Hết ngứa da với các liệu pháp tại nhà

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có khi nào làn da của bạn ngứa đến phát điên không? Có nhiều yếu tố gây ngứa như bị côn trùng đốt, phản ứng dị ứng, cháy nắng, nhiễm trùng da, thời tiết khô và lạnh, dùng thuốc, bệnh lý, thậm chí do mang thai hoặc lớn tuổi.[1] Điều cốt yếu là bạn cần ý kiến tư vấn của bác sĩ nếu tình trạng ngứa kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng để có cách điều trị thích hợp; tuy nhiên nếu tình trạng ngứa không đến nỗi quá sức chịu đựng và không kèm theo các triệu chứng khác, bạn có thể dễ dàng xử lý một cách hiệu quả với các liệu pháp tại nhà.

Các bước[sửa]

Tìm Cách Giảm Ngứa Tức thì[sửa]

  1. Tắm nước lạnh dưới vòi sen hoặc trong bồn tắm. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chắc chắn các cơ chế nào gây ra hiện tượng ngứa, nhưng có thể tình trạng ngứa sẽ giảm khi tác nhân “chống kích ứng” (như hành động gãi) xuất hiện.[2] Bạn có thể dễ dàng sử dụng nước lạnh để giải cơn ngứa trên da.
    • Tắm nước lạnh trong bồn tắm hoặc dưới vòi sen. Vì nhiệt độ lạnh rất hiệu nghiệm, tắm nước lạnh dưới vòi sen hoặc để nước lạnh chảy lên vùng da ngứa có thể giúp ích. Nếu thích, bạn có thể ngâm mình trong bồn tắm đầy nước lạnh cho đến khi nào còn chịu được.
    • Bạn cũng có thể cho thêm vào nước tắm một số tinh dầu có công dụng xoa dịu da và ngăn chặn kích ứng. Nhỏ 2-3 giọt tinh dầu vào nước tắm lạnh.[3]
      • Hoa cúc La Mã giúp làm dịu và kháng viêm.[3]
      • Hương trầm (Boswellia frereana) có thể làm dịu làn da bị viêm.[3]
      • Hoa oải hương có thể giúp định thần và giảm ngứa.[3]
      • Tinh dầu hoa cúc kim tiền có thể giúp giảm ngứa nhờ tăng độ ẩm cho da.[4]
    • Tránh những tình dầu được cho là gây kích ứng da như: nguyệt quế, quế, đinh hương, sả, thìa là Ai Cập, cỏ chanh, cỏ roi ngựa, kinh giới, cúc vạn thọ và cỏ xạ hương.[5]
  2. Đắp gạc lạnh. Nhúng một chiếc khăn hoặc mảnh vải vào nước lạnh và đắp lên vùng da ngứa cho đến khi cơn ngứa dịu lại. Thử đắp khoảng 30 phút.[6] Cơn ngứa dịu đi là do vải ướt “ngâm” (làm mềm) vùng da bị kích ứng[7] và giúp “lột” (loại bỏ da chết) vùng da ngứa.[8]
    • Bạn cũng có thể đắp túi đá hoặc túi đậu đông lạnh lên vùng da bị ngứa, nhưng cần lấy khăn bọc bên ngoài các túi này trước khi đặt lên da. Đắp những vật đông lạnh khoảng 10-20 phút và không vượt quá thời gian đó.
    • Đắp nước nóng hoặc gạc nóng có thể làm da bị kích ứng thêm.
  3. Ngâm vùng da ngứa trong dung dịch bicarbonate. Muối nở là một loại thuốc trị ngứa tự nhiên được sử dụng cho mọi dạng ngứa, nhưng đặc biệt hiệu quả khi trị ngứa do ong hoặc côn trùng đốt. [6]
    • Thêm một cốc muối nở vào bồn tắm nước lạnh. Ngâm mình trong bồn tắm khoảng 30 phút đến một tiếng.[9]
  4. Tắm bột yến mạch hoặc đắp bột nhão yến mạch. Yến mạch có các thành phần đóng vai trò như chất chống ô-xy hóa, giúp làm dịu da và dứt cơn ngứa. Nên dùng keo yến mạch, nhưng nếu không có sẵn thì cũng có thể dùng yến mạch nguyên hạt hoặc bột yến mạch chưa chế biến. Bạn có thể dùng máy xay thực phẩm hoặc máy xay cà phê để xay yến mạch. Các hợp chất có ích hiện diện nhiều hơn trong yến mạch chưa chế biến.[6]
    • Cho 2 cốc bột yến mạch sống chưa chế biến vào nước tắm. Bạn đừng quên là nước phải mát hoặc hơi ấm chứ không được nóng vì nhiệt độ cao có thể khiến da tổn thương hơn. Ngâm khoảng một tiếng mỗi ngày cho đến khi tình trạng ngứa chấm dứt.
    • Bạn có thể trộn bột yến mạch sống chưa chế biến với nước để tạo thành bột sệt. Đắp bột này lên vùng da ngứa trong khoảng 20 -30 phút.
  5. Bôi lô hội lên vùng da ngứa. Lô hội có chứa các thành phần chống nấm, chống vi khuẩn và chống viêm. Nó cũng chứa nhiều vitamin E, rất hiệu quả trong điều trị bỏng và giúp giảm sưng viêm và bớt ngứa.[10]
    • Lô hội tươi là lý tưởng nhất! Nếu bạn có nguyên cây lô hội thì lấy một nhánh, cắt ra và thoa chất gel trong đó lên vùng da ngứa. Để yên cho lô hội thấm vào và làm dịu da. Nếu không có lôi hội tươi, bạn có thể mua gel lô hội ở hiệu thuốc. Tìm loại gel lô hội 100% thiên nhiên.
    • Không bôi lô hội lên vết thương hở hoặc vùng da đỏ.[10]
  6. Dùng bạc hà tươi. Có nghiên cứu cho rằng tắm với nước pha lá bạc hà và tinh dầu bạc hà cay có lợi cho da bị ngứa. Bạc hà có chứa chất chống viêm và gây tê, có thể làm giảm và chấm dứt cơn ngứa trên da.[11]
    • Lá bạc hà ngâm trong nước nóng còn hiệu nghiệm hơn vì quá trình ngâm giúp cho tinh dầu bạc hà trong lá ngấm vào nước. Đảm bảo nước phải mát trước khi dùng một mảnh vải nhúng vào dung dịch và bôi lên da.[12][13]
    • Bạn cũng có thể dùng một miếng bông sạch thấm tinh dầu bạc hà cay và bôi trực tiếp lên vùng da ngứa.[11]

