Chữa tiêu chảy ở trẻ sơ sinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh có thể là nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng trẻ lo lắng. Thông thường, tùy vào nguyên nhân mà bệnh có thể dễ dàng xử lý nếu được chăm sóc thích hợp tại nhà. Biết phải làm gì khi trẻ bị một đợt tiêu chảy và hiểu khi nào cần đến bác sĩ có thể giúp những ông bố bà mẹ trẻ bớt căng thẳng. Với một vài mẹo đơn giản và tự về tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, bạn có thể cảm thấy tự tin giúp trẻ vượt qua tình trạng này nếu gặp phải.

Các bước[sửa]

Tìm kiếm sự giúp đỡ[sửa]

  1. Gọi cho bác sĩ. Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn có thắc mắc hoặc nếu bạn không biết chắc về tình trạng bệnh của con mình.
    • Trẻ sơ sinh rất mong manh và dễ bị mất nước nhanh chóng. Nếu bạn cho rằng trẻ bị mất nước hoặc có những triệu chứng dưới đây thì hãy gọi bác sĩ ngay lập tức:[1]
      • Sốt. Gọi bác sĩ nếu thân nhiệt trên 38°C đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, hoặc trên 38,5°C đối với trẻ ngoài 2 tháng tuổi.[2]
      • Nôn mửa. Thông thường nôn mửa và tiêu chảy diễn ra đồng thời khi bị bệnh nhiễm khuẩn hoặc vi rút, trẻ sơ sinh đã sẵn có nguy cơ dễ bị mất nước nhưng nguy cơ đó sẽ tăng lên nếu cả hai triệu chứng trên đều xuất hiện.
      • Các triệu chứng mất nước bao gồm: khô miệng, thay tã dưới 6 lần/ngày, ngủ li bì, mắt và thóp bị trũng, khóc không ra nước mắt, hoặc da bị khô.
      • Tiêu chảy liên tục trong 24 giờ hoặc lâu hơn hoặc nếu có máu trong dịch nôn mửa hoặc phân.
      • Trẻ không muốn ăn, dễ cáu gắt, buồn ngủ hoặc khó đánh thức dậy khi ngủ.
  2. Gặp bác sĩ để điều trị vết loét. Hãy đưa trẻ đến bác sĩ nếu hậu môn có những vết loét không lành miệng được dù đã chữa trị, hoặc nếu trẻ quấy khóc không ngừng.
    • Vết loét ở hậu môn do tiêu chảy là vấn đề rất phổ biến, nhưng vết loét hở có thể bị nhiễm trùng nếu không được xử lý một cách phù hợp. Bác sĩ có thể kê thuốc mỡ giúp trẻ dịu cơn đau và ngăn nhiễm trùng, đồng thời làm giảm tiêu chảy để vết loét không trầm trọng hơn.
  3. Gặp bác sĩ để trao đổi các vấn đề đang diễn ra. Nếu bạn thấy trẻ thường xuyên bị tiêu chảy, thậm chí không nặng hoặc không kèm theo các vấn đề khác, hãy lên lịch gặp bác sĩ để trao đổi về vấn đề này. Bằng cách đó, bác sĩ có thể chỉ ra nguyên nhân sâu xa và có phác đồ điều trị các vấn đề sau này.
    • Tiêu chảy thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh về đường ruột, không dung nạp hoặc dị ứng với thức ăn (ở trẻ sơ sinh, dấu hiệu còn có thể là sự nhạy cảm với thực phẩm do mẹ ăn nếu trẻ bú mẹ hoặc dị ứng với thành phần của sữa công thức).
    • Bác sĩ có thể giúp bạn yên tâm nếu bạn không biết chắc liệu có phải trẻ bị tiêu chảy. Hãy mang một chiếc tã có phân của trẻ để trong túi có khóa kéo đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể cho bạn biết liệu có phải trẻ đang bị tiêu chảy hay không.

