần đến bác sĩ da liễu ngay. Một số dấu hiệu cho thấy da có thể đã nhiễm trùng là đỏ, sưng, đau và nóng.[3][4]
    • Tương tự như vậy, bạn đừng bóc lớp da. Vùng da bị bỏng nắng có thể bong ra, nhưng bạn đừng bóc. Cần nhớ rằng vùng da này rất nhạy cảm và dễ bị nhiễm trùng và tổn thương thêm. Bạn hãy để yên đó.
  3. Dùng lô hội. Lô hội có thể là một liệu pháp tự nhiên hiệu quả để chữa bỏng nhẹ như làn da cháy nắng phồng giộp. Lô hội là lựa chọn tốt nhất bởi nó làm mát vết bỏng. Lô hội cũng được cho là giúp giảm đau, bù nước cho vùng da tổn thương và hỗ trợ quá trình chữa lành. Thực vậy, nghiên cứu đã chứng minh rằng lô hội giúp làm lành vết bỏng nhanh hơn (hơn 9 ngày) so với trường hợp không dùng lô hội.[5][4]
    • Tốt nhất là các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên không chứa các chất phụ gia. Gel lô hội không có chất bảo quản có bán tại hầu hết các hiệu thuốc. Nếu có sẵn cây lô hội, bạn có thể bẻ đôi một nhánh lô hội và bôi trực tiếp phần bên trong lên da. Để cho gel lô hội thấm vào da. Lặp lại nhiều lần nếu muốn.
    • Thử dùng đá viên lô hội. Đá viên lôi hội có thể làm dịu đau và chăm sóc da.
    • Không bao giờ nên bôi lô hội lên vết thương hở.
  4. Thử dùng các loại kem làm mềm khác. Các loại kem làm mềm như kem dưỡng ẩm là an toàn khi bôi lên vết phồng giộp. Nó sẽ giúp lớp da bị bong tróc khó thấy hơn, đồng thời giúp làm dịu da. Tránh dùng các loại dưỡng ẩm đặc hơn hoặc dầu khoáng petroleum jelly vì các loại này không để cho da “thở” và thoát nhiệt.[6][3]
    • Một trong các lựa chọn tốt là kem dưỡng ẩm gốc đậu nành. Tìm các thành phần tự nhiên và hữu cơ trên nhãn sản phẩm. Đậu nành là một loại thực vật có khả năng giữ ẩm tự nhiên, giúp vùng da tổn thương duy trì độ ẩm và chữa lành.[4]
    • Cần nhắc lại là không bôi bất cứ thứ gì lên vết thương hở hoặc vết phồng giộp bị vỡ.
    • Bạn có thể đắp gạc lên vết phồng giộp cho đến khi lành nếu muốn.
  5. Đề nghị bác sĩ kê toa kem bôi bạc sulfadiazine 1%. Hỏi bác sĩ về kem bôi bạc sulfadiazine 1%, một hóa chất diệt khuẩn mạnh được dùng trị bỏng độ hai và độ ba. Nói chung, kem này có thể bôi hai lần một ngày. Không ngừng sử dụng cho đến khi bác sĩ bảo ngừng.[7]
    • Loại kem này có tác dụng phụ nghiêm trọng, dù hiếm gặp. Tác dụng phụ có thể bao gồm đau, ngứa hoặc bỏng rát ở vùng da đang được điều trị. Da và niêm mạc (ví dụ như lợi) cũng có thể để lại dấu vết hoặc bị sạm màu. Hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể có, ngưng dùng và gọi bác sĩ nếu xảy ra tác dụng phụ.[8]
