Kiểm soát tiểu đường thai kì mà không cần thuốc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Tiểu đường khi mang thai hơi khác với các dạng bệnh tiểu đường khác bạn từng biết. Tiểu đường khi mang thai xảy ra trong thai kỳ, khi cơ thể trải qua nhiều thay đổi đáng kể. Một trong những thay đổi đó là thay đổi nồng độ đường huyết, hay nồng độ glucose trong máu. Có 4-9,2% phụ nữ bị bệnh tiểu đường khi mang thai.[1] Nói như vậy không phải là bạn và thai nhi mắc phải dạng tiểu đường phổ biến hơn hay bạn và thai nhi sẽ bị tiểu đường sau khi sinh.[2] Hầu hết phụ nữ mang thai đều được kiểm tra phát hiện bệnh tiểu đường ở tuần 28 của thai kỳ. Bên cạnh việc trao đổi với bác sĩ khi đi khám thai định kỳ, bạn có thể kiểm soát tiểu đường khi mang thai tại nhà. Phần lớn, bệnh tiểu đường khi mang thai được kiểm soát thông qua chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể chất và dùng thuốc hoặc tiêm Insulin trong một số trường hợp.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Điều trị bệnh bằng chế độ ăn và dinh dưỡng[sửa]

  1. Tự nấu ăn. Để điều trị tiểu đường khi mang thai, phép điều trị tự nhiên cũng giống như phép điều trị y tế nhưng chế độ ăn khi điều trị bệnh tự nhiên sẽ chú trọng vào thực phẩm toàn phần. Thực phẩm nên ở dạng càng tự nhiên càng tốt. Nói cách khác, bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn hoặc đã qua xử lý và tự nấu ăn thì càng tốt.
    • Nếu cần tiết kiệm thời gian, bạn có thể dùng nồi hầm hoặc chuẩn bị các món cơ bản như cơm, đậu, thịt và rau trước rồi để đông lạnh.[3]
    • Một nguyên liệu khác khi tự chế biến món ăn có thể giúp ích cho bạn đó là quế. Quế được sử dụng để kiểm soát nồng độ đường huyết và được xem là an toàn cho phụ nữ mang thai khi sử dụng trong món ăn,[4] tương đương khoảng 1000 mg quế mỗi ngày. [5]
    • Mặc dù được nhiều công ty thực phẩm "tự nhiên" quảng bá lợi ích nhưng trên thực tế, chưa có nghiên cứu nào cho thấy thực phẩm hữu cơ có tác dụng kiểm soát bệnh tiểu đường khi mang thai. Tốt nhất bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm tươi, toàn phần như hoa quả, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.[6]
  2. Tăng cường bổ sung cacbon-hydrat phức hợp. Chế độ ăn nên bao gồm ít nhất 40-50% tổng lượng calo dung nạp mỗi ngày từ nguồn cacbon-hydrat phức hợp giàu chất xơ.[7][8][9] Nên ăn nhiều cacbon-hydrat phức hợp vào buổi trưa và cắt giảm khẩu phần ăn vào những bữa còn lại trong ngày. Cách này giúp điều hòa đường huyết và quá trình sản sinh insulin trong suốt cả ngày. [9] Cacbon-hydrat phức hợp có trong thực phẩm toàn phần, chưa qua xử lý như ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang và bột yến mạch. Một quy tắc khác bạn nên nhớ đó là không tiêu thụ thực phẩm “trắng”, ví dụ như bánh mì trắng, mì ống trắng hoặc gạo trắng vì đây là nguồn cacbon-hydrat đơn.
    • Mặc dù cả cacbon-hydrat đơn và phức hợp đều được phân giải thành glucose trong cơ thể nhưng thời gian để phân giải cacbon-hydrat phức hợp sẽ lâu hơn. Như vậy, cơ thể sẽ có nhiều thời gian xử lý glucose hơn.[10]
  3. Tránh thực phẩm chế biến sẵn. Cacbon-hydrat đơn thường có trong thực phẩm chế biến sẵn, tức những thực phẩm chứa đường phụ gia như glucose, đường kính trắng, và fructose như sirô ngô chứa nhiều fructose. Nghiên cứu mới đây cho thấy dung nạp nhiều sirô ngô chứa nhiều fructose, đặc biệt là từ nước ngọt và các thức uống khác chứa sirô ngô nhiều fructose, có liên quan đến tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và béo phì. [11][12]
    • Đọc kỹ nhãn thực phẩm có thể giúp xác định lượng đường trong thực phẩm chế biến sẵn nhưng thực tế, nhà sản xuất không bắt buộc phải liệt kê lượng đường phụ gia. Vì vậy, bạn nên tránh ăn kẹo ngọt, bánh quy, bánh kem và các món ngọt khác. Nguyên nhân nên tránh tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn là vì chúng chứa cả cacbon-hydrat đơn và đường phụ gia.
