Giảm nhẹ các triệu chứng động kinh một cách tự nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thuật ngữ động kinh (epilepsy) bao hàm các bệnh rối loạn thần kinh với nhiều mức độ từ tương đối nhẹ đến nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng. Ở tất cả các dạng động kinh, các tế bào thần kinh (neuron) trong não bộ đột ngột phóng điện một cách bất thường, dẫn tới sự rối loạn các giác quan (thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác), thay đổi cảm xúc, co rút các cơ ngẫu nhiên và mất ý thức.[1] Bất cứ yếu tố nào thay đổi kiểu phóng điện của các neuron đều có thể gây nên các cơn động kinh và co giật. Bạn có thể giảm nhẹ các triệu chứng động kinh bằng nhiều cách trị liệu khác nhau liên quan đến chế độ dinh dưỡng và lối sống. Tuy nhiên phản ứng đầu tiên của bạn trước căn bệnh này vẫn phải là nhờ bác sĩ tư vấn và cân nhắc các loại thuốc chống động kinh.

Các bước[sửa]

Thay đổi lối sống để kiểm soát các tác nhân kích thích[sửa]

  1. Xác định các tác nhân kích thích. Các cơn co giật có thể bộc phát do quên uống thuốc, thiếu ngủ, ánh sáng chói, sốt cao, thay đổi hormone và các chu kỳ hormone, căng thẳng, lạm dụng rượu và chất kích thích, hạ đường huyết, caffeine và một số loại thuốc.[2]
    • Bên cạnh đó, mức hormone có thể thay đổi do tác động của một số thuốc chống động kinh. Nếu bị co giật do sự kích thích của chu kỳ kinh nguyệt, có thể bạn mắc chứng động kinh có tên gọi là catamenial epilepsy, khiến bạn khó thụ thai trong tháng đó. Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được tư vấn về cách chữa trị thích hợp nhất cho dạng động kinh này.[3]
    • Các tác nhân kích thích ở một số người rất đặc thù và cá biệt. Bạn nên viết nhật ký co giật và cố gắng tìm ra các tác nhân nào là nguy hiểm nhất đối với bạn nếu có. Ghi lại mọi cơn co giật, thời gian trong ngày và hoàn cảnh xung quanh khi cơn co giật xảy ra. Bạn cũng cần ghi lại mọi cảm giác của bạn khi trải qua cơn co giật (mùi, vị, hình ảnh, sự đau đớn, áp lực). Những ghi chép này có thể giúp bạn và bác sĩ thu hẹp phạm vi khi tìm các tác nhân kích thích.[4]
  2. Ngủ đủ giấc mỗi đêm. Tình trạng thiếu ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn có thể làm tăng tần suất các cơn co giật.[5] Trẻ vị thành niên đặc biệt có rủi ro cao. Bạn hãy thực hiện “vệ sinh giấc ngủ” bằng cách làm theo những lời khuyên sau đây của Tổ chức Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NSF):[6]
    • Tránh các giấc ngủ ngắn. Các khoảng thời gian chợp mắt có thể xáo trộn nếp ngủ bình thường của bạn.
    • Tránh các tác nhân kích thích như caffeine, nicotine và rượu khi sắp đến giờ ngủ.
    • Tập thể dục đầy đủ
    • Tránh ăn no khi sắp đến giờ ngủ, và ăn tối trước giờ ngủ ít nhất hai tiếng.
    • Ra ngoài trời tiếp xúc với ánh nắng. Ánh nắng mặt trời có thể giúp bạn duy trì chu kỳ melatonin – một loại hormone hỗ trợ giấc ngủ.
    • Thiết lập thông lệ hoặc trình tự đều đặn. Sửa soạn bộ đồ ngủ, tắm rửa, đọc sách (không đọc trên giường), thiền hoặc cầu nguyện – bất cứ hoạt động nào bạn thích để tạo thành thói quen.
    • Cố gắng bỏ lại các rắc rối bên ngoài cánh cửa phòng ngủ.
    • Gắn kết chiếc giường với giấc ngủ. Không xem ti vi, nghe đài, sử dụng laptop hay đọc sách trên giường.