Xác định thế nào là tiêu chảy[sửa]

  1. Bạn cần biết như thế nào là bình thường. Phân của trẻ sơ sinh có kết cấu khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và chế độ ăn uống của trẻ. Phân lỏng hoặc có nước không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh tiêu chảy.
    • Vì kiểu phân của trẻ khác nhau đôi chút nên bạn cần theo dõi kiểu phân của con bạn để nhận biết có điều gì khác thường. Hầu hết các bệnh viện sẽ cho bạn biểu đồ để theo dõi quá trình ăn uống, tiểu tiện và đại tiện của trẻ. Nếu không được bệnh viện cung cấp, bạn nhớ theo dõi bằng nhật ký hoặc ghi sổ, ghi lại giờ bắt đầu và kết thúc các bữa ăn, thời gian bạn thay tã chỉ có nước tiểu, thời gian thay tã có phân trong cả ngày.
    • Khi mới sinh, phân của trẻ được gọi là phân su, có màu đen hoặc màu lục, dính, giống như nhựa đường. Phân su được tạo bởi các chất mà trẻ nuốt phải khi ở trong tử cung người mẹ và nước ối chứa tế bào cơ thể.[3]
    • Khi phân su được đào thải ra khỏi cơ thể trẻ, trẻ sẽ đi phân bình thường do chế độ ăn uống của trẻ. Trẻ bú mẹ và ăn sữa công thức thì phân sẽ có hình dáng và màu sắc khác nhau.
  2. Đừng nghĩ phân của trẻ giống phân người trưởng thành. Bạn có thể thấy sợ nếu phân mình màu vàng mù tạt hoặc lợn gợn, nhưng với trẻ sơ sinh, phân lỏng như vậy là bình thường.
    • Phân của trẻ bú mẹ thường có màu vàng nhạt và lợn gợn, giống như màu vàng mù tạt hoặc như pho mát sữa vón cục. Hệ tiêu hóa của trẻ khác nhau (tùy thuộc một phần vào chế độ ăn uống của mẹ và trương lực cơ của trẻ), một số trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa mẹ đại tiện sau mỗi lần ăn nhưng các trẻ khác có thể chỉ đại tiện vài ngày một lần, hoặc thậm chí ít hơn, mỗi tuần đi một lần! Lý do là sữa mẹ được cơ thể trẻ hấp thụ rất hiệu quả và không có nhiều chất thải.[4]
    • Phân của trẻ sơ sinh ăn sữa ngoài thường có màu nâu hoặc vàng hơn, rắn hơn phân của trẻ bú mẹ, vào khuôn mượt như bơ đậu phộng, và nặng mùi hơn. Trẻ ăn sữa công thức thường đại tiện vài lần trong ngày hoặc vài lần mỗi tuần.
  3. Nhận biết tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Nếu bạn quen với kiểu phân thường thấy ở trẻ, bạn sẽ dễ phát hiện sự bất thường hơn. Thông thường, tiêu chảy ở trẻ sơ sinh có những đặc điểm sau:
    • Tần suất đại tiện tăng lên (thường nhiều hơn một lần sau khi ăn).[4]
    • Phân có nhiều dịch lỏng hoặc chất nhầy hơn. Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu trong phân có máu.[4]
    • Đi ngoài nhiều phân hơn.

Hiểu về nguyên nhân có thể gây ra tiêu chảy[sửa]

