Chữa lành đau cơ xơ hóa một cách tự nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Theo thống kê, hiện nay có hơn 3 triệu trường hợp đau cơ xơ hóa mỗi năm. Đau cơ xơ hóa là tình trạng bệnh được xác định dựa trên cơn đau lan rộng ở cơ và khớp. Cơn đau thường đi kèm tình trạng mệt mỏi, chất lượng giấc ngủ kém và vấn đề về trí nhớ, tâm trạng. Đau cơ xơ hóa là rối loạn trong cách não bộ xử lý tín hiệu đau từ cơ và khớp.[1] Hiện không có cách chữa khỏi đau cơ xơ hóa nhưng rối loạn này có thể được kiểm soát bằng nhiều cách khác. Nếu được chẩn đoán mắc hội chứng đau cơ xơ hóa, bạn có thể chữa lành bệnh tự nhiên bằng cách:

Các bước[sửa]

Áp dụng chế độ ăn kháng viêm[sửa]

  1. Ăn đúng loại thực phẩm. Mặc dù chưa được chấp thuận rộng rãi trong y học chính thống nhưng đau cơ xơ hóa vẫn được xem là mang thành phần hóa học nhạy cảm hoặc gây viêm. Do đó, áp dụng chế độ ăn kháng viêm sẽ có lợi trong điều trị bệnh. Chế độ ăn kháng viêm chú trọng vào thực phẩm toàn phần, tốt hơn là thực phẩm hữu cơ. Ngoài ra, nên tránh tiêu thụ các chất bảo quản và phụ gia.
    • Trong chế độ ăn kháng viêm, bạn cần tránh tiêu thụ tất cả các loại thực phẩm đã qua chế biến và chế biến sẵn.[2][3]
  2. Tăng cường bổ sung rau củ quả. Nên tăng cường ăn rau củ quả mỗi ngày. Hoa quả phải chiếm ½ lượng thực phẩm tiêu thụ mỗi ngày. Nên ăn nhiều loại hoa quả khác nhau, đặc biệt là quả mọng như việt quất, mâm xôi đỏ, dâu tây, mâm xôi đen và quả lý gai. Những loại quả này chứa chất chống oxi hóa và các thành phần khác có đặc tính kháng viêm. [4]
    • Nên bổ sung nhiều loại rau củ. Rau lá xanh đậm như cải cầu vồng, rau bina (cải bó xôi), rau mù tạt, bông cải xanh, mầm cải Brussel và rau nói chung giàu vitamin E giúp giảm phân tử gây viêm trong cơ thể. [5][3]
  3. Ăn đúng loại thịt. Có một số loại thịt có thể giúp giảm viêm do đau cơ xơ hóa. Nên tăng cường tiêu thụ cá nhiều chất béo vì chúng giàu axit béo omega-3. Đây là những chất kháng viêm tự nhiên. Cá nhiều chất béo gồm có cá hồi, cá ngừ, cá tuyết và các loại cá tươi khác. [6]
    • Tránh ăn thịt đỏ, trừ khi là thịt đỏ hữu cơ và từ động vật được nuôi chăn thả.
  4. Tăng cường bổ sung chất xơ. Thực phẩm giàu chất xơ được chứng minh là giúp giảm chỉ tố viêm trong máu. Nên ăn nhiều thực phẩm nguyên hạt như bánh mì, mì ống từ bột mì nguyên hạt, gạo lứt hạt dài và nhiều loại ngũ cốc tốt cho sức khỏe khác.[7]
    • Các loại hạt giàu chất xơ, chất chống oxi hóa và vitamin, khoáng chất kháng viêm khác, có thể giúp phục hồi tổn thương do viêm nhiễm gây ra.[8][3]
  5. Tránh tiêu thụ một số loại thực phẩm. Thực phẩm và phụ gia bạn nên tránh tiêu thụ gồm có đường, chất tạo ngọt thay thế đường không có nguồn gốc tự nhiên, ví dụ như đường Splenda hoặc Equal. Cũng nên tránh uống thức uống nóng, đồ uống chứa cồn, cà phê và thức ăn cay nóng. Đây là những thực phẩm làm hở mạch máu và gây đỏ, dẫn đến viêm.
    • Mặt khác, bạn có thể sử dụng gia vị như gừng, nghệ và tỏi vì chúng có đặc tính kháng viêm. Ngoài ra, có thể dùng chất tạo ngọt tự nhiên như mật ong, mật cây thùa, đường cỏ ngọt Stevia hoặc Monk Fruit.[9] [3]
  6. Sử dụng thực phẩm chức năng. Một số loại thực phẩm chức năng có thể kết hợp với chế độ ăn kháng viêm để điều trị đau cơ xơ hóa hoặc điều trị triệu chứng bệnh. Lưu ý nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng thực phẩm chức năng và nên làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bạn có thể uống thực phẩm chức năng bổ sung vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, magie, kẽm và selen. Ngoài ra, có thể bổ sung axit béo, ví dụ như omega-3, trong dầu cá và các thực phẩm chức năng khác.
    • Có thể uống thực phẩm bổ sung 5-HTP, tiền chất của serotonin – một trong những chất dẫn truyền thần kinh giúp ngủ ngon.
    • Sử dụng thảo mộc bổ thần kinh. Có nhiều loại thảo mộc an toàn và hiệu quả có thể giúp bạn ngủ yên giấc. Bạn có thể hỏi ý kiến chuyên gia sức khỏe về việc sử dụng nữ lang, hoa cúc hoặc hoa lạc tiên để giúp ngủ ngon.
    • Bổ sung probiotic để tăng cường hệ miễn dịch. [3]

