Hướng dẫn biên soạn câu hỏi, bài tập kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

a) Quy trình[sửa]

Quy trình biên soạn câu hỏi/bài tập kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của một chủ đề

Bước 1: Xây dựng các chủ đề của bộ môn đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động dạy học cực theo định hướng phát triển năng lực HS.

Bước 2: Xác định chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ của chủ đề theo chương trình hiện hành trên quan điểm mới là định hướng phát triển năng lực HS.

Bước 3: Xác định các loại câu hỏi/bài tập theo hướng đánh giá năng lực (kiến thức, kĩ năng, thái độ) của HS trong chủ đề/ nội dung theo đặc thù của bộ môn. Mô tả các mức yêu cầu cần đạt theo hướng chú trọng đánh giá kĩ năng thực hiện của HS.

Bước 4: Biên soạn câu hỏi/bài tập minh họa cho các mức độ đã mô tả. Với mỗi mức độ/loại câu hỏi/bài tập cần biên soạn nhiều câu hỏi/bài tập để minh họa.

Bước 5: Xây dựng tiến trình tổ chức hoạt động dạy học chủ đề nhằm hướng tới những năng lực đã xác định.

Có nhiều loại công cụ đánh giá khác nhau, đối với dạy học vật lí chủ yếu nhất vẫn là các bài tập và bảng tiêu chí đánh giá (rubric) được sử dụng trong đánh giá thông qua quan sát.

Đối với việc xây dựng các bài tập để làm công cụ đánh giá thì có 2 cách như sau:

+ Cách 1: Xây dựng bài tập dựa trên nội hàm năng lực: Với cách này chúng ta cần phân tích chi tiết nội hàm năng lực thành các thành tố, các thao tác có thể nhận biết được. Trên cơ sở đó ta xây dựng 1 nhiệm vụ trong đó có yêu cầu HS thực hiện thao tác (thao tác tư duy, hoặc thao tác tay chân) đó. Trên cơ sở quan sát trực tiếp thao tác hoặc kết quả đạt được của thao tác để đánh giá mức độ đạt được thành tố năng lực cần đánh giá của HS.

+ Cách 2: Xây dựng bài tập rồi mới xác định xem bài tập đó giúp đánh giá được những năng lực thành phần nào trong bảng trên: Với cách xây dựng này ta sẽ sử dụng các bài tập đã có sau đó đánh giá (có thể sử dụng phương pháp chuyên gia) xem để thực hiện nhiệm vụ của bài tập đó thì HS sẽ hình thành và phát triển năng lực gì. Với biện pháp này ta có thể tận dụng hệ thống bài tập sẵn có để đánh giá kiến thức và một số năng lực thành tố trong việc vận dụng kiến thức toán. Yêu cầu đặt ra là cần xây dựng hệ thống bài tập mới trong đó có yêu cầu HS huy động tới các thành tố năng lực khác.

Dễ dàng nhận thấy các bài tập như sau (hình 3) trong sách giáo khoa sẽ chỉ đánh giá được năng lực thành phần K3 mức tái hiện (KI) kiến thức để giải bài tập.

Hình 3: Bài tập trong SGK Vật lí 9

Do đó, nhiệm vụ đặt ra đó là ta cần xây dựng các bài tập để đánh giá được các năng lực thành phần khác, cần xây dựng một hệ thống bài tập để đảm bảo các yêu cầu như sau:

+ Bài tập có nội dung gắn với thực tiễn;

+ Bài tập gắn với nhiệm vụ hàng ngày của những nghề nghiệp thường sử dụng kiến thức vật lí trong công việc:

  • Nhiệm vụ thu thập, phân tích, xắp xếp và trình bày thông tin
  • Nhiệm vụ thiết kế, đo đạc
  • Nhiệm vụ tính toán, biện luận
  • Nhiệm vụ chế tạo, lắp ráp, sửa chữa
  • Nhiệm vụ giải thích
  • Nhiệm vụ quan sát, dự đoán

Ví dụ 1: Đèn không dùng pin [2]

Với bài tập này, nếu sử dụng bảng 3 về phân loại hệ thống năng lực, thì có thể đánh giá HS thể hiện năng lực KII ở câu 1, năng lực mức PII và XII ở câu 2 và cấp độ năng lực KIII và XII ở câu 3

b) Gợi ý xây dựng các bài tập để đánh giá các năng lực thành phần[sửa]

Dưới đây là các gợi ý cụ thể về việc xây dựng các bài tập đánh giá các năng lực thành phần:

K1[sửa]

- K1: Trình bày được kiến thức về các hiện tượng, đại lượng, định luật, nguyên lí vật lí cơ bản, các phép đo, các hằng số vật lí

Năng lực thành phần này có thể được đánh giá qua các câu hỏi trong sách giáo khoa để nhằm tái hiện kiến thức vật lí đã học.

