Giảm sẹo mụn bằng bài thuốc tại nhà

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sẹo mụn hình thành khi mụn trứng cá hoặc mụn dạng nang bị nặn hoặc bị vỡ, để lại lớp da hư tổn. Thật may mắn thay, có khá nhiều phương pháp mà bạn có thể thực hiện tại nhà để loại bỏ những vết sẹo này. Nhìn chung, bạn nên tìm kiếm biện pháp điều trị tự nhiên có thể giảm viêm nhiễm và tẩy đi tế bào chết. Quan trọng nhất là bạn cần phải giữ cho làn da của mình luôn sạch sẽ, ăn uống lành mạnh, và tránh sử dụng các chất có thể khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.

Các bước[sửa]

Ngăn ngừa mụn và sẹo mụn[sửa]

  1. Hiểu rõ nguyên nhân và yếu tố có nguy cơ hình thành sẹo mụn. Nặn hoặc bóp mụn sẽ khiến bạn bị mụn nhiều hơn và để lại sẹo mụn vĩnh viễn. Mụn càng ít xuất hiện thì bạn càng ít có nguy cơ bị sẹo mụn. Điều trị mụn rất quan trọng trong việc ngăn ngừa sẹo mụn, đặc biệt với các loại mụn sau:[1]
    • Mụn dạng nang và mụn bọc nghiêm trọng, đau đớn. Mụn bọc là loại mụn to, cứng và bị viêm. Mụn dạng nang là loại mụn mủ, gây đau đớn, cả hai đều nằm sâu trong da và thường để lại sẹo. Tình trạng này được gọi là "mụn trứng cá dạng nang".
    • Mụn xuất hiện từ rất sớm. Và thông thường, nó sẽ trở nên tồi tệ hơn trong vòng một vài năm. Bác sĩ da liễu khuyên rằng trẻ trước tuổi dậy thì bị mụn nên đi khám da liễu. Điều trị mụn trước khi nó trở nên trầm trọng hơn sẽ giảm thiểu nguy cơ hình thành sẹo mụn.
    • Người thân bị sẹo mụn. Sẹo mụn thường có xu hướng di truyền trong gia đình.
  2. Tránh chạm tay vào mặt. Bụi bẩn và vi khuẩn trên tay sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn nếu bạn chạm tay vào mặt quá nhiều. Nếu bạn cảm thấy khó chịu vì bị mụn, mỗi ngày, bạn nên lau mặt bằng loại khăn ướt dịu nhẹ, không chứa dầu dành riêng cho mặt để loại bỏ bụi bẩn dư thừa và giảm thiểu kích ứng. Bạn nên cố gắng chống lại cám dỗ chạm tay vào mặt hoặc cạy da mặt.[2]
    • Giữ cho tay luôn sạch sẽ bằng cách thường xuyên rửa tay hoặc sử dụng nước rửa tay khô.
    • Không được nặn hoặc bóp mụn. Hành động này sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sẹo mụn. Trong nhiều trường hợp, nặn mụn sẽ khiến vi khuẩn lây lan nhiều hơn.
    • Không để tóc phủ trên mụn. Bạn nên giữ cho tóc tránh xa khỏi mặt bằng cách buộc tóc theo kiểu đuôi ngựa, dùng băng đô hoặc kẹp tóc.
    • Bác sĩ da liễu cũng cho rằng bạn nên gội đầu thường xuyên nếu tóc của bạn có nhiều dầu. Dầu trên tóc sẽ lây lan sang vùng trán cũng như khuôn mặt và gây mụn.[2]
  3. Tránh tiếp xúc với nắng quá nhiều. Tiếp xúc với ánh nắng một cách vừa đủ rất có lợi cho hệ thống miễn dịch. Nó giúp cơ thể sản sinh vitamin D. Tuy nhiên, thường xuyên “phơi” sẹo mụn dưới tia cực tím từ ánh nắng mặt trời sẽ khiến vết sẹo trở nên vĩnh viễn.[3]
    • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức sẽ gây đốm nâu trên da, còn được gọi là tàn nhang. Đốm nâu trên da sẽ hình thành bên dưới lớp da và tạo nên những đốm đen nhỏ trên bề mặt da của bạn khi bạn lớn tuổi dần.
    • Để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng, bạn nên dùng kem chống nắng với chỉ số SPF (chỉ số chống nắng) thấp nhất là 30.
    • Nhiều loại hóa chất trong kem chống nắng có thể gây dị ứng. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để tìm kiếm loại kem chống nắng phù hợp với bạn.
  4. Lựa chọn mỹ phẩm một cách cẩn thận. Nhiều loại mỹ phẩm có thể gây mụn nặng hơn và tăng nguy cơ để lại sẹo. Bạn nên lựa chọn sản phẩm không độc hại và không nên sử dụng quá nhiều.
    • Dùng sản phẩm chăm sóc da không chứa paraben. Praben là chất bảo quản có chứa trong nhiều sản phẩm. Chúng gây kích ứng và viêm nhiễm cho người bị mụn, và có thể gây dị ứng. Butyl và propyl paraben độc hại hơn methylparaben và ethylparaben. Tuy nhiên, loại thứ hai dễ thẩm thấu vào cơ thể con người nhiều hơn.[3]
    • Đừng sử dụng mỹ phẩm có chứa thuốc nhuộm tổng hợp. Làn da của bạn hấp thụ khoảng 60% mọi loại chất mà bạn sử dụng trên bề mặt. Bạn nên tránh mỹ phẩm có chứa chất tạo màu tổng hợp. Đặc biệt là E102, E129, E132, E133, và E143. Ngoài việc gây hại cho da, chúng là chất độc gây ảnh hưởng đến thần kinh và có thể gây ung thư.[3]
    • Sử dụng sản phẩm không chứa dầu cho da và tóc.
    • Không nên bôi mỹ phẩm ngay sau khi rửa mặt vì hành động này sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn.
