Kiểm soát bệnh hen suyễn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu là người có bệnh hen suyễn, một chứng bệnh về phổi, thì bạn hoàn toàn không đơn độc. 26 triệu người ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi chứng hen suyễn,[1] và đây cũng là căn bệnh mạn tính phổ biến nhất ở trẻ em.[2] Ở bệnh nhân hen, các đường dẫn khí trong phổi bị co hẹp, sưng viêm hoặc bị kích ứng. Sự tắc nghẽn đường dẫn khí dẫn đến khó thở.[3] Mặc dù không có cách chữa khỏi, bạn vẫn nên đến bác sĩ khám nếu thấy lo ngại. Đến gặp bác sĩ tổng quát hoặc chuyên gia (như bác sĩ chuyên khoa phổi hoặc chuyên khoa dị ứng). Bạn cũng có thể ít chú ý hơn đến các yếu tố: các triệu chứng, đến bác sĩ/phòng cấp cứu, nằm viện điều trị, chi phí chăm sóc sức khỏe và những ngày nghỉ học/nghỉ làm.[1]

Các bước[sửa]

Tiếp nhận sự giúp đỡ y tế[sửa]

  1. Biết về các triệu chứng hen. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh hen là thở khò khè. Đó là âm thanh có nhạc điệu, âm sắc cao, rít, phát ra khi đường khí trong phổi bị chặn. Đôi khi triệu chứng duy nhất của hen suyễn chỉ là ho. Thông thường là ho khan, dai dẳng và phần lớn xảy ra vào ban đêm.[2] Bạn cũng có thể nhận thấy hơi thở ngắn/ khó thở hoặc đau thắt ngực.
    • Nếu bạn có cảm giác hồi hộp và thở nhanh, thông thường đây là triệu chứng gắn liền với cơn hen mà không phải do vấn đề về tim gây ra.[4]
  2. Biết khi nào cần gặp bác sĩ. Nếu nhận thấy có sự gia tăng các cơn, cường độ hoặc triệu chứng vào ban đêm, bạn nên nói với bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng nên đến bác sĩ nếu thấy hạn chế trong các hoạt động bình thường, phải nghỉ học hoặc nghỉ làm nhiều, hoặc cảm thấy thường xuyên không thể đạt đến mức độ tốt nhất của mình. Đi khám bệnh cũng là ý tưởng tốt nếu thuốc điều trị hen của bạn có vẻ không còn tác dụng, hoặc bạn phải dùng ống hít cắt cơn nhanh hơn hai lần một tuần.[5]
    • Bạn cũng nên đến bác sĩ ít nhất mỗi năm một lần để lấy toa thuốc mới.
  3. Gọi cấp cứu khi cần thiết. Bệnh hen suyễn có thể diễn tiến trầm trọng và nguy hiểm đến tính mạng rất nhanh, vì vậy bạn nên tìm sự trợ giúp khẩn cấp nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
    • Cực kỳ khó thở
    • Môi, ngón tay và móng tay tím tái
    • Có cảm giác như sắp ngất
    • Không thể đi hoặc nói hết câu
  4. Hiểu về việc xét nghiệm và phân loại hen. Bác sĩ có thể thực hiện một số cuộc kiểm tra phổi để biết mức độ hoạt động của phổi (gọi là đo phế dung). Việc kiểm tra phổi sẽ được thực hiện trước và sau khi uống một loại thuốc nào đó. Bệnh hen sẽ được chẩn đoán qua sự cải thiện trong hoạt động của phổi sau khi uống loại thuốc đó.[6] Bệnh hen có thể được phân thành các loại: ngắt quãng, dai dẳng nhẹ, dai dẳng trung bình, và dai dẳng nặng.[2]
