Hạn chế sâu răng phát triển

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sâu răng là tình trạng răng xuất hiện các lỗ nhỏ phát triển lớn dần theo thời gian, xảy ra khi lớp men bảo vệ răng bị ăn mòn bởi axít và vi khuẩn. Khi lớp men mất đi, các lỗ nhỏ tiếp tục phát triển sâu vào răng và dẫn đến tình trạng “sâu răng”. Nếu không chữa trị, vị trí sâu sẽ ăn đến tủy răng, bao gồm dây thần kinh và mạch máu. Cách duy nhất để loại bỏ khe hở sâu răng là phải trám răng.[1] Tuy nhiên có một số bước mà bạn nên thực hiện để ngăn ngừa sâu răng phát triển cho đến khi có thể đi gặp nha sĩ.

Các bước[sửa]

Ngăn ngừa khe hở sâu răng phát triển[sửa]

  1. Vệ sinh cẩn thận khu vực bị sâu. Về lý thuyết, đánh răng có thể ngăn chặn sâu răng, nhưng khi đã sâu răng thì đánh răng có vai trò quan trọng trong việc chống khe hở phát triển lớn hơn. Mảng bám thức ăn là nguyên nhân kích thích vi khuẩn sinh sôi, chúng xâm nhập vào khe hở và làm tình trạng xấu đi. Tập trung vệ sinh sạch khu vực quanh khe hở để loại bỏ thức ăn thừa và kìm hãm sâu răng phát triển.[2]
    • Sử dụng bàn chải lông mềm và không ép quá mạnh khi di chuyển. Di chuyển bàn chải qua lại nhẹ nhàng trong thời gian tối thiểu 2 phút.[3]
    • Đánh răng hai lần mỗi ngày và sau khi ăn. Quan trọng là bạn phải giữ miệng sạch sẽ khi đã có khe hở sâu răng, vì mảng bám bắt đầu hình thành trong vòng 20 phút sau khi ăn.[1]
  2. Tìm triệu chứng sâu răng. Sâu răng diễn ra rất chậm và đôi khi khe hở có thể tồn tại và phát triển mà không biểu lộ bất kì triệu chứng nào.[1] Đó là lý do vì sao bạn phải đi khám nha khoa theo định kỳ. Có một số dấu hiệu chứng tỏ khe hở đang hình thành hoặc đã xâm chiếm gần hết răng. Nếu thấy các triệu chứng sau đây bạn nên đi gặp nha sĩ, nhưng trong thời gian chờ đi khám răng bạn có thể áp dụng các bước sau để ngăn chặn khe hở phát triển.[4][5]
    • Điểm màu trắng trên răng. Đây có thể là dấu hiệu ban đầu của sâu răng hay nhiễm độc flo, điểm trắng đó là nơi axít đã ăn mất phần khoáng của men răng. Lúc này tình trạng vẫn còn khắc phục được nên bạn cần hành động ngay nếu thấy dấu hiệu như vậy.
    • Răng nhạy cảm. Nhạy cảm răng thường xảy ra sau khi dùng thức ăn hoặc thức uống ngọt, nóng hay lạnh.[1] Nhạy cảm không hoàn toàn là dấu hiệu sâu răng và nhiều người có răng nhạy cảm khi tình trạng vẫn bình thường. Tuy nhiên nếu trước đây bạn chưa từng bị nhạy cảm răng, và đột ngột có cảm giác này khi tiêu thụ một số thực phẩm hoặc thức uống nhất định, đây có thể là dấu hiệu đáng lo.[6]
    • Đau khi cắn.
    • Nhức răng. Khi khe hở phát triển đến mức ảnh hưởng đến dây thần kinh của răng, bạn sẽ cảm thấy nhức liên tục ở chiếc răng đó, cảm giác đau còn nặng hơn khi ăn hay uống. Nhức răng cũng có thể tự nhiên xảy ra mà không có tác động nào.
    • Trên răng xuất hiện lỗ nhìn thấy được. Đây là dấu hiệu sâu răng đã nặng và khe hở đã ăn mòn răng khá nhiều.
    • Khe hở có thể tồn tại và lớn dần theo thời gian mà không biểu hiện triệu chứng.
  3. Điều trị bằng florua. Florua có tính trụ khuẩn, nghĩa là có tác dụng kìm hãm vi khuẩn sinh sôi trong miệng, ngoài ra còn tăng cường độ cứng răng bằng cách tái khoáng hóa men răng và giúp chống sâu răng tốt hơn. Nếu khe hở được phát hiện sớm thì điều trị bằng florua có thể đảo ngược tình hình. Sản phẩm bổ sung florua được bán không theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên để mua được sản phẩm mạnh hơn bạn phải nhờ bác sĩ kê toa. Giải pháp tốt nhất là sử dụng sản phẩm florua dạng bôi chuyên dụng do nha sĩ kê, nhưng cũng có một số sản phẩm bạn có thể sử dụng trong khi chờ đi khám răng.[4][7]
    • Kem đánh răng florua. Đa số các loại kem đanh răng này được bán không cần toa và có hàm lượng natri florua từ 1000-1500 ppm. Nha sĩ có thể kê kem đánh răng bổ sung florua chứa xấp xỉ 5000 ppm natri florua.