  5. Không hút thuốc. Mụn do hút thuốc lá là tình trạng mà cơ thể không thể sản sinh phản ứng kháng viêm để nhanh chóng chữa lành da như đối với mụn thông thường.[4]
    • Người hút thuốc sẽ dễ bị mụn sau tuổi vị thành niên hơn gấp 4 lần. Điều này đặc biệt đúng đối với phụ nữ từ 25 – 50 tuổi.[3]
    • Hút thuốc lá sẽ gây kích ứng da đối với người sở hữu làn da nhạy cảm.
    • Thuốc lá đồng thời cũng đem lại nhiều tình trạng bệnh lý khác cho da chẳng hạn như nếp nhăn và lão hóa sớm bằng cách tạo nên các gốc tự do. Gốc tự do là phân tử phản ứng hóa học gây tổn hại cho tế bào.
    • Hút thuốc lá cũng sẽ làm suy yếu quá trình sản xuất collagen và giảm thiểu lượng protein trong da. Collagen là loại protein cấu trúc có đặc tính chống lão hóa. Nó thúc đẩy sự phát triển và tái tạo tế bào, cải thiện độ đàn hồi và vẻ ngoài của da. Không cung cấp đủ collagen sẽ làm giảm tối đa hiệu quả trong việc điều trị mụn. Giảm sản xuất collagen đồng thời cũng sẽ làm chậm quá trình chữa lành sẹo mụn.
  6. Tránh căng thẳng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng căng thẳng tinh thần sẽ khiến mụn trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở nữ giới.[5] Một vài phương pháp giúp bạn quản lý căng thẳng bao gồm:[6]
    • Nghe nhạc. Nghe loại nhạc êm dịu sẽ giúp hạ huyết áp, hạ thấp nhịp tim và giảm thiểu lo lắng.
    • Dành thời gian để giải trí. Bạn nên thay thế công việc tốn nhiều thời gian không cần thiết bằng hoạt động thú vị hoặc vui vẻ hơn. Nếu nguồn gây căng thẳng là nhà của bạn, bạn nên lên kế hoạch rời khỏi nhà, thậm chí là trong vòng 1 hoặc 2 giờ mỗi tuần.
    • Thiền. Phương pháp này sẽ giúp hạ huyết áp, giảm đau đớn mãn tính và lo lắng cũng như hạ thấp lượng cholesterol. Và từ đó, giúp cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn.
    • Để luyện tập thiền một cách đơn giản, bạn nên ngồi khoanh chân tại nơi yên tĩnh và hít thở sâu một cách chậm rãi từ 5 – 10 phút. Bạn nên cố gắng thiền trong ít nhất là 5 phút mỗi ngày để kiểm soát căng thẳng.
    • Kỹ thuật thiền khác bao gồm thái cực quyền hoặc yoga, phản hồi sinh học, và liệu pháp mát-xa.
  7. Ngủ đủ giấc. Quá trình sản sinh collagen và tái tạo tế bào diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn khi bạn ngủ. Bạn cần phải cung cấp cho cơ thể đủ thời gian chữa lành bản thân để loại bỏ sẹo mụn.
    • Duy trì giờ giấc ngủ đều đặn sẽ giúp bạn có được giấc ngủ chất lượng và nhất quán.
    • Không uống caffein, nicotine, rượu bia và thức uống có đường từ 4 – 6 giờ trước khi ngủ. Chúng là chất kích thích và khiến bạn khó ngủ.[7]
    • Môi trường tối, yên tĩnh và mát mẽ sẽ giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ. Bạn có thể sử dụng rèm cửa dày hoặc mặt nạ che mắt để ngăn ánh sáng. Nên nhớ duy trì nhiệt độ mát – khoảng từ 18 đến 23°C – cũng như sự thoáng khí cho căn phòng.[7]
  8. Thường xuyên tập thể dục. Tập thể dục giúp giảm thiểu hormone gây căng thẳng như adrenaline và cortisol. Đồng thời, nó cũng sẽ củng cố hệ miễn dịch để chiến đấu với vi khuẩn, vi trùng và gốc tự do gây hại.[8] Quá trình này đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm giảm mụn trứng cá.
    • Bạn nên tập thể dục cường độ vừa trong vòng ít nhất là 30 – 40 phút hoặc bài tập cường độ cao trong 10 – 15 phút mỗi ngày. Bài tập cường độ vừa phải bao gồm đi bộ hoặc bơi lội. Bài tập cường độ cao bao gồm hoạt động thể thao như bóng rổ, bóng đá, và đi bộ đường dài.
  9. Giữ cho quần áo và khăn trải giường luôn sạch sẽ. Không nên mặc trang phục làm từ vải tổng hợp bó sát và cọ xát vào da. Bạn nên nhớ duy trì sự sạch sẽ cho bao gối.[3]
    • Mũ bảo hiểm, mặt nạ, băng cài đầu và các loại dụng cụ thể thao bó sát khác có thể chà xát vào làn da của bạn và gây mụn. Bạn cần phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho vật dụng thể thao và tắm rửa sau khi tập thể dục.
    • Vi khuẩn, bụi bẩn, và tế bào chết sẽ tích tụ trên bao gối và khăn trải giường. Chúng sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông của bạn khi bạn ngủ, khiến bạn bị mụn nhiều hơn và dẫn đến sẹo mụn. Bạn nên thường xuyên thay bao gối.
    • Cân nhắc phủ thêm một chiếc khăn sạch trên gối mỗi tối nếu bạn sử dụng sản phẩm điều trị mụn qua đêm.