Giữ Đủ Nước và Lột Da[sửa]

  1. Giữ cho cơ thể đủ nước. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa là do da bị khô. Bạn càng uống nhiều nước thì da càng hấp thụ nhiều. Có khuyến nghị là bạn nên uống ít nhất sáu đến tám cốc nước mỗi ngày.[14]
    • Nếu hoạt động nhiều hoặc đổ mồi hôi nhiều, bạn cần phải uống thêm nước.
  2. Tránh tắm nhiều hơn một lần mỗi ngày. Dùng nước hơi ấm hoặc nước mát và đảm bảo dưỡng ẩm cho da sau mỗi lần tắm. Không ngâm mình trong bồn tắm hoặc đứng dưới vòi sen quá 30 phút.[2]
    • Nhiều người không biết rằng thực ra việc tắm sẽ khiến da bị khô, nhất là khi dùng loại xà phòng mạnh. Tránh mọi loại xà phòng có chứa thuốc nhuộm, nước hoa hoặc cồn.[6]
    • Lời khuyên dành cho bạn là dùng nước hơi ấm vì nước quá nóng có thể làm tổn thương da do chất dầu bảo vệ giúp giữ ẩm cho da đã bị lấy đi.
  3. Bôi kem dưỡng ẩm chất lượng tốt. Bạn nên chọn loại dưỡng ẩm có ít thành phần hóa học nếu có thể, như vậy sẽ giảm được nguy cơ da tiếp xúc với các loại hóa chất mẫn cảm đối với bạn, hoặc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa.
    • Tránh các sản phẩm có chứa cồn hoặc chất tạo mùi thơm. Cồn có thể làm khô da và nó khiến tình trạng ngứa nặng thêm. Các chất tạo mùi, thường được hòa tan trong cồn, cũng có tác động tương tự.[15]
    • Dầu khoáng petroleum jelly không có mùi và thường có tác dụng rất tốt để dưỡng ẩm cho vùng da bị kích ứng.[16]
    • Các nghiên cứu cho rằng kem có chứa a-xít béo omega-3 có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh chàm, một bệnh lý khiến da ngứa dữ dội.[8]
  4. Làm kem dưỡng ẩm tại nhà. Bạn cũng có thể tự làm kem dưỡng ẩm cho mình tại nhà. Bôi lên mặt, lên người và bàn tay bất cứ loại nào trong số các loại kem dưỡng ẩm làm tại nhà dưới đây. Để kem dưỡng ẩm ngấm trong khoảng vài phút, sau đó lau hoặc rửa sạch.
    • Kem dưỡng ẩm quả bơ-mật ong – Trộn 3 thìa súp kem tươi đặc, 1/4 quả bơ tươi và một thìa súp mật ong, cho vào máy xay nhuyễn đến khi thành một hỗn hợp mịn.[17]
    • Kem dưỡng ẩm bơ hạt mỡ – Lấy 120 gr bơ hạt mỡ để ở nhiệt độ trong phòng và dùng thìa gỗ nghiền nát. Thêm vào 2 thìa súp dầu hạnh nhân hoặc dầu ô liu (loại nào bạn thích hoặc có sẵn). Thêm 8 -10 giọt tinh dầu hoa oải hương hoặc bất cứ mùi hương nào bạn thích (ví dụ chanh, cam, bạc hà hoặc dành dành). Dùng máy trộn với tốc độ cao để trộn đều các nguyên liệu trong khoảng 2-4 phút cho đến khi sánh mịn. Bảo quản trong lọ kín (có nắp) ở nơi mát và tối.[18]
    • Nước dưỡng ẩm lô hội - dầu hạnh nhân – cúc La Mã – Trộn ½ cup (120ml) dầu hạnh nhân và ½ cup trà hoa cúc, cho vào máy trộn (pha trà bằng cách ngâm 2 túi trà vào ½ cup nước sôi ít nhất 5 phút). Từ từ rót 1 cup (240ml) gel lô hội vào. Dùng dao trộn gạt cho hết gel lô hội vào hỗn hợp. Đảm bảo tất cả nguyên liệu phải ở nhiệt độ phòng trước khi trộn. Cho vào lọ sạch, có nắp và để trong tủ lạnh. Mỗi lần dùng, bạn lấy ra một ít và làm ấm lên trong lòng bàn tay, sau đó xoa lên da.[19]
    • Dầu dừa cũng giúp ích trong việc cải thiện khả năng giữ ẩm. Bôi trực tiếp lên vùng da ngứa hoặc bị kích ứng.[20]
  5. Lột da (cẩn trọng!). Viện Da liễu Mỹ khuyên nên đến bác sĩ da liễu để khám da trước khi lột vì không phải phương pháp lột da nào cũng phù hợp với tất cả các loại da.[21] Phương pháp lột da không đúng, hoặc quá mạnh, hay có tính chất mài mòn có thể làm tổn thương da, tăng nguy cơ viêm da, ngứa và làm nặng thêm tình trạng hiện thời của da. Ngoài ra, tần suất và phương pháp lột da phải dựa vào loại da, và bác sĩ da liễu có thể cho bạn lời khuyên.[22][23] Tuy nhiên, vẫn có một số phương pháp mà bạn có thể thử:
    • Chải khô trên da. Đây là một cách trị liệu truyền thống của Trung Quốc đã được chứng minh là giúp loại bỏ tế bào chết trên bề mặt da và tăng lưu thông máu. Dùng bàn chải có sợi lông tự nhiên và cán dài. Bắt đầu từ bàn chân, chải với động tác dài, nhẹ nhàng. Dùng chuyển động tròn, dài, cho những vùng da rộng như phần thân trên hoặc lưng. Chải chồng lên mỗi khu vực 3 - 4 lần và khắp cơ thể. Tắm vòi sen và vỗ cho khô, sau đó bôi kem dưỡng ẩm. Không chải khô lên vùng da bị thương.[24]
    • Dùng vải lột da. Các loại vải này đa số làm từ sợi tổng hợp được dệt tinh xảo như ni lông, nhưng các loại làm từ sợi tự nhiên như tơ tằm hoặc sợi lanh cũng có sẵn. Nhẹ nhàng thao tác trên toàn thân; các loại vải này có nhiều kích cỡ. Sau khi hoàn tất, tắm và vỗ cho khô rồi dùng kem dưỡng ẩm.
    • Không bao giờ chà xát da. Động tác đó thực sự có thể khiến da ngứa và bị kích ứng thêm. Thay vào đó, bạn nên dùng động tác xoa nhẹ nhàng.