  3. Uống nước nhiều hơn để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Cố gắng uống đủ tám ly nước mỗi ngày. Các chất điện giải như sodium và potassium có thể giúp truyền các tín hiệu điện đến các tế bào. Sự mất cân bằng điện giải có thể gây ra các cơn co giật.[7] Vì vậy giữ cho cơ thể đủ nước là một điều rất cần thiết.
  4. Giảm bớt sự căng thẳng. Không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, stress còn có thể tăng tần suất các cơn co giật.[8] Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đưa ra khuyến nghị với các bước sau đây để giảm stress:[9][10]
    • Tạm nghỉ để thoát ra khỏi tác nhân gây stress – chỉ 20 phút nghỉ ngơi cũng có thể đem lại cho bạn sự thay đổi không ngờ.
    • Tập thể dục. Hai mươi phút nghỉ đó là thời gian quý giá để bạn đi dạo hoặc chạy một vòng, và kết quả giảm stress sẽ có hiệu quả trong nhiều giờ.
    • Tìm sự hỗ trợ xã hội. Gọi điện, nhắn tin hoặc email cho bạn bè. Dành vài phút để thư giãn và vui đùa.
    • Tập thiền. Các nghiên cứu đã cho thấy thiền, yoga và cầu nguyện cũng cho kết quả tương tự như tập thể dục trong việc giảm stress, và tác dụng có thể kéo dài nhiều giờ sau.
  5. Tập thể dục. Các hình thức tập luyện như đi bộ, bơi lội, chạy bộ và đạp xe đã được chứng minh là giúp giảm số lần lên cơn động kinh.[11] Chỉ cần tăng cường vận động, bạn có thể giảm được tần suất các cơn động kinh.
    • Có những việc đơn giản mà bạn có thể thực hiện như đỗ xe ở nơi xa hơn một chút hoặc dẫn chó đi dạo mỗi ngày hai hoặc ba lần.
    • Bạn cũng có thể tập yoga, thái cực quyền hoặc tập thể hình theo video hướng dẫn phù hợp với tốc độ và thời gian của bạn. Bất cứ sự tăng cường vận động nào cũng đều có lợi, càng năng hoạt động càng tốt.
    • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập thể dục cũng có thể giúp người mắc bệnh động kinh cải thiện tâm trạng.[12]
    • Thông thường vẫn có một số môn thể thao mà người mắc bệnh động kinh được khuyến cáo là nên tránh. Bạn cần tham khảo bác sĩ về các môn thể thao ngoài những môn mà bác sĩ khuyên bạn nên tập luyện.
  6. Sử dụng các phương pháp trị liệu nhận thức – hành vi. Liệu pháp tâm lý – hành vi là cách điều trị tương đối mới và ngày càng được nhiều người công nhận là một hình thức điều trị bệnh động kinh. Một trong số đó là liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT).[13] Liệu pháp CBT bao gồm các phương pháp như:
    • Điều kiện hóa (conditioning): là một quá trình tập luyện, theo đó những hành vi cụ thể được tăng hoặc giảm với sự củng cố tích cực và tiêu cực.[14]
    • Ngắt cảm giác thoáng qua (aura interruption): có thể đem lại hiệu quả trong việc giảm tần suất các cơn co giật ở bệnh nhân lên cơn động kinh do tác động của hình ảnh, âm thanh hoặc mùi vị.[15]
    • Đo điện não phản hồi sinh học thần kinh (EEG biofeedback), là phương pháp huấn luyện bệnh nhân theo dõi và phản hồi với điện não trong thời gian thực.[16]
    • Giải mẫn cảm hệ thống (systematic desensitization), theo đó bệnh nhân được tiếp xúc với các tác nhân kích thích tăng dần và được học cách thư giãn trong suốt quá trình.[17]
  7. Sử dụng các liệu pháp trí não - cơ thể (mind-body therapy). Liệu pháp trí não – cơ thể thường được sử dụng kết hợp với phương pháp nhận thức – hành vi, có tác dụng nâng cao tâm trạng và sự khỏe khoắn.[13]
    • Yoga, hít thở sâu và thiền cũng được coi là các phương pháp trí não – cơ thể có hiệu quả trong việc điều trị bệnh động kinh.[13]