K2[sửa]

- K2: Trình bày được mối quan hệ giữa các kiến thức vật lí

Năng lực thành phần này có thể được đánh giá qua các câu hỏi trong sách giáo khoa để yêu cầu HS trình bày mối quan hệ giữa các kiến thức, có thể sử dụng các bài tập dưới dạng yêu cầu vẽ sơ đồ tư duy, vẽ bản đồ khái niệm để diễn đạt các mối quan hệ giữa các đại lượng.

K3[sửa]

- K3: Sử dụng được kiến thức vật lí để thực hiện các nhiệm vụ học tập

¬Các nhiệm vụ học tập ở đây có thể được giao trong quá trình học tập bao gồm:

+ Suy luận từ giả thuyết để rút ra hệ quả

+ Suy luận từ kiến thức cũ để đưa ra kiến thức mới

+ Sử dụng kiến thức cũ làm căn cứ đề xuất giả thuyết

+ Tính toán công thức làm cơ sở lí thuyết cho các phép đo

- K4: Vận dụng (giải thích, dự đoán, tính toán, đề ra giải pháp, đánh giá giải pháp …) kiến thức vật lí vào các tình huống thực tiễn

Tình huống thực tiễn có thể là các tình huống liên quan đến:

+ Nhiệm vụ, nhu cầu bản thân: ăn uống, đi lại…

+ Các hoạt động thực tiễn trong gia đình: làm bếp, đồ gia dụng …

+ Các vấn đề chung, cấp thiết: các vấn đề về ô nhiễm môi trường, năng lượng tái tạo, bảo vệ nguồn nước…

P1[sửa]

- P1: Đặt ra những câu hỏi về một sự kiện vật lí

+ Năng lực thành phần này yêu cầu HS có thể tự đặt ra những câu hỏi có ý nghĩa về thế giới tự nhiên trong đời sống mà mình quan sát được hoặc đặt ra những câu hỏi trước sự tái hiện quy luật vật lí bằng thí nghiệm của GV. Những câu hỏi này phải thể hiện được sự tư duy của HS về vấn đề cần giải quyết, sự quan sát tỉ mỉ của HS và sự liên hệ giữa sự kiện vật lí này với các kinh nghiệm, kiến thức sẵn có.

+ HS có thể sử dụng các kĩ thuật đặt câu hỏi như 5W 1H (who, what, where, when, why, how) để đưa ra các câu hỏi khác nhau về 1 sự kiện.

+ Để đạt được và hình thành những năng lực này GV cần từng bước giao nhiệm vụ đặt câu hỏi ở các giai đoạn: phát hiện vấn đề, tự đề xuất các khó khăn gặp phải trong quá trình giải quyết vấn đề, GV cũng có thể yêu cầu HS tự ra bài tập cho bạn trong lớp và cho bản thân mình tự giải quyết.

P2[sửa]

- P2: mô tả được các hiện tượng tự nhiên bằng ngôn ngữ vật lí và chỉ ra các quy luật vật lí trong hiện tượng đó

Đây chính là một trong những năng lực thành phần của năng lực quan sát, để đánh giá năng lực này GV cần giao nhiệm vụ quan sát cụ thể cho HS trong quá trình học tập ở lớp hoặc nhiệm vụ quan sát vật lí ở nhà. Ví dụ như:

+ Quan sát hiện tượng diễn ra trong thí nghiệm và mô tả lại

+ Quan sát hiện tượng diễn ra trong một số thí nghiệm và rút ra quy luật chung.

+ Quan sát quá trình xảy ra trong tự nhiên và chỉ ra các quy luật vật lí chi phối hiện tượng.

P3[sửa]

- P3: Thu thập, đánh giá, lựa chọn và xử lí thông tin từ các nguồn khác nhau để giải quyết vấn đề trong học tập vật lí

Trong dạy học vật lí các nhiệm vụ học tập phát triển năng lực thành phần này ở HS bao gồm:

+ Nhiệm vụ tìm kiếm tài liệu từ các nguồn thông tin khác nhau để xây dựng một bài trình chiếu về một hiện tượng vật lí, một quy luật vật lí, hoặc một ứng dụng kĩ thuật của vật lí.