    • Nước súc miệng florua. Bạn có thể sử dụng loại nước súc miệng này hằng ngày, chúng thường chứa từ 225-1000 ppm natri florua. Tìm mua loại nước có con dấu chứng nhận của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) để đảm bảo nó đã được kiểm tra đánh giá.
    • Gel chứa flouride. Loại gel này sệt và sẽ lưu lại trên răng trong thời gian lâu hơn. Sử dụng bằng cách chắt gel ra khay rồi thoa đều trên răng.
  4. Uống nước. Miệng khô có thể đẩy nhanh quá trình sâu răng vì vi khuẩn gây sâu răng tích tụ trong miệng. Luôn giữ miệng ẩm ướt để kìm hãm quá trình này và súc sạch mảng bám thức ăn thừa là nguyên nhân khiến sâu răng nặng hơn.[8]
    • Nếu miệng vẫn khô cho dù đã uống rất nhiều nước, đây có khả năng là triệu chứng của bệnh khác nghiêm trọng hơn, hoặc do thuốc kê toa gây ra. Cho bác sĩ biết nếu tình trạng khô miệng tiếp diễn.
  5. Nhai kẹo cao su không đường chứa xylitol. Xylitol là chất cồn tự nhiên được chiết xuất từ thực vật, nó có tính kháng khuẩn và được sử dụng để ngăn chặn nhiễm trùng. Kẹo cao su chứa 1-20 gam xylitol có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây sâu răng. Nếu nghi ngờ có khe hở sâu răng bạn nên nhai kẹo cao su chứa xylitol trong thời gian chờ đi khám răng.[9]
    • Tìm mua kẹo cao su có con dấu của ADA. Việc này nhằm đảm bảo bạn không mua nhầm kẹo chất lượng kém và khiến răng sâu nặng hơn.
    • Nhai kẹo cao su còn kích thích sản xuất nước bọt, giúp rửa trôi mảng bám thức ăn và giữ men răng cứng chắc.[10]
  6. Súc miệng bằng nước muối. Nước muối có tính khử trùng và nha sĩ thường khuyên dùng khi cần điều trị vết thương hay nhiễm trùng trong miệng. Nước muối cũng có khả năng tiêu diệt và kìm hãm vi khuẩn gây sâu răng trong thời gian chờ được nha sĩ điều trị.[11][12]
    • Hòa tan 1 thìa cà phê muối vào cốc nước ấm.
    • Uống một ngụm đầy và súc nước trong miệng trong 1 phút. Tập trung vào chiếc răng bị sâu.
    • Súc miệng ba lần mỗi ngày.
  7. Đánh răng bằng rễ cam thảo. Mặc dù chưa có nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này nhưng có bằng chứng cho thấy rễ cam thảo có thể ngăn chặn và kìm hãm sâu răng. Rễ cam thảo có thể tiêu diệt vi khuẩn gây sâu răng và giảm viêm.[13][14] Đây là cách tự điều trị ở nhà để hạn chế khe hở phát triển nếu bạn chưa định đi khám nha khoa ngay.
    • Một số nhãn hiệu kem đánh răng có thành phần rễ cam thảo.[15] Nếu không mua được loại kem này bạn có thể mua bột rễ cam thảo và hòa trộn với kem đánh răng.
    • Nhớ mua loại chiết xuất cam thảo đã loại bỏ glycyrrhiza (DGL) là hợp chất gây ra tác dụng phụ khó chịu và khá nghiêm trọng.[16]
    • Luôn luôn nhờ bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng rễ cam thảo. Rễ cam thảo có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm thuốc ức chế ACE, insulin, thuốc ức chế MAO và thuốc ngừa thai dạng uống. Nó cũng gây ra một số vấn đề về sức khỏe với những người mắc các bệnh như bệnh gan hay thận, tiểu đường, bệnh tim hoặc ung thư nhạy cảm với hóc môn.[16]
  8. Tránh tiêu thụ đường tinh luyện. Khe hở sâu răng do vi khuẩn sản xuất axít gây ra, là loại vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường axít. Chủng vi khuẩn này sống dựa trên lượng đường sót lại trong mảng bám thực phẩm, đó là lý do vì sao bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm và thức uống ngọt. Nếu được bạn nên đánh răng sau khi ăn.[1][17]
    • Thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, bánh mì và mì sợi cũng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sản xuất axít phát triển. Hạn chế tiêu thụ cacbohydrat đơn giản đã qua tinh chế, và đánh răng sau khi ăn.[1]