Thay đổi lối sống[sửa]

  1. Tập thể dục. Nhiều bằng chứng đáng tin cậy cho thấy bệnh nhân đau cơ xơ hóa có thể tiếp nhận lợi ích từ việc tập thể dục. Nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù khó duy trì động lực nhưng hoạt động thể chất mức độ nhẹ-vừa phải có thể mang lại hiệu quả cho bệnh nhân đau cơ xơ hóa. Tốt nhất bạn nên bắt đầu với hoạt động thể chất tác động nhẹ như đi bộ. Ban đầu sẽ rất khó nhưng khi đã bắt đầu, bạn sẽ thấy quen dần và nên nhớ không nên cố quá sức.
    • Bạn nên đứng dậy mỗi 1-2 tiếng và đi bộ chậm quanh nhà hoặc công ty. Hoặc có thể dẫn chó đi dạo nhiều hơn bình thường 2-3 lần. Ngoài ra, bạn có thể đi cầu thang bộ hoặc đi bộ hết mức có thể.
    • Thử tập Thái Cực Quyền và Khí công. Đối với hoạt động dạng nhóm như Thái Cực Quyền và Khí công, bạn có thể theo học các lớp tại địa phương. Ngoài ra, có thể tham gia các lớp hoặc nhóm tập Yoga và tập Aerobic tác động nhẹ. [10]
    • Phải nghỉ ngơi đầy đủ giữa những lần tập luyện. Bạn có thể thử tham gia lớp tập thiền. Thiền có thể tác động tích cực và đáng kể đến tâm trạng và giúp giảm căng thẳng.
  2. Mát-xa. Đau cơ xơ hóa gây đau và căng cơ nên mát-xa sẽ là cách tuyệt vời để giảm những triệu chứng này. Các động tác mát-xa cũng giúp bạn thư giãn và giảm đau, căng cứng. Bạn có thể đến các spa để được chuyên gia có kinh nghiệm mát-xa.
    • Nếu không tự tìm được spa đáng tin cậy, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, bạn bè, người thân.[11]
  3. Tập hít thở sâu. Bên cạnh phương pháp thiền, hít thở sâu cũng giúp bạn thư giãn. Để hít thở sâu, ban đầu, bạn hãy nằm ngửa và thẳng lưng. Đặt gối dưới cổ và đầu gối để tạo tư thế thoải mái. Đặt tay lên bụng, lòng bàn tay úp xuống. Hít vào một hơi thật sâu, dài và chậm để căng bụng, hít vào từ cơ hoành. Cơ hoành sẽ tạo lực hút lớn kéo không khí vào phổi thay vì hít bằng khung sườn. Lặp lại bài tập hít thở thường xuyên nếu có thể.
    • Tư thế đúng là ngón tay phải giãn ra khi đặt trên bụng.
    • Ban đầu, bạn sẽ thấy hơi chóng mặt nhưng hiện tượng này là bình thường do lượng không khí được hít vào. Ngưng tập nếu cảm thấy không thoải mái. [12]