    • Ngắt quãng: các triệu chứng xuất hiện ít hơn một lần mỗi tuần, cơn hen ngắn, các triệu chứng ban đêm không xuất hiện quá hai lần mỗi tháng.
    • Dai dẳng nhẹ: các triệu chứng nhiều hơn một lần mỗi tuần nhưng ít hơn một lần mỗi ngày, cơn hen có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và giấc ngủ, các triệu chứng ban đêm xảy ra hơn hai lần mỗi tháng.
    • Dai dẳng trung bình: các triệu chứng và cơn hen hàng ngày có thể ảnh hưởng đến các hoạt động và giấc ngủ, các triệu chứng ban đêm xuất hiện nhiều hơn một lần mỗi tuần, và hàng ngày phải sử dụng thuốc hít kích thích beta tác dụng ngắn.
    • Dai dẳng nặng: các triệu chứng xuất hiện hàng ngày, lên cơn thường xuyên, các triệu chứng ban đêm xuất hiện thường xuyên và hạn chế trong các hoạt động thể chất.
  5. Nhận biết các phương pháp điều trị hen. Mục đích trong điều trị hen là kiểm soát các triệu chứng và duy trì chức năng phổi bằng việc sử dụng thuốc cắt cơn nhanh và thuốc kiểm soát lâu dài nếu cần. Các loại thuốc cắt cơn nhanh rất hữu hiệu trong việc giúp mở đường thở trong cơn hen nặng, nhưng không có tác dụng chống viêm đường thở. Các loại thuốc tác dụng lâu dài giúp giảm viêm đường dẫn khí trong phổi và được dùng để giảm tần suất và cường độ các cơn hen, nhưng không có tác dụng trong trường hợp lên cơn hen cấp tính. [7] Thuốc tác dụng lâu dài cũng dần dần giúp duy trì chức năng phổi; chứng hen suyễn không được kiểm soát có thể dẫn đến những tổn hại phổi không thể chữa. Các phương pháp sau đây thường được dùng để điều trị cho từng loại hen:[6] Bệnh hen có thể được phân thành các loại: ngắt quãng, dai dẳng nhẹ, dai dẳng trung bình, và dai dẳng nặng.[2]
    • Ngắt quãng: Thuốc hít kích thích beta tác dụng ngắn khi cần. Không cần thuốc kiểm soát lâu dài.
    • Dai dẳng nhẹ: Thuốc hít kích thích beta tác dụng ngắn khi cần. Thuốc hít corticosteroid liều thấp. Các lựa chọn khác gồm có cromolyn hoặc thuốc ức chế leukotriene.
    • Dai dẳng trung bình: Thuốc hít kích thích beta tác dụng ngắn khi cần. Thuốc hít corticosteroid liều trung bình kết hợp với thuốc hít kích thích beta tác dụng lâu dài.
    • Dai dẳng nặng: Thuốc hít kích thích beta tác dụng ngắn khi cần. Thuốc hít corticosteroid liều cao kết hợp với thuốc hít kích thích beta tác dụng lâu dài, cộng với một hoặc nhiều loại thuốc sau đây nếu cần: theophylline, thuốc ức chế leukotriene, thuốc uống kích thích beta tác dụng lâu dài, thuốc uống corticosteroid.