Làm sạch da[sửa]

  1. Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng. Giữ gìn cho da sạch sẽ là rất quan trọng để ngăn ngừa mụn. Tuy nhiên, một vài sản phẩm làm sạch bày bán trên thị trường có thể gây hại nhiều hơn cho bạn. Sữa sửa mặt không chứa xà phòng sẽ không có các hóa chất gây kích ứng và để lại sẹo cho làn da dễ bị mụn.[3]
    • Bạn nên sử dụng sữa rửa mặt hữu cơ, không chứa hóa chất để tránh gây kích ứng và gây sẹo mụn nhiều hơn cho da. Bạn có thể tìm mua nhiều loại sữa rửa mặt từ thiên nhiên tại hầu hết các cửa hàng mỹ phẩm.
    • Người sở hữu làn da nhạy cảm nên tránh dùng sữa rửa mặt có chất làm se. Chúng sẽ làm khô da và gây kích ứng.
    • Bạn có thể dùng khăn ướt lau mặt không chứa dầu hoặc chất mài mòn da khi bạn không có thời gian để làm sạch da với sữa rửa mặt.
    • Để chế tạo sữa rửa mặt và nước cân bằng tự nhiên, bạn có thể cho một thìa uống trà trà xanh vào một cốc nước ấm và ngâm trong vòng từ 3 – 5 phút. Sau đó, lọc nước trà vào một chiếc bát và để nguội trong 15 – 20 phút. Dùng bông gòn, khăn ướt dành riêng cho mặt, hoặc khăn siêu mài mòn da để bôi dung dịch lên vùng da bị sẹo.[3]
  2. Rửa mặt đúng cách. Rửa mặt sạch không chỉ phụ thuộc vào loại sản phẩm mà bạn sử dụng mà còn vào cách rửa mặt của bạn. Bạn nên tuân theo hướng dẫn sau:[3]
    • Rửa sạch tay trước khi bôi sản phẩm làm sạch da để bụi bẩn và vi khuẩn từ tay của bạn không thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
    • Nhẹ nhàng rửa sạch mặt bằng nước ấm hoặc nước lạnh trước khi bôi sữa rửa mặt lên da.
    • Dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng mát-xa sản phẩm trên mặt trong từ 3 – 5 phút.
    • Sau đó, rửa sạch với nước mát và thấm khô da với khăn mềm.
    • Bác sĩ da liễu cho rằng bạn chỉ nên rửa mặt hai lần mỗi ngày và sau khi toát mồ hôi. Hãy rửa mặt một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối, cũng như sau khi toát nhiều mồ hôi.
    • Mồ hôi, đặc biệt là khi đội mũ hoặc mũ bảo hiểm, sẽ gây kích ứng da. Bạn nên rửa mặt sau khi toát mồ hôi càng sớm càng tốt.
  3. Thử rửa mặt với sữa tươi. Ngoài sản phẩm làm sạch da từ thiên nhiên, bạn có thể rửa mặt với loại sữa tươi nguyên kem không chứa đường. Axit lactic trong sữa tươi sẽ đóng vai trò như chất tẩy tế bào chết dịu nhẹ, tự nhiên để loại bỏ da chết và thậm chí là làm sáng da. Nó cũng làm giảm sẹo mụn và mụn.[3]
    • Bạn chỉ cần sử dụng một thìa súp sữa tươi và bôi lên mặt bằng bông gòn. Mát-xa theo chuyển động tròn trong ít nhất là 3 – 5 phút để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn khỏi lỗ chân lông. Sữa dừa có chứa axit béo chuỗi trung bình, có thể tiêu diệt vi khuẩn và vi trùng cũng như làm giảm lượng mụn mủ và mụn dạng nang. Vì vậy, bạn nên thay thế sữa bò bằng sữa dừa có bày bán trong siêu thị.[9].
    • Nếu bạn sở hữu làn da dầu hoặc bị mụn viêm, bạn nên hòa một thìa uống trà gạo hoặc một gram bột vào một thìa sữa tươi để hình thành hỗn hợp sệt. Dùng ngón tay nhẹ nhàng mát-xa hỗn hợp lên da.
    • Rửa sạch mặt với nước lạnh, sau đó, dùng khăn mặt thấm khô da.
  4. Dùng vỏ cam khô. Vỏ cam khô là sản phẩm làm sạch da tự nhiên. Vỏ cam khô có chứa vitamin C, làm tăng quá trình sản sinh collagen và tái tạo tế bào da. Nó cũng sẽ làm mờ sẹo mụn và mụn.[3]
    • Vỏ cam đặc biệt rất hiệu quả cho người có da dầu, vì nó làm sạch bã nhờn (dầu trên da). Tinh dầu của vỏ cam cũng là chất dưỡng ẩm tự nhiên cho da.
    • Phơi khô vỏ cam, sau đó, nghiền thành bột mịn. Hòa một nửa thìa uống trà bột với một thìa uống trà sữa tươi, sữa dừa, hoặc sữa chua, và sau đó, nhẹ nhàng chà xát hỗn hợp lên da. Để yên trong 10 – 15 phút, và rửa sạch da với nước lạnh.
    • Hiệu ứng làm mát của sữa tươi hoặc sữa chua sẽ giúp giảm viêm nhiễm và loại bỏ tế bào chết.
  5. Sử dụng dầu jojobba. Dầu jojoba được chiết xuất từ hạt của cây jojoba. Nó là hợp chất gần nhất với loại dầu tự nhiên của da, đồng thời cũng được biết đến dưới tên gọi bã nhờn. Tuy nhiên, nó không gây mụn, có nghĩa là không làm tắc nghẽn lỗ chân lông như bã nhờn. Loại dầu này sẽ giúp ngăn ngừa mụn quay trở lại.[10]
    • Bôi dầu jojoba lên da sẽ đánh lừa da nghĩ rằng nó đã sản sinh đủ dầu, và từ đó, cân bằng lượng dầu trên da.
    • Bạn có thể thêm từ một đến ba giọt dầu jojoba vào bông gòn để làm sạch da. Người có da khô có thể sử dụng từ 5 đến 6 giọt, vì nó cũng là chất dưỡng ẩm tự nhiên.