Gặp nha sĩ điều trị sâu răng[sửa]

  1. Thảo luận phương pháp điều trị với nha sĩ. Tùy vào mức độ sâu răng mà họ sẽ gợi ý các lựa chọn điều trị khác nhau. Bạn có thể hỏi nếu không hiểu rõ về các thủ thuật điều trị.
  2. Điều trị bằng sản phẩm chuyên dụng chứa florua. Nếu khe hở chỉ mới xuất hiện và vẫn còn nhỏ, nha sĩ thường không áp dụng cách điều trị xâm lấn mà chỉ đề nghị thoa sản phẩm chứa florua lên răng và để yên trong vài phút. Clorua giúp phục hồi men răng ở chỗ sâu và nếu tiến hành điều trị sớm thì răng có thể được tái khoáng hóa.[7]
    • Cách điều trị này chỉ tốn vài phút nhưng bạn sẽ không thể ăn uống trong thời gian tối thiểu 30 phút sau khi hoàn thành để florua thấm sâu vào răng.
  3. Trám răng nếu nha sĩ đề nghị. Sâu răng thường được phát hiện khi đã quá trễ để florua phát huy hiệu quả, khi đó bạn cần phải trám. Trám răng được thực hiện bằng cách khoan bỏ vị trí bị sâu trên răng, sau đó nha sĩ lấp đầy chỗ trống bằng một loại vật liệu.[1]
    • Thông thường họ sử dụng sứ hoặc nhựa tổ hợp lấp đầy khe hở, đặc biệt đối với các răng trước. Đây là những lựa chọn hàng đầu vì chúng có màu tương tự với màu tự nhiên của răng.[1]
    • Để trám các răng nằm bên trong nha sĩ có thể sử dụng hợp kim bạc hoặc vàng vì chúng cứng hơn. Mảng bám cũng thường tích tụ nhiều hơn trên các răng ở trong cùng.[1]
  4. Trao đổi với nha sĩ về lấy tủy nếu sâu đã ăn đến tủy răng. Họ sẽ loại bỏ phần tủy bị ảnh hưởng, sử dụng chất khử trùng tiêu diệt vi khuẩn rồi sau đó lấp đầy bằng một loại vật liệu. Đây thường là giải pháp cuối cùng trước khi phải nhổ răng.[7]
    • Bình thường sau khi lấy tủy bạn sẽ phải bọc mão (giống như “chiếc mũ” cho răng).[1]
  5. Cân nhắc nhổ răng nếu tổn hại do sâu răng gây ra quá nặng đến độ không thể cứu vãn được. Khi đó nha sĩ sẽ phải nhổ chiếc răng sâu. Sau khi nhổ bạn có thể trồng răng giả để tạo thẩm mỹ và ngăn ngừa các răng bên cạnh không bị dịch chuyển.[7]

Đề phòng sâu răng[sửa]

