Gây dựng lại lòng tin

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có lẽ bạn đã bị chính người bạn đời của mình lừa dối, bị người bạn thân nhất đâm sau lưng, hay thậm chí bị đồng nghiệp lợi dụng ý tưởng. Mặc khác, có thể bạn cũng đã nói dối người yêu của mình, cướp mất chàng trai hay cô gái mà bạn mình để ý, hoặc thất bại trong việc giúp đồng nghiệp hoặc bạn cùng lớp hoàn thành một dự án quan trọng. Lòng tin giữa hai người nghĩa là cả hai đều có thể bị tổn thương vì nhau.[1] Duy trì lòng tin rất quan trọng để có mối quan hệ khiến cả hai hài lòng.[2] Việc đánh mất lòng tin giống như một con đường hai chiều, và lấy lại nó cũng giống như vậy. Cả hai bạn cần cùng nhau cố gắng để gây dựng lại lòng tin đã mất. Dưới đây là những gì hai bạn cần thực hiện.

Các bước[sửa]

Chịu Trách nhiệm với Hành động của bạn[sửa]

  1. Thú nhận. Nếu bạn từng lừa dối một ai đó, thì bạn cần phải thú nhận. Trong các mối quan hệ giữa người với người, điều đặc biệt quan trọng là bạn phải nói sự thật dù bạn được lợi nhiều hơn từ lời nói dối.[2] Nếu bạn đã từng là người lừa dối, thì việc bạn dũng cảm thú nhận và chấp nhận trả giá bằng mọi thứ sẽ làm người đó thấy rằng bạn luôn đề cao hạnh phúc của họ hơn của chính mình.[2] Việc phủ nhận chỉ khiến cho người bị bạn gạt mất lòng tin vào bạn nhiều hơn, nhất là khi sự thật vốn dĩ đã rõ ràng.
    • Thừa nhận mọi lỗi lầm. Thậm chí có những chuyện bạn có thể giấu kín mà không sợ bị phát hiện, nhưng bạn vẫn nên nói ra. Chỉ khi thừa nhận hết tất cả mới khiến người khác quên đi lỗi lầm của bạn.
  2. Dự đoán phản ứng cảm xúc đối phương. Thừa nhận rằng bạn đã lừa dối ai đó sẽ không khiến mọi chuyện trở nên dễ dàng ngay lập tức. Trái lại, bạn có thể dự đoán sự bùng nổ cảm xúc như la hét, khóc lóc, và một số biểu hiện khác, khi họ nghe bạn thừa nhận việc bạn đã lừa dối. Nhưng nhớ rằng, cách tốt nhất để tiếp tục bên nhau là bày tỏ mọi thứ một cách thẳng thắn.
  3. Nói lời xin lỗi. Đây là một việc hiển nhiên, nhưng thật đáng tiếc vì lời xin lỗi đôi khi lại bị bỏ qua. Cách bạn nói lời xin lỗi sẽ quyết định lời xin lỗi đó có được chấp nhận hay không, và cả hai bạn có thể tiếp tục bên nhau hay không.[3]
    • Khi nói lời xin lỗi, tránh bào chữa cho hành động của bạn.[3] Đừng đổ lỗi rằng người bị bạn làm tổn thương đã hiểu lầm bạn (“Em hiểu sai ý anh rồi”). Đừng phủ nhận nỗi đau của họ (“Em thậm chí còn không bị tổn thương mà”). Đừng kể chuyện buồn (“Anh đã có tuổi thơ không êm đềm”).
    • Cách tốt nhất để chịu trách nhiệm là thừa nhận nỗi đau của người khác, nói những điều đáng lẽ ra bạn nên làm, và hứa sẽ thực hiện những việc đó.[3]
    • Hãy để người bị bạn lừa dối biết tại sao bạn xin lỗi họ. Nếu họ biết rằng bạn xin lỗi vì cảm thấy sai trái và xấu hổ, thì họ sẽ dễ dàng tha thứ cho bạn. Nhưng nếu họ nghĩ rằng bạn xin lỗi chỉ vì thương hại họ, thì họ sẽ khó có thể tha thứ cho bạn. Lòng thương hại khác với cảm giác hối lỗi và hổ thẹn vì nó không thể hiện được phần nào trách nhiệm cá nhân của người phạm lỗi. Lòng thương hại cũng ám chỉ rằng người phạm lỗi có vị thế cao hơn người bị tổn thương.[4]
  4. Tha thứ cho chính mình. Khi bạn làm mất đi lòng tin của ai đó, bạn có thể cảm thấy rất ân hận đến nỗi phải trải qua một giai đoạn khó khăn để tha thứ cho chính mình. Trong khi việc có một trái tim biết ăn năn chính là điều cần thiết để hòa giải với người mà bạn đã lừa dối, bạn cũng cần phải chấp nhận và học cách tha thứ cho chính mình sau những nỗ lực để hàn gắn mối quan hệ.
    • Nên nhớ rằng không ai là hoàn hảo cả. Cho dù sai lầm trong quyết định của bạn là lớn hay nhỏ, điều đó cũng thể hiện rằng bạn cũng chỉ là một con người bình thường. Chấp nhận thất bại của mình và cố gắng phấn đấu vì tương lai.
    • Nếu cứ bám lấy những suy nghĩ về sai lầm trong quá khứ, bạn sẽ có nguy cơ tự hạ thấp giá trị bản thân. Một khi bạn đã bắt đầu có suy nghĩ như thế, thì nó có thể làm tiêu tan động lực tự phát triển bản thân của bạn.

