Giảm chứng phù một cách tự nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chứng phù là một dạng sưng do chất dịch dư thừa tích tụ trong mô. Chứng phù thường xuất hiện ở mắt cá, bàn chân, cẳng chân, cánh tay và bàn tay. Trong thời gian mang thai hoặc sau chấn thương, cơ thể cũng có thể bị phù. Ngoài ra, chứng phù có thể là do bệnh tim mạch, thận hoặc gan hoặc là tác dụng phụ của thuốc chữa bệnh. Chứng phù có thể xuất hiện bên ngoài (chứng phù ngoại biên), ví dụ như ở mắt cá, bàn chân, cẳng chân, cánh tay, bàn tay, hoặc bên trong cơ thể như xung quanh các cơ quan nội tạng như phổi.[1]

Các bước[sửa]

Xác định Chứng phù Ngoại biên[sửa]

  1. Kiểm tra triệu chứng thông thường. Phù ngoại biên có đặc trưng là tình trạng sưng phù ở mắt cá, bàn chân, cánh tay và bàn tay. Vùng sưng phù khiến da trông bóng hoặc giãn ra.
    • Nếu ấn ngón tay vào chỗ sưng và thấy vết lõm không đàn hồi trở lại trong giây lát, đó có thể là dấu hiệu của chứng phù ấn lõm. Chứng phù ấn lõm thường xuất hiện sau thời gian ngồi quá lâu.
  2. Đánh giá yếu tố nguy cơ mắc chứng phù ngoại biên. Chứng phù ngoại biên cấp độ nhẹ hoặc vừa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:[1]
    • Ít vận động trong thời gian dài, không di chuyển hoặc không tập thể dục,
    • Ăn thức ăn chứa hàm lượng muối quá cao,
    • Thay đổi hormone (bao gồm đầy hơi tiền kinh nguyệt và thay đổi nồng độ estrogen),
    • Mang thai,
    • Chấn thương sau phẫu thuật ở hệ bạch huyết và hạch bạch huyết (thường là sau phẫu thuật loại bỏ ung thư vú),
    • Uống một số loại thuốc chữa bệnh, bao gồm thuốc Steroid, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc điều trị tiểu đường và thuốc kháng viêm không steroid.
  3. Uống một số loại thuốc chữa bệnh, bao gồm thuốc Steroid, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc điều trị tiểu đường và thuốc kháng viêm không steroid.[2]
    • Suy tim sung huyết;
    • Bệnh gan;
    • Bệnh thận hoặc hội chứng thận hư (bệnh thận do nồng độ albumin - protein quan trọng trong máu - thấp);
    • Suy tĩnh mạch mãn tính, ví dụ như giãn tĩnh mạch, khiến mạch máu không thể lưu thông máu hiệu quả;
    • Suy bạch huyết hoặc tổn thương bạch huyết (có thể là do hóa trị, phẫu thuật hoặc chấn thương khác).

Thay đổi Chế độ ăn và Lối sống[sửa]