+ Lấy các thông tin, dữ liệu từ các trung tâm khoa học và phân tích, xử lí để giải quyết những nhiệm vụ học tập.

+ Đọc sách tham khảo và tóm tắt những kiến thức trọng tâm thành một sơ đồ tư duy hoặc bản đồ khái niệm.

Cũng có thể sử dụng những bài tập có tính thực tế cao hơn bằng yêu cầu HS khai thác thông tin từ các nguồn tin thực trong cuộc sống: các báo và tạp chí hàng ngày, quảng cáo ...

Ví dụ 2: Đọc đoạn báo sau và trả lời các câu hỏi

Clip Usain Bolt lập kỷ lục Olympic chạy 100m nam (VIETNAMNET) LÚC : 06/08/12 10:11

Ông vua điền kinh Usain Bolt. (Nguồn: AP)

Ngôi sao người Jamaica Usain Bolt tiếp tục khẳng định mình là người chạy nhanh nhất hành tinh ở cự ly 100m, khi lập kỷ lục Olympic với thành tích 9,63 giây ở vòng chung kết nội dung này hôm Chủ nhật.

Trong đợt thi chạy với sự góp mặt của 4 người chạy nhanh nhất hành tinh là Bolt, Asafa Powell, Tyson Gay và Yohan Blake, Bolt đã xuất phát không tốt, chạy sau trong khoảng 60m đầu. Nhưng càng gần đến vạch đích, "Tia chớp" Jamaica đã bứt lên với khoảng cách rất xa so với các đối thủ còn lại, để rồi về đích nhanh hơn người về nhì là Yohan Blake tới 0,12 giây!

  1. Vận tốc trung bình của Bolt là bao nhiêu
  2. Vận tốc trung bình của Blake là bao nhiêu.
  3. Có thể tính được khoảng cách giữa Bolt và Blake khi Bolt chạm đích không. Vì sao?
  4. Nếu không dùng hệ thống tính thời gian tự động, bằng cách bấm giờ bằng tay có phân biệt được Bolt nhanh hơn Blake không?

Ta có thể ra bài tập thực tế khi sử dụng thông tin quảng cáo:

Ví dụ 3: Đọc quảng cáo bình siêu tốc sau và trả lời câu hỏi

ẤM SIÊU TỐC SUNHOUSE SHD1182

  • Model: SHD1182
  • Mã hàng: 313281
  • Hãng sản xuất Sunhouse
  • Dung tích: 1.8 Lít
  • Đun sôi trong 6 phút
  • Công suất: 1500 W
  • Vỏ bằng Inox không gỉ, chống bám cặn
  • Tự động ngắt điện khi nước sôi
  • Xuất xứ Liên doanh
  • Bảo hành 12 tháng
  1. Với bình siêu tốc này cần tối thiểu mấy phút để đun sôi bình đựng đầy nước ở 20oC. Quảng cáo có đúng không?
  2. Vẽ sơ đồ mạch điện trong đó có đèn báo, rơ le và dây đốt nóng của ấm.
  3. Tính số tiền điện phải trả để đun nước nếu giá điện là 5000đ một số điện.
  4. Cường độ dòng điện chạy qua dây đốt nóng của ấm điện là bao nhiêu?
  5. Tính điện trở của dây đốt nóng của ấm điện.

P4[sửa]

- P4: Vận dụng sự tương tự và các mô hình để xây dựng kiến thức vật lí

Năng lực thành phần này gắn với 2 phương pháp nhận thức khá phổ biến trong nhận thức vật lí đó là phương pháp tương tự và phương pháp mô hình. Để đánh giá năng lực thành phần này ta có thể xây dựng các nhiệm vụ như sau:

+ Vận dụng sự tương tự để đề xuất giả thuyết.

+ Vận dụng sự tương tự để giải các bài tập.

+ Vận dung các mô hình để giải thích các hiện tượng vật lí.

+ Vận dụng những mô hình được mô tả bằng các phương trình vật lí – toán làm cơ sở xuất phát các suy luận lí thuyết để rút ra các kết luận mới (mang tính chất dự đoán), sau đó chúng được thí nghiệm kiểm chứng sẽ trở thành kiến thức vật lí mới.