  6. Sử dụng bình xịt định liều (metered dose inhaler – MDI) có hoặc không có buồng đệm. Khi lên cơn hen suyễn, việc sử dụng ống hít có thể giúp bạn hít thuốc cắt cơn nhanh để mở đường thở. Các loại ống hít sẽ có hiệu quả nhất khi dùng kèm buồng đệm. Buồng đệm là các hộp áp lực giúp việc đưa thuốc vào đường thở dễ dàng hơn. Buồng đệm đặc biệt giúp ích khi dùng cho trẻ em hoặc những người khó thở, nhưng nó cũng giúp ích cho bất cứ bệnh nhân nào.[8] Buồng đệm giúp thuốc vào sâu trong phổi hơn là vào cuống họng, điều này đặc biệt quan trọng trong sử dụng thuốc hít corticosteroids. Cách dùng ống hít như sau:
    • Lắp ống hít bằng cách mở ra và gắn bình đựng thuốc vào miệng ống hít. Lắc kỹ ống hít trước khi sử dụng. Động tác này đảm bảo cho thuốc trong bình được trộn đều.
    • Thở ra hết sao cho có cảm giác trong phổi không còn không khí.
    • Ngậm vào miệng ống hít và mím môi sao cho kín. Như vậy sẽ không gây lãng phí thuốc.
    • Ấn chai thuốc, đồng thời hít vào qua miệng trong khi nín thở 2 giây để thuốc có thể đi vào đường thở. Lặp lại quá trình này theo toa bác sĩ.
    • Nếu sử dụng buồng đệm, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm với thiết bị. Việc dùng buồng đệm có thể thay đổi cách sử dụng ống hít.
  7. Sử dụng ống hít bột khô (DPI). Một số thuốc có dạng bột, do đó đòi hỏi người bệnh phải dùng loại ống hít khác. Nếu bị lên cơn hen và cần dùng DPI, bạn cần hít sâu và nhanh.[8] Bạn có thể không cảm thấy vị thuốc khi hít vào, và điều đó là bình thường. Cách sử dụng như sau:
    • Nạp đúng liều thuốc được kê trong toa theo hướng dẫn đi kèm với ống hít.
    • Thở ra bình thường, giữ ống hít cách xa miệng. Cằm nâng cao.
    • Ngậm chặt miệng ống hít. Hít vào nhanh và sâu qua ống hít. Nhấc miệng ống ra và nín thở trong lúc đếm đến 10.
    • Thở ra từ từ không qua ống hít. Độ ẩm trong hơi thở có thể làm thuốc bột dính lại bên trong ống hít.[6] Nhớ đóng chặt ống hít và bảo quản nơi khô ráo sau khi sử dụng.
  8. Thử dùng máy xông khí dung. Máy xông khí dung hoạt động bằng cách phun thuốc trị hen như sương qua một đầu ống hoặc qua mặt nạ. Đây là lựa chọn tốt cho trẻ em, người già và bệnh nhân khó sử dụng ống hít. Nếu thấy chóng mặt khi dùng máy xông khí dung, bạn cần dừng lại khoảng năm phút và sau đó tiếp tục sử dụng.[6] Cách sử dụng máy xông khí dung:
    • Rửa sạch tay. Đặt máy xông khí dung lên mặt phẳng vững vàng và cắm điện. Gắn chụp xông/mặt nạ và bầu xông vào ống. Gắn ống vào một đầu của máy.
    • Cho thuốc vào bầu xông theo liều được kê toa và đặt máy đứng thẳng sao cho luồng khí phun vào hiệu quả hơn.
    • Bật máy và thở chầm chậm. Nín thở trong hai giây để thuốc được hấp thụ. Tiếp tục cho đến khi phun hết thuốc trong bầu xông.[6]