  4. Tập hít thở kết hợp tạo âm cổ họng. Để tăng mức độ của bài tập hít thở sâu, bạn có thể kết hợp tạo âm cổ họng. Cách thực hiện tương tự bài tập thở sâu, nhưng khi thở ra, hãy tạo âm “ư” kéo dài trong cổ họng. Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cơ hoành và giúp thư giãn tốt hơn.[12]
  5. Áp dụng bài tập hít thở bổ sung. Đây là một bài tập hít thở khác giúp bạn thư giãn hơn. Đầu tiên, ngồi thẳng trên ghế. Hít vào 3 nhịp ngắn bằng mũi. Trong nhịp đầu tiên, nâng cánh tay lên cao. Sau đó, đưa hai tay về trước cao ngang vai. Trong nhịp thứ hai, giang hai tay ra hai bên, cao ngang vai. Trong nhịp thứ ba, nâng tay cao qua đầu.
    • Lặp lại bài tập này 10-12 lần.
    • Ngưng tập khi thấy chóng mặt. Phổi sẽ xử lý nhịp thở và đưa hơi thở về nhịp tự nhiên.
  6. Thử áp dụng phương pháp phản hồi sinh học. Phản hồi sinh học là phương pháp sử dụng tâm trí và cơ thể để kiểm soát phản ứng không chủ ý, ví dụ như huyết áp, nhịp tim và căng cơ. Nên trao đổi với bác sĩ trước khi muốn áp dụng phương pháp phản hồi sinh học. Bác sĩ sẽ đưa cho một thiết bị đặc biệt giúp bạn thấy cơ thể đang thực hiện phản hồi. Sau đó, bạn có thể tự dùng thiết bị này và tự hành động để kiểm soát các chức năng phản hồi.
    • Ví dụ, nếu nhịp tim tăng, bạn có thể dùng thiết bị và hoạt động tâm trí, thể chất có chủ ý để giúp nhịp tim chậm lại.[13]
  7. Thử châm cứu. Một số nghiên cứu cho thấy châm cứu giúp giảm đau do đau cơ xơ hóa. Bạn có thể tìm đến chuyên gia châm cứu gần nhà hoặc nhờ bác sĩ giới thiệu. Bạn nên đến thử châm cứu ít nhất 3 lần để xác định xem có hiệu quả không. Tiếp tục điều trị nếu châm cứu có hiệu quả.
    • Có thể bạn sẽ phải quyết định xem phương pháp châm cứu có quá đắt đỏ hay không. Tốt nhất, bạn nên cân nhắc điểm lợi và hại của phương pháp châm cứu về mặt kinh tế.[14]
    • Tuyệt đối không tự châm cứu hoặc để người không có chuyên môn châm cứu cho bạn.
  8. Tìm kiếm nhóm hỗ trợ. Việc bị chẩn đoán mắc chứng đau cơ xơ hóa có thể ảnh hưởng đến tinh thần. Vì vậy, bạn nên tìm đến nhóm những người đã trải qua cảm xúc tương tự để cảm thấy bớt cô đơn, đồng thời dễ cảm thông với người có tình trạng bệnh tương tự.
    • Bạn có thể tìm kiếm các nhóm hỗ trợ tại địa phương hoặc nhờ bác sĩ giới thiệu. [15][16]

Hiểu về bệnh đau cơ xơ hóa[sửa]