Thay đổi chế độ dinh dưỡng[sửa]

  1. Tham khảo chuyên gia dinh dưỡng. Một số chế độ dinh dưỡng đặc biệt có thể giúp kiềm chế được các cơn co giật, tuy nhiên bạn chỉ nên áp dụng khi làm việc với chuyên gia dinh dưỡng. Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa thần kinh và chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt khi bạn đang dùng thuốc chống động kinh vốn có khả năng làm mất một số chất dinh dưỡng, nhất là các chất cần thiết cho xương và sức khỏe tim mạch.[18][19]
  2. Trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn kiêng ketogenic. Chế độ ăn kiêng ketogenic chủ yếu dựa vào thức ăn có hàm lượng chất béo cao và hàm lượng carbohydrates (tinh bột) rất thấp. Đây là chế độ ăn kiêng đòi hỏi sự tính toán và theo dõi chặt chẽ, ban đầu có thể phải nhịn ăn và nằm viện để theo dõi.[20] Chế độ dinh dưỡng này thường được áp dụng trong điều trị động kinh ở trẻ em.[21] Lượng calorie, chất lỏng và đạm cho phép sẽ được tính toán dựa trên cân nặng hiện tại của bệnh nhân. Thực đơn cũng được xây dựng tùy vào dạng động kinh và độ tuổi của bệnh nhi.
    • Chế độ dinh dưỡng này bắt buộc cơ thể phải sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng chính thay vì sử dụng tinh bột.
    • Chế độ ăn kiêng ketogenic có thể gây các tác dụng phụ lâu dài như sỏi thận, tăng mức cholesterol, chậm phát triển và tăng cân.[22] Vì vậy việc bàn bạc kỹ lưỡng với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khi áp dụng chế độ ăn kiêng này là điều rất quan trọng.
  3. Trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn kiêng Atkins “sửa đổi”. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy chế độ ăn kiêng Atkins đã được điều chỉnh có thể giúp giảm tỷ lệ các cơn co giật xuống gần một nửa trong số những người trưởng thành tham gia thử nghiệm.[21] Đây cũng là chế độ ăn kiêng ít tinh bột, nhiều chất béo, nhưng được điều chỉnh cho người trưởng thành và không đòi hỏi nhịn ăn, không cần tính toán lượng calorie, cũng như không cần nằm viện như khi áp dụng chế độ ăn kiêng ketogenic.[21] Tuy nhiên, chế độ ăn này cũng cần dựa trên cân nặng của bạn và một số yếu tố khác, do đó bạn phải nhờ chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.
    • Đây là chế độ ăn kiêng do Johns Hopkins phát triển vào năm 2002, với mục đích đặc biệt để hỗ trợ điều trị chứng động kinh.[23]
    • Thông thường những bệnh nhân chuyển sang chế độ ăn kiêng này sẽ thấy kết quả trong vòng vài tháng.[23]
    • Các chất béo được khuyên sử dụng gồm thịt lợn muối xông khói, trứng, sốt mayonnaise, bơ, bánh kẹp hamburger, kem sữa béo và dầu thực vật như dầu hạt cải và dầu ô liu. Hạn chế tinh bột (10-20g một ngày, tuy nhiên không cần nghiêm ngặt như chế độ ăn kiêng ketogenic.
  4. Tăng lượng kẽm nạp vào hàng ngày. Bệnh nhân động kinh thường bị thiếu hụt kẽm.[24] Do đó việc tăng cường các thức ăn giàu kẽm như các loại đậu, quả hạch và hải sản vào chế độ ăn sẽ giúp ích cho bạn.