  1. Hạn chế tiêu thụ muối. Lượng muối dư thừa trong cơ thể sẽ hút nước đến mô nên việc giảm tiêu thụ muối có thể giúp giảm chứng phù.[3] Bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để được hỗ trợ trong việc duy trì chế độ ăn ít muối. Ngoài ra, có một số bí quyết mà bạn có thể làm theo để giảm tiêu thụ muối.[4]
    • Không cho muối tinh vào thức ăn. Có thể sẽ mất một chút thời gian để điều chỉnh khẩu vị theo món ăn nhạt nhưng chắc chắn sau đó, bạn sẽ thấy thích hương vị của chính nguyên liệu tạo ra món ăn hơn. Có thể cho thêm một ít thảo mộc hoặc gia vị như rau thì là, bột cà ri, tiêu, hạt thì là Ai Cập hoặc lá nguyệt quế để tăng sự đa dạng hương vị cho món ăn.
    • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn. Thực phẩm nên tránh tiêu thụ gồm có thực phẩm (bao gồm cả súp) đóng hộp, đông lạnh hoặc đóng lon được bán ở các cửa hàng.
    • Ăn thực phẩm toàn phần do bạn tự chế biến. Bằng cách này, bạn có thể đảm bảo thức ăn không được cho thêm muối. Tốt nhất bạn nên mua thực phẩm được bày xung quanh cửa hàng, không mua hàng được bày ở lối đi giữa. Thực phẩm được bày xung quanh cửa hàng thường là nông sản, thịt và hải sản, sữa động vật và thực phẩm với số lượng lớn (như đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt).
    • Tìm kiếm quầy thực phẩm hữu cơ. Đôi khi, thực phẩm tiện lợi từ nguyên liệu toàn phần sẽ được bày ở quầy sản phẩm hữu cơ. Bạn nên đọc nhãn sản phẩm của thực phẩm chế biến sẵn để kiểm tra hàm lượng muối.
  2. Cải thiện cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn. Cách tốt nhất để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng là ăn nhiều hoa quả và rau củ. Những thực phẩm này chứa hàm lượng muối thấp và giàu dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
    • Ăn nhiều hoa quả và rau củ, bao gồm măng tây, rau mùi tây, củ dền, nho, đậu xanh, rau lá xanh, bí đỏ, dứa, hành tây, tỏi và tỏi tây.
    • Rau có màu đậm thường có giá trị dinh dưỡng cao nhất.[5]
    • Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxi hóa như việt quất, mâm xôi, anh đào, cà chua, bí đỏ và ớt chuông có thể giúp ích khi điều trị chứng phù.
  3. Hạn chế ăn thịt. Nên hạn chế lượng thịt tiêu thụ. Một số loại thịt (ví dụ như thịt muối, thịt đông lạnh và thịt đỏ) có hàm lượng natri cao. [6] Ngoài ra, dung nạp quá nhiều mỡ béo có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng gan, bàng quang và chức năng tiêu hóa, từ đó khiến chứng phù trở nặng hơn.
  4. Uống nhiều nước. Điều này nghe có vẻ phản trực quan nhưng đây là cách tốt nhất để thanh lọc cơ thể. Vì vậy, bạn nên uống 6-8 cốc nước (mỗi cốc 240 ml) mỗi ngày. [7]
    • Nếu được kê đơn dùng thuốc lợi tiểu, bạn nên trao đổi với bác sĩ về lượng nước nên uống cho phù hợp.
  5. Tránh đồ uống chứa cồn, caffeine và thuốc lá. Những sản phẩm này có thể làm tăng chứng phù ngoại biên và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Đồ uống chứa cồn và caffeine có thể gây mất nước nên nếu tiêu thụ những sản phẩm này, bạn cần uống thêm nước để chống lại ảnh hưởng của chúng.