    • Bản thân đường không gây tiểu đường hay bệnh tiểu đường khi mang thai nhưng tiêu thụ thực phẩm và thức uống chứa nhiều đường lại có liên quan đến tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.[13]
  4. Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn. Chất xơ cũng giúp ích trong điều trị bệnh tiểu đường. Bạn nên ăn đậu và ngũ cốc nguyên hạt vì chúng giàu chất xơ. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp thêm một thìa bột hạt lanh trong mỗi bữa ăn để bổ sung chất xơ. Có thể dùng máy xay cà phê để tự xay hạt lanh hoặc mua loại bột đông lạnh sẵn và bảo quản trong tủ lạnh để có thể giữ cho lượng dầu tốt cho sức khỏe từ hạt lanh không bị hỏng.[14]
  5. Thay đổi loại thịt tiêu thụ. Nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ trong chế độ ăn. Thay vì ăn thịt bò, bạn nên tăng cường ăn cá và thịt gia cầm không da. Nên tìm những loại cá được đánh bắt tự nhiên như cá hồi, cá tuyết, cá ngừ. Những loại cá này giàu axit béo omega-3 cần thiết cho sức khỏe của mẹ và bé. Nên bỏ da của thịt gia cầm như thịt gà vì da gà chứa nhiều mỡ béo.
    • Phải đảm bảo thịt nạc không chứa quá nhiều chất béo. Chỉ 10-20% lượng calo được dung nạp mỗi ngày là từ nguồn protein, bao gồm các nguồn protein khác thịt như các loại hạt.[7][9]
  6. Tăng cường tiêu thụ rau củ và hạn chế hoa quả. Để duy trì chế độ ăn lành mạnh, bạn cần tăng cường rau củ. Phải đảm bảo ít nhất có 1-2 phần rau củ mỗi bữa ăn. Ngoài ra, rau củ cũng có thể dùng làm món ăn nhẹ.[15] Mặt khác, mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng hoa quả cần được hạn chế tiêu thụ (không quá 2 phần mỗi ngày) nếu bạn bị tiểu đường khi đang mang thai. Cách này giúp kiểm soát lượng đường dung nạp từ hoa quả.[14] Tránh tiêu thụ các loại hoa quả như dứa, dưa, chuối, nho và nho khô vì chúng có chỉ số Glycemic cao, tức lượng đường ảnh hưởng đến đường huyết nhiều hơn so với các loại hoa quả khác. [16][17]
    • Chỉ nên ăn hoa quả vào bữa trưa thay vì ăn bữa sáng hoặc bữa tối để giúp hạ đường huyết vào buổi sáng và tối.
    • Tránh tiêu thụ nước ép hoa quả vì chúng cũng chứa nhiều đường, ngay cả nước ép hoa quả nguyên chất 100%. [9]
  7. Kiểm soát lượng calo dung nạp mỗi ngày. Cân nặng tăng lên khi mang thai thường là 8-11 kg. Nói chung, Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) khuyến nghị nên bổ sung 2000-2500 calo mỗi ngày cho cả mẹ và bé. Sau mỗi 3 tháng, khi bé phát triển, lượng calo cần bổ sung sẽ tăng theo. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo bổ sung đúng lượng calo mỗi ngày dựa trên từng trường hợp, cân nặng và nồng độ đường huyết cụ thể. [9] [18]
    • Khi bạn đi khám định kỳ, bác sĩ thường sẽ giới thiệu bạn đến chuyên gia dinh dưỡng để giúp kiểm soát bệnh tiểu đường khi đang mang thai. Nên chủ động hỏi nếu bác sĩ chưa giới thiệu. Mang thai là giai đoạn có nhiều nhu cầu về dinh dưỡng và nếu bị tiểu đường, nhu cầu này sẽ càng phức tạp hơn. Lời tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp ích cho cả bạn và bé. [19]
    • Phải đảm bảo tuân thủ đúng danh sách thực phẩm tốt cho sức khỏe để tăng lượng calo dung nạp một cách lành mạnh.