  6. Tránh các loại kem và thuốc xịt gây tê. Lý do là các sản phẩm gây tê bôi lên da có thể gây viêm nhiễm.
    • Đặc biệt, tránh lotion và kem có chứa benzocaine hoặc lidocaine. Mặc dù đã từng được dùng rộng rãi, nhưng các sản phẩm này có thể gây những phản ứng dị ứng và kích ứng.[9]
    • Tránh dùng dầu khoáng petroleum jelly (được biết dưới nhãn hiệu Vaseline). Dầu khoáng có thể bít lỗ chân lông và giữ nhiệt bên trong da, ngăn cản quá trình làm lành da tự nhiên.[4]
  7. Uống nước. Những vết bỏng nắng hút chất lỏng đưa lên bề mặt da từ các bộ phận khác của cơ thể. Bạn hãy cố gắng uống nhiều nước (ít nhất 8 cốc nước (mỗi cốc 240 ml) mỗi ngày). Bạn cũng có thể uống nước quả hoặc nước thể thao. Chú ý quan sát những dấu hiệu mất nước như khô miệng, khát, ít đi tiểu, đau đầu và choáng váng.[6][7]
  8. Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt để giúp da mau lành. Những vết bỏng như bỏng nắng bị phồng giộp có thể chữa trị và mau lành hơn nhờ dinh dưỡng tốt, đặc biệt cần tăng các loại thức ăn giàu protein. Lượng protein bổ sung có tác dụng xây dựng các khối nhằm chữa lành mô, cần cho quá trình chữa lành da và tình trạng sưng viêm, đồng thời hạn chế sẹo.
    • Các thực phẩm như gà, gà tây, cá, các sản phẩm sữa và trứng là các nguồn dồi dào protein.
    • Lượng protein nạp vào mỗi ngày lý tưởng là 1,6 – 3 gram protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Dùng các Liệu pháp tại Nhà[sửa]

  1. Dùng giấm táo. Giấm táo có thể giúp chữa lành các vết bỏng nắng nhờ hút nhiệt ra khỏi da và giảm cảm giác đau và bỏng rát. A-xít acetic và a-xít malic trong giấm giúp trung hòa các vết bỏng nắng và thiết lập lại mức pH ở vùng da tổn thương. Điều này ngăn ngừa viêm nhiễm bằng cách tạo môi trường không phù hợp cho các vi sinh vật trên da.[10]
    • Để sử dụng giấm táo, bạn hòa giấm với nước lạnh và dùng khăn mềm nhúng vào dung dịch, sau đó xoa hoặc đắp lên vùng da tổn thương. Giấm cũng có thể xịt trực tiếp lên da.
    • Chỉ nên dùng giấm nếu da không bị trầy xước, nứt, rách, vì giấm bôi lên các vết thương hở có thể gây bỏng rát và kích ứng.
  2. Làm bột nghệ nhão. Nghệ có đặc tính sát trùng và kháng khuẩn, có thể giúp giảm đau và sưng viêm do bỏng nắng và phồng giộp. Sau đây là vài mẹo sử dụng bột nghệ:[11]
    • Trộn bột nghệ với nước hoặc sữa để tạo thành bột nhão. Sau đó đắp lên vết phồng giộp trong khoảng 10 phút trước khi nhẹ nhàng rửa sạch.
    • Trộn bột nghệ, bột lúa mạch và sữa chua để tạo thành bột đặc và đắp lên vùng da tổn thương. Để yên trong khoảng nửa tiếng, sau đó rửa sạch bằng nước lạnh.
  3. Cân nhắc dùng cà chua. Nước cà chua có thể giúp giảm cảm giác bỏng rát, bớt tấy đỏ trên vùng da tổn thương và cái thiện quá trình chữa lành.
    • Trộn 1/4 cup (60 ml) cà chua xay hoặc nước cà chua vào 1/2 cup (120 ml) sữa tách béo. Bôi hỗn hợp lên vùng da bỏng nắng khoảng nửa tiếng, sau đó rửa sạch nhẹ nhàng bằng nước lạnh.
    • Một cách khác, cho 2 cup (480 ml) nước cà chua vào nước tắm và ngâm mình trong bồn tắm khoảng 10 - 15 phút.
    • Để giảm đau nhanh, bạn có thể đắp cà chua tươi nghiền trộn với đá lạnh xay lên vùng da tổn thương.
    • Bạn cũng có thể ăn thêm cà chua. Một nghiên cứu đã cho thấy những người ăn 5 thìa canh cà chua xay giàu chất lycopene trong ba tháng có khả năng chống bỏng nắng nhiều hơn 25%.[12]
  4. Dùng khoai tây để làm mát vùng da bỏng nắng. Khoai tây tươi có thể giúp nhiệt thoát khỏi vùng da bỏng nắng, giúp da mát, bớt đau và mau lành hơn.[10]
    • Khoai tây tươi được rửa sạch, cắt lát và xay thành bột nhão. Bôi trực tiếp lên vết phồng giộp. Để trên da cho đến khi khô, sau đó nhẹ nhàng rửa sạch với nước lạnh.
    • Liệu pháp này có thể thực hiện mỗi ngày cho đến khi vết phồng giộp đã hết và lành lại.
  5. Thử đắp gạc sữa. Sữa tạo một lớp màng protein, làm dịu cảm giác bỏng rát trên da, giúp da mát và dễ chịu.[10][13]
    • Nhúng vải mềm vào nước mát pha sữa tách béo và đắp lên vùng da bỏng nắng trong vài phút.
    • Đảm bảo sữa phải mát mà không lạnh. Lấy sữa ra khỏi tủ lạnh 10 phút trước khi dùng.

Giảm Đau[sửa]

  1. Hiểu rằng việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng. Việc chăm sóc da là để ngăn da tổn thương thêm và giảm đau, nhưng chúng ta không thể làm gì nhiều để đẩy nhanh quá trình chữa lành.
  2. Dùng gạc lạnh để làm mát. Sử dụng nước và gạc lạnh có thể giảm sưng viêm bằng cách làm co các mạch máu và giảm lượng máu lưu thông đến vùng tổn thương.[3]
    • Nhiệt độ mát giúp làm tê các đầu dây thần kinh, nhanh chóng giảm cảm giác đau tại những vùng da bỏng nắng phồng giộp.
    • Bạn cũng có thể dùng gạc nhúng trong dung dịch Burrow (một dung dịch nước và nhôm acetate). Dung dịch Burrow thường bán tại các hiệu thuốc.
  3. Tắm. Ngâm trong bồn nước mát và thư giãn khoảng 10 – 20 phút; điều này có thể giúp vết bỏng nắng bớt đau. Lặp lại nhiều lần tùy ý trong nhiều ngày.
    • Bạn có thể nhúng khăn mặt vào nước lạnh và đắp lên vùng da tổn thương.
    • Không nên ngâm mình trong nước ấm và xà phòng hoặc dầu tắm vì chúng có thể gây kích ứng da và khiến bạn thêm khó chịu.
  4. Tắm nước hơi âm ấm dưới vòi sen. Đảm bảo nhiệt độ nước phải dưới mức ấm. Chú ý dòng nước chảy sao cho thật êm để không làm đau thêm.[14]
    • Nói chung, nếu có thể tránh tắm vòi sen thì bạn nên tránh. Áp lực nước từ vòi sen có thể làm vỡ những vết phồng giộp, gây đau, viêm nhiễm và sẹo.
    • Nhẹ nhàng thấm khô da sau khi tắm. Không dùng khăn chà xát hoặc lau vì như vậy có thể gây kích ứng.
  5. Uống thuốc giảm đau. Nếu vết bỏng nắng bị đau gây khó chịu, bạn có thể uống thuốc giảm đau kháng viêm như ibuprofen, naproxen, hoặc aspirin.[3]
    • Ibuprofen (Advil) là một loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Thuốc này có tác dụng giảm lượng hormone gây đau và sưng viêm trong cơ thể, đồng thời cũng giảm các hormone gây sốt.
    • Aspirin (a-xít acetylsalicylic) là một loại thuốc có tác dụng giảm đau bằng cách ngăn chặn tín hiệu đưa lên não. Aspirin cũng có tác dụng hạ sốt.
    • Acetaminophen (Tylenol) an toàn hơn aspirin khi dùng cho trẻ em bị bỏng nắng. Acetaminophen có nhiều tác dụng giống aspirin.
    • Tham khảo bác sĩ nếu bạn phân vân về cách sử dụng và không biết loại thuốc nào phù hợp với bạn.
  6. Dùng kem cortisone để giảm sưng viêm. Kem cortisone có chứa một lượng tối thiểu steroid, giúp giảm sưng viêm trên da tổn thương bằng cách kiềm chế hoạt động của hệ miễn dịch.[14]
    • Kem cortisone không được khuyên dùng cho trẻ em, vì vậy bạn nên kham khảo bác sĩ để có lựa chọn khác.

Hiểu về Nguy cơ và Triệu chứng của Tình trạng Bỏng Nắng[sửa]

  1. Hiểu về hoạt động của tia UV. Tia UV có thể chia thành ba loại: UVA, UVB và UVC. UVA và UVB là hai loại có thể gây tổn thương da. UVA bao gồm 95% toàn bộ các tia UV, do đó là thủ phạm gây ra cháy nắng và phồng giộp. Tuy nhiên tia UVB lại gây nhiều ban đỏ, hoặc tình trạng tấy đỏ do các mạch máu bị sưng. Ban đỏ bao gồm đỏ do cháy nắng, nhiễm trùng, sưng viêm, hoặc thậm chí cả ửng hồng khi e thẹn.[15]
  2. Hiểu về quá trình phát triển của các vết phồng giộp. Các vết phồng giộp không xuất hiện ngay khi phơi nắng mà chỉ phát triển trong vài ngày sau đó. Các vết phồng giộp do bỏng nắng hình thành khi các mạch máu bị thương tổn, huyết tương và các chất lỏng khác rỉ vào giữa các lớp da, tạo thành một túi chất lỏng. Bạn đừng cho rằng các vết phồng giộp không liên quan đến tình trạng bỏng nắng chỉ vì chúng xuất hiện muộn hơn. Da sáng màu chịu tác động của các tia UV độc hại mạnh hơn so với da sẫm màu, do đó bạn có dễ bị cháy nắng hơn những người khác hay không là tùy vào loại da của bạn.[16]
    • Bỏng độ một gây ra ban đỏ, các mạch máu sẽ giãn ra, khiến da phồng lên và đỏ. Trong trường hợp bỏng độ một, chỉ có lớp ngoài cùng của da bị bỏng. Tuy nhiên, các tế bào tổn thương có thể tiết ra các chất trung gian hóa học có thể làm kích ứng thêm cho da và phá hủy các tế bào tổn thương khác.
    • Trong trường hợp bỏng độ hai, lớp da phía trong và các mạch máu cũng bị tổn thương. Như vậy, các vết phồng giộp là dấu hiệu của bỏng độ hai. Đó là lý do vì sao các vết phồng giộp được coi là nghiêm trọng hơn nhiều so với cháy nắng thông thường.
  3. Đến phòng cấp cứu ngay nếu xuất hiện một số triệu chứng nhất định. Cơ thể có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng do phơi nắng quá lâu, gây ra tình trạng mất nước hoặc kiệt sức do nhiệt. Quan sát những triệu chứng sau đây và gọi cấp cứu ngay lập tức:[16][6]
    • Chóng mặt hoặc choáng váng
    • Mạch nhanh hoặc thở nhanh
    • Buồn nôn, lạnh run hoặc sốt
    • Khát khô cổ
    • Nhạy cảm với ánh sáng
    • Vết phồng giộp chiếm từ 20% diện tích cơ thể trở lên.
  4. Lưu ý nếu bạn có bệnh từ trước. Tham khảo bác sĩ nếu bạn bị viêm da do ánh sáng mạn tính, lupus ban đỏ, herpes đơn dạng hoặc chàm. Tổn thương do ánh nắng mặt trời có thể khiến các bệnh này trầm trọng hơn. Bỏng nắng cũng có thể gây viêm giác mạc.[17]
  5. Chú ý các triệu chứng khi chúng mới xuất hiện. Khi nhận thấy những triệu chứng bỏng nắng đầu tiên, bạn cần tránh khỏi ánh nắng mặt trời ngay lập tức để ngăn ngừa bị phồng giộp. Các triệu chứng này bao gồm:[18]
    • Da đỏ lên, sờ vào thấy mềm và ấm. Tia cực tím của mặt trời làm chết các tế bào biểu bì (lớp ngoài cùng của da). Khi cơ thể phát hiện ra các tế bào chết, hệ miễn dịch bắt đầu phản ứng bằng cách tăng lưu lượng máu đến vùng tổn thương và mở các thành mao mạch, cho phép các tế bào bạch cầu đi vào và loại bỏ các tế bào bị tổn thương. Lưu lượng máu tăng khiến da ấm và đỏ.