Thay đổi cách Sinh hoạt[sửa]

  1. Tránh gãi. Tuy nói thì dễ hơn làm, nhưng bạn cần hết sức cố gắng tránh gãi. Động tác gãi có thể gây kích ứng thêm cho da bằng cách tiết ra các chất như histamine và cytokines làm tình trạng ngứa lan ra. Ngoài ra, động tác gãi sẽ khiến não tiết ra một chất hóa học truyền tín hiệu làm tăng cơn ngứa. Hơn nữa, nếu bị trầy xước do gãi, da có thể bị nhiễm trùng và bị kích ứng thêm. Cuối cùng, hành động gãi lâu ngày có thể thay đổi cấu trúc da, dẫn đến sẹo, thay đổi độ dày (liken hóa) và màu sắc của da (tăng sắc tố mô).[25][26]
    • Nếu cơn ngứa nổi lên ở đâu, bạn hãy dùng một trong những cách trị liệu nhanh ở trên để “xử lý tại chỗ” vùng da đó.
    • Cắt ngắn móng tay và nếu đặc biệt bị ngứa vào ban đêm, bạn thử đeo găng tay đi ngủ đề phòng trường hợp bất giác muốn gãi.
  2. Tránh các loại bột giặt mạnh. Chỉ dùng các loại bột giặt không mùi; một số hiệu thậm chí còn có loại bột giặt dành riêng cho da nhạy cảm. Ngoài ra, khi giặt quần áo, bạn nên xả thêm một lần nước nữa để loại bỏ hết các vết bột giặt còn bám lại.
    • Hơn thế nữa, bạn có thể cân nhắc dùng các sản phẩm tẩy rửa hoàn toàn tự nhiên hoặc hữu cơ chỉ có lượng hóa chất tối thiểu.[6]
  3. Mặc quần áo rộng với chất liệu sơi tự nhiên. Bạn thử mặc quần áo 100% cotton bất cứ khi nào có thể, nhất là đồ lót. Cotton là một loại sợi thiên nhiên không gây dị ứng, không có thêm hóa chất, do đó giảm thiểu nguy cơ dị ứng và kích ứng của da.[6]
    • Chất liệu cotton và vải lanh cũng giúp da dễ thở, cho phép mồ hôi bay hơi và thoát ra ngoài lớp quần áo. Một lợi ích nữa là vải cotton dễ giặt, dễ sấy và bền hơn các chất liệu khác.
    • Các chất liệu vải tự nhiên khác gồm có sợi lanh (linen), sợi gai và tơ tằm.[27] Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận với len, vì nhiều người thấy len gây kích ứng thay vì làm dịu da.[2]
  4. Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc cơ thể có mùi thơm. Tránh dùng nước hoa, xà phòng, lotion, dầu gội đầu và bất cứ các sản phẩm chăm sóc hoặc làm đẹp nào khác có mùi thơm và các hóa chất phụ gia. Nhiều người thấy các sản phẩm này gây kích ứng da và làm nặng thêm triệu chứng ngứa.[6]
    • Dùng xà phòng nhẹ dịu làm từ glycerine thực vật – các loại này có thể tìm mua ở hầu hết các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm. Các nhãn hiệu nổi tiếng gồm có Clearly Natural, Pears, và Sappo Hill. Các loại xà phòng này sẽ không gây kích ứng da hoặc làm khô da. Glycerine là một loại gel đặc, không màu, không mùi, không độc đã được sử dụng hàng thế kỷ để làm sạch và dưỡng ẩm da.[28]