  6. Tập thể dục đúng cách với thời gian phù hợp. Một kiến thức phổ biến khác đó là chứng phù có thể do không di chuyển hoặc tập thể dục đủ. Nhưng có một điều mà không nhiều người biết đó là tập luyện quá mức cũng gây phù. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ về loại bài tập và thời gian tập luyện phù hợp với tình trạng của bản thân.
    • Nếu không quen với quy trình tập luyện nghiêm ngặt, bạn nên tập một cách từ từ. Nên cẩn trọng và tăng dần cường độ bài tập dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu nếu đang phục hồi sau phẫu thuật hoặc sau khi bị bệnh.[8]
  7. Hạn chế ngồi quá nhiều. Ngồi nhiều và không di chuyển là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây chứng phù. Đi lại xung quanh giúp cơ chân co giãn, từ đó giúp “mát-xa” hay kích thích tĩnh mạch, tạo điều kiện cho tĩnh mạch đẩy máu đến tim và phổi. Ngồi một chỗ trong thời gian dài sẽ khiến máu dồn vào chân tay. [9]
  8. Đưa chân lên cao khi đang ngồi hoặc thư giãn trong thời gian dài. Nếu không thể tránh khỏi việc ngồi quá lâu, bạn có thể tìm cách đưa chân lên cao để tránh khiến máu dồn xuống chân. Có thể đặt chân lên bàn, ghế hoặc ghế dài có đệm. Ngoài ra, có thể chồng gối và đặt chân lên cho thoải mái.
  9. Đi lại xung quanh mỗi một tiếng. Nếu phải ngồi quá lâu, bạn nên cố gắng đứng dậy đi bộ 5 phút sau mỗi một tiếng để giảm chứng phù.[9] Có thể đi dạo quanh phòng, đi rót nước hoặc đi dạo bên ngoài tòa nhà công ty. Cách này vừa giúp giảm chứng phù, vừa giúp cải thiện tâm trạng và khả năng tập trung.
    • Nhiều người nhận thấy chứng phù trở nặng hơn vào buổi chiều tối. Ngay cả khi nằm trên ghế để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc dài, bạn vẫn nên đứng dậy và đi lại mỗi 1-2 tiếng.
  10. Đưa tay lên cao. Nếu chứng phù ngoại biên tập trung chủ yếu ở bàn tay và cổ tay, bạn có thể thử đưa tay lên quá đầu mỗi 30-60 phút. Cách này tạo điều kiện cho trọng lực kéo không cho chất dịch dồn ở tay.
    • Lắc nhẹ hoặc nắn bàn tay trong khi đưa tay lên cao quá đầu cũng là một cách rất có ích.
  11. Mang vớ áp lực. Vớ áp lực (hay vớ hỗ trợ) là vớ đàn hồi, chặt giúp giữ áp lực xung quanh cẳng chân và mắt cá để ngăn tích tụ chất dịch.[3] Bạn có thể mua vớ áp lực ở các cửa hàng thiết bị y tế và hiệu thuốc.
    • Nhiều người sẽ thấy khó mang vớ áp lực do vớ quá chặt. Cách tốt nhất để mang vớ vào là cuộn phần vớ từ dưới lên đến mắt cá. Sau đó, cho chân vào vớ rồi kéo phần vớ còn lại qua cổ chân và lên bắp chân.
    • Nhiều bác sĩ hay chuyên gia vật lý trị liệu khuyến nghị nên mặc quần áo tạo áp lực trong khi tập thể dục;[10] tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến chuyên gia y tế trước khi muốn sử dụng.
    • Một số loại quần áo tạo áp lực cần phải khớp với thân hình của bạn. Ví dụ, sau khi phẫu thuật ngực, một số phụ nữ cần mang phần cánh tay tạo áp lực được thiết kế riêng.
    • Đôi khi, việc sử dụng quần áo tạo áp lực có kèm theo bơm (để bơm không khí gián đoạn) là cần thiết.[11]