  1. Đánh răng hai lần mỗi ngày. Sử dụng bàn chải lông mềm và thay bàn chải mới sau mỗi 3-4 tháng. Để đảm bảo kỹ thuật đánh răng hiệu quả bạn nên áp dụng các hướng dẫn của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ.[3]
    • Cầm bàn chải nghiêng một góc 45 độ so với đường lợi. Mảng bám thường tích tụ dọc theo đường lợi.
    • Nhẹ nhàng di chuyển bàn chải tới lui với nhịp đẩy ngắn, chiều dài mỗi nhịp đẩy chỉ nên dài bằng bề rộng một chiếc răng.
    • Chà cả mặt ngoài và mặt trong của răng.
    • Đánh liên tục trong khoảng hai phút.
    • Cuối cùng chà sạch lưỡi. Không chà lưỡi cũng có nghĩa bạn đã bỏ sót rất nhiều vi khuẩn và chúng sẽ lây lan ra khắp miệng ngay sau khi bạn đánh xong.
    • Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày.
  2. Vệ sinh răng bằng chỉ nha khoa mỗi ngày. Song song với đánh răng, việc vệ sinh răng bằng chỉ nha khoa cũng có vai trò rất quan trọng với sức khỏe răng miệng. Bạn nên vệ sinh răng ít nhất một lần mỗi ngày, mặc dù lý tưởng là hai lần. Làm theo các bước đơn giản sau đây để đảm bảo kỹ thuật vệ sinh răng đúng cách.
    • Sử dụng khoảng 46 cm chỉ nha khoa. Quấn phần lớn chiều dài chỉ quanh ngón giữa trên một bàn tay, phần còn lại quấn quanh ngón giữa của tay kia.
    • Nắm chặt sợi chỉ giữa ngón cái và ngón trỏ, sau đó kéo nó chuyển động qua lại giữa hai răng.
    • Khi chỉ chạm vào đường lợi, tạo hình sợi chỉ thành chữ “C” để bám theo hình dạng răng.
    • Giữ chắc sợi chỉ đè lên răng và di chuyển nó lên xuống nhẹ nhàng.
    • Lập lại toàn bộ quá trình với các răng còn lại.
    • Sử dụng luân phiên các phần chỉ mới trong quá trình này.
    • Nếu răng bạn quá khít thì chọn mua loại chỉ có sáp hay “dễ trượt hơn”. Tăm chỉ nha khoa cũng là một sản phẩm hữu ích mà bạn có thể sử dụng, nhưng quan trọng là phải xỉa răng đều đặn mỗi ngày.[18]
  3. Sử dụng nước súc miệng được Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ chứng nhận. Một số loại nước súc miệng chỉ có tác dụng khỏa lấp hơi thở hôi mà không tiêu diệt được vi khuẩn và cũng không thể loại bỏ mảng bám là nguyên nhân gây hôi miệng và sâu răng. Khi mua bạn nên chọn loại nước có con dấu chứng nhận của ADA, chứng tỏ sản phẩm đó đã được ADA kiểm tra và phê duyệt về khả năng loại bỏ mảng bám.[19] Nhấp vào đây để xem danh sách đầy đủ các loại nước súc miệng được ADA chứng nhận.
    • Đảm bảo mua đúng loại nước súc miệng có thể loại bỏ mảng bám, chống viêm lợi và sâu răng, giảm hơi thở hôi.[20]
    • Có nhiều loại nước súc miệng chứa ít hoặc không chứa cồn nhưng vẫn tốt cho sức khỏe răng miệng. Nếu bạn không chịu được cảm giác “nóng” do nước súc miệng truyền thống gây ra thì tìm mua loại này.
  4. Duy trì chế độ ăn tốt cho răng. Những gì bạn ăn có tác động rất lớn lên sức khỏe răng miệng. Một số thực phẩm rất tốt cho răng, trong khi cũng có những loại khác chỉ nên tiêu thụ hạn chế hoặc tránh hoàn toàn.[17][21]
    • Ăn thực phẩm giàu chất xơ. Chất xơ giúp đẩy mảng bám khỏi răng, kích thích sản xuất nước bọt, loại bỏ các axít và enzim có hại khỏi răng. Chất xơ có trong hoa quả và rau tươi, sản phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt.
    • Ăn sản phẩm từ sữa. Sữa, phô mai và sữa chua không đường cũng kích thích sản xuất nước bọt. Chúng còn chứa canxi là thành phần tăng cường chất lượng men răng.
    • Uống trà. Chất dinh dưỡng trong trà xanh và trà đen giúp phá vỡ mảng bám và hạn chế tốc độ phát triển của vi khuẩn. Pha trà với nước chứa florua sẽ tăng gấp đôi hàm lượng chất dinh dưỡng cho răng.
    • Tránh thực phẩm và thức uống chứa đường. Đường khiến mảng bám và vi khuẩn phát triển nhanh hơn, là nguyên nhân gây ra sâu răng. Vì vậy bạn phải hạn chế tiêu thụ kẹo và thức uống nhẹ tối đa. Nếu muốn ăn thực phẩm ngọt bạn nên ăn kèm trong bữa ăn và uống nhiều nước. Như vậy miệng bạn sẽ sản xuất nhiều nước bọt hơn giúp rửa trôi đường, giảm sự phát triển của axít và vi khuẩn.
    • Đánh răng sau khi ăn thực phẩm chứa tinh bột. Những thực phẩm như khoai tây và ngô dễ dàng mắc kẹt trong kẽ răng, do đó bạn phải đánh răng sau khi ăn để tránh sâu răng.
  5. Tránh thức uống chứa axít. Thức uống nhẹ, rượu bia và thậm chí nước ép hoa quả đều có tính axít, chúng có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn gây ra sâu răng.[22][23][24] Bạn chỉ nên dùng những thức thuốc này ở mức vừa phải, hoặc từ bỏ hoàn toàn.
    • Thủ phạm lớn nhất chính là thức uống thể thao như Gatorade, nước tăng lực như Red Bull và sô đa như Coke. Khí cacbonic trong các thức uống này khiến răng bị ăn mòn nhanh hơn.[25][23]
    • Uống nhiều nước. Súc miệng sau khi dùng thức uống chứa axít.
    • Nên nhớ nước ép hoa quả nguyên chất 100% cũng chứa đường, vì vậy bạn nên pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1, đặc biệt đối với trẻ em. Hạn chế tiêu thụ và súc miệng sau khi uống nước ép hoa quả.
  6. Khám nha khoa theo định kỳ. Thông thường nha sĩ yêu cầu bệnh nhân tái khám sau mỗi 6 tháng. Bạn nên tuân thủ lịch khám này để đảm bảo răng miệng ở tình trạng khỏe mạnh. Mỗi lần khám nha sĩ sẽ vệ sinh miệng sạch hoàn toàn, loại bỏ mảng bám tích tụ trong những tháng trước đó. Họ cũng kiểm tra dấu hiệu sâu răng, bệnh về lợi hay bất kì vấn đề nào khác có thể xảy ra.[26]
    • Nha sĩ có thể phát hiện những khe hở rất nhỏ ngay khi chúng mới xuất hiện. Nếu phát hiện sớm họ dễ dàng điều trị sâu răng mà không cần dùng thủ thuật xâm lấn.
    • Ví dụ, thay đổi lối sống, vệ sinh răng miệng đúng cách và điều trị bằng florua cũng đủ để loại trừ những khe hở sâu răng nhỏ. Phương pháp này kích thích quá trình “tái khoáng hóa” tự nhiên của răng.[27]