Buông bỏ Mọi chuyện Đã qua Nếu Bạn từng Lừa dối Ai đó[sửa]

  1. Để người khác biết rõ về cuộc sống của bạn. Mọi người đều muốn kiểm soát thông tin cá nhân của họ.[5] Nhưng, cũng có lúc bạn cần phải tiết lộ một phần thông tin riêng tư của mình để làm cơ sở cho người khác thử tin bạn một lần nữa. Bằng cách để người khác biết rõ về cuộc sống của bạn, chính mắt họ có thể xác nhận rằng bạn không thuộc nhóm những kẻ hay phản bội.
    • Đây là điều rất quan trọng khi các mối quan hệ lãng mạn bị tan vỡ bởi sự không chung thủy. Sau khi lừa dối, để bù đắp bạn nên cho phép người bạn đời quyền xem toàn bộ tin nhắn, nhật ký cuộc gọi, thư điện tử và lịch hẹn của bạn trong một vài tuần đến vài tháng. Để anh ấy hoặc cô ấy biết bạn đang ở đâu và bạn đang ở với ai bất cứ khi nào có thể.
  2. Để cho người khác trút giận.[6] Những cảm xúc tiêu cực là điều tự nhiên xuất hiện sau sự lừa dối. Người có cảm giác bị phản bội sẽ cần phải bày tỏ tình cảm và suy nghĩ của họ để có thể được chữa lành vết thương lòng. Điều này có thể khiến bạn khó chịu, nhưng nó lại rất cần thiết đối với họ.
    • Một trong những điều tệ nhất mà bạn làm là cố khiến họ “im lặng” khi họ đang tức giận. Hành động này cho thấy bạn hoàn toàn không coi trọng cảm xúc của họ.
    • Để người khác trút giận theo cách họ muốn. Mỗi người trút giận một cách khác nhau và ở thời điểm khác nhau. Việc hối thúc cho thấy bạn thiếu quan tâm đến họ.
  3. Giữ lời hứa. Điều bạn làm quan trọng hơn lời bạn nói. Lòng tin giữa hai người nghĩa là bạn phải đáng tin cậy và kiên định trong một thời gian dài.[7] Bạn nên hứa sẽ làm tốt hơn, nhưng chỉ với một lời hứa hay lời xin lỗi thì không thể gây dựng lại lòng tin trong một thời gian ngắn được.[8] Nếu bạn không thể thành thật trong những lần sau hoặc không thể làm tất cả những gì bạn đã hứa, người mà bạn từng lừa dối sẽ không chấp nhận rằng bạn đã thay đổi hoặc bạn xứng đáng được tin tưởng thêm một lần nữa.
    • Bạn nên tránh phạm sai lầm tương tự bằng mọi giá.
  4. Giữ kiên nhẫn. Hiểu rằng việc lấy lại lòng tin rất tốn thời gian. Bạn cần kiên nhẫn với người khác, và bạn cũng cần kiên định với những nỗ lực của mình.
    • Tùy theo mức độ nghiêm trọng của việc bạn đã lừa dối, gây dựng lòng tin có thể mất vài tuần, vài tháng hoặc vài năm.
    • Đừng bao giờ gây áp lực cho người khác để họ tin tưởng bạn hơn.
    • Hiểu rằng mọi thứ sẽ không bao giờ như cũ sau khi bạn đã lừa dối họ, nhưng nếu bạn thể hiện rằng bạn là một người đáng tin cậy, thì bạn có thể lấy lại được lòng tin ở một mức độ nào đó.

