Chữa lành ngón chân bị gãy

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ngón chân bao gồm các xương nhỏ (gọi là đốt ngón), dễ gãy khi bị chấn thương. Đa số các ngón chân gãy được gọi là bị gãy “áp lực” hoặc “nứt xương”, nghĩa là những vết rạn xuất hiện trên bề mặt và không trầm trọng đến mức trật khỏi vị trí hoặc rách da.[1] Trường hợp hiếm gặp hơn, ngón chân có thể bị nghiến đến mức xương bị vỡ vụn (gãy vụn) hoặc gãy đến mức hoàn toàn trật khỏi vị trí và trồi ra ngoài da (gãy xương hở). Hiểu được mức độ nghiêm trọng của vết thương ngón chân là rất quan trọng vì nó quyết định phác đồ điều trị mà bạn nên tuân theo.

Các bước[sửa]

Chẩn đoán[sửa]

  1. Hẹn gặp bác sĩ. Nếu bị đau ngón chân đột ngột sau một chấn thương nào đó và không đỡ sau vài ngày, bạn nên hẹn gặp bác sĩ gia đình, hoặc đến phòng cấp cứu ở bệnh viện địa phương, hoặc đến trung tâm cấp cứu có dịch vụ chụp X-quang khi thấy các triệu chứng nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ kiểm tra ngón chân và bàn chân của bạn, hỏi về tình huống gây ra chấn thương và có thể cho chụp X-quang để xác định mức độ nghiêm trọng của vết thương và kiểu gãy xương. Tuy nhiên, bác sĩ gia đình không phải là chuyên gia cơ xương khớp, do đó có thể bạn sẽ được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa.
    • Các triệu chứng phổ biến nhất khi gãy ngón chân là đau, sưng, cứng và thường bầm tím do chảy máu trong. Đi lại khó khăn, còn chạy hoặc nhảy thì hầu như không thể vì đau dữ dội.
    • Các chuyên gia khác có thể giúp chẩn đoán và/hoặc điều trị ngón chân gãy gồm bác sĩ nắn xương, bác sĩ chuyên khoa bàn chân, bác sĩ vật lý trị liệu hoặc các phòng cấp cứu và bác sĩ cấp cứu.
  2. Đến gặp chuyên gia. Rạn xương, xương vỡ nhỏ và đụng giập không được coi là tình trạng y khoa nghiêm trọng, nhưng ngón chân bị nghiến mạnh hoặc gãy hở và sai vị trí thường phải can thiệp bằng phẫu thuật, nhất là vết thương ở ngón chân cái. Chuyên gia y khoa như bác sĩ xương khớp hoặc bác sĩ vật lý trị liệu (chuyên gia cơ và xương) có thể đánh giá chính xác hơn về mức độ nghiêm trọng của tình trạng gãy xương và đưa ra cách điều trị thích hợp. Ngón chân gãy đôi khi liên quan đến các chứng bệnh ảnh hưởng xương và làm yếu xương như ung thư xương, nhiễm trùng xương, loãng xương hoặc các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, do đó chuyên gia y khoa phải cân nhắc những yếu tố đó khi kiểm tra ngón chân của bạn.[2]
    • Chuyên gia có thể dùng các phương pháp chụp X-quang, chụp xạ hình xương, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính và siêu âm để hỗ trợ cho việc chẩn đoán ngón chân gãy.
    • Ngón chân gãy thường do một vật nặng rơi lên bàn chân hoặc ngón chân bị vấp vào một vật cứng và bất động.
  3. Hiểu về kiểu gãy xương và cách điều trị thích hợp nhất. Nhớ yêu cầu bác sĩ giải thích rõ ràng về việc chẩn đoán (gồm cả kiểu gãy xương) và các lựa chọn trong điều trị, vì rạn xương đơn giản thông thường có thể điều trị tại nhà, nhưng ngón chân bị giập nát, cong gập hoặc biến dạng thường là dấu hiệu của kiểu gãy xương nghiêm trọng hơn và tốt nhất cần được chuyên gia chữa trị.
    • Ngón chân út (ngón thứ năm) và ngón chân cái (ngón thứ nhất) thường bị gãy hơn các ngón khác.[1]
    • Sai khớp xương có thể khiến ngón chân cong vẹo và trông giống như gãy xương, nhưng việc khám lâm sàng và chụp X-quang sẽ giúp phân biệt hai trường hợp.