P5[sửa]

- P5: Lựa chọn và sử dụng các công cụ toán học phù hợp trong học tập vật lí

Đây là một năng lực thành phần của năng lực mô hình hóa bằng toán học góp phần phát triển năng lực tính toán trong nhóm năng lực chung. Năng lực thành phần này được hình thành và phát triển xuyến suốt chương trình vật lí, bao gồm:

+ Các phương trình, biểu thức toán học dùng để mô tả mối quan hệ giữa các đại lượng vật lí.

+ Các cách diễn tả bằng đồ thị, bằng véc tơ … để biểu diễn các quá trình vật lí.

+ Các mô hình tia, vectơ, mặt phẳng, đường thẳng cũng được sử dụng trong việc diễn tả các hiện tượng sự vật.

Các bài tập định lượng, các bài tập đồ thị là các bài tập góp phần phát triển trực tiếp năng lực thành phần này.

P6[sửa]

- P6: chỉ ra được điều kiện lí tưởng của hiện tượng vật lí

Đây là một năng lực thành phần khá đặc thù của môn Vật lí, ở đây đòi hỏi HS chỉ ra được và làm nổi lên các dấu hiệu bản chất, những tác nhân chính và tạm không xem xét đến hoặc bỏ qua những tác nhân phụ, những ảnh hưởng nhỏ. VD trong một số bài toán động lực học ta bỏ qua lực ma sát, bỏ qua khối lượng dây treo…

Để đánh giá năng lực thành phần này, đôi khi ta cần ra những bài tập tính đến cả những ảnh hưởng nhỏ và so sánh với kết quả bài tập khi bỏ qua chúng. Cũng có thể ra những bài tập yêu cầu biện luận những trường hợp lí tưởng hóa của các quá trình diễn ra từ đó nhận ra ảnh hưởng của các tác nhân phụ.

Các loại hoạt động sau được yêu cầu ở HS liên quan đến luyện tập phát triển năng lực thành phần này:

- Suy nghĩ chuyển từ việc nghiên cứu hiện tượng, quá trình trong tự nhiên sang việc bố trí thí nghiệm để nghiên cứu hiện tượng, quá trình vật lí trong điều kiện lí tưởng ở phòng thí nghiệm.

- Xác định phạm vi áp dụng của các mối quan hệ, định luật nói riêng, các mô hình, thuyết vật lí nói chung.

P7[sửa]

- P7: đề xuất được giả thuyết; suy ra các hệ quả có thể kiểm tra được

Đây là năng lực thành phần đồng thời của năng lực thực nghiệm và năng lực sáng tạo. Các nhiệm vụ giúp HS dần hình thành và phát triển năng lực này có thể đưa vào trong quá trình xây dựng kiến thức và trong các bài tập. Các bài tập đánh giá năng lực thành phần này có thể là:

+ Đề xuất mối quan hệ, dự đoán hiện tượng sẽ diễn ra và lí giải căn cứ đưa ra những dự đoán đó.

+ Đưa ra các dự đoán khác nhau trong 1 tình huống và yêu cầu đánh giá xem dự đoán nào có thể kiểm tra được.

+ Từ các định luật, mối quan hệ được mô tả bởi mô hình vật lí toán đã biết, tiến hành các suy luận lôgíc, biến đổi toán học rút ra các hệ quả lôgíc có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm.

P8[sửa]

- P8: xác định mục đích, đề xuất phương án, lắp ráp, tiến hành xử lí kết quả thí nghiệm và rút ra nhận xét.

Thành phần năng lực này có thể được đánh giá thông qua yêu cầu HS thực hiện nhiệm vụ: cần tiến hành thí nghiệm để khảo sát đưa ra giả thuyết khoa học hay kiểm chứng giả thuyết đã được đề xuất.

Đây chính là các năng lực thành phần thuộc năng lực thực nghiệm. Để đánh giá được năng lực thành phần này ta cần tiếp tục bóc tách chúng thành những thành tố có thể quan sát được và sử dụng các bảng rubric để đánh giá.

- Để đánh giá năng lực về phương pháp người ta dựa vào đánh giá “thành tố kĩ năng” trong quá trình thực hiện hoặc đánh giá kết quả thông qua các sản phẩm thu được.