    • Vì dầu jojoba không gây kích ứng hoặc dị ứng, bạn có thể dùng nó để tẩy trang, bao gồm cả tẩy trang cho mắt.
    • Dầu jojoba có bán ở siêu thị hoặc cửa hàng mỹ phẩm. Bạn nên nhớ bảo quản dầu ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Tẩy tế bào chết để loại bỏ sẹo mụn[sửa]

  1. Sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết dịu nhẹ. Tẩy tế bào chết là loại bỏ da chết. Biện pháp này sẽ giúp làm mờ sẹo mụn cũng như tình trạng gia tăng sắc tố (vết sưng đỏ). Loại bỏ da chết có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông, khiến mụn quay trở lại là điều rất quan trọng. Có khá nhiều sản phẩm mà bạn có thể sử dụng để tẩy tế bào chết.[3]
    • Trước khi sử dụng sản phẩm tẩy da chết, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để xác định phương pháp điều trị phù hợp với loại da của bạn.
    • Người có da khô, nhạy cảm chỉ nên tẩy tế bào chết một hoặc hai lần mỗi tuần. Người có da dày, nhiều dầu có thể tẩy da chết một lần mỗi ngày.
    • Khăn siêu mài mòn là công cụ tuyệt vời để tẩy da chết. Chúng được làm từ sợi nhân tạo hút lấy bụi bẩn và dầu từ lỗ chân lông mà không phải chà xát hoặc dùng lực mạnh.
    • Sau khi rửa mặt với sữa rửa mặt, hãy dùng khăn tắm hoặc khăn mặt để thấm khô da mặt. Sau đó, nhẹ nhàng mát-xa sản phẩm trên da từ 3 – 5 phút. Sau mỗi lần sử dụng, bạn cần phải rửa sạch sản phẩm tẩy da chết với xà phòng và để khô.
  2. Tẩy tế bào chết bằng đường. Bạn có thể tự chế tạo sản phẩm tẩy da chết từ đường. Đường là một trong những nguyên liệu tự nhiên tốt nhất để tẩy đi tế bào chết trên da. Đường giúp loại bỏ da chết và làm trẻ hóa lớp da bên trong bằng cách loại bỏ mọi bụi bẩn trong lỗ chân lông.[11]
    • Đường cũng có hiệu quả chống lão hóa tự nhiên cho da. Nó loại bỏ gốc tự do có hại và làm chậm quá trình lão hóa.
    • Đường cát thông thường, đường nâu hoặc đường hữu cơ đều thích hợp để tẩy tế bào chết. Đường nâu là tốt nhất và ít mài mòn nhất. Đường cát chỉ cứng hơn một chút và cũng khá hiệu quả. Đường hữu cơ là loại cứng nhất.
    • Để tự tay làm sản phẩm tẩy da chết, bạn có thể kết hợp ½ cốc đường nâu với 2 thìa súp glycerin, ⅓ cốc dầu dừa và 2 thìa súp dầu hạnh nhân. Bạn cũng có thể thêm một vài giọt nước cốt chanh hoặc tinh dầu oải hương để tạo hương thơm.[12] Hòa trộn mọi nguyên liệu trong một chiếc bát nhỏ, sau đó, chuyển hỗn hợp này vào lọ chứa.
    • Để sử dụng, bạn nên mát-xa một lượng nhỏ hỗn hợp lên vùng da bị hư tổn trong khoảng từ 3 – 5 phút. Rửa sạch với nước ấm.
    • Bảo quản hỗn hợp tại nơi khô ráo, thoáng mát và không quá 2 – 3 tuần.
  3. Sử dụng yến mạch để tẩy da chết. Yến mạch có chứa saponin, loại chất làm sạch có nguồn gốc từ thực vật. Nó có chứa chất phenol có đặc tính chống oxy hóa, kháng viêm và bảo vệ da chống lại tia cực tím. Ngoài ra, nó cũng có nồng độ tinh bột cao giúp dưỡng ẩm cho da, và an toàn cho người sở hữu làn da nhạy cảm.[11]
    • Để làm chất tẩy tế bào chết tự nhiên, bạn có thể đun sôi 1 thìa súp bột yến mạch hữu cơ với ¼ cốc nước. Khi nước nguội, nhẹ nhàng mát-xa hỗn hợp lên mặt và để yên trong 10 – 15 phút. Rửa sạch với nước ấm.
  4. Dùng muối nở. Phân tử mịn trong muối nở sẽ loại bỏ tế bào chết và bị hư tổn cũng như lấy đi lượng bã nhờn dư thừa. Nó đặc biệt hiệu quả đối với da nhạy cảm, vì nó thẩm thấu từ từ vào da.[11]
    • Để tạo hỗn hợp loại bỏ da chết đơn giản, bạn chỉ cần trộn một thìa uống trà muối nở với một chút nước và mát-xa lên da trong 5 phút.
    • Nếu bạn sở hữu làn da dày và nhiều dầu, bạn có thể cho thêm một vài giọt nước chanh đóng vai trò như chất làm se để ngăn ngừa mụn trong tương lai.
    • Không sử dụng muối nở nếu bạn bị mụn dạng nang hoặc mụn viêm.
    • Làm hỗn hợp sệt từ Bột Nghệ, lá neem, và mật ong. Bôi lên mặt, và rửa sạch sau 15 – 20 phút.

Dưỡng ẩm cho da[sửa]

  1. Dùng sản phẩm dưỡng ẩm tự nhiên. Da khô sẽ gây kích ứng và khiến sẹo mụn cũng như mụn xuất hiện rõ hơn. Chất dưỡng ẩm không gây mụn sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng khô da trong khi vẫn duy trì vẻ tươi tắn cho da. Bạn nên tìm mua kem hoặc sữa dưỡng da tự nhiên, hữu cơ được chiết xuất từ loại thực vật có khả năng kháng viêm. Bạn nên tìm sản phẩm có những thành phần như hoa cúc, trà xanh, lô hội, cúc xu xi, hoặc yến mạnh.[11]
    • Thường xuyên dưỡng ẩm cho da sau khi rửa mặt hoặc tẩy da chết.