Điều trị gãy xương do áp lực và không bị sai khớp[sửa]

  1. Sử dụng phác đồ điều trị R.I.C.E. Phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho các chấn thương cơ xương (bao gồm gãy xương do áp lực) được viết tắt với các chữ tiếng Anh là R.I.C.E, tức là rest – nghỉ ngơi, ice – nước đá, compression – băng ép elevation – nâng cao. Bước đầu tiên là nghỉ ngơi. Tạm thời dừng mọi hoạt động liên quan đến ngón chân đau để chữa lành vết thương. Tiếp đó, dùng liệu pháp lạnh (nước đá quấn trong khăn mỏng hoặc túi gel đông lạnh) đắp lên ngón chân gãy càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn chảy máu trong và giảm sưng, tốt nhất là đặt chân cao trên ghế hoặc đặt trên chồng gối (điều này cũng giúp giảm sưng). Nên đắp nước đá khoảng 10-15 phút trong mỗi giờ, sau đó giảm tần suất khi đã bớt đau và sưng trong khoảng vài ngày.[1] Ép nước đá vào bàn chân bằng băng ép hoặc băng thun cũng sẽ giúp bớt sưng.
    • Không buộc băng ép quá chặt hoặc ép quá 15 phút mỗi lần, vì sự lưu thông máu bị ngăn chặn hoàn toàn có thể gây thêm tổn thương cho bàn chân.
    • Hầu hết ngón chân gãy không phức tạp sẽ mau lành, thường mất khoảng bốn đến sáu tuần, và khi đó bạn có thể dần dần quay trở lại với các hoạt động thể thao.[3]
  2. Uống thuốc không kê toa. Bác sĩ có thể cho bạn uống các loại thuốc kháng viêm ibuprofen, naproxen, aspirin, hoặc các loại thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen để giúp chống sưng viêm và giảm đau do chấn thương ở ngón chân.[4]
    • Các thuốc trên thường không tốt cho dạ dày, gan và thận, do đó bạn không nên uống quá hai tuần mỗi đợt.
  3. Băng hỗ trợ cho ngón chân. Băng ngón chân bị thương vào ngón chân lành bên cạnh (gọi là kiểu băng “đôi bạn”) để chống đỡ và cũng để giúp nắn lại nếu nó bị cong vẹo (trước đó bạn cần nói chuyện với bác sĩ nếu thấy ngón chân có vẻ cong vẹo).[5] Dùng cồn lau kỹ các ngón chân và bàn chân, sau đó dùng băng dính y tế chắc, tốt nhất là loại không thấm nước để không bị vào nước khi tắm. Vài ngày thay băng dính một lần trong thời gian vài tuần.
    • Cân nhắc đặt gạc hoặc vải nỉ giữa các ngón chân trước khi băng để tránh bị kích ứng da.
    • Bạn có thể tự làm nẹp đơn giản tại nhà để hỗ trợ thêm bằng cách đặt các que kem vào hai bên ngón chân trước khi băng các ngón lại với nhau.
    • Nếu không tự băng ngón chân được, bạn hãy nhờ bác sĩ gia đình, chuyên gia, bác sĩ xương khớp, bác sĩ chuyên khoa chân hoặc bác sĩ vật lý trị liệu giúp đỡ.
  4. Đi giày dép thoải mái trong bốn đến sáu tuần. Ngay khi bị thương, đổi sang giày dép thoải mái để có đủ chỗ cho ngón chân bị sưng và băng nẹp. Chọn giày đế cứng, vững vàng và chắc chắn thay vì các kiểu thời trang. Tránh giày cao gót trong ít nhất vài tháng, vì chúng sẽ dồn trọng lượng cơ thể về phía trước và rất chật chội cho các ngón chân của bạn.[4]
    • Giày xăng –đan hở ngón có thể hữu ích nếu các ngón chân sưng to, nhưng nhớ rằng chúng không giúp bảo vệ ngón chân.

Chữa gãy xương hở và trật khỏi vị trí[sửa]

  1. Phẫu thuật nắn xương. Nếu các mảnh xương gãy không khớp với nhau, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ sắp xếp các mẩu xương trở lại đúng vị trí – gọi là phẫu thuật nắn xương.[1] Trong một vài trường hợp, thủ thuật nắn xương có thể thực hiện không cần phẫu thuật, tùy vào số lượng và vị trí của các xương gãy. Thuốc tê tại chỗ được tiêm vào để giảm đau. Nếu da bị rách do chấn thương, có thể cần phải khâu để khép vết thương và bôi thuốc sát trùng.
    • Với trường hợp gãy xương hở, thời gian xử lý nhanh là rất quan trọng để tránh khả năng mất máu, nguy cơ nhiễm trùng và hoại tử (mô bị chết do thiếu ô-xy).
    • Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau mạnh như narcotics trước khi dùng thuốc gây tê trong phòng phẫu thuật.
    • Trường hợp gãy xương nghiêm trọng cần sử dụng kẹp hoặc ốc để giữ cố định trong thời gian vết thương được chữa lành.
    • Thủ thuật nắn xương không chỉ áp dụng trong trường hợp gãy xương hở mà còn để xử lý các trường hợp trật xương nghiêm trọng.
  2. Bó nẹp. Sau khi nắn xương cho ngón chân gãy, người ta thường phải dùng nẹp để cố định và bảo vệ ngón chân trong thời gian chữa trị. Hoặc bạn có thể phải đi một loại giày ép hỗ trợ, nhưng dù sử dụng cách nào thì có lẽ bạn vẫn phải dùng nạng để đi lại trong thời gian ngắn (khoảng 2 tuần). Trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn hạn chế đi lại, đồng thời đặt chân lên cao khi nằm nghỉ.
    • Mặc dù nẹp có thể hỗ trợ và đệm cho ngón chân, nhưng nó không bảo vệ an toàn cho ngón chân, do đó bạn cần cẩn thận đừng để vấp khi đi lại.
    • Trong suốt thời gian chữa trị, cần đảm bảo chế độ ăn giàu khoáng chất, đặc biệt là can-xi, ma-giê và boron, cũng như vitamin D để giúp xương chắc khỏe.[2]
  3. Bó bột. Nếu bị gãy nhiều ngón chân hoặc các xương khác của bàn chân cũng bị thương, bác sĩ có thể bó bột thạch cao hoặc sợi thủy tinh cho cả bàn chân. Bạn cũng có thể được khuyến nghị đi loại giày nẹp thấp (short-leg walking casts) nếu các mảnh xương không khớp với nhau. Hầu hết các xương gãy sẽ lành nếu chúng được sắp xếp trở lại đúng vị trí và được bảo vệ khỏi bị chấn thương và áp lực mạnh.
    • Sau khi phẫu thuật, đặc biệt là khi được bó bột, các ngón chân gãy nghiêm trọng có thể lành trong sáu đến tám tuần, tùy vào vị trí và mức độ chấn thương.[1] Sau thời gian dài bó bột, có thể bạn phải phục hồi chức năng bàn chân như mô tả dưới đây.
    • Sau một hoặc hai tuần, bác sĩ có thể yêu cầu chụp lại X-quang để đảm bảo các xương đã vào đúng vị trí và đang lành đúng mức.