Điều trị các triệu chứng bằng thảo dược[sửa]

  1. Tham khảo bác sĩ trước khi thử bất cứ liệu pháp thảo mộc nào. Cho dù là trà hay thực phẩm bổ sung, bạn vẫn luôn nên xin ý kiến tư vấn của bác sĩ trước khi bổ sung thảo dược vào chế độ điều trị. Bác sĩ có thể kiểm tra xem loại thảo mộc đó có khả năng tương tác với các loại thuốc đang dùng không, đồng thời cho bạn biết về các tác dụng phụ nếu có.[25]
  2. Thử dùng bacopa. Loại thảo mộc này từ lâu đã được dùng trong y học cổ truyền Ấn Độ. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng bacopa có tác dụng giảm tần suất các cơn co giật. Thận trọng khi bạn có tiền sử bệnh phổi, thận hoặc bàng quang.[25]
  3. Dùng hoa cúc chamomile. Hoa cúc chamomile có thể được dùng như chất an thần để giảm các cơn co giật có liên quan đến stress. Bạn cần tham khảo bác sĩ để biết liều dùng chính xác, vì cúc chamomile có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc an thần khác và tương tác với một số loại thuốc.[25]
  4. Hỏi bác sĩ về cây kava. Loại thảo mộc này thường được dùng như chất an thần giúp giảm các cơn co giật.[25] Kava có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác và có thể gây tổn hại gan, do đó bạn chỉ nên uống khi được bác sĩ kiểm tra chức năng gan thường xuyên.[25]
    • Không được dùng kava nếu bạn mắc bệnh Parkinson.[25]
  5. Thử dùng cây nữ lang. Loại thảo dược này có hai thành phần với tác dụng là chống co giật và an thần.[25] Cũng như nhiều loại thảo mộc khác, nữ lang có thể tương tác với các thuốc khác (và chất cồn), do đó bạn cần tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng.[25]
    • Nữ lang có thể được kết hợp với bạc hà chanh, một loại thảo mộc khác có tác dụng an thần.[25]
  6. Dùng hoa lạc tiên. Hoa lạc tiên có tác dụng an thần rất nhẹ và nghiên cứu cho kết quả rất hứa hẹn, tuy mới được thử nghiệm chủ yếu trên chuột.[26] Hoa lạc tiên có thể tương tác với các thuốc an thần làm tăng buồn ngủ.[27]
  7. Tránh các loại thảo mộc có thể làm tăng các cơn co giật hoặc làm mất tác dụng của các loại thuốc điều trị động kinh khác. Ngoài một số thảo mộc có thể giúp giảm các triệu chứng động kinh, nhiều loại khác cho thấy có tác động tăng tần suất các cơn co giật hoặc tương các với các thuốc chống động kinh. Các loại thảo mộc này bao gồm:[25][28]
    • Bạch quả (ginkgo)
    • Nhân sâm (ginseng)
    • Axít gamma-linolenic (một loại a-xít béo có trong dầu hoa anh thảo và dầu lưu ly)
    • St. John’s wort
    • Cây liễu trắng (white willow)
    • Ma hoàng (ephedra)
    • Mate
    • Guarana
    • Ca cao
    • Caffeine
  8. Tránh các loại tinh dầu có thể làm tăng các triệu chứng động kinh. Ngoài các loại thảo dược, một số loại tinh dầu cũng có thể khiến các triệu chứng động kinh gia tăng hoặc tương tác với các thuốc điều trị động kinh. Bạn nên tránh các loại tinh dầu sau:[25]
    • Khuynh diệp (eucalyptus)
    • Thì là (fennel)
    • Bài hương (hyssop)
    • Bạc hà hăng (pennyroal)
    • Hương thảo (rosemary)
    • Xô thơm (sage)
    • Cúc ngải (tansy)
    • Nhai bách (thuja)
    • Ngải tây (wormwood)

Cảnh báo[sửa]