Sẵn sàng để Tin tưởng Ai đó Một lần nữa[sửa]

  1. Đánh giá tình hình. Trước khi bạn có thể gây dựng lại lòng tin vào người đã từng lừa dối bạn, trước tiên bạn phải hỏi bản thân xem mối quan hệ này có phải là điều mà bạn muốn cứu vãn không. Hãy tự hỏi bản thân:
    • Đây có phải là lần đầu tiên anh ấy lừa dối mình không?
    • Mình có sẵn sàng đặt niềm tin vào anh ấy một lần nữa không, thậm chí nếu từ giờ trở đi anh ấy sẽ làm mọi thứ thật hoàn hảo?
    • Mình có thể tha thứ không?
    • Mối quan hệ giữa mình với anh ấy có đủ quan trọng để mình đấu tranh không?
    • Đây có phải là sai lầm một lần hay là thói quen?
  2. Xem xét cách đối phương phản ứng với tình huống. Họ có đang thực sự xin lỗi vì đã làm tổn thương bạn hay họ xin lỗi vì bị phát hiện nói dối? Họ có sẵn sàng để lắng nghe bạn và nỗ lực để làm mọi thứ tốt hơn lần sau không? Họ có sẵn sàng để chấp nhận lỗi lầm không?
    • Nếu họ không có vẻ thực sự hối tiếc vì đã làm tổn thương bạn, hoặc không quan tâm đến việc cải thiện mọi thứ, thì mối quan hệ này có lẽ không còn cần thiết cho bạn nữa.
  3. Cẩn thận để tránh bị lừa dối lần nữa. Tiếp tục xem xét tình hình tiến triển. Sau một vài tuần đến vài tháng, bạn nên chú ý đến những dấu hiệu tin cậy của người đã từng lừa dối bạn. Việc cố gắng xác định liệu người nào đó có đang nói dối là một vấn đề nan giải, nhưng những biểu hiện dưới đây có thể là dấu hiệu của sự lừa dối:[9]
    • Người đang nói dối sẽ tốn nhiều thời gian để suy nghĩ câu trả lời và họ nói chuyện ít hơn khi họ hành động.
    • Người nói dối sẽ kể chuyện rất cường điệu và ít chi tiết. Họ cũng có cách nói chuyện ít thẳng thắn, thường xuyên ngưng lại, và sử dụng ít cử chỉ.
    • Người nói dối ít có khả năng tự hoàn thiện bản thân hơn so với người nói thật.
    • Người nói dối dễ bị căng thẳng. Điều này khiến cho giọng nói của họ cao hơn, và họ thường bị bồn chồn không yên.
  4. Bày tỏ cảm xúc. Hãy để người đã từng lừa dối bạn biết rằng bạn đã bị tổn thương sâu sắc như thế nào bởi hành động của họ. Quan trọng hơn là hãy nói với người đó chính xác những gì đã làm tổn thương bạn. Nói cho họ biết điều bạn cần để có thể tin tưởng họ lại.