  8. Tập thể dục. Tập thể dục rất quan trọng để có một thai kỳ khỏe mạnh. Bạn nên tập ít nhất bài tập 30 phút liên tục, 1-2 lần mỗi ngày. Đi bộ là bài tập đơn giản nhất. Ngoài ra, bạn có thể bơi lội hoặc tham gia lớp tập Yoga. Kết hợp thêm với các hoạt động khác để tăng hứng thú và tăng cường sức mạnh các nhóm cơ khác. Bên cạnh đó, bạn có thể tập trên máy tập toàn thân Elliptical hoặc máy đạp xe tại chỗ. Hoạt động thể chất mức độ vừa phải sẽ giúp kiểm soát nồng độ glucose.[20]
    • Tránh các bài tập thể dục phải nằm ngửa hoặc dễ bị té, chấn thương. Ngoài ra, nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Ban đầu, bạn nên tập thật chậm và tăng dần lên mức vừa phải để vừa tăng cường sức mạnh của cơ bắp, vừa dần làm tăng nhịp tim.[21]
    • Phải luôn lắng nghe nếu bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi hoặc tập thể dục càng ít càng tốt. [9]

Uống thực phẩm chức năng[sửa]

  1. Uống vitamin tổng hợp. Có thể bạn sẽ cần bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất, đặc biệt là sắt vì trong thai kỳ, nhu cầu vitamin và khoáng chất tăng cao và chế độ ăn có thể không cung cấp đủ. Nồng độ vitamin D thấp có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường khi mang thai. [12] Bạn nên đi khám để được kiểm tra nồng độ vitamin D và uống thực phẩm chức năng nếu thiếu hụt. Bổ sung 1000-2000 IU vitamin D mỗi ngày là mức an toàn cho phụ nữ mang thai.[22]
  2. Tiêm Insulin. Liệu pháp Insulin là liệu pháp thay thế hormone tự nhiên được sử dụng rộng rãi. Liệu pháp này có thể cần thiết để tiêm insulin vào cơ thể, giúp đẩy glucose vào tế bào. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách và lượng Insulin cần tiêm.
    • Không tự ý tiêm Insulin nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.[23]
  3. Không tự ý sử dụng thực phẩm chức năng hoặc thảo dược khi chưa hỏi bác sĩ. Một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng có thể sử dụng trong thai kỳ để kiểm soát nồng độ đường huyết. Tuy nhiên, ngay cả khi nhãn sản phẩm nói rằng an toàn, bạn cũng luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ. Nguyên nhân là do nhiều loại thảo dược vẫn chưa được kiểm tra tính an toàn cho phụ nữ mang thai. Ví dụ, nên tránh tiêu thụ mướp đắng, hay khổ qua (tên khoa học là Momordica charantia). Mướp đắng thường được khuyến nghị để kiểm soát bệnh tiểu đường nhưng lại liên quan đến tình trạng sảy thai ở động vật.[24]
    • Dây thìa canh (hay Gymnema sylvestre) và xương rồng lê gai (hay Opuntia spp) chưa được kiểm tra tính an toàn đối với phụ nữ mang thai, mặc dù dây thìa canh không gây hại khi dùng đến 20 tháng và xương rồng lê gai được dùng làm thực phẩm từ nhiều thế kỷ nay.