Xử lý các biến chứng[sửa]

  1. Chú ý dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu da bị rách gần ngón chân bị thương, bạn có nguy cơ nhiễm trùng trong xương hoặc các mô xung quanh.[6] Chỗ nhiễm trùng sẽ sưng to, đỏ, ấm và mềm khi chạm vào. Đôi khi vết nhiễm trùng chảy mủ (cho thấy các tế bào bạch cầu đang hoạt động) và có mùi hôi. Nếu bạn bị gãy xương hở, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh uống phòng ngừa trong hai tuần để ngăn chặn sự phát triển và lây lan vi khuẩn.
    • Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng và kê thuốc kháng sinh nếu thấy có dấu hiệu nhiễm trùng.
    • Bác sĩ có thể đề nghị tiêm thuốc phòng uốn ván sau khi bị gãy xương nghiêm trọng do bị đâm hoặc da bị rách.[7]
  2. Sử dụng đế lót giày chỉnh hình. Đế lót giày chỉnh hình được thiết kế để đỡ độ cong bàn chân và giúp hỗ trợ cơ sinh học trong lúc đi lại và chạy.[8] Sau khi bị gãy ngón chân, nhất là ngón chân cái, dáng đi và cơ sinh học bàn chân có thể thay đổi xấu đi vì khập khiễng và phải cố tránh đụng ngón chân. Đế lót giày chỉnh hình sẽ giúp giảm nguy cơ xuất hiện các vấn đề ở các khớp khác như mắt cá, đầu gối và hông.
    • Trường hợp gãy xương nặng luôn luôn đi kèm nguy cơ viêm khớp ở các khớp xung quanh, nhưng đế lót giày chỉnh hình có thể giảm rủi ro này.
  3. Tìm đến liệu pháp vật lý trị liệu. Sau khi đã hết sưng đau và xương gãy đã lành, bạn có thể thấy những cử động và sức mạnh ở bàn chân kém đi. Hãy nhờ bác sĩ giới thiệu một chuyên gia y học thể thao hoặc vật lý trị liệu. Họ có thể đưa ra nhiều các bài tập tăng cường sức mạnh, giãn cơ và các liệu pháp nhằm cải thiện sự vận động, sự thăng bằng, sự kết hợp và sức mạnh theo nhu cầu riêng của bạn.[9]
    • Các chuyên gia khác cũng có thể giúp phục hồi chức năng ngón chân/bàn chân là bác sĩ chuyên khoa bàn chân và chuyên gia nắn xương.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn không cần hoàn toàn bất động khi bị gãy ngón chân, nhưng nên thay thế bằng các hoạt động khác ít tạo áp lực lên bàn chân như bơi lội hoặc nâng tạ bằng phần trên cơ thể.
  • Sau mười ngày, việc thay liệu pháp nước đá sang liệu pháp nhiệt ẩm (dùng túi gạo hoặc đậu làm nóng trong lò vi sóng) có thể giúp xoa dịu ngón chân đau và tăng cường lưu thông máu.
  • Bạn có thể thay thế thuốc kháng viêm và giảm đau bằng liệu pháp châm cứu để giảm đau và bớt sưng viêm.
  • Nếu bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh thần kinh ngoại biên (mất cảm giác ở các ngón chân), bạn không nên băng các ngón chân lại với nhau vì bạn không biết được băng có bị quá chặt hoặc bị phồng rộp không.

Cảnh báo[sửa]

  • Không dùng bài viết này để thay thế cho sự chăm sóc y tế! Luôn luôn tìm lời khuyên của bác sĩ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]