- Khi đo các năng lực thành phần của nhóm năng lực này, ta cần phải đo chủ yếu là các “thành tố kĩ năng” của năng lực. Để đánh giá “thành tố kĩ năng” thì phức tạp hơn, hiện nay cũng không có công cụ vạn năng để đánh giá thành tố này. Cách đánh giá thành tố kĩ năng có độ tin cậy nhất người ta hay dùng đó là sử dụng bảng đánh giá theo tiêu chí và dựa trên quan sát trực tiếp. Ngoài ra người ta cũng thường dùng các câu hỏi để đánh giá thành tố kiến thức về năng lực phương pháp.

Ví dụ 4: Chủ đề: Sự rơi tự do

Nhiệm vụ học tập đối với HS: Hãy tiến hành thí nghiệm và điền vào phiếu học tập.

Bảng 4: Rubric đánh khả năng năng lắp ráp thí nghiệm, trong bài “Đo gia tốc rơi tự do”

Stt Thao tác Tốt (3) Trung bình (2) Yếu (1) Điểm
1 Tháo dụng cụ thí nghiệm ra từ hộp, Lấy tuần tự từ trên xuống dưới, xắp xếp ngay ngắn ra ngoài Lấy đầy đủ thiết bị từ hộp ra Đánh rơi thiết bị, làm cong vênh thiết bị
2 Lắp máng và chỉnh theo phương thẳng đứng Chỉnh máng theo phương thẳng đứng, đế thí nghiệm vững chãi, ốc đế vặn chặt Chỉnh máng theo phương thẳng đứng, ốc vặn còn chưa chặt Không điều chỉnh phương thẳng đứng, làm đổ máng thí nghiệm
3 Nối đồng hồ với các cổng quang điện Nối đúng chốt theo hướng dẫn mà không cần thay đổi Phải thử một số lần mới cắm đúng Cắm sai cổng
5 Đặt vị trí vật rơi Đặt vật rơi theo phương thẳng đứng, trùng với đầu nam châm Đặt vật rơi lệch đầu nam châm Đặt lệch vật rơi, vật rơi không thẳng đứng hoặc không đặt được
6 Đặt đúng chế độ đo trên đồng hồ hiện số Đặt đúng chế độ đo mà không cần thay đổi Thử một số chế độ khác nhau rồi mới đặt đúng Không đặt đúng chế độ đo
7 Phối hợp thao tác Hoàn thành việc lắp ráp đúng thứ tự như trên và Không đúng thứ tự nhưng vẫn lắp ráp được Không hoàn thành việc lắp ráp
8 Tốc độ thực hiện Cần ít hơn 2 phút Từ 2 phút đến 10 phút Quá 10 phút hoặc không hoàn thành

Một điều quan trọng là việc làm rõ thành tố năng lực cần đánh giá sẽ định hướng cách giao nhiệm vụ thực nghiệm cho HS.

Ví dụ 5 là một bài test dựa trên 1 thí nghiệm duy nhất được khai thác thành nhiều nhiệm vụ nhỏ qua đó sẽ đánh giá được các thành tố kĩ năng về năng lực thực nghiệm của HS.

Ví dụ 5 [21]: Cân thăng bằng

Xây dựng quy tắc thăng bằng của cân thông qua thí nghiệm. Trong thí nghiệm này chúng ta cần: 1 cân thăng bằng (hình dưới ), 06 ốc vít giống nhau.

Thông tin: Có nhiều cách khác nhau để đặt các ốc vít trên cân. Chỉ có một số trường hợp cân sẽ thăng bằng. Khi những ốc vít được xắp xếp như nhau hai bên cân thì cân sẽ chịu tác dụng đối xứng. Hình trên và dưới là 2 ví dụ như vậy

Nhiệm vụ: Dưới đây là 6 nhận xét được đặt ra, trong đó có nhận xét đúng và nhận xét sai. Với mỗi nhận xét hãy làm 2 thí nghiêm để kiểm tra nhận xét này, vẽ sơ đồ thí nghiệm và rút ra kết luận nhận định xét này là đúng hay sai.

Nhận xét 1: Cân chịu tác dụng đối xứng sẽ luôn thăng bằng

Nhận xét 2: Khi cân thăng bằng, nó luôn chịu tác dụng đối xứng

Nhận xét 3: Sự thay đổi đồng thời khoảng cách vị trí đặt ốc vít tới trục quay ở hai bên không làm ảnh hưởng đến sự thăng bằng của cân.

Nhận xét 4: Sự thay đổi ốc vít 2 bên ra xa trục quay cùng một khoảng cách không ảnh hướng đến sự thăng bằng của cân

Nhận xét 5: Nếu để bên trái 2 ốc vít, bên phải 3 ốc vít thì cân không thể thăng bằng.