Thử Cách Điều trị Tự nhiên Khác[sửa]

  1. Trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Liệu pháp điều trị tự nhiên thường rất an toàn nhưng bạn vẫn cần trao đổi với bác sĩ trước khi muốn sử dụng.
  2. Uống trà lợi tiểu. Những loại trà này hoạt động như chất lợi tiểu, làm tăng lượng nước tiểu và nhờ đó giúp đẩy chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Mặt khác, bạn nên lưu ý đến tình trạng dị ứng và luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về tương tác giữa trà với thuốc chữa bệnh. Uống 3-4 cốc trà mỗi ngày và cho thêm mật ong, đường cỏ ngọt hoặc chanh để cải thiện mùi vị.[12]
    • Trà lá bồ công anh: Cần nhớ nên sử dụng trà từ lá bồ công anh, không dùng rễ vì rễ bồ công anh không có tác dụng chữa chứng phù.
    • Trà thảo quả: Tự pha trà thảo quả bằng cách cho 1 thìa cà phê hạt hoặc thảo quả sấy khô vào một cốc nước nóng.
    • Trà hoa cúc: Loại trà này cũng sẽ giúp bạn thư giãn và ngủ ngon.
    • Trà rau diếp xoăn: Loại trà này có thể dùng thay thế cà phê.
    • Trà thì là: Tự pha trà thì là bằng cách cho 1 thìa cà phê hạt hoặc lá thì là vào một cốc nước. Thì là cũng sẽ giúp cải thiện tiêu hóa và mang lại hơi thở thơm mát.
    • Trà mùi tây: Loại trà này có đặc tính lợi tiểu và hỗ trợ tiêu hóa.
    • Trà tầm ma: Trà tầm ma lợi tiểu và giúp bổ sung vitamin cùng khoáng chất.
  3. Bổ sung chất chống oxi hóa. Chất chống oxi hóa gián tiếp hỗ trợ điều trị chứng phù vì chúng giúp tăng cường sức khỏe mạch máu. Bên cạnh thực phẩm giàu chất chống oxi hóa, bạn có thể bổ sung dưới dạng thực phẩm chức năng như chiết xuất hạt nho (360 mg, mỗi ngày hai lần) hoặc việt quất (80 mg, mỗi ngày 3 lần).[13]
  4. Tiếp nhận châm cứu. Châm cứu, một trong những phép điều trị phổ biến trong Y học Cổ truyền Trung Hoa, là phương pháp châm kim vào những huyệt cụ thể trên cơ thể. Y học Cổ truyền Trung Hoa chú trọng vào sự cân bằng trong cơ thể và chứng phù được xem là dấu hiệu của sự mất cân bằng. Châm cứu sẽ giúp tái cân bằng để chất lỏng lưu thông tốt hơn, từ đó giúp chữa chứng phù. [14]
    • Nên châm cứu ở nơi có chuyên gia được cấp chứng chỉ hành nghề.
  5. Áp dụng liệu pháp mát-xa. Liệu pháp mát-xa có thể kích thích tuần hoàn và đẩy chất lỏng ra khỏi mô và chảy ngược vào máu và hệ bạch huyết. Mát-xa phù bạch huyết hay còn gọi là Lưu dẫn Bạch huyết (MLD) hay Liệu pháp Lưu dẫn Bạch huyết (LDT) là một dạng mát-xa hỗ trợ hệ bạch huyết và chức năng miễn dịch.[15]
    • Bạn có thể nhờ bác sĩ giới thiệu đến chuyên gia mát-xa MLD/LDT.
    • Nên tiếp nhận liệu pháp mát-xa từ những chuyên gia mát-xa được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề.
  6. Mát-xa bằng nước. Các chuyên gia liệu pháp thiên nhiên thường khuyên nên “mát-xa bằng nước” để kích thích lưu thông bạch huyết, làm co giãn các mạch và van bạch huyết, đẩy chất lỏng về tim và ra khỏi tay chân, nhờ đó làm giảm chứng phù. Bạn có thể tự mát-xa tại nhà bằng vòi hoa sen.
    • Bắt đầu bằng việc tắm chân với nước lạnh. Xịt nước lần lượt lên hai bàn chân, sau đó xịt từ bàn chân lên bắp chân và hướng đến tim.
    • Tiếp theo, xịt nước lạnh lần lượt lên hai bàn tay. Sau khi tay ướt, tiếp tục xịt nước lạnh từ bàn tay lên trên cánh tay và hướng đến tim. Xịt nước lên tay kia và lặp lại quy trình tương tự.
    • Đổi sang nước nóng. Độ nóng của nước phải ở mức mà bạn có thể chịu được và không gây bỏng.
    • Lặp lại quy trình xịt nước nước nóng lên cả hai bàn chân, xịt dần lên bắp chân, sau đó xịt đến hai bàn tay và xịt dần lên cánh tay.
    • Đổi sang nước lạnh và lặp lại quy trình xịt nước một lần nữa và kết thúc.
  7. Thử phương pháp chà bạch huyết. Chà bạch huyết (hay còn gọi là “chà da khô”) là một phương pháp khác trong Y học Cổ truyền Trung Hoa. Bạn có thể áp dụng phương pháp này tại nhà bằng cách dùng bàn chải lông mềm, cán dai hoặc khăn bông mịn.[16]
    • Da và bàn chải (hoặc khăn) phải hoàn toàn khô.
    • Hướng chà bàn chải phải luôn là một đường dài hướng về tim. Không chà từng đoạn ngắn.
    • Chà từ bàn tay lên cánh tay và hướng đến vai.
    • Chà từ dưới lưng trở lên, từ dưới cột sống lên đến vai.
    • Chà từ cổ xuống, từ đường chân tóc đến vai.
    • Chà từ ngực trở lên cổ họng.
    • Chà từ rốn lên giữa ngực.
    • Chà quanh bầu ngực và hướng lên đến vùng dưới cánh tay.
    • Chà từ bàn chân lên bắp chân. Sau đó, chà từ mắt cá chân lên đầu gối, chà cả ở phía trước, phía sau và hai bên. Sau đó, chà từ đầu gối lên háng, phía trước, phía sau và cả hai bên.
    • Chà từ háng lên rốn.
    • Quy trình chà bạch huyết nên kéo dài khoảng 5 phút và sau đó nên tắm bồn với nước ấm hoặc tắm vòi sen bằng nước lạnh. Áp dụng phương pháp này 1-2 lần mỗi ngày.