  1. Tìm hiểu về đau cơ xơ hóa. Phụ nữ có nguy cơ đau cơ xơ hóa cao hơn nam giới. Triệu chứng có thể phát triển chậm hoặc bắt đầu xuất hiện sau chấn thương, về thể chất, tinh thần hoặc tình cảm. Hiện chưa thể xác định nguyên nhân gây đau cơ xơ hóa, nhưng dường như chứng bệnh này có mang yếu tố di truyền và giới tính.
    • Đau cơ xơ hóa có thể liên quan đến hệ miễn dịch vì bệnh thường xuất hiện sau khi cơ thể bị nhiễm trùng, và thường liên quan đến các rối loạn tự miễn dịch như Lupus ban đỏ và viêm khớp dạng thấp.[17]
  2. Nhận biết triệu chứng. Một số triệu chứng có thể giúp bạn nhận biết chứng đau cơ xơ hóa. Cơn đau lan rộng là tác dụng phụ thường gặp nhất. Cơn đau này được mô tả là cơn đau âm ỉ kéo dài. Chứng đau cơ xơ hóa có thể được chẩn đoán nếu cơn đau kéo dài ít nhất 3 tháng và ở cả hai bên cơ thể. Cơn đau do đau cơ xơ hóa cũng phải xuất hiện ở cả phần trên và dưới eo.
    • Người bị chẩn đoán đau cơ xơ hóa sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, ít nhất một phần là do rối loạn giấc ngủ. Giấc ngủ có thể kéo dài nhưng thường bị gián đoạn do chân đau, hội chứng chân không nghỉ và chứng ngưng thở khi ngủ. Ngay cả khi ngủ trong thời gian dài, người bị đau cơ xơ hóa vẫn sẽ mệt mỏi khi thức dậy.
    • Báo cáo cho thấy người bị đau cơ xơ hóa gặp tình trạng “mơ màng” – tình trạng ảnh hưởng đến khả năng chú ý và khả năng tập trung vào các hoạt động trí óc.
    • Triệu chứng khác gồm có trầm cảm, đau đầu, đau bụng hoặc chuột rút.[18]
  3. Chẩn đoán đau cơ xơ hóa. Việc chẩn đoán đau cơ xơ hóa có thể khó khăn và là vấn đề nghiêm trọng vì không có xét nghiệm cụ thể nào giúp chẩn đoán đau cơ xơ hóa. Trường Đại học American College of Rheumatology (ACR) có đưa ra một loạt tiêu chí cần thiết để chẩn đoán đau cơ xơ hóa. Những tiêu chí này tương tự như danh sách triệu chứng kể trên. Tuy nhiên, triệu chứng phải gây đau hơn 3 tháng và cơn đau không được gián đoạn trong vòng một tuần trước khi khám bệnh. Bác sĩ sẽ tính xem có bao nhiêu trong 19 vị trí trên cơ thể cảm thấy đau. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khác và xem cơn đau ảnh hưởng đến những triệu chứng này như thế nào.
    • Bác sĩ cũng sẽ tiến hành loại trừ những bệnh lý tiềm ẩn khác có thể gây ra triệu chứng.[10]
    • Bác sĩ có thể không chắc chắn với kết quả chẩn đoán.[19] Trong trường hợp đó, tốt nhất bạn nên đi khám ở bác sĩ chuyên khám đau cơ xơ hóa. Có thể bạn sẽ cần được bác sĩ giới thiệu đến chuyên gia bệnh thấp khớp trong khu vực.
  4. Điều trị đau cơ xơ hóa bằng thuốc. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân gây đau cơ xơ hóa nhưng cũng có một số loại thuốc có thể tác động đến hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh não – các chất trong não hoạt động như “người đưa tín hiệu” giữa tế bào não và dây thần kinh, từ đó giúp ích cho bệnh nhân đau cơ xơ hóa. Có 3 loại thuốc được phê duyệt để điều trị đau cơ xơ hóa, bao gồm Duloxetine (Cymbalta), Milnacipran (Savella) và Pregabalin (Lyrica).
    • Thuốc có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng khác như rối loạn giấc ngủ. Ví dụ như thuốc Cyclobenzaprine (Flexeril), Amitriptyline (Elavil), Gabapentin (Neurontin) hoặc Pregabalin (Lyrica). Những thuốc khác giúp cải thiện giấc ngủ như Benzodiazepines hoặc Ambien không được khuyên dùng.[10]

Lời khuyên[sửa]

  • Nên đảm bảo việc chẩn đoán và điều trị những rối loạn khác có thể gây đau cơ xơ hóa. Những rối loạn đó bao gồm thời kì mãn kinh (ảnh hưởng đến hệ nội tiết và có thể ảnh hưởng đến chứng đau cơ xơ hóa) và chức năng tuyến giáp kém (có thể có triệu chứng tương tự đau cơ xơ hóa).[17]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]