  1. Chú ý chế độ ăn uống của người mẹ. Mặc dù hiếm gặp nhưng chế độ ăn uống của mẹ đang cho con bú có thể là nguyên nhân gây ra tiêu chảy cấp tính.
    • Để ý thực phẩm mẹ ăn vào ngày hôm trước khi trẻ bị tiêu chảy. Nếu trẻ bị tiêu chảy sau khi mẹ ăn thực phẩm đó lần nữa, hãy loại chúng ra khỏi chế độ ăn uống của mẹ và tiếp tục cho trẻ bú mẹ. Chờ xem tình trạng có chấm dứt không. Thủ phạm thường gây ra tiêu chảy bao gồm sản phẩm từ sữa, đậu nành, lúa mì, hoặc lạc.[5]
  2. Xem xét những thay đổi gần nhất về ăn uống của trẻ. Bạn cần biết rằng việc chuyển từ bú mẹ sang ăn sữa công thức có thể dẫn đến tiêu chảy ở trẻ. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt và rất nhạy cảm với thức ăn mới.
    • Nếu bạn cho trẻ làm quen với sữa công thức mới và trẻ bị tiêu chảy ngay sau đó, có thể hệ tiêu hóa của trẻ phản ứng với sự thay đổi đột ngột như vậy. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể lựa chọn:
      • Dừng cho trẻ ăn sữa công thức. Hãy đợi đến khi hệ tiêu hóa của trẻ hoàn thiện hơn một chút rồi mới cho ăn sữa công thức trở lại, trong thời gian đó, tiếp tục cho trẻ bú mẹ.
      • Cố gắng cho trẻ làm quen với sữa công thức dần dần. Kết hợp từng bước tăng dần sữa công thức và giảm dần sữa mẹ đến khi trẻ có thể tiêu hóa lượng sữa công thức như mong muốn.
  3. Cân nhắc bổ sung thực phẩm khác vào chế độ ăn uống của trẻ. Bạn không nên cho trẻ sơ sinh ăn thực phẩm rắn trước khi được 6 tháng tuổi,[6] việc cho trẻ làm quen với thức ăn mới có thể ảnh hưởng đến đường ruột trong một thời gian ngắn.
    • Theo dõi kỹ cách trẻ phản ứng với thức ăn mới và luôn luôn cho trẻ làm quen với một thức ăn mỗi lần ít nhất từ ba đến bốn ngày. Đó là cách duy nhất để biết liệu trẻ có vấn đề gì do phản ứng với thức ăn mới.
    • Đảm bảo bạn nói chuyện với bác sĩ trước khi cho trẻ làm quen với thức ăn mới, hoặc bổ sung thực phẩm khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức trước khi trẻ được 6 tháng tuổi.
  4. Kiểm tra các dấu hiệu của bệnh. Quan sát kĩ trẻ và để ý các dấu hiệu cho thấy trẻ bị ốm.
    • Sốt, chảy nước mũi hoặc nôn mửa thường cho thấy tiêu chảy là kết quả của bệnh nhiễm khuẩn hoặc vi rút. Bạn nên gọi cho bác sĩ ngay nếu trẻ từ 2 tháng tuổi trở xuống bị sốt. Sốt đi kèm tiêu chảy đặc biệt nguy hiểm vì trẻ có thể bị mất nước nhanh chóng.
    • Hơn nữa, nếu các thành viên khác trong gia đình cũng bị tiêu chảy, nguyên nhân có thể là do lây nhiễm, hoặc khả năng ít hơn là do ngộ độc thức ăn.
  5. Nhận biết các yếu tố khác khiến phân thay đổi. Sự thay đổi về tần suất và kiểu phân phần lớn là do tiêu chảy, nhưng những thay đổi khác có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân khác.
    • Trẻ đang dùng thuốc điều trị, bao gồm vitamin và thực phẩm bổ sung, có thể thay đổi tần suất đại tiện và kiểu phân. Thuốc kháng sinh thường gây ra tiêu chảy. Nếu tiêu chảy tiếp diễn hoặc trầm trọng hơn, bạn nên dừng dùng thuốc đó và thay bằng thuốc khác.
    • Bạn không nên cho trẻ dưới 6 tháng uống thêm nước hoặc nước ép hoa quả (trẻ có đủ nước nhờ bú mẹ và sữa công thức, bổ sung quá nhiều nước có thể làm loãng máu và hại thận, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong[7]). Cho trẻ uống thêm nước hoặc nước ép hoa quả cũng khiến kiểu phân thay đổi.
    • Mọc răng cũng có thể gây ra tiêu chảy, nguyên nhân được cho là do sản sinh quá nhiều nước miếng trong quá trình mọc răng. Mặc dù không phổ biến nhưng trẻ sơ sinh có thể bị tiêu chảy khi mới mọc răng.

Quyết định xử lý như thế nào[sửa]

  1. Thay sữa công thức. Trao đổi với bác sĩ nếu trẻ ăn sữa công thức và bị tiêu chảy. Có thể chỉ cần thay sữa phù hợp với trẻ.
    • Thông thường, bố mẹ sẽ thử một số loại sữa công thức trước khi tìm được loại phù hợp cho trẻ. Mặc dù hầu hết trẻ có thể phát triển nhờ sữa công thức có nguồn gốc từ sữa động vật, một số trẻ phải dùng sữa công thức đặc biệt, bao gồm sữa không có lactose và sữa có nguồn gốc đậu nành. Nhìn chung, trẻ nhạy cảm với sữa công thức thường dễ đầy bụng và khó ăn.[8]
    • Đối với trẻ có hệ tiêu hóa yếu ớt hoặc chưa phát triển hoặc dị ứng với sữa, có những loại sữa công thức dành riêng cho dạ dày nhạy cảm, bao gồm sữa thủy phân hoặc sữa công thức cơ bản. Hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn. Một số loại sữa cần phải kê đơn mới được sử dụng.
    • Trao đổi với bác sĩ trước khi thay đổi sữa công thức của trẻ.
  2. Giữ cho trẻ đủ nước. Dù trẻ được bú mẹ hay nuôi bằng sữa công thức, điều quan trọng là bạn tăng lượng sữa lên khi trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn mửa, vì cả hai tình trạng này đều khiến trẻ mất nước nhanh chóng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
    • Nếu bạn thường cho trẻ bú hoặc uống bình 3 giờ một lần, hãy thử cho trẻ ăn 2 giờ hoặc mỗi giờ một lần. Trẻ sơ sinh không thể bú mẹ hoặc ăn sữa công thức nhiều một lúc, đặc biệt khi bị ốm.
    • Nếu trẻ nôn mửa, cho trẻ ăn mỗi lần ít đi nhưng tăng số lần ăn lên.
    • Đừng cho trẻ uống thêm nước hoặc pha loãng sữa công thức. Việc này rất nguy hiểm với trẻ sơ sinh vì có thể làm loãng máu và hại thận.[7] Để bù nước cho trẻ, bạn chỉ có thể tăng lượng sữa trẻ bú hoặc sữa ăn ngoài.
  3. Theo dõi trẻ sát sao. Tiêu chảy có thể khiến trẻ mất nước nhanh chóng. Những đợt tiêu chảy diễn ra trên 24 giờ cho thấy trẻ cần hỗ trợ y tế. Bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến tã không ướt quá 6 giờ hoặc khóc không ra nước mắt đều chứng tỏ trẻ bắt đầu mất nước. Hãy cho trẻ đến bác sĩ ngay lập tức.
    • Trao đổi với bác sĩ về việc cho trẻ uống dung dịch điện giải để bù nước, như Pedialyte và Enfalyte hoặc các loại khác. Các dung dịch này đặc biệt giúp ích nếu trẻ bị nôn mửa.
    • Bác sĩ của trẻ có thể tư vấn dùng lợi khuẩn để bổ sung vi khuẩn tự nhiên trong đường ruột của trẻ.
  4. Bạn cần biết hậu môn trẻ có thể rất đau, rát. Thông thường các đợt tiêu chảy sẽ khiến hậu môn trẻ bị trầy xước với những vết thương hở. Vì vậy, bạn cần quan tâm nhiều hơn để tránh tình trạng này xảy ra.
    • Hãy bôi kem chống hăm tã hoặc sản phẩm có thành phần từ dầu như Vaseline hoặc Aquaphor vào hậu môn và bộ phận sinh dục của trẻ giúp trẻ không bị đau rát thêm.
    • Giữ hậu môn trẻ khô, sạch. Đôi khi, hậu môn trẻ vẫn bị đau rát và ửng đỏ bất kể số lần thay tã là bao nhiêu. Tiêu chảy có thể rất nghiêm trọng đối với da nhạy cảm. Hãy nhanh chóng bỏ tã ra và nhẹ nhàng lau sạch phân khỏi da. Da tiếp xúc với chất gây kích ứng càng ít càng tốt.
    • Bỏ tã ra, lau sạch hậu môn của trẻ và để trẻ nằm trên chăn không quấn tã. Không khí sẽ giúp trẻ đỡ bị hăm. Tránh lau hậu môn trẻ quá nhiều. Làn da nhạy cảm của trẻ có thể rất đau nếu lau chùi quá nhiều.
    • Gọi điện cho bác sĩ nếu bạn phát hiện bộ phận sinh dục, nếp gấp ở da hoặc ở đùi nổi mụn vì đó có thể là dấu hiệu hăm tã do nóng. Thường da sẽ ửng đỏ, có thể có mụn rộp trên bề mặt vùng da đó. Bạn cần dùng thuốc được kê đơn để xử lý tình trạng hăm tã.
    • Tránh dùng chất tẩy rửa không cần thiết cho hậu môn trẻ lúc này. Thử mua dung dịch làm sạch được đặc chế giúp dịu da nhạy cảm. Hãy thử dùng sản phẩm hữu cơ để giúp trẻ bớt đau rát dù đó không phải là sản phẩm bạn thường sử dụng.
    • Chuyển sang dùng giấy ướt loại không hóa chất và đặc biệt mềm trong thời gian trẻ bị tiêu chảy. Bạn cũng có thể nhúng giấy ướt vào nước sạch để loại bỏ các thành phần gây kích ứng trước khi lau hậu môn của trẻ, hoặc dùng những miếng vải flannel mềm, hình vuông nhúng trong nước cho thêm một thìa canh dầu dừa. Bạn cũng có thể dùng khăn mặt sạch với nước ấm để lau khu vực quấn tã.

Lời khuyên[sửa]

  • Khoa học cho thấy sữa mẹ có tác dụng chữa tiêu chảy.

Cảnh báo[sửa]

  • Không cho trẻ sơ sinh dùng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]