    • Sản phẩm dưỡng ẩm có chứa axit alpha-hydroxy sẽ làm mờ sẹo mụn, mụn và nếp nhăn. Axit alpha-hydroxy bao gồm axit glycolic, axit malic, axit citric, và axit tartaric.
    • Axit hyaluronic là chất dưỡng ẩm tự nhiên, một hợp chất giúp da duy trì độ ẩm. Nó có trong nhiều loại sản phẩm được bày bán tại nhà thuốc hoặc cửa hàng mỹ phẩm dưới dạng sữa dưỡng, nước cân bằng hoặc xịt khoáng cho mặt.
    • Axit hyaluronic đóng vai trò then chốt trong việc ngăn ngừa lão hóa bằng cách tái tạo và duy trì lớp da bên trong.
  2. Bôi gel lô hội. Lô hội có hoạt tính giảm viêm nhiễm trong khi kích thích sự phát triển và sự tái tạo của tế bào.[13]
    • Nó được sử dụng trong nhiều sản phẩm dưỡng ẩm thông thường và gel bôi ngoài da. Bạn có thể tìm mua tại tiệm thuốc tây hoặc siêu thị. Bạn nên thường xuyên bôi nó lên da để làm mờ sẹo mụn.
  3. Bôi thuốc chiết xuất từ cây cúc xu xi. Cúc xu xi, còn được gọi là cúc vạn thọ, thường được sử dụng trong sản phẩm dưỡng ẩm thông thường và cũng được bán dưới dạng tinh chất. Nó thường được dùng để điều trị sẹo mụn bởi vì nó kích thích sự phát triển và sự tái tạo của tế bào.[14]
    • Cúc xu xi cũng được dùng để cung cấp nước cho da và cải thiện độ săn chắc. Bạn có thể sử dụng sản phẩm bôi ngoài da có chứa từ 2 – 5 % tinh chất.
    • Bôi từ 3 – 4 lần mỗi ngày nếu cần để làm mờ sẹo mụn và mụn.
    • Bạn có thể tự chế biến trà hoa cúc xu xi bằng cách ngâm khoảng 2 – 3 gram hoa vào một cốc nước ấm và rửa mặt mỗi ngày với dung dịch này.
    • Người bị dị ứng với cây thuộc họ cúc hoặc họ thạch thảo, bao gồm hoa cúc và cỏ phấn hương, có thể sẽ bị dị ứng với cúc xu xi.
  4. Thử qua dầu dừa. Dầu dừa nguyên chất có chứa vitamin E và axit béo. Chúng đem lại hiệu quả kháng viêm và chống lại vi khuẩn có thể gây viêm da.[15]
    • Bôi 1 hoặc 2 giọt dầu dừa lên da hai lần mỗi ngày sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng khô da.
    • Dầu dừa có đặc tính phục hồi sẽ giúp tái tạo tế bào và làm mờ sẹo mụn.
    • Người có da dầu nên sử dụng dầu dừa với mức độ vừa phải, khoảng hai lần mỗi tuần. Quá nhiều dầu dừa sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn nhiều hơn.
    • Dầu dừa có bán tại mọi siêu thị. Bạn nên bảo đảm rằng nó là dầu dừa nguyên chất, ép lạnh, và hữu cơ. Không sử dụng sản phẩm này nếu bạn bị dị ứng với đậu hạt.
  5. Dùng quả bơ. Quả bơ rất giàu vitamin, dưỡng chất và axit béo giúp kích thích sự sản sinh collagen và tái tạo mô. Bạn có thể làm mặt nạ từ quả bơ để chữa lành sẹo mụn.[3]
    • Vitamin A và C có đặc tính kháng viêm, và chống oxy hóa giúp bảo vệ da khỏi gốc tự do gây hại. Vitamin E giúp dưỡng ẩm cho da và làm mờ sẹo mụn.
    • Để làm mặt nạ quả bơ, bạn nên sử dụng phần lõi của một quả bơ. Bôi lên vùng da bị ảnh hưởng trong 10 – 15 phút. Sau đó, rửa sạch với nước mát. Dùng khăn mặt thấm khô da.
    • Nếu bạn sở hữu làn da khô, nhạy cảm, bạn có thể dùng phương pháp này hằng ngày. Người có da dầu chỉ nên thực hiện hai lần mỗi tuần.
  6. Bôi mật ong. Mật ong có đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm giúp làm mờ sẹo mụn và giảm viêm nhiễm. Để sử dụng mật ong như thuốc bôi ngoài ra, bạn chỉ cần bôi một lớp mỏng lên vùng da bị mụn và dùng băng che chắn khu vực.[3][16]
    • Mật ong Manuka là loại có chứa nồng động cao nhất của hợp chất có lợi trong việc làm giảm sẹo mụn.
    • Mật ong sẽ giúp giảm thiểu hoặc ngăn ngừa viêm nhiễm gây ra bởi vi khuẩn. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nó cho mục đích này.

Sử dụng bài thuốc tự nhiên[sửa]

  1. “Lột mặt” bằng axit salicylic. Có khá nhiều bài thuốc tự nhiên mà bạn có thể sử dụng để điều trị sẹo mụn. Axit salicylic là loại axit có nguồn gốc từ thực vật. Nó rất hiệu quả trong việc chữa trị mụn và tình trạng tăng sắc tố ở những người có làn da tối màu.[3]
    • Bác sĩ da liễu có thể tiến hành lột da mặt cho bạn bằng axit salicylic tại phòng mạch của họ hoặc giới thiệu cho bạn bộ dụng cụ để tự thực hiện tại nhà.
    • Axit salicylic có một vài tác dụng phụ tối thiểu và không dành cho người bị dị ứng với aspirin.