    • Luôn đảm bảo xả sạch hoàn toàn xà phòng khỏi cơ thể và bôi kem dưỡng ẩm sau khi dùng xà phòng.[6]
  5. Dùng máy tạo ẩm. Máy tạo ẩm sẽ giữ cho không khí không quá khô vốn có thể làm khô da và gây ngứa.[8]
    • Nếu không có máy tạo ẩm, bạn cũng không cần lao đi mua ngay. Bạn có thể tự chế máy tạo ẩm ở nhà! Đặt những bát nước xung quanh phòng – đảm bảo đặt ở những nời ngoài tầm với của trẻ nhỏ và thú cưng. Vào những tháng lạnh, bạn đặt những bát nước gần nguồn nhiệt. Vào những tháng ấm hơn, bạn đặt gần các cửa sổ và những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời. Như vậy sẽ giúp cho nước bay hơi tốt và làm ẩm không khí.
    • Kiểm tra máy tạo ẩm, dù là mua ở cửa hàng hay tự làm, để đảm bảo lúc nào cũng đầy nước.
    • Thường xuyên làm sạch máy tạo ẩm theo sách hướng dẫn. Môi trường ẩm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển nếu nó không được làm sạch thường xuyên.
  6. Uống thực phẩm bổ sung và /hoặc thêm vào chế độ ăn. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bạn uống hoặc thêm bất cứ chất gì vào chế độ ăn của bạn. Mặc dù các loại vitamin, chất khoáng và hầu hết các thực phẩm bổ sung nói chung là an toàn khi được dùng theo hướng dẫn, nhưng một số có thể gây các phản ứng phụ, nhất là khi bạn đang uống thuốc. Sau đây là một số thực phẩm bổ sung bạn có thể cân nhắc dùng viên uống hoặc cho thêm vào chế độ ăn:
    • Polyphenol thực vật (flavonoid). Nhóm hợp chất flavonoid như quercetin và rutin là các chất kháng histamine và giúp chống lại sự phá hủy DNA.[29][30] Liều lượng thường dùng của quercetin là 250-500mg, và liều lượng cho rutin là 500-1000mg
    • Vitamin A. Vitamin A cần thiết cho làn da khỏe mạnh, có hàm lượng cao trong khoai lang, gan bò, rau bina, cá, sữa, trứng và cà rốt. Tuy nhiên, đa số mọi người khó có thể nạp đủ vitamin A qua chế độ ăn, do đó bạn có thể phải cân nhắc uống thêm viên vitamin A.[31]
    • Vitamin B. Vitamin B cũng cần thiết cho làn da khỏe mạnh. Cách dễ nhất là bạn uống viên B-complex, trong đó gồm có tất cả các loại vitamin B, nhưng bạn cũng có thể lấy vitamin B từ đậu chickpeas, cá và gia cầm.[32]
    • A-xít béo Omega-3. A-xít béo Omega-3 là chất quan trọng để duy trì độ ẩm cho da, đồng thời giúp giảm viêm. Các loại vitamin và thực phẩm bổ sung omega-3 có thể mua ở các cửa hàng thực phẩm và các hiệu thuốc. Các loại rau ăn lá, quả hạch, các loại cá béo (như cá hồi và cá thu) là những nguồn dồi dào a-xít béo omega-3.[33]
  7. Giảm stress. Do có tác động lên hormone, stress có thể khiến tình trạng ngứa nặng hơn. Vì vậy, sẽ có lợi cho bạn nếu bạn cân nhắc sử dụng các phương pháp kiểm soát stress như thiền, yoga và tập thể dục.[6]