    • Đau như có kim châm ở vùng tổn thương. Các tế bào bị phá hủy ở vùng da tổn thương kích thích các thụ thể đau bằng cách tiết ra hóa chất và gửi tín hiệu lên não khiến bạn cảm thấy đau.
  6. Để ý các vết phồng giộp gây ngứa. Các vết phồng này có thể xuất hiện vài giờ hoặc vài ngày sau khi tiếp xúc với nắng. Lớp biểu bì có các sợi thần kinh đặc biệt dẫn truyền cảm giác ngứa. Khi lớp biểu bì bị phá hủy vì phơi dưới nắng quá lâu, các sợi thần kinh này kích thích cảm giác ngứa ở vùng bị thương tổn.[18]
    • Ngoài ra, cơ thể cũng đưa chất lỏng tới lấp đầy các khe hở và vết rách ở vùng da tổn thương để bảo vệ da, tạo nên các vết phồng giộp.
  7. Kiểm tra tình trạng sốt. Khi hệ miễn dịch phát hiện ra các tế bào chết và các dị vật khác, chất pyrogen (chất gây sốt) sẽ được tiết ra và di chuyển đến vùng dưới đồi, một phần của não có chức năng điều khiển thân nhiệt. Chất pyrogen kết hợp với các thụ thể đau ở vùng dưới đồi và nhiệt độ cơ thể bắt đầu tăng lên.[18]
    • Bạn có thể đo thân nhiệt bằng loại nhiệt kế thông dụng có bán ở các hiệu thuốc.
  8. Quan sát lớp da bị bong. Các tế bào chết ở vùng da bỏng nắng sẽ bong ra để thay thế bằng các tế bào da mới.[18]

Ngăn ngừa Bỏng Nắng[sửa]

  1. Tránh ánh nắng mặt trời. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, và tất nhiên là tránh bị bỏng nắng ngay từ đầu là cách tốt nhất để duy trì một làn da khỏe mạnh.[19]
    • Tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời quá lâu. Cố gắng ở nơi có bóng mát như dưới mái che ban công, dù hoặc tán cây.
  2. Thoa kem chống nắng. Viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến nghị nên dùng loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên với chất chống nắng phổ rộng chống tia UVA và UVB. Cả hai loại bức xạ tia cực tím này đều có thể gây ung thư. Nhiều bác sĩ giới thiệu các hướng dẫn này cho bệnh nhân. Lưu ý rằng trẻ nhỏ có làn da rất mỏng manh và cần phải thoa kem chống nắng toàn thân (chỉ cho trẻ trên 6 tháng tuổi). Bạn có thể mua cả hai loại kem chống nắng dành cho em bé hoặc loại an toàn cho trẻ em.[20]
    • Quan trọng là phải thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài 30 phút. Chú ý thường xuyên thoa lại kem chống nắng. Nguyên tắc tốt nhất là thoa 30 ml kem chống nắng lên toàn thân sau mỗi ba tiếng, hoặc sau bất cứ hoạt động nào khiến da bị ướt (ví dụ sau khi bơi).[3]
    • Đừng để thời tiết lạnh đánh lừa bạn. Tia UV vẫn có thể xuyên qua những đám mây, và tuyết phản chiếu lại 80% tia cực tím.
    • Đặc biệt lưu ý nếu bạn sống ở vùng xích đạo hoặc ở những vùng cao. Ở những nơi đó tia UV hoạt động mạnh hơn nhiều do suy giảm tầng ozone.