Để Mọi chuyện Đi vào Quên lãng Nếu Ai đó từng Lừa dối Bạn[sửa]

  1. Quên đi cơn giận. Khi bạn muốn quên đi cơn giận, hãy mặc kệ nó. Sau khi đã trò chuyện với nhau về sự lừa dối đã qua, bạn cần phải để nó trôi vào quên lãng. Thậm chí nếu bây giờ bạn cảm thấy buồn hoặc giận dữ, thì cảm giác đó sẽ không tồn tại mãi được. Đừng đem chúng vào cuộc tranh cãi có thể xảy ra sắp tới, nhất là nếu người đó đã nỗ lực để bù đắp lỗi lầm.
    • Nếu bạn nhận ra mình vẫn còn có cảm xúc tiêu cực, thì hãy suy nghĩ tại sao bạn vẫn khó lòng buông bỏ vấn đề. Đó có phải vì người bạn đời vẫn còn hành xử theo cách mà họ đã phản bội niềm tin của bạn không? Hay có phải vì vấn đề cá nhân có dính líu đến quá khứ của riêng bạn không?
  2. Điều chỉnh mong muốn của bạn. Thậm chí nếu ai đó không bao giờ muốn làm tổn thương bạn, thì không ai có thể cho bạn chính xác điều bạn muốn mọi lúc 100%. Khi bạn đã biết rằng bạn không cầu toàn, bạn có thể hiểu hơn về mức độ tin tưởng mà bạn thực sự dành cho họ. [10]
    • Mục tiêu phải thực tế, không được để bản thân đi quá xa. Chấp nhận rằng mỗi người đều có thể phạm lỗi. Tuy nhiên, đừng cho phép bất cứ ai bỏ đi khi họ cố ý làm tổn thương bạn hoặc chủ tâm thờ ơ với bạn.
  3. Cho và nhận yêu thương. Bạn cần sẵn sàng chấp nhận và yêu thương người đã từng phản bội bạn, và bạn cũng cần chấp nhận lại tình yêu mà người đó dành cho bạn. Khi người đã từng phản bội bạn cố gắng bày tỏ tình cảm, hãy xem hành động yêu thương của họ là thật lòng. Cố gắng chấp nhận việc mà bạn tin là chân thành.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Rousseau, D. M., Sitkin, S. B., Burt, R. S., & Camerer, C. (1998). Not so different after all: A cross-discipline view of trust. Academy of management review, 23(3), 393-404.
  2. 2,0 2,1 2,2 Simpson, J. A. (2007). Psychological foundations of trust. Current directions in psychological science, 16(5), 264-268.
  3. 3,0 3,1 3,2 Greene, J. O., & Burleson, B. R. (Eds.). (2003). Handbook of communication and social interaction skills. Psychology Press.
  4. Hareli, S. & Eisikovits, Z. (2006). The role of communicating social emotions accompanying apologies in forgiveness. Motivation and Emotion, 30, 189-197.
  5. Petronio, S. (2013). Brief status report on communication privacy management theory. Journal of Family Communication, 13(1), 6-14.
  6. http://www.huffingtonpost.com/sheri-meyers/for-the-betrayer_b_3269327.html
  7. Simpson, J. A. (2007). Psychological foundations of trust. Current directions in psychological science, 16(5), 264-268.
  8. Schweitzer, M. E., Hershey, J. C., & Bradlow, E. T. (2006). Promises and lies: Restoring violated trust. Organizational behavior and human decision processes, 101(1), 1-19.
  9. Knapp, M., Hall, J., & Horgan, T. (2013). Nonverbal communication in human interaction. Cengage Learning.
  10. http://powertochange.com/discover/sex-love/rebuildtrust

Liên kết đến đây