Giải pháp Giảm Ngứa do Côn trùng Đốt[sửa]

  1. Dùng lotion calamine. Lotion calamine có chứa ô-xít kẽm, một dạng của ô- xít sắt và /hoặc carbonate kẽm. Loại lotion này đã được dùng hàng thập kỷ nay để giảm ngứa do nhiều tác nhân, trong đó có chất độc trong cây thường xuân, cây sồi, cây sơn, cháy nắng, côn trùng cắn, đốt. Nó cũng được dùng để ngăn chặn nhiễm trùng da do gãi nhiều.[34][35]
    • Lotion calamine có bán ở các hiệu thuốc với giá không đắt.
  2. Làm thuốc đắp bằng yến mạch. Thuốc đắp là một khối vật liệu mềm, ẩm, thường là thảo mộc nghiền nát và một loại vật liệu khác hoặc bột. Thuốc được đắp trực tiếp lên da và được cố định bằng một mảnh vải.[36] Đong 1 cup (240ml) keo yến mạch và dùng máy xay cà phê hoặc xay sinh tố để xay thành loại bột thô. Cho thêm nước vừa đủ để làm thành thứ bột sệt và đắp lên vùng da nổi mẩn do chất độc trong cây thường xuân, cây sồi, cây sơn, vùng da cháy nắng, vết côn trùng cắn hoặc đốt. Để yên như vậy chừng nào còn thấy dễ chịu và sau đó rửa sạch bằng nước ấm.[37]
    • Bạn cũng có thể dùng một mảnh vải cotton sạch phủ lên vùng đắp thuốc và quấn lại bằng băng co giãn hoặc dùng băng dính y tế để cố định.
    • Bạn cũng có thể dùng yến mạch mà không cần xay, nhưng sẽ khó trải đều hơn.
  3. Làm thuốc đắp bằng muối nở. Đong khoảng ½ cup (120ml) muối nở. Thêm vừa đủ nước để làm thành một loại bột đặc và đắp lên lên vùng da nổi mẩn do chất độc trong cây thường xuân, cây sồi, cây sơn, vùng da cháy nắng, vết côn trùng cắn hoặc đốt. Để yên như vậy chừng nào còn thấy dễ chịu và sau đó rửa sạch bằng nước ấm.[38]
    • Bạn cũng có thể dùng một mảnh vải cotton sạch phủ lên vùng đắp thuốc và quấn lại bằng băng co giãn hoặc dùng băng dính y tế để cố định.