Tránh các tác nhân kích thích[sửa]

  1. Tránh các tác nhân từ môi trường. Các tác nhân kích thích hen suyễn có thể được phân thành các loại chất kích thích, dị ứng nguyên, và các tác nhân khác. Chất kích thích gồm có khói, khói mù, khí thải hóa chất và mùi hương đậm. Bạn nên chú ý kiểu thời tiết nào làm bệnh hen của mình trở nặng và tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian đó. Có một số việc khác bạn có thể thực hiện để giảm tác động của các chất kích thích trong môi trường xung quanh mình:[6]
    • Chọn xe không hút thuốc và phòng không hút thuốc khi thuê xe và phòng khách sạn
    • Chọn khu vực không hút thuốc khi đi ăn ở ngoài
    • Tránh đốt lò sưởi và bếp củi
    • Hạn chế vào phòng có thắp hương
    • Kiểm tra báo cáo chất lượng không khí
    • Dùng máy điều hòa thay vì mở cửa sổ
    • Để máy điều hòa trong xe hơi ở chế độ thông gió
    • Sử dụng các sản phẩm không mùi
    • Tránh dùng thuốc tẩy và amoniac khi làm vệ sinh
    • Dùng quạt hút khi nấu ăn
    • Đeo khẩu trang khi làm những công việc như rải cát, hút bụi, cắt cỏ và quét dọn
  2. Xác định các dị ứng nguyên kích thích cơn hen. Dị ứng nguyên là các chất gây phản ứng dị ứng. Các dị ứng nguyên ngoài trời phổ biến bao gồm phấn hoa từ các loại cỏ, cây và cỏ dại. Các dị ứng nguyên trong nhà phổ biến gồm mạt bụi, gián, nấm mốc và thú cưng.[1] Tuy không phải lúc nào cũng tránh được các tác nhân gây dị ứng, nhưng bạn có thể trao đổi với bác sĩ về các liệu pháp hoặc thuốc điều trị dị ứng. Bạn cũng có thể cố gắng giảm tác động của các dị ứng nguyên lên bệnh hen suyễn bằng cách:[6]
    • Tránh các công việc ngoài trời, nếu có thể
    • Theo dõi báo cáo về tình trạng phấn hoa, nếu có
    • Dùng loại ga trải giường và vỏ gối không gây dị ứng
    • Sử dụng bộ lọc không khí HEPA
    • Thay thế thảm bằng gỗ hoặc gạch lát sàn
    • Đem rác ra khỏi nhà hàng ngày
    • Dùng mồi nhử hoặc bẫy để chế ngự gián (hoặc gọi dịch vụ diệt côn trùng)
    • Làm vệ sinh những nơi ẩm ướt mỗi tuần để ngăn nấm mốc sinh sôi
    • Tránh sử dụng máy tạo ẩm hoặc máy hóa hơi
    • Tránh thú cưng có lông mao hoặc lông vũ
  3. Đọc nhãn thực phẩm và biết mình đang ăn gì. Chứng hen suyễn thường song hành với chứng dị ứng thực phẩm, đặc biệt là với chất phụ gia thực phẩm. Một số chất phụ gia gồm có sulfites, metabisulfites, và sulfur dioxide. Các chất này thường có trong rượu vang, bia và hoa quả khô. Kiểm tra nhãn thực phẩm và tránh những loại có chứa các chất phụ gia này.
    • Nói chuyện với bác sĩ về việc phòng tránh, chẩn đoán và kiểm soát dị ứng thực phẩm. Một số loại dị ứng thực phẩm khá trầm trọng và cần dùng bút tiêm EpiPen trong trường hợp phơi nhiễm bất ngờ.
  4. Đề phòng các tác nhân kích thích do thuốc hoặc do bệnh. Bệnh cảm, cúm và viêm xoang là những căn bệnh viêm đường hô hấp trên có khả năng kích thích đường thở và gây ra cơn hen suyễn. Để chống lại các căn bệnh này, bạn cần thường xuyên rửa tay và tiêm phòng cúm hàng năm.[6] Nếu nghi ngờ bệnh cúm hoặc một căn bệnh khác gây ra cơn hen, bạn cần liên lạc với bác sĩ.
    • Lưu ý rằng một số loại thuốc aspirin và kháng viêm như ibuprofen và naproxen có thể khiến cơn hen bùng phát.
    • Kiểm tra nhãn các loại thuốc không kê toa và thuốc kê toa để tránh các chất này.
  5. Kiểm soát cảm xúc và stress. Những biểu hiện cảm xúc như khóc, cười hoặc vui sướng được cho là tác nhân kích thích cơn hen. Bạn hãy tập thở chậm để thư giãn và ngăn chặn cơn hen.
    • Thử tập thể dục để chế ngự stress. Đừng tránh né tập thể dục khi bị hen suyễn. Nếu bị hen do tập thể dục, bạn hãy dùng một liều thuốc hít cắt cơn nhanh 15 phút trước khi bắt đầu tập.
    • Lưu ý rằng việc tập thể dục cường độ quá cao (hoặc áp dụng chế độ luyện tập mới quá đột ngột) có thể khiến cơn suyễn bùng phát.

Điều chỉnh lối sống[sửa]

