Dạy - dỗ học sinh yếu kém
Trong năm học 2010 -2011, hưởng ứng cuộc vận động của Bộ GD&ĐT: “Mỗi thầy cô giáo có ít nhất một sáng kiến” và phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm phát huy tính tích cực và tiềm năng sáng tạo của giáo viên trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, vừa qua trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đã tổ chức Hội thi: “Sáng kiến nhỏ”.
Hội thi đã tạo điều kiện cho các giáo viên trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau qua việc chia sẻ sáng kiến của mỗi người và đã chọn ra được những sáng kiến hay, có chất lượng tốt. Trong số này, Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu một sáng kiến tiêu biểu đã đoạt giải trong Hội thi nói trên. Đó là sáng kiến “Dạy – dỗ học sinh yếu kém” của cô giáo Nguyễn Băng Tâm (dạy bộ môn Toán).
Với kinh nghiệm dạy học trên 20 năm, cô giáo Nguyễn Băng Tâm là một giáo viên đầy tâm huyết với nghề. Trong số học sinh cô giảng dạy, nhiều em là những học sinh “đặc biệt” - những học sinh yếu kém, “gia sư trả về”. Chính với cái Tài và cái Tâm của mình, cô Tâm đã không ngần ngại chia sẻ với các bạn đồng nghiệp sáng kiến kinh nghiệm mà cô đã hằng công sáng tạo và vun đắp mang tên “Dạy - dỗ học sinh yếu kém môn Toán”.
Hiện tượng học sinh yếu kém bộ môn Toán trong trường THPT, ở bất cứ địa phương nào, năm học nào, khối học nào cũng có. Nguyên nhân thì rất nhiều, có em do khả năng hạn chế của bản thân, có em do sự lười học lâu ngày mà thành hổng kiến thức, hạn chế hoặc mất hẳn kỹ năng giải Toán, có em do không đủ kiến thức, kỹ năng làm Toán từ cấp THCS… và còn rất nhiều nguyên nhân khác. Vậy “làm như thế nào” để học sinh vừa lấy lại được kiến thức cơ bản nhất ở lớp dưới, vừa hình thành những kỹ năng làm Toán và cao hơn là đem lại sự tự tin cho các em trong học tập, nhất là học bộ môn Toán- đó thực sự là một nỗi niềm trăn trở của người giáo viên!
Bước 1: Chấp nhận[sửa]
Chấp nhận mọi trình độ của học sinh kể cả sắp thi tốt nghiệp mà vẫn “không có chữ nào”. Từ đó, giáo viên nhắc lại bất kỳ phần kiến thức nào có liên quan mà học sinh quên và cho ghi lại, như: Phép cộng, trừ, nhân, chia; các hằng đẳng thức đáng nhớ, cách giải phương trình bậc nhất, bậc hai...
Bước 2: Khích lệ[sửa]
Không tiếc lời khen ngợi học trò, nhất là học trò yếu kém. Phải tìm ra ưu điểm để khen thành thật, kẻo các em bị tổn thương vì nghĩ thầy cô giễu cợt mình. Ví dụ khen chữ đẹp, trình bày rõ ràng, khen tính cẩn thận...
Đừng để học sinh làm xong cả bài rồi mới khen tốt. Các em viết được một chút thì khen ngay “Đúng rồi đấy! Con làm tiếp đi”. Nếu thấy học trò bắt đầu sai thì phải nhắc ngay “Xem lại đề bài nào? Dấu trừ ở đâu ra nhỉ?” Và đặt câu hỏi gợi ý... Trên bài kiểm tra viết, lời phê cũng rất quan trọng với học trò. “Cố lên con ơi!”, “Đừng nản nhé!” khi học sinh đó bị 2 bài điểm kém liên tiếp, “Sao thế con?” khi 1 bài làm đột xuất tụt dốc... Đấy là vừa dạy vừa dỗ học sinh.
Luôn yêu cầu học sinh học thuộc lý thuyết, không học ở nhà thì đến lớp học và hứa “Ai thuộc lý thuyết mà không làm được bài tập sách giáo khoa, cô xin chịu trách nhiệm”. Dạy Toán là dạy học sinh phương pháp giải bài Toán, do vậy phải xác định “Khó khăn nhất khi giải Toán là: Đọc đề bài”. Yêu cầu học sinh đọc đề bài nhiều lần, chỉ ra cái biết và cái chưa biết, phân tích đề xong là gần như giải quyết xong bài Toán. Qua đó, học sinh tin ai cũng giải được bài Toán nếu đọc kỹ đề và thuộc lý thuyết. Điều đó còn có ý nghĩa giáo dục: Cuộc đời con người là một chuỗi các bài Toán và hãy mang phương pháp tư duy này để giải quyết các bài toán cuộc đời – phải chăng đó là rèn luyện bản lĩnh và nghị lực cho con trẻ? Đó là dạy người qua việc dạy Toán.
Sự khích lệ của thầy cô làm học sinh tự hào về mình, tự tin vào bản thân và có hứng thú học tập thực sự.
Bước 3: Niệm thần chú[sửa]
Khi dạy học sinh yếu kém, đặc biệt là 9X, người giáo viên phải “ghìm mình”, đừng cáu giận, nóng vội vì nóng vội và cáu giận chỉ thêm bực mình và hỏng việc. Trái lại, giáo viên phải bình tĩnh trước mọi tình huống, và tôn thờ nguyên tắc “Thế là tốt lắm rồi”; đã bắt đầu học - “Thế là tốt lắm rồi”; lý thuyết liên quan thuộc rồi – “Thế là tốt lắm rồi”; tính toán nhầm đôi chút - “Thế là tốt lắm rồi” (vì còn biết nhiều hơn 1 quy tắc mà nhầm).
Để niệm được thần chú này đòi hỏi nhà giáo phải tự điều chỉnh, tự thay đổi mình để công tác giảng dạy phù hợp với đối tượng. Bởi sự thay đổi ấy có thể làm đổi thay tâm tính của cả một con người, bởi đó là tình yêu đích thực của nhà giáo với tương lai học trò.
Với sáng kiến nhỏ này của mình, cô giáo Nguyễn Băng Tâm mong muốn góp thêm một chút sức lực nhỏ bé của mình vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là dạy học những học sinh yếu kém. Từ đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục của trường THPT Phan Huy Chú nói riêng và giáo dục Thủ đô nói chung.
- Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 16, tháng 4/2011