  2. Sử dụng gel từ axit alpha và beta hydroxy. Axit alpha-hydroxy (AHA) là loại axit tự nhiên mà cơ thể sản sinh để làm mờ sẹo mụn, mụn và nếp nhăn. Chúng sẽ nhẹ nhàng tẩy bỏ tế bào chết của lớp da trên cùng.[3]
    • AHA bao gồm axit lactic, axit malic, axit citric, axit tartaric, và axit beta-hydroxy glycolic. Nhiều tiệm thuốc tây và cửa hàng mỹ phẩm có bán loại gel trị sẹo có chứa axit alpha và beta hydroxy.
    • Bôi gel lên vùng da bị ảnh hưởng nhiều nhất là hai lần mỗi ngày.
    • Không được dùng bất kỳ sản phẩm nào có chứa hơn 20% nồng độ AHA hoặc axit glycolic. Sử dụng loại axit này quá nhiều sẽ loại bỏ lượng dầu và độ ẩm tự nhiên của da.
    • Bác sĩ da liễu của bạn cũng có thể tiến hành lột da mặt cho bạn bằng axit glycolic tại phòng mạch.
  3. Chế tạo mặt nạ đắp mặt từ giấm táo. Giấm táo là chất khử trùng giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại gây mụn. Nó có chứa axit malic, axit lactic và axit acetic. Chúng giúp làm sáng và làm sạch bề mặt da bằng cách kích thích sự sản sinh collagen. Từ đó, giúp tái tạo tế bào và loại bỏ da chết.[3]
    • Khi lựa chọn loại giấm táo, bạn nên chọn loại giấm đục và tối màu nhất. Giấm táo càng chứa nhiều cặn thì nó sẽ cung cấp nhiều thành phần có lợi hơn cho da.
    • Hòa ½ cốc giấm táo hữu cơ với ¼ cốc muối nở, ¼ cốc muối biển, ½ cốc mật ong, và 5 – 10 giọt tinh dầu cây trà hoặc cúc xu xi. Trộn mọi nguyên liệu với nhau trong một chiếc lọ và khuấy đều. Nếu hỗn hợp quá lỏng, bạn có thể cho thêm muối nở hoặc muối biển nếu cần. Hỗn hợp không được chảy trên mặt bạn.
    • Bôi hỗn hợp lên da trong vòng một tuần. Bôi theo chuyển động tròn khắp mặt, tránh xa vùng mắt.
    • Để yên hỗn hợp trên da trong 5 – 10 phút trước khi rửa sạch với nước lạnh.
  4. Bôi gel được chiết xuất từ hành củ. Nhiều nghiên cứu đã ủng hộ tính hiệu quả của chiết xuất từ hành củ trong việc chữa lành sẹo mụn và vết phỏng. Hành có chứa quercetin, một loại hợp chất chống oxy hóa tự nhiên giúp chống lại gốc tự do có hại. Nó cũng giúp giảm viêm, kích thích sự phát triển và tái tạo tế bào hư tổn.[3][17]
    • Hành củ rất giàu lưu huỳnh kháng khuẩn giúp giảm mụn. Chiết xuất từ hành củ đồng thời cũng có đặc tính làm trắng da và giảm thiểu mụn cũng như làm giảm tình trạng gia tăng sắc tố da.
    • Bạn có thể mua gel chiết xuất từ hành củ tại hầu hết mọi hiệu thuốc, hoặc tự làm tại nhà. Để chế tạo hỗn hợp từ củ hành tự nhiên, bạn có thể dùng dụng cụ bào bằng máy để nghiền nhuyễn một củ hành nhỏ. Cho hỗn hợp vào tủ lạnh trong 20 phút. Phương pháp này sẽ giúp làm giảm mùi hương khó chịu có thể gây kích ứng. Lấy hỗn hợp ra khỏi tủ lạnh, sau đó bôi lên vùng da bị ảnh hưởng.
    • Để yên hỗn hợp trên da từ 10 – 15 phút, sau đó rửa sạch với nước mát. Bạn có thể thực hiện biện pháp này một lần mỗi ngày cho đến khi liền sẹo. Làn da của bạn sẽ được cải thiện sau 4 – 10 tuần.
    • Nếu bạn bị kích ứng da nghiêm trọng, hãy ngừng sử dụng.
  5. Dùng mặt nạ bùn khoáng. Bùn khoáng là loại bùn có chứa muối biển từ đại dương như là trầm tích của vùng bờ biển. Nó có rất nhiều chất có lợi. Chúng bao gồm axit béo, lưu huỳnh và tảo biển với đặc tính kháng viêm và xoa dịu.[18]
    • Bùn khoáng cũng sẽ giúp làm mịn kết cấu của da bằng cách loại bỏ tế bào chết và vi khuẩn. Điều này sẽ giúp cải thiện tổng thể diện mạo của vết sẹo.
    • Bùn khoáng được sử dụng trong nhiều loại mặt nạ đắp mặt thông thường mà bạn có thể mua từ tiệm thuốc tây hoặc cửa hàng mỹ phẩm.
    • Bạn cũng có thể đắp mặt nạ bùn khoáng hai lần mỗi tuần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu cho loại da của bạn.
    • Lưu huỳnh và muối biển có thể gây kích ứng cho người sở hữu làn da khô, nhạy cảm hoặc bị sẹo viêm.

Ăn uống để giảm thiểu sẹo mụn[sửa]

  1. Uống nhiều nước. Mất nước có thể gây khô da. Ngoài ra, nó cũng sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn vì không thể loại bỏ độc tố qua mồ hôi và bài tiết. Và cơ thể sẽ khó có thể chữa lành vết thương trên bề mặt da như sẹo mụn.[19]
    • Uống đủ nước cũng sẽ cải thiện độ đàn hồi của da. Và từ đó, làm mờ nếp nhăn cũng như sẹo mụn.
    • Bạn nên uống khoảng 230 ml nước mỗi hai giờ để cung cấp nước cho cơ thể. Bạn cần phải uống ít nhất là 2 – 4 lít nước mỗi ngày.
    • Nếu bạn uống thức uống có chứa caffein, bạn phải uống ít nhất 1 lít nước cho mỗi cốc caffein mà bạn tiêu thụ.
  2. Cắt giảm sản phẩm chứa nhiều đường và sữa. Sự kết hợp giữa sản phẩm chứa đường và sữa sẽ không tốt cho tuyến bã nhờn gây mụn. Nhiều nghiên cứu trong nhiều khu vực khác nhau của thế giới giữa người dân bản địa đã chỉ ra rằng trẻ vị thành niên sẽ không bị mụn khi chúng không dùng thực phẩm chứa đường hoặc sữa, mà chỉ ăn những gì mà mọi người trong khu vực tiêu thụ. Tuy nhiên, khi chúng bắt chước theo chế độ ăn uống của phương Tây, chúng bắt đầu có mụn như mọi người khác trên thế giới.[20].
  3. Uống trà xanh. Trà xanh rất giàu chất chống oxy hóa có tên gọi polyphenol kích thích sự sản sinh collagen và tái tạo tế bào, từ đó, làm mờ sẹo mụn. Chất chống oxy hóa cũng sẽ giúp chống lại gốc tự do gây hại. Chúng bảo vệ da khỏi tia cực tím và làm giảm nếp nhăn. Trà xanh cũng giảm thiểu căng thẳng.[21]
    • Bạn có thể pha trà xanh bằng cách ngâm 2 – 3 gram lá trà xanh vào một cốc nước ấm trong 3 – 5 phút.
    • Uống trà xanh từ 2 – 3 lần mỗi ngày.
    • Kem bôi ngoài da có chứa trà xanh cũng sẽ giúp làm mờ sẹo mụn.
  4. Bổ sung thêm Vitamin A. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin A, còn được gọi là retinol, giúp tăng cường sự sản sinh collagen.[22] Vitamin A cũng sẽ bảo vệ da khỏi gốc tự do gây hại và bức xạ tử ngoại.
    • Nguồn cung cấp Vitamin A khá tốt bao gồm cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng gà, cà rốt, rau lá xanh, và hoa quả màu vàng hoặc màu cam. Chúng sẽ không có tác dụng phụ. Bạn có thể tìm mua thực phẩm bổ sung vitamin A tại hầu hết mọi tiệm thuốc tây.
    • Bạn có thể gia tăng sự hấp thụ vitamin A của cơ thể bằng cách sở hữu chế độ ăn uống không chứa chất béo không lành mạnh. Tránh xa bơ thực vật, dầu đã được hydro hóa, và thực phẩm chế biến sẵn.
    • Lượng Vitamin A khuyến nghị mỗi ngày là từ 700–900 mcg (2334-3000 IU).[22] Quá nhiều Vitamin A (nhiều hơn 3,000 mcg hoặc 10,000 IU) có thể gây nhiều tác dụng phụ có hại, bao gồm dị tật bẩm sinh và trầm cảm. Bạn cần phải theo dõi cẩn thận.
  5. Tăng thêm lượng Vitamin C. Vitamin C là chất tăng cường miễn dịch quan trọng giúp cơ thể sản sinh collagen. Vitamin C cũng là chất chống oxy hóa và cải thiện hệ miễn dịch.[23]
    • Bạn có thể dùng vitamin C dưới dạng thực phẩm bổ sung với liều lượng không quá 500 mg, chia thành 2 - 3 lần mỗi ngày.[24]
    • Bạn cũng có thể thêm thực phẩm chứa nhiều vitamin C vào chế độ ăn uống. Nguồn chứa nhiều vitamin C tự nhiên là ớt chuông xanh hoặc đỏ, hoa quả thuộc họ cam quýt và nước trái cây cam quýt không cô đặc, rau bina, bông cải xanh, cải brussel, dâu tây, mâm xôi, quả bơ, và cà chua.[24]
  6. Ăn nhiều thực phẩm có chứa Vitamin E. Vitamin E là chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn tình trạng mụn trứng cá do vi khuẩn, vi trùng hoặc gốc tự do có hại gây nên. Nó đồng thời cũng bảo vệ da khỏi bức xạ tử ngoại gây hại, và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào cũng như duy trì độ ẩm cho da.[25]
    • Vitamin E có trong dầu thực vật, hạnh nhân, đậu hạt, hạt phỉ, hạt hướng dương, rau bina, và bông cải xanh.
    • Liều lượng khuyến nghị cho người trưởng thành là 15 mg (22.35 IU) mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng bạn có thể tiêu thụ chất chống oxy hóa đáng giá này ở mức 268 mg (400 IU) mỗi ngày. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng phù hợp nhất với bạn.[26]
    • Dùng thực phẩm chứa vitamin E sẽ không gây nguy hiểm hoặc gây hại. Dưới dạng thực phẩm bổ sung, vitamin E có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
  7. Sử dụng kẽm. Nhiều nghiên cứu cho rằng kẽm sẽ giúp làm giảm sẹo mụn. Bạn có thể bôi kem có chứa kẽm lên da để đẩy nhanh tốc độ chữa lành vết thương.
    • Kẽm là khoáng chất cần thiết được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm mà bạn tiêu thụ hằng ngày. Nó có đặc tính chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào trong cơ thể khỏi các hư tổn do vi khuẩn và vi trùng gây nên.[27]
    • Nguồn thực phẩm chứa nhiều kẽm bao gồm hào, động vật có vỏ cứng, thịt đỏ, thịt gia cầm, phó mát, tôm, cua, đậu, hạt hướng dương, bí ngô, đậu phụ, miso, nấm và rau nấu chín.
