Chữa buồn nôn không cần dùng thuốc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Buồn nôn là triệu chứng thường gặp do nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm thai nghén, cảm cúm, viêm ruột thừa và thậm chí là tình trạng căng thẳng. Trước khi tìm cách giảm cơn buồn nôn, bạn cần xem xét các triệu chứng khác để xác định xem có cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế không. Nói chung, nếu cơn buồn nôn kéo dài hơn 24 tiếng và đi kèm nôn mửa, sốt hoặc các triệu chứng khác, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế để xác định nguyên nhân và được điều trị. Nếu bị buồn nôn nhẹ, bạn có thể dùng nhiều nguyên liệu tại nhà, bao gồm trà thảo mộc, ăn thức ăn nhạt và bấm huyệt để giảm buồn nôn.

Các bước[sửa]

Uống nước giúp xoa dịu cơn buồn nôn[sửa]

  1. Uống nhiều nước. Mất nước có thể gây buồn nôn nên việc bổ sung đủ nước là rất cần thiết. Bạn nên uống nước nguội hoặc trà thảo mộc ấm để xoa dịu cơn buồn nôn. Tránh uống nước quá lạnh hoặc quá nóng. Uống từng ngụm nhỏ trong suốt cả ngày thay vì uống hết một hơi. Nếu không thể ăn do quá buồn nôn, bạn có thể ăn các loại nước dùng như nước hầm rau củ, nước dùng gà, nước dùng bò để vừa bổ sung thêm dưỡng chất.
    • Đối với trẻ nhỏ, bạn nên gọi điện hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung nước. Bác sĩ có thể khuyến nghị các thức uống như Pedialyte, Rehydrate, Resol và Rice-Lyte vì trẻ nhỏ dễ bị mất nước, đặc biệt là nếu trẻ nôn mửa.[1]
    • Người trưởng thành có thể uống nước Gatorade để bù các chất điện giải thiết yếu.
  2. Uống một tách trà gừng. Từ lâu, gừng đã được dùng để điều trị cơn buồn nôn do hóa trị và phẫu thuật. Trà gừng cũng an toàn khi dùng cho phụ nữ mang thai. Nếu muốn uống trà gừng để giảm buồn nôn trong thai kỳ, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa và chỉ nên uống 1-2 cốc mỗi ngày. Hầu hết người trưởng thành có thể uống tối đa 4-6 cốc trà gừng mỗi ngày.
    • Để pha trà gừng từ gừng tươi, bạn nạo vỏ và cắt nhỏ 1/2-1 thìa cà phê gừng tươi. Sau đó, đổ nước sôi vào cốc đựng gừng rồi cho thêm chanh và/hoặc mật ong để tăng thêm mùi vị.
    • Nếu không thích vị trà gừng, bạn có thể uống thực phẩm chức năng chứa gừng. Liều khuyến nghị là 250-1000 mg, uống 4 lần mỗi ngày. [2]
  3. Uống một tách trà bạc hà. Pha trà bạc hà bằng cách cho 1/2-1 thìa cà phê lá bạc hà khô vào nước nóng. Hoặc bạn có thể mua trà dạng gói có bán ở các cửa hàng. Cho thêm chanh và/hoặc mật ong để tăng hương vị. Trà bạc hà “tương đối an toàn” đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Nên nhớ luôn hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa và chỉ nên uống 1-2 cốc mỗi ngày.
    • Thử cho 1/4 thìa cà phê hạt Caraway vào trà để giúp xoa dịu dạ dày.
    • Bạc hà còn có thể dùng để điều trị Bệnh Trào ngược Dạ dày-Thực quản (GERD) và Chứng Khó tiêu Chức năng.
  4. Pha trà hạt thìa là. Cách chuẩn bị trà hạt thìa là có hơi khác một chút. Cho 1/2-1 thìa cà phê hạt thìa là vào 180-240 ml nước lạnh trong nồi. Từ từ đun nóng, đồng thời khuấy đều. Đun sôi khoảng 5 phút. Sau đó, đổ trà qua dụng cụ lọc và chờ trà nguội. Cho thêm chanh và/hoặc mật ong để tăng mùi vị.
    • Hạt thìa là có tác dụng của estrogen nhẹ nên chưa rõ có an toàn cho phụ nữ mang thai không. Nếu đang mang thai, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng trà hạt thìa là.
  5. Uống trà hoa cúc La Mã. Trà hoa cúc từ lâu đã được dùng để chữa buồn nôn và đau bụng. Bạn có thể tìm mua trà hoa cúc ở hầu hết các cửa hàng. Trà hoa cúc an toàn cho trẻ nhỏ nhưng nên pha loãng hơn. Phụ nữ mang thai không được uống trà hoa cúc vì trà có chứa các phytoestrogen (estrogen từ thực vật). [3]
    • Không uống trà hoa cúc khi đang uống thuốc chống đông máu vì trà có thể tương tác với thuốc.[4]
  6. Ủ trà thanh quế. Cách pha trà quế tương tự với cách pha trà hạt thìa là. Cho 1/2 que quế hoặc 1/2 thìa cà phê bột quế vào 180-240 ml nước lạnh trong nồi. Đun sôi từ từ, đồng thời khuấy đều. Đun khoảng 5 phút rồi đổ trà qua dụng cụ lọc. Chờ trà nguội trước khi uống.
    • Phụ nữ mang thai không được uống trà quế.