Hiểu biết về Da Bị Ngứa[sửa]

  1. Hiểu nguyên nhân gây ngứa. Có các dây thần kinh đặc biệt phụ trách truyền thông tin cảm giác của cơ thể (như cảm giác ngứa) lên não. Khi những dây thần kinh này bị kích thích, chúng sẽ tiết ra các hóa chất truyền tín hiệu gọi là cytokine, kích hoạt các dây thần kinh gần đó. Histamin là một ví dụ của hóa chất cytokine chịu trách nhiệm về cảm giác ngứa trong các phản ứng dị ứng. Khi càng nhiều dây thần kinh bị kích thích, các tín hiệu càng truyền dồn dập lên não, khiến não phản ứng bằng cách ra lệnh thực hiện động tác gãi.[39]
    • Tình trạng ngứa có thể đi kèm hoặc dẫn đến đỏ, sưng và các tình trạng phát ban khác trên da. Trong một số trường hợp khác, không có thay đổi nào trên da.
  2. Xác định nguyên nhân gây ngứa da. Chứng ngứa có thể do nhiều tác nhân gây ra, từ vết cắn nhẹ và tạm thời của côn trùng, các bệnh lý về da nào đó (ví dụ bệnh chàm hoặc vảy nến) cho đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn như bệnh về gan hoặc thận.[40] Những nguyên nhân chính gây ngứa da gồm có:[25]
    • Da khô – Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây ngứa là khô da, có thể bị tác động bởi các yếu tố môi trường (ví dụ như máy sưởi hoặc máy lạnh trong nhà, độ ẩm thấp hoặc tắm quá nhiều với các chất làm sạch gây khô da) hoặc không uống đủ nước.
    • Bệnh lý về da – Bệnh chàm (viêm da dị ứng) và bệnh vảy nến là những bệnh lý về da phổ biến, thường đi kèm với chứng ngứa, da đỏ và kích ứng, sưng và phồng giộp. Cháy nắng cũng có thể gây ngứa.
    • Nhiễm vi khuẩn hoặc nấm – Các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, sởi, zona, bệnh herpes sinh dục và hậu môn có thể gây cảm giác rất ngứa ngáy.
    • Nhiễm ký sinh trùng – Loài côn trùng nhỏ li ti, không có cánh, sống trong tóc hoặc lông mu gọi là chấy rận tấn công và gây ngứa.
    • Các bệnh lý – Bệnh về gan thường đi kèm với chứng ngứa từ vừa đến dữ dội. Các bệnh khác có kèm theo hiện tượng ngứa gồm có một số bệnh rối loạn về máu (ví dụ bệnh thiếu máu do thiếu sắt, đa hồng cầu nguyên phát, v.v…), ung thư (bạch cầu và bạch huyết), và bệnh về tuyến giáp.
    • Phản ứng dị ứng – Phản ứng dị ứng với côn trùng đốt, phấn hoa, chất độc trong thực vật, mỹ phẩm, các sản phẩm cá nhân và thức ăn có thể gây ngứa từ nhẹ đến nặng. Phát ban do viêm da tiếp xúc (tình trạng phát ban do da tiếp xúc với một chất hoặc dị ứng nguyên) có thể rất ngứa.
    • Phản ứng dị ứng với thuốc – Những phản ứng của da có thể gây ngứa từ nhẹ đến nặng do tác dụng phụ tương đối phổ biến của một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm và một số thuốc giảm đau.
    • Rối loạn thần kinh – Các bệnh lý như tiểu đường hoặc bệnh đa xơ cứng tác động lên dây thần kinh và có thể dẫn đến cảm giác ngứa.