  • Bài viết này cung cấp thông tin y khoa liên quan đến bệnh động kinh, tuy nhiên bạn không nên dùng thay thế cho lời khuyên trong điều trị y khoa. Đảm bảo luôn tham khảo bác sĩ để được giúp đỡ điều trị theo phác đồ thích hợp với bệnh trạng của bạn.
  • Gọi cấp cứu ngay nếu thấy có người đang lên cơn động kinh (số điện thoại cấp cứu ở Việt Nam là 115), đồng thời thực hiện các bước này theo hướng dẫn của Mayo Clinic.
  • Có nhiều cách điều trị bằng thuốc men và phẫu thuật tùy theo dạng động kinh cụ thể. Bạn luôn nên nhờ bác sĩ tư vấn về các phác đồ điều trị thích hợp trong khi sử dụng kết hợp các liệu pháp tự nhiên (có sự giám sát của bác sĩ).

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.ninds.nih.gov/disorders/epilepsy/epilepsy.htm
  2. http://www.epilepsysociety.org.uk/seizure-triggers#.VZ3KABNViko
  3. http://www.medscape.com/viewarticle/447790_3
  4. http://www.epilepsy.com/learn/triggers-seizures
  5. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2082960/
  6. http://sleepfoundation.org/ask-the-expert/sleep-hygiene
  7. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dehydration/basics/complications/con-20030056
  8. https://www.epilepsy.org.uk/info/stress#stressep
  9. http://www.apa.org/helpcenter/manage-stress.aspx
  10. http://www.heart.org/HEARTORG/GettingHealthy/StressManagement/FourWaystoDealWithStress/Four-Ways-to-Deal-with-Stress_UCM_307996_Article.jsp
  11. http://www.epilepsysociety.org.uk/exercise-and-epilepsy#.VXywnmjn-aM
  12. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18557661
  13. 13,0 13,1 13,2 Tang, Venus et al. Psychobehavioral therapy for epilepsy. Epilepsy & Behavior , Volume 32 , 147 - 155, 2014.
  14. http://jnnp.bmj.com/content/63/2/137.full
  15. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15010052
  16. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20622079
  17. http://www.simplypsychology.org/Systematic-Desensitisation.html
  18. Koshy G, Varghese RT, Naik D, Asha HS, Thomas N, Seshadri MS, Alexander M, Thomas M, Aaron S, Paul TV. Derangements in bone mineral parameters and bone mineral density in south Indian subjects on antiepileptic medications.Ann Indian Acad Neurol. 2014 Jul;17(3):272-6.
  19. Elliott JO. Possible methods for the prevention of bone loss in persons with epilepsy. Expert Rev Neurother. 2009 Jun;9(6):797-812.
  20. http://www.hopkinsmedicine.org/neurology_neurosurgery/centers_clinics/epilepsy/treatment/dietary_therapy.html#ketogenic
  21. 21,0 21,1 21,2 http://www.hopkinsmedicine.org/neurology_neurosurgery/centers_clinics/epilepsy/adult/adult-epilepsy-diet-center/
  22. http://www.epilepsy.com/learn/treating-seizures-and-epilepsy/dietary-therapies/ketogenic-diet
  23. 23,0 23,1 http://www.hopkinsmedicine.org/neurology_neurosurgery/centers_clinics/epilepsy/treatment/dietary_therapy.html#modified_atkins
  24. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12787076
  25. 25,00 25,01 25,02 25,03 25,04 25,05 25,06 25,07 25,08 25,09 25,10 http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/seizure-disorders
  26. Elsas SM, Rossi DJ, Raber J, White G, Seeley CA, Gregory WL, Mohr C, Pfankuch T, Soumyanath A. Passiflora incarnata L. (Passionflower) extracts elicit GABA currents in hippocampal neurons in vitro, and show anxiogenic and anticonvulsant effects in vivo, varying with extraction method.Phytomedicine. 2010 Oct;17(12):940-9.
  27. http://www.rxlist.com/passionflower-page3/supplements.htm#Interactions
  28. Spinella M.Herbal Medicines and Epilepsy: The Potential for Benefit and Adverse Effects. Epilepsy Behav. 2001 Dec;2(6):524-532.