  3. Cẩn thận khi ở trong nước. Không những nước làm giảm tác dụng của kem chống nắng, mà nói chung da ướt cũng dễ bị tổn hại do tia UV hơn da khô. Nên dùng kem chống nắng không thấm nước khi đi biển hoặc đi bơi, hay khi tập nặng ngoài trời.[4]
    • Khi bơi hoặc ra nhiều mồ hôi, bạn cần thoa kem chống nắng thường xuyên hơn.
  4. Mặc trang phục bảo vệ. Đội mũ rộng vành, mũ lưỡi trai, kính râm, và bất cứ thứ gì có thể che nắng mà bạn nghĩ ra được. Bạn còn có thể mua loại trang phục chống tia UV.[4]
  5. Tránh ra ngoài nắng vào một số thời gian nhất định trong ngày. Cố gắng tránh ra ngoài trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều khi mặt trời lên cao nhất. Khoảng thời gian này mặt trời chiếu trực tiếp nhất, và do đó tia UV có hại nhất.[19]
    • Nếu không thể hoàn toàn tránh nắng, bạn nên hạn chế bất cứ khi nào có thể.
  6. Uống nước. Uống nước là một yếu tố quan trọng để bù lại chất lỏng và chống tình trạng mất nước, một hậu quả nghiêm trọng thường gặp khi phơi nắng quá lâu.[4]
    • Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể và uống nước thường xuyên khi ra ngoài trời dưới nắng nóng gay gắt.
    • Đừng chỉ uống nước khi khát. Bạn cần cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết để giúp cơ thể khỏe mạnh trước khi xuất hiện các vấn đề về sức khỏe.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn còn phân vân về cách phòng ngừa và điều trị bỏng nắng, hãy tham khảo bác sĩ. Luôn nhớ câu “cẩn tắc vô ưu”, và bác sĩ có thể giúp bạn tránh hậu quả của các tình trạng nguy hiểm như kiệt sức do nhiệt.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Matsumura Y, Ananthaswamy HN. Toxic effects of ultraviolet radiation on the skin. Toxicol Appl Pharmacol. 2004 Mar 15. 195(3):298-308.
  2. Narbutt J, Lesiak A, Sysa-Jedrzejowska A, Boncela J, Wozniacka A, Norval M. Repeated exposures of humans to low doses of solar simulated radiation lead to limited photoadaptation and photoprotection against UVB-induced erythema and cytokine mRNA up-regulation. J Dermatol Sci. 2007 Mar. 45(3):210-2.
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 3,5 http://kidshealth.org/teen/safety/first_aid/sunburn.html
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 4,4 4,5 4,6 https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/for-kids/about-skin/skin-cancer/treating-sunburn
  5. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/aloe
  6. 6,0 6,1 6,2 http://www.skincancer.org/prevention/sunburn/five-ways-to-treat-a-sunburn
  7. 7,0 7,1 http://www.clinicaladvisor.com/advisor-forum/silvadene-cream-for-sunburn/article/117108/
  8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19349889
  9. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sunburn/basics/lifestyle-home-remedies/con-20031065
  10. 10,0 10,1 10,2 http://everydayroots.com/sunburn-remedies
  11. http://www.turmericforhealth.com/turmeric-benefits/turmeric-benefits-for-burns
  12. http://www.prevention.com/beauty/skin-care/13-sunburn-remedies-are-natural
  13. http://www.prevention.com/beauty/skin-care/13-sunburn-remedies-are-natural/fat-free-milk
  14. 14,0 14,1 http://sunburntreatmenthq.com/how-to-simply-treat-a-sunburn-through-effective-sunburn-treatment/
  15. http://www.skincancer.org/prevention/uva-and-uvb/understanding-uva-and-uvb
  16. 16,0 16,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003227.htm
  17. http://emedicine.medscape.com/article/799025-overview
  18. 18,0 18,1 18,2 18,3 http://emedicine.medscape.com/article/773203-clinical
  19. 19,0 19,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sunburn/basics/prevention/con-20031065
  20. http://how2med.com/wild-weekend-planned-how-to-prevent-and-treat-a-scalding-summer-sunburn/

Liên kết đến đây