    • Mang thai – Chứng ngứa thường là một “tác dụng phụ” của việc mang thai. Vùng bị ngứa thường là bụng, vú, đùi và cánh tay.
  3. Đánh giá các triệu chứng. Điều quan trọng là xác định bạn bị ngứa chỉ là do da khô hay do một bệnh về da khác. Chứng phát ban có thể liên quan đến phản ứng dị ứng hoặc các bệnh lý khác. Da khô thường gặp nhất là ở cẳng chân, bụng, cánh tay, đùi, và thường có biểu hiện da bong tróc, ngứa và nứt nẻ.[41] Lời khuyên cho bạn là tham khảo ý kiến bác sĩ nếu thấy các dấu vết trên da mà có thể là biểu hiện khác nghiêm trọng hơn chứ không chỉ là da khô thông thường. Các dấu vết đó bao gồm chứng phát ban hoặc nổi mề đay dai dẳng và không rõ nguyên nhân.
    • Phát ban biểu hiện bằng các nốt sưng trên da, da đổi màu, bong tróc và phồng giộp. Các loại phát ban phổ biến bao gồm thường xuân độc, nhiệt phát ban, nổi mề đay và chàm. Chứng phát ban không do nhiễm trùng nhìn chung có thể chữa bằng các loại kem hydrocortisone không cần toa bác sĩ, đồng thời các loại thuốc uống kháng histamine có thể giúp giảm ngứa. Tuy nhiên, nếu xuất hiện những nốt phát ban mới và không rõ nguyên nhân, sốt hoặc chứng phát ban kéo dài lâu hơn vài ngày, bạn nên đến bác sĩ.[42]
    • Mề đay biểu hiện bằng những đám hoặc nốt hơi phồng, màu đỏ hoặc hồng trên da, có thể xuất hiện riêng rẽ hoặc chụm lại thành đám.[43] Mề đay thường là biểu hiện của phản ứng dị ứng với một số loại thức ăn, thuốc, côn trùng cắn, phấn hoa và thuốc tiêm chống dị ứng. Các nguyên nhân tiềm tàng khác gây nổi mề đay bao gồm nhiễm nấm và vi khuẩn, stress, tiếp xúc với hóa chất và ánh nắng mặt trời, sức nóng, độ lạnh hoặc nước. Với hầu hết mọi người, nổi mề đay không phải chứng bệnh nghiêm trọng. Nếu bạn nghi ngờ phản ứng dị ứng là ở nơi làm việc, bác sĩ có thể làm xét nghiệm dị ứng và kê toa thuốc điều trị (thông thường là thuốc kháng histamine).
    • Nếu bị nổi mề đay và không thở được, bạn phải gọi cấp cứu ngay lập tức vì triệu chứng này là biểu hiện của phản dị ứng nghiêm trọng.[44]
  4. Đến bác sĩ. Nếu hiện tượng ngứa lan rộng, không rõ nguyên nhân và /hoặc đã thử chữa bằng các liệu pháp ở nhà như trên mà không đỡ trong vòng 2-3 ngày, bạn nên hẹn gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất cho bạn.[45]
    • Nếu bị nổi mề đay và/hoặc phát ban kéo dài, bạn hãy nói với bác sĩ.[46]
    • Việc chẩn đoán bệnh luôn dựa trên nguyên nhân ẩn đằng sau và thường được xác định bằng việc khám lâm sàng, xem xét cẩn thận và toàn diện tiền sử bệnh, làm một loạt các xét nghiệm và hình ảnh. Trong một số trường hợp, cần lấy một mẩu da làm sinh thiết để có thể xem xét da dưới kính hiển vi. Đa số các trường hợp ngứa da ít nhất một phần là do khô da và có thể làm giảm ngứa, tuy rằng nguyên nhân đằng sau vẫn cần thời gian để xác định.