Nhận xét 6: Nếu đặt 1 ốc vít lên cân thì không tìm được trường hợp nào giúp cân thăng bằng.

Trong bài tập này tập trung vào đánh giá kĩ năng thiết kế cách thức tiến hành thí nghiệm và kĩ năng thực hiện thí nghiệm để rút ra kết luận qua đó hình thành lên kiến thức mới.

P9[sửa]

- P9: Biện luận tính đúng đắn của kết quả thí nghiệm và tính đúng đắn các kết luận được khái quát hóa từ kết quả thí nghiệm này

Để đánh giá thành phần này có thể thông qua quá trình biện luận kết quả thí nghiệm.

- X1: trao đổi kiến thức và ứng dụng vật lí bằng ngôn ngữ vật lí và các cách diễn tả đặc thù của vật lí

Nhìn chung năng lực thành phần này được rèn luyện và phát triển thường xuyên thông qua những bài tập, trao đổi giữa GV và HS, giữa HS với HS. Các bài tập tự luận cũng giúp HS hình thành năng lực thành phần này.

Đánh giá thành tố năng lực “trao đổi kiến thức và ứng dụng vật lí bằng ngôn ngữ vật lí và thông qua các cách diễn tả đặc thù của vật lí “ta có thể sử dụng dưới dạng bài tập tình huống trong đó HS cần phải sử dụng ngôn ngữ vật lí để diễn tả ý kiến của cá nhân.

Ví dụ 6: Lan và Nga và Nam nói chuyện với nhau trong giờ ra chơi:

Lan: Trong giờ vật lí chúng mình được học năng lượng không mất đi và chỉ bị chuyển hóa. Điều này cũng đúng với điện năng đúng không?

Nga: Đúng vậy, điện năng cũng là năng lượng

Lan: Thế còn (dòng) điện thì sao? Bố tớ luôn nhắc cần tiết kiệm điện vì giá điện ngày càng đắt?

Nam (giọng nửa đùa): “ Chúng ta viết thư cho nhà máy điện rằng chúng ta sẽ không trả tiền điện nữa vì điện năng không hề bị tiêu thụ”

Nhà cung cấp điện năng cần phải trả lời như nào? Nếu bạn là kĩ sư thuộc bộ phận kĩ thuật của Tổng công ty Điện lực thành phố, hãy viết một bức thư trả lời (tối đa 1 trang).

X2[sửa]

- X2: phân biệt được những mô tả các hiện tượng tự nhiên bằng ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ vật lí (chuyên ngành)

Ngôn ngữ hàng ngày thường không hoàn toàn trùng với ngôn ngữ vật lí, việc sử dụng các ngôn ngữ đời sống để diễn tả các hiện tượng vật lí thường thiếu chính xác nhưng lại rất khó thay đổi ở HS.

Bài tập đánh giá năng lực thành phần “phân biệt được những miêu tả các hiện tượng tự nhiên bằng ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ vật lí (chuyên ngành).”

Ví dụ 7: Hãy viết lại những câu sau đây theo ngôn ngữ vật lí:

- Hôm nay trời trở rét

- Vào mùa đông những tấm áo sưởi ấm các chiến sĩ biên phòng

- Ở trong bếp rất là ấm

- Que kem đang bốc hơi

- Trời nóng cần bật quạt cho mát.


Với nhiệm vụ này, HS phải phân biệt được thuật ngữ trong đời sống và thuật ngữ trong vật lí đồng thời sử dụng được thuật ngữ vật lí để diễn tả chính xác hiện tượng, sự vật.

Năng lực thành phần này cấu thành bởi những thành tố sau: hiểu biết nội hàm của các khái niệm vật lí và phạm vi áp dụng của các khái niệm vật lí, khả năng sử dụng ngôn ngữ để viết câu, lập đoạn văn.

X3[sửa]

- X3: lựa chọn, đánh giá được các nguồn thông tin khác nhau

Đây là một năng lực thành phần quan trọng, vừa là thành tố quan trọng của năng lực tìm kiếm và xử lí thông tin đồng thời cũng là thành tố không thể thiếu của năng lực tự học. Khi giao nhiệm vụ tự học cho HS cần có nhiệm vụ yêu cầu HS lựa chọn nguồn thông tin tin cậy, lựa chọn được thông tin trọng tâm trong một văn bản.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây