Hình dáng của mũi phụ thuộc vào thời tiết
Một nghiên cứu mới được tiến hành bởi một nhóm các nhà nhân chủng học quốc tế đã chỉ ra rằng hình dáng của mũi là kết quả của quá trình tiến hóa, lựa chọn kích thước phù hợp để thở trong điều kiện khí hậu vừa lạnh vừa khô hay vừa ấm vừa ẩm.
Trước kia, người ta cho rằng mũi có hình dạng và kích thước như vậy vì nó quy định nhiệt độ và độ ẩm không khí đi qua nó để vào phổi.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được tiến hành năm 2016 chỉ ra rằng, giả thuyết trên không đúng. Khoang mũi không có vai trò gì nhiều trong việc định hình mũi và hình dáng mũi vì vậy việc hình dáng mũi không bình thường có thể là do ngẫu nhiên, gây ra bởi những thay đổi khác trên mặt người.
Một nhóm các nhà nhân chủng học quốc tế đã tiến hành phân tích một số đặc điểm trên mũi như khoảng cách các khoang mũi trong những điều kiện không khí khác nhau (gồm nhiệt độ, độ ẩm tương đối, độ ẩm tuyệt đối).
“Rất nhiều người đã tìm cách đo đạc hộp sọ để tìm mối liên quan giữa điều kiện không khí với mũi, nhưng không ai làm việc đó với người đang sống” – nhà nghiên cứu Mark Shriver thuộc Đại học bang Pennsylvania, Mỹ cho hay.
Sự đa dạng trong hình dáng và kích thước mũi có thể là do có sự chuyển gene - sự thay đổi trong tần số xuất hiện của một số gene nhất định trong một nhóm nhỏ người do chết chóc hoặc di cư.
Các nhà khoa học quét gương mặt của 476 tình nguyện viên tới từ 4 vị trí địa lý khác nhau: Tây hi, Đông Á, Nam Á và Bắc Âu.
Sau khi sử dụng mô hình kỹ thuật 3D cho những hình ảnh quét, các nhà nghiên cứu tiến hành đo đạc sự khác biệt của một số đặc điểm như sự nhô ra của đầu mũi, chiều rộng phần thịt của lỗ mũi (gọi là cánh mũi), độ rộng của lỗ mũi rồi sau đó áp dụng phép thử thống kê để tính toán khả năng chuyển gien cho mỗi đặc tính.
Kết quả cho thấy chỉ có 2 đặc điểm được quyết định bởi chọn lọc tự nhiên: chiều rộng của cánh mũi và lỗ mũi trước. Những đặc điểm khác như độ cao của mũi cũng có thể tiến hóa theo quy luật chọn lọc tự nhiên với từng nhóm người, nhưng nó không tách bạch hẳn ra do loài người di cư khắp nơi.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu quan tâm tới địa điểm sinh của cha mẹ 140 người phụ nữ tham gia cuộc khảo sát và tìm kiếm mối quan hệ của điều kiện thời tiết, đặc biệt là nhiệt độ và độ ẩm với hình dáng, kích thước mũi.
Họ nhận thấy, độ rộng của khoang mũi có liên quan tới nhiệt độ trung bình và độ ẩm tuyệt đối (tổng lượng nước bốc hơi trong không khí, không tính tới sự ảnh hưởng của nhiệt độ) của khu vực người tình nguyện đó sống. Như vậy, người có mũi to thường sống ở khu vực ấm, ẩm, trong khi người có mũi nhỏ sống ở khu vực lạnh và khô hơn.
Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy còn nhiều yếu tố, ngoài môi trường, có liên quan tới sự hình thành mũi.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu hi vọng có thể nghiên cứu được trên các quần thể người có nguồn gốc khác nhau, trong đó có cả người Bắc Mỹ để tìm hiểu xem có gene nào ảnh hưởng tới việc định hình mũi hay không.
Nguồn[sửa]
- Báo Khoa học và Phát triển, Hiền Thảo (theo SA)