Cảnh báo[sửa]

  • Mặc dù gãi vào chỗ ngứa là rất khoan khoái – nhưng hãy cố gắng, cố gắng, và cố tránh gãi. Gãi sẽ chỉ gây thêm kích ứng cho vùng da và có thể làm rách da.[6]
  • Tuy hầu hết các trường hợp ngứa là do dị ứng hoặc các hiện tượng mẫn cảm khác, tình trạng ngứa dai dẳng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng ẩn sau đó. Các rối loạn nghiêm trọng có biểu hiện bên ngoài bằng tình trạng ngứa bao gồm các bệnh gan, thiếu máu, suy thận, tiểu đường, zona và lupus. Vì vậy tìm cách điều trị để xác định nguyên nhân gây ngứa là điều rất quan trọng

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/itchy-skin/basics/causes/con-20028460
  2. 2,0 2,1 2,2 http://cutaneouslymphoma.stanford.edu/community/itch.html
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 https://www.naha.org/explore-aromatherapy/about-aromatherapy/most-commonly-used-essential-oils/
  4. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/calendula
  5. https://www.naha.org/explore-aromatherapy/safety/#dermal
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 6,4 6,5 6,6 6,7 6,8 6,9 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/itchy-skin/basics/lifestyle-home-remedies/con-20028460
  7. http://missinglink.ucsf.edu/lm/DermatologyGlossary/m.html
  8. 8,0 8,1 8,2 http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/eczema
  9. http://www.davisdermatology.net/general/winter-skin-care-tips-season-long-healthy-skin/
  10. 10,0 10,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/natural/607.html
  11. 11,0 11,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/peppermint
  12. http://researchnews.wsu.edu/health/104.html
  13. http://www.motherearthliving.com/health-and-wellness/natural-remedies-for-seasonal-allergies-zmez12mjzmel.aspx
  14. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256?reDate=26052015
  15. http://www.patient.info/health/eczema-triggers-and-irritants
  16. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/a---d/atopic-dermatitis/tips
  17. http://www.rd.com/slideshows/8-natural-recipes-for-amazing-skin-from-a-plastic-surgeon/
  18. http://sheabutterguide.com/shea-butter-recipes/
  19. http://www.diynatural.com/homemade-lotion/
  20. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15724344
  21. https://www.aad.org/stories-and-news/news-releases/evaluate-before-you-exfoliate
  22. http://www.drfranklipman.com/the-whys-and-hows-of-exfoliation/
  23. http://news.health.com/2015/03/24/exfoliate-with-care-dermatologist-urges/
  24. http://health.clevelandclinic.org/2015/01/the-truth-about-dry-brushing-and-what-it-does-for-you/
  25. 25,0 25,1 http://www.medicinenet.com/itch/page3.htm#what_causes_itching
  26. http://www.washingtonpost.com/news/speaking-of-science/wp/2014/10/30/scratching-an-itch-really-does-make-it-worse-and-now-we-know-why/
  27. http://www.aafp.org/afp/2003/0915/p1145.html
  28. http://healthnbodytips.com/glycerin-vegetable-glycerine-uses.html/
  29. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20816008
  30. Ratz-Łyko, A., Arct, J., Majewski, S. and Pytkowska, K. (2015), Influence of Polyphenols on the Physiological Processes in the Skin. Phytother. Res., 29: 509–517.
  31. http://www.health.com/health/gallery/0,,20660118_2,00.html
  32. http://www.health.com/health/gallery/0,,20660118_3,00.html
  33. http://www.health.com/health/gallery/0,,20660118_16,00.html
  34. http://www.fda.gov/ForConsumers/ConsumerUpdates/ucm049342.htm
  35. http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-insect-bites/basics/art-20056593
  36. http://nationaleczema.org/living-with-eczema/scratch-pad/homemade-oats-poultice-helps-soothe-skin/
  37. http://colloidaloatmeal.com/
  38. http://www.earthclinic.com/cures/spider_bite.html
  39. http://www.yalescientific.org/2011/05/the-mechanisms-and-perception-of-itch/
  40. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/itchy-skin/basics/definition/con-20028460
  41. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003250.htm
  42. http://www.medicinenet.com/rash/article.htm#rash_facts
  43. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/e---h/hives/signs-symptoms
  44. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/e---h/hives/who-gets-causes
  45. http://www.medicinenet.com/itch/page4.htm
  46. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/e---h/hives/diagnosis-treatment

Liên kết đến đây