  1. Tuân theo lời khuyên của bác sĩ. Việc đầu tiên bạn cần làm là tuân theo phác đồ điều trị hen mà bác sĩ đã đưa ra. Mỗi trường hợp một khác, và bác sĩ có thể lập phác đồ điều trị riêng cho bạn và lối sống của bạn.
    • Yêu cầu bác sĩ cung cấp cho bạn bản phác đồ cấp cứu. Điều này có thể giúp bạn biết chính xác phải làm gì khi lên cơn hen suyễn và có thể cho người khác cùng biết nếu bạn cần trợ giúp.
  2. Theo dõi tình trạng hen bằng cách sử dụng thiết bị đo lưu lượng đỉnh. Bác sĩ có thể cho bạn dùng thiết bị đo lưu lượng đỉnh để kiểm tra tốc độ đẩy không khí ra khỏi phổi. Chỉ số lưu lượng đỉnh giảm có thể báo hiệu cơn hen sắp xảy ra, do đó điều quan trọng là phải theo dõi khả năng gắng hết sức của bạn khi sử dụng thiết bị đo lưu lượng đỉnh.[5] Cách dùng thiết bị đo như sau:
    • Di chuyển kim chỉ vạch đến số 0 hoặc số nhỏ nhất trên thang đo. Đứng dậy. Nếu không đứng được, bạn có thể ngồi thẳng người trên ghế. Đảm bảo giữ đúng một tư thế mỗi lần đo.
    • Hít một hơi sâu hết sức có thể. Đặt đầu ngậm của thiết bị giữa hai hàm răng và ngậm chặt môi xung quanh. Chú ý không để lưỡi chặn đường mở.
    • Thổi vào đầu thiết bị một lần, càng nhanh và mạnh càng tốt. Sau đó nhấc thiết bị ra khỏi miệng. Kiểm tra xem kim chỉ vạch di chuyển đến đâu trên thang có đánh số và ghi lại con số đó.
    • Di chuyển kim chỉ vạch về số 0. Đo lại 2 lần nữa, khoanh tròn con số lớn nhất trong 3 số. Đó chính là số đo lưu lượng đỉnh của bạn.[9]
  3. Biết khi nào cần nghỉ ngơi. Điều quan trọng là nhận ra khi nào bạn cần hoạt động chậm lại và nghỉ ngơi. Tình trạng gắng sức quá mức hoặc mệt mỏi có thể khiến cơn hen khởi phát. Biết khi nào hoạt động của mình là quá mức để nghỉ và lấy hơi trước khi cơn hen bùng phát. Thiết lập thời gian biểu đều đặn cho giấc ngủ với ít nhất 8 tiếng mỗi đêm.[10]
  4. Uống nhiều nước hơn. Uống nước sẽ giúp dịch nhầy chuyển động trong phổi và ngăn chúng kẹt lại trong đường thở, có thể khiến hơi thở ngắn.[11] Cố gắng ít nhất cứ mỗi 2 tiếng uống một ly nước nhỏ trong thời gian thức.[11]
  5. Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Tình trạng thừa cân có thể khiến các cơn hen trầm trọng hơn. Thậm chí chỉ tăng 2,5 kg trong một năm cũng có thể giảm khả năng kiểm soát hen, giảm chất lượng cuộc sống và phải dùng nhiều thuốc corticosteroid hơn.[12] Chìa khóa để đạt được cân nặng khỏe mạnh là chế độ dinh dưỡng và tập luyện.[13]
    • Cắt giảm các thực phẩm nhiều chất béo, đường và quá nhiều tinh bột. Để có thêm thông tin về cách lập chế độ ăn lành mạnh cho mình, xem bài ăn uống lành mạnh
  6. Giảm mức độ stress. Stress có thể khiến bạn lên cơn hen suyễn vì cơ thể bạn có thể phản ứng bằng cách co hẹp đường thở. Thử giảm stress qua yoga, các bài tập thở sâu, phản hồi sinh học, tưởng tượng theo hướng dẫn, và thiền. Tất cả đều là các phương pháp giúp thư giãn và giảm stress.[10]
    • Liệu pháp phản hồi sinh học dạy cách kiểm soát hơi thở, sự căng thẳng trong các cơ, nhịp tim và huyết áp. Điều này rất hiệu quả trong việc điều trị các căn bệnh do stress ở mức độ trầm trọng gây ra.[14] Liệu pháp tưởng tượng theo hướng dẫn là một hình thức thư giãn có tập trung, giúp tạo nên sự hài hòa giữa cơ thể và tâm trí.[15]
  7. Tăng cường sức khỏe cho phổi bằng cách tập luyện với cường độ trung bình. Việc tập luyện căng thẳng khi phổi yếu có thể dẫn đến khởi phát cơn hen, nhưng tập với cường độ trung bình thực sự có thể giúp tăng cường sức khỏe cho phổi. Bắt đầu bằng các bài tập nhẹ hoặc trung bình như đi bộ và tiến tới chế độ tập luyện thách thức hơn. Tập vào hầu hết các ngày trong tuần và ít nhất 30 phút.[6] Nhờ bác sĩ thiết kế lịch trình tập luyện phù hợp với bệnh hen suyễn của bạn.[16]
    • Thử tham gia các hoạt động cần ô-xy với một trong các hình thức sau: chạy bộ, bơi lội, đạp xe hoặc đi bộ. Tập luyện tăng sức mạnh bằng tạ hoặc ngoại lực để xây dựng cơ bắp.
  8. Cai thuốc lá. Khói thuốc lá kích thích niêm mạc nhầy trong đường thở khiến dịch nhầy sản sinh nhiều hơn bình thường. Nó cũng tăng đáng kể rủi ro mắc các bệnh khác về phổi như ung thư. Nếu bị hen suyễn, bạn nên bỏ thuốc lá để giúp lá phổi nhạy cảm của bạn có cơ hội bình phục.[17]
    • Tránh ở trong môi trường có khói thuốc nói chung. Hút thuốc thụ động cũng có thể gây nhiều tổn hại trong niêm mạc đường thở, do đó bạn nên cố gắng tránh môi trường khói thuốc hết sức có thể.