Lời khuyên[sửa]

  • Một kỳ vệ sinh răng điển hình ở phòng khám nha khoa thường bao gồm lấy cao răng, đánh bóng và vệ sinh bằng florua.

Cảnh báo[sửa]

  • Bạn nên đi gặp nha sĩ nếu cho rằng mình bị sâu răng. Ngăn ngừa sâu răng phát triển là ý tưởng đúng, nhưng cách duy nhất để loại bỏ sâu răng là phải để nha sĩ điều trị.
  • Có thể bạn không phát hiện mình bị sâu răng vì không phải lúc nào nó cũng có triệu chứng, do đó bạn nên khám răng theo định kỳ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 1,6 1,7 1,8 1,9 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001055.htm
  2. http://students.usask.ca/articles/oral-health.php
  3. 3,0 3,1 http://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/b/brushing-your-teeth
  4. 4,0 4,1 http://www.nidcr.nih.gov/oralhealth/OralHealthInformation/ChildrensOralHealth/ToothDecayProcess.htm
  5. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cavities/basics/symptoms/con-20030076
  6. http://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/s/sensitive-teeth
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cavities/basics/treatment/con-20030076
  8. http://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/d/dry-mouth
  9. http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-996-xylitol.aspx?activeingredientid=996&activeingredientname=xylitol
  10. http://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/c/chewing-gum
  11. http://www.ped-onc.org/treatment/mouthcare.html
  12. http://www.colgate.com/en/us/oc/oral-health/conditions/mouth-sores-and-infections/article/sw-281474979357039
  13. http://pubs.acs.org/doi/abs/10.1021/np2004775?tokenDomain=presspac&tokenAccess=presspac&forwardService=showFullText&journalCode=jnprdf
  14. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3131773/
  15. http://www.webmd.com/oral-health/news/20120105/licorice-root-may-cut-cavities-gum-disease
  16. 16,0 16,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/licorice
  17. 17,0 17,1 http://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=4062
  18. http://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/f/flossing
  19. http://www.ada.org/en/science-research/ada-seal-of-acceptance/product-category-information/mouthrinses
  20. http://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/m/mouthwash
  21. http://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/d/diet-and-dental-health
  22. http://www.agd.org/media/142832/ma13_bassiouny.pdf
  23. 23,0 23,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2676420/
  24. http://www.nhs.uk/chq/Pages/which-foods-and-drinks-containing-sugar-cause-tooth-decay.aspx?CategoryID=74&SubCategoryID=741
  25. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2516950/
  26. http://www.mouthhealthy.org/en/dental-care-concerns/questions-about-going-to-the-dentist/
  27. http://www.oralhealthgroup.com/features/dental-remineralization-simplified/