Điều trị Chứng phù Bên trong[sửa]

  1. Kiểm tra triệu chứng. Chứng phù bên trong có đặc trưng là tình trạng sưng bụng (chướng cổ). Phù phổi có thể khiến bạn khó thở, thở gấp hoặc đau ngực.[17]
  2. Tìm kiếm chăm sóc y tế. Chứng phù bên trong là bệnh nghiêm trọng. Bạn không nên tự giảm chứng phù bên trong tại nhà. Nên đi khám bác sĩ và tuân theo hướng dẫn để điều trị chứng phù bên trong.[18]
  3. Điều trị chứng phù bên trong dưới sự theo dõi của bác sĩ. Điều trị chứng phù bên trong có thể bao gồm việc dùng các thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế ACE, thuốc chặn beta, hoặc corticosteroid. Nên nhớ luôn phải trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi tiếp nhận phép điều trị.

Lời khuyên[sửa]

  • Chăm sóc da trong khi mắc chứng phù. Bạn cần dùng thêm kem dưỡng hoặc kem để làm dịu tình trạng giãn da tại vị trí bị phù nề.
  • Có thể kiểm soát vết sưng nhỏ bằng cách chườm đá viên. Cho đá viên vào khăn mềm và chườm lên vết sưng khoảng 10 phút. Lặp lại mỗi 2-4 tiếng.

Cảnh báo[sửa]

  • Nên đi khám bác sĩ ngay nếu chứng phù không cải thiện sau 4-5 ngày điều trị tại nhà hoặc trở nặng.
  • Không kết hợp phương pháp mát-xa nước với phương pháp chà da vì có thể gây kích thích quá mức.
  • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn sử dụng liệu pháp tự nhiên hoặc điều trị tại nhà.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/edema/basics/symptoms/con-20033037
  2. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/edema/basics/causes/con-20033037
  3. 3,0 3,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/edema/basics/lifestyle-home-remedies/con-20033037
  4. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/sodium/art-20045479
  5. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cancer/expert-blog/fruits-and-vegetables-and-cancer/bgp-20056364
  6. https://www.goredforwomen.org/live-healthy/heart-healthy-cooking-tips/high-sodium-foods-ways-to-reduce-sodium/
  7. http://www.hci.utah.edu/patientdocs/hci/drug_side_effects/edema.html
  8. http://www.hopkinsmedicine.org/healthlibrary/conditions/breast_health/lymphedema_following_a_mastectomy_85,P00148/
  9. 9,0 9,1 http://www.medicalstockingsonline.com/article-exercise-and-edema.php
  10. http://svnnet.org/index.php?page=varicose-veins
  11. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lymphedema/basics/treatment/con-20025603
  12. Hoult JR, Payá M., Pharmacological and biochemical actions of simple coumarins: natural products with therapeutic potential. Gen Pharmacol. 1996 Jun;27(4):713-22.
  13. http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/edema
  14. http://www.acupuncture.com/Conditions/edema.htm
  15. http://www.realbodywork.com/articles/lymphatic_article.html
  16. http://www.lymphatichealth.com/skin-brushing/
  17. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pulmonary-edema/basics/definition/con-20022485
  18. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pulmonary-edema/basics/tests-diagnosis/con-20022485

Liên kết đến đây