Lời khuyên[sửa]

  • Bệnh hen suyễn có thể khó chẩn đoán, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bao gồm kiểm tra chức năng phổi và tình trạng dị ứng, có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác.
  • Các bệnh nhân hen cũng nên phát triển phác đồ chữa trị hen cùng với đội ngũ y tế của mình. Phác đồ trị hen bao gồm các biện pháp cần thiết để kiểm soát hen tốt hơn.
  • Nếu bạn nghĩ rằng ống hít cấp cứu của mình không có tác dụng, có lẽ bạn sử dụng không đúng cách. Hơi thuốc cần phải tập trung vào đường thở, không phải vào lưỡi hoặc và vòm miệng. Bạn cũng phải hít và giữ hơi thở trong phổi càng lâu càng tốt để hấp thụ thuốc. Một lần xịt thường không đủ; bạn có thể cần 1-2 lần xịt sau mỗi 20 phút cho đến 1 tiếng.[18] Bạn cũng có thể nhờ bác sĩ xem bạn sử dụng thuốc để đảm bảo dùng đúng cách.
  • Thuốc cắt cơn nhanh, còn gọi là thuốc cấp cứu, được sử dụng khi cần bao gồm thuốc hít kích thích beta tác dụng ngắn /ức chế xung động giao cảm, và thuốc corticosteroid uống. Thuốc hít kích thích beta tác dụng ngắn thông dụng nhất là albuterol, hoạt động bằng cách làm giãn các cơ thít chặt đường thở.[6]
  • Thuốc ức chế xung động giao cảm chế ngự ho và có thể dùng kết hợp với thuốc kích thích beta tác dụng ngắn khi lên cơn hen nặng. Ipratropium là loại thuốc ức chế xung động giao cảm điều trị hen thông dụng nhất. Thuốc corticosteroid uống có thể được dùng trong liệu pháp “bùng nổ” cho các cơn hen nặng. Các ví dụ cho nhóm thuốc corticosteroid là prednisone, methylprednisolone, và prednisolone.[6]
  • Thuốc tác dụng lâu dài được dùng hàng ngày, bao gồm thuốc kích thích beta tác dụng lâu dài, thuốc hít corticosteroid, kết hợp thuốc hít kích thích beta tác dụng lâu dài/ corticosteroid, thuốc ức chế leukotriene, thuốc ổn định dưỡng bào và thuốc giãn phế quản theophylline.[19]
  • Cách tốt nhất để theo dõi các triệu chứng là ghi nhật ký.

Cảnh báo[sửa]

  • Nhiễm trùng hô hấp sẽ trầm trọng hơn ở các bệnh nhân hen suyễn. Các bệnh nhiễm trùng này thường có thể dẫn đến viêm phổi và bệnh hô hấp cấp.
  • Đảm bảo gọi cho bác sĩ hoặc đi khám bệnh nếu bạn bị hen suyễn và xuất hiện các triệu chứng của bệnh hô hấp hoặc cảm cúm.
  • Bệnh nhân hen suyễn cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ cao bị biến chứng sau khi nhiễm virus cúm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

_PARTS__