Thay đổi chế độ ăn[sửa]

  1. Ăn thức ăn nhạt và áp dụng chế độ ăn BRAT. Chế độ ăn BRAT bao gồm Banana (Chuối), Rice (Cơm), Applesauce (Sốt táo) và Toast (Bánh mì khô). Mặc dù không gây nặng bụng nhưng chế độ ăn này có thể quá khắc nghiệt và không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.[5] Chế độ ăn BRAT là một khởi đầu phù hợp, nhưng bạn nên kết hợp thêm các thức ăn nhạt khác như bánh quy mặn, bánh gạo hoặc bánh quy mè, gạo lứt, bánh mì nướng từ ngũ cốc nguyên hạt, thịt gà không da. Không thêm bất cứ gia vị nào vào thức ăn.[6][1]
    • Tránh xa thức ăn cay khi đang buồn nôn.
  2. Ăn một lượng nhỏ thức ăn trong suốt cả ngày. Cách này giúp giảm cảm giác buồn nôn. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu một ngày với bữa ăn gồm 1/2 quả chuối và 1/2 miếng bánh mì ngũ cốc nguyên hạt. Bữa trưa, bạn có thể ăn một chút nước hầm và bánh quy. Bữa nhẹ có thể là một chút sốt táo. Cuối cùng là món thịt gà luộc và cơm cho bữa tối.
  3. Áp dụng chế độ ăn ít muối (natri). Muối có thể làm tăng cảm giác buồn nôn nên bạn cần áp dụng chế độ ăn ít muối. Không cho muối vào thức ăn và tránh các món ăn nhiều muối. Đọc kỹ nhãn thực phẩm và không tiêu thụ quá 1500 mg muối mỗi ngày. [6][1]
  4. Chọn thức ăn ít chất béo. Thức ăn nhiều chất béo cũng gây buồn nôn nên bạn cần chọn thực phẩm ít béo, ví dụ như thịt nạc, sữa ít béo, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt không được xử lý cùng dầu hoặc bơ. Thức ăn nhiều chất béo bao gồm đồ chiên, thịt có da và mỡ, thịt cừu, dầu ăn, bơ, bánh ngọt và hầu hết thức ăn nhanh.[6][1]
  5. Tránh xa những thực phẩm có thể gây buồn nôn. Nhiều trường hợp có thể bị buồn nôn nặng hơn khi ăn một số loại thực phẩm. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tránh tiêu thụ những thực phẩm này khi đang buồn nôn. Theo dõi những thực phẩm khiến bạn thấy buồn nôn và tránh tiêu thụ. Một số thực phẩm có thể gây buồn nôn bao gồm:  [6][1]
    • Cà chua
    • Thức ăn có tính axit (như nước ép cam và dưa chua)
    • Sôcôla
    • Kem
    • Trứng

Áp dụng các phương pháp khác[sửa]