    • Kẽm cũng được bào chế dưới dạng thực phẩm chức năng và nhiều loại viên nang tổng hợp. Dạng kẽm dễ hấp thụ bao gồm kẽm picolinate, kẽm citrate, kẽm acetate, kẽm glycerate, và kẽm monomethionine.
    • Liều lượng khuyên dùng hằng ngày là 10 – 15 mg. Bạn nên tuân theo liều lượng này.[28] Bạn có thể dễ dàng đạt được liều lượng này thông qua chế độ dinh dưỡng. Dùng quá nhiều kẽm sẽ làm giảm nồng độ đồng và làm suy yếu hệ miễn dịch.
    • Bạn chỉ nên dùng kem bôi có chứa kẽm theo sự chỉ định của bác sĩ.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu những phương pháp trên không đem lại hiệu quả, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu. Có khá nhiều phương pháp phẫu thuật để điều trị sẹo mụn. Bạn có thể cân nhắc tiêm steroid hoặc sử dụng liệu pháp làm lạnh. Liệu pháp lành lạnh sẽ làm đông cứng vết sẹo.[29]

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh chà xát quá mạnh tay. Hành động này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá hiện có, làm tăng nguy cơ để lại sẹo vĩnh viễn.
  • Trước khi thêm thực phẩm chức năng vào chế độ ăn uống, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Một vài thực phẩm chức năng có thể đem lại tác dụng phụ có hại. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn sử dụng quá nhiều.
  • Bạn nên tránh dùng retinoid và tiêu thụ nhiều vitamin A khi đang mang thai. Chúng có thể làm hại em bé và gây dị tật bẩm sinh.
  • Không sử dụng kem đánh răng. Nhiều người tin rằng kem đánh răng là biện pháp điều trị mụn và sẹo mụn tự nhiên. Tuy nhiên, một số nguyên liệu cụ thể như sodium laureth sulfate, triclosan và bạc hà có trong kem đánh răng sẽ khiến tình trạng mụn của bạn trầm trọng hơn.[3]
  • Cẩn thận khi sử dụng retinoid. Điều trị bằng retinoid sẽ giúp làm giảm triệu chứng mụn. Nhưng sản phẩm retinoid dùng ngoài da có thể gây trầm cảm hoặc lo lắng và kích hoạt suy nghĩ muốn tự sát và bạo lực. Thay vì retinoid, bạn có thể cung cấp vitamin A tự nhiên thông qua chế độ dinh dưỡng. Phương pháp này sẽ sản sinh retinol lành mạnh giúp ích cho hệ miễn dịch và cho quá trình tái tạo da.[30]
  • Tránh xa benzoyl peroxide. Một vài bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn sử dụng benzoyl peroxide như là biện pháp thay thế cho điều trị kháng sinh, nhưng nó sẽ có hại nhiều hơn có lợi. Tuy nhiên, sử dụng thường xuyên sẽ gây tổn hại cho da cũng như đem lại tác dụng tiêu cực cho sức khỏe.[30]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/a---d/acne-scars/tips-for-preventing
  2. 2,0 2,1 https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/a---d/acne/tips
  3. 3,00 3,01 3,02 3,03 3,04 3,05 3,06 3,07 3,08 3,09 3,10 3,11 3,12 3,13 3,14 3,15 3,16 3,17 Gabriel, J. (2012) Chế độ Dinh dưỡng dành cho Mụn: Kế hoạch Toàn diện để Đạt được Một Làn da Sạch sẽ, Tươi trẻ, và Không có Mụn với Chất dinh dưỡng Tự nhiên, Giảm thiểu Căng thẳng và Sản phẩm Chăm sóc Da Hữu cơ, ISBN: 978-0-9563558-4-3
  4. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2835905/
  5. http://umm.edu/health/medical/reports/articles/stress
  6. http://umm.edu/health/medical/altmed/treatment/relaxation-techniques
  7. 7,0 7,1 http://healthysleep.med.harvard.edu/healthy/getting/overcoming/tips
  8. http://umm.edu/health/medical/reports/articles/exercise
  9. Bruce Fife, C.N., N.D.: “Điều kỳ diệu của Dầu dừa”, xuất bản lần thứ 5, 2013, Penguin Books, NY 10014
  10. http://theacneproject.com/jojoba-oil-for-acne-uses-and-benefits/
  11. 11,0 11,1 11,2 11,3 Buck, S., (2013) 200 Lời khuyên, Kỹ thuật, và Công thức cho Vẻ đẹp Tự nhiên, ISBN: 978-1-59233-654-8
  12. http://msue.anr.msu.edu/news/homemade_sugar_scrubs_for_skin_care
  13. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/aloe
  14. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/calendula
  15. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20523108
  16. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/25742878
  17. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3390235/
  18. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21597673
  19. http://umm.edu/health/medical/ency/articles/dehydration
  20. http://www.askdrray.com/pimples-and-acne-can-be-caused-by-food/
  21. http://umm.edu/health/medical-reference-guide/complementary-and-alternative-medicine-guide/herb/green-tea
  22. 22,0 22,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/vitamin-a-retinol
  23. http://lpi.oregonstate.edu/mic/micronutrients-health/skin-health/nutrient-index/vitamin-C
  24. 24,0 24,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/vitamin-c-ascorbic-acid
  25. http://lpi.oregonstate.edu/mic/micronutrients-health/skin-health/nutrient-index/vitamin-E
  26. http://umm.edu/health/medical/ency/articles/vitamin-e
  27. http://lpi.oregonstate.edu/mic/minerals/zinc
  28. http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/zinc
  29. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/a---d/acne-scars/treatment-and-outcome
  30. 30,0 30,1 Chế độ Dinh dưỡng dành cho Mụn: Kế hoạch Toàn diện để Đạt được Một Làn da Sạch sẽ, Tươi trẻ, và Không có Mụn với Chất dinh dưỡng Tự nhiên, Giảm thiểu Căng thẳng và Sản phẩm Chăm sóc Da Hữu cơ, ISBN: 978-0-9563558-4-3