  1. Áp dụng liệu pháp mùi phương. Liệu pháp mùi hương sử dụng tinh dầu của nhiều loại thảo mộc để tạo hương thơm có tác dụng xoa dịu. Nhỏ một giọt tinh dầu bạc hà, tinh dầu oải hương hoặc tinh dầu chanh vào cổ tay và thái dương, sau đó hít vào thật sâu.
    • Cần đảm bảo da không nhạy cảm với tinh dầu bằng cách nhỏ một giọt tinh dầu lên cổ tay. Nếu da nhạy cảm, bạn sẽ bị phát ban, da đỏ hoặc ngứa. Trong trường hợp đó, bạn nên thử loại tinh dầu khác hoặc áp dụng phương pháp khác để chữa buồn nôn. [7]
  2. Thử phương pháp châm cứu hoặc bấm huyệt. Trong Y học Cổ truyền Trung Hoa, cơ thể được xem là một hệ bao gồm các kinh tuyến năng lượng chảy xuyên suốt. Châm kim (trong phương pháp châm cứu) hoặc tạo áp lực (trong phương pháp bấm huyệt) vào các huyệt nhất định dọc theo dòng kinh tuyến này có thể giúp tái thiết lập cân bằng năng lượng và giảm cơn buồn nôn.
    • Thử bấm huyệt “P6”, “Neiguan” hay “nội quan”. Huyệt này rộng khoảng 2 ngón tay, nằm dưới nếp gấp cổ tay. Đầu tiên, hướng lòng bàn tay về phía cạn. Tìm 2 dây chằng quanh điểm chính giữa của khu vực trên cổ tay. Dùng ngón trỏ và ngón cái của tay còn lại ấn nhẹ nhưng thật chắc lên huyệt này khoảng 10-20 giây. Lặp lại quy trình bấm huyết ở tay còn lại.[8]
  3. Thực hiện bài tập thở. Trường Đại học Connecticut (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu chỉ ra rằng bài tập thở sâu, có kiểm soát có thể giúp giảm buồn nôn.[9] Các nghiên cứu khác cho thấy hít thở sâu có thể giúp kiểm soát cơn buồn nôn sau phẫu thuật. [10] Bạn có thể áp dụng thử bài tập sau từ trường Đại học Missouri tại thành phố Kansas (Mỹ):
    • Nằm ngửa, đặt gối dưới đầu gối và cổ để cảm thấy thoải mái.
    • Đặt bàn tay (lòng bàn tay úp xuống) lên bụng, ngay phía dưới khung xương sườn. Đặt bàn tay lên bụng, ngón tay lồng vào nhau. Bằng cách này, bạn có thể cảm nhận ngón tay đang rời nhau ra khi bạn hít vào và giúp bạn biết rằng mình đang thực hiện bài tập đúng cách.
    • Hít vào một hơi thật sâu, thật chậm bằng cách mở rộng bụng. Bước này giúp bạn dùng cơ hoành để hít vào thay vì dùng xương sườn. Thay vì mở rộng khung lồng ngực, hít vào bằng cơ hoành sẽ tạo ra lực hút kéo thêm không khí vào phổi.
  4. Đảm bảo môi trường không có tác nhân kích thích. Một số tác nhân kích thích từ môi trường có thể gây buồn nôn, bao gồm mùi hương nồng, khói, hơi nóng và độ ẩm. Bạn nên cố gắng tránh các tác nhân này vì chúng có thể “kích thích” cơn buồn nôn và nôn mửa.
  5. Cố gắng nghỉ ngơi và thư giãn. Đôi khi căng thẳng, làm việc gắng sức hay mệt mỏi về thể chất có thể gây buồn nôn. Một số nguyên nhân thường gây buồn nôn gồm có căng thẳng, lo âu và căng cơ. Bạn nên cố gắng nghỉ ngơi và thư giãn để giảm các triệu chứng khó chịu này và ngăn chúng gây cảm giác buồn nôn.
  6. Ở yên một chỗ. Khi thấy buồn nôn, việc di chuyển quá nhiều có thể khiến vấn đề trở nặng hơn. Bạn nên cố gắng ở yên một chỗ để giảm cơn buồn nôn, cũng như ngăn cơn buồn nôn trở nặng. Bạn có thể ngồi trên ghế cho thoải mái hoặc ngả người lên giường.[6]

Tiếp nhận sự hỗ trợ y tế[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ nếu các phương pháp trên không có tác dụng hoặc có thêm triệu chứng khác. Bạn cần đi khám ngay để đảm bảo không gặp phải vấn đề nghiêm trọng nếu liệu pháp tại nhà không giúp giảm buồn nôn sau một ngày, hoặc bạn bị nôn mửa.
  2. Xem xét nguyên nhân gây buồn nôn. Buồn nôn - thường đi kèm nôn mửa - là vấn đề thường gặp ở nhiều người. Cảm giác “muốn nôn mửa” có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm: [6]
    • Nhạy cảm với thực phẩm hoặc dị ứng thực phẩm
    • Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm vi-rút
    • Bệnh Trào ngược Dạ dày-Thực quản (GERD) và ợ nóng
    • Thuốc chữa bệnh, đặc biệt là thuốc hóa trị và thuốc xạ trị
    • Mang thai (ốm nghén)
    • Đau nửa đầu và các dạng đau đầu khác
    • Say tàu xe
    • Đau đớn
  3. Xác định có cần sự chăm sóc y tế không. Nếu bị buồn nôn đi kèm hoặc không đi kèm nôn mửa và không khỏi sau 24 tiếng, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Nếu cơn buồn nôn thuyên giảm nhưng bạn vẫn chán ăn, đau đầu hoặc đau bụng, đau dạ dày dữ dội, bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn. Buồn nôn, đặc biệt là buồn nôn đi kèm nôn mửa, có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: [6]
    • Viêm ruột thừa
    • Tắc ruột hoặc nghẽn ruột
    • Ung thư
    • Ngộ độc
    • Bệnh loét dạ dày tá tràng (PUD), đặc biệt là nếu chất thải nôn mửa giống như bã cà phê

Lời khuyên[sửa]

  • Không uống nước quá nhanh để tránh gây nôn mửa. Bạn chỉ nên uống từng ngụm nhỏ và uống chậm.
  • Uống nước ép lô hội. Sản phẩm có bán ở hầu hết các cửa hàng thực phẩm chăm sóc sức khỏe.

Cảnh báo[sửa]

  • Đi khám bác sĩ nếu cơn buồn nôn trở nặng hoặc dai dẳng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]