    • Dây thìa canh thường được nạp với liều 200 mg, hai lần mỗi ngày; xương rồng lê gai có thể nạp dưới dạng liều đơn, 400 mg, một lần mỗi ngày. Nếu muốn sử dụng hai loại thảo dược này, bạn cần được sự cho phép của bác sĩ.[25]

Hiểu về bệnh tiểu đường khi mang thai[sửa]

  1. Hiểu về tình trạng kháng Insulin. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân gây bệnh tiểu đường khi mang thai nhưng người ta nhận thấy một số phụ nữ mang thai có tình trạng kháng Insulin, tức tế bào trong cơ thể không phản ứng bình thường với Insulin. Mỗi tế bào trong cơ thể đều sử dụng glucose (đường) để tạo năng lượng cần thiết cho hoạt động. Glucose có nguồn gốc từ thực phẩm bạn ăn, chủ yếu là cacbon-hydrat. Insulin - hormone do tuyến tụy sản sinh - là “người mang” tín hiệu hóa học chính thông báo cho tế bào biết đã đến lúc nhận glucose. [26][27] Insulin còn liên quan đến quá trình “thông báo” cho gan nhận glucose và chuyển glucose thành dạng lưu trữ gọi là glycogen.
    • Insulin còn tham gia vào nhiều chức năng khác như chuyển hóa protein và chuyển hóa chất béo.
    • Nếu trở nên kháng Insulin, tế bào sẽ “phớt lờ” hoặc không thể phản ứng với tín hiệu từ Insulin. Tình trạng này làm tăng nồng độ glucose trong máu. Khi hiện tượng này xảy ra, tuyến tụy phản ứng bằng cách sản sinh thêm nhiều Insulin. Do Insulin không ảnh hướng đến tế bào kháng Insulin nên nồng độ glucose trong máu sẽ càng tăng. Cơ thể sẽ phản ứng bằng cách chuyển hóa glucose trong máu thành chất béo, từ đó gây ra một loạt bệnh viêm mãn tính và nhiều rối loạn khác như tiểu đường loại 2 phát triển mạnh, hội chứng chuyển hóa và bệnh tim.[28]
  2. Nhận thức ảnh hưởng của tình trạng kháng Insulin. Khi mang thai, nếu tình trạng kháng Insulin không được kiểm soát, bạn có thể sẽ bị tiểu đường. Tiểu đường khi mang thai ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và bé. Ảnh hưởng lớn nhất khi bệnh không được kiểm soát là tình trạng tăng chất béo trong máu, gây tăng cân ở thai nhi dẫn đến khó sinh. Không những vậy, trẻ sinh ra có nguy cơ cao gặp vấn đề về hô hấp, béo phì, đường huyết thấp hơn mức bình thường và bị tiểu đường loại 2 khi lớn lên.
    • Người mẹ sẽ có nguy cơ cao phải mổ lấy thai, bị tiểu đường loại 2 sau khi sinh, huyết áp cao trước và sau khi sinh. [29][30]
  3. Nhận biết triệu chứng bệnh. Thông thường, tiểu đường khi mang thai trong nửa đầu thai kỳ sẽ không có triệu chứng. Điều này khiến bạn khó phát hiện bệnh. Tuy nhiên, khi xuất hiện, triệu chứng có thể bao gồm nhiều triệu chứng tương tự tiểu đường loại 2 như:
    • Suy giảm thị lực do mờ mắt hoặc các vấn đề khác
    • Mệt mỏi
    • Dễ bị nhiễm trùng da, bàng quang và âm đạo
    • Buồn nôn và nôn mửa trong thai kỳ
    • Tăng cảm giác thèm ăn đi kèm với tình trạng sụt cân
    • Đi tiểu thường xuyên
    • Khát nước dữ dội[29]
  4. Chẩn đoán bệnh tiểu đường khi đang mang thai. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ đường huyết. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm khả năng dung nạp glucose để xác định xem cơ thể xử lý đường như thế nào. Bên cạnh đó, thai nhi cũng có thể được theo dõi (thường bằng cách siêu âm để xác định kích thước là bình thường so với tuổi thai và kiểm tra nhịp tim thai bằng cách dùng máy theo dõi thai nhi.[30]
  5. Nhận biết nguy cơ. Bạn có nguy cơ bị tiểu đường khi mang thai nếu bị tiểu đường trước khi mang thai hoặc đã sinh con có trọng lượng hơn 4 kg. Người thừa cân hoặc có bố mẹ, anh chị em ruột bị tiểu đường loại 2 cũng có nguy cơ cao bị tiểu đường khi đang mang thai.[30]
    • Bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu trước khi mang thai được chẩn đoán bị tiền tiểu đường, mắc hội chứng chuyển hóa hoặc kháng Insulin. Hội chứng chuyển hóa là một nhóm vấn đề bao gồm huyết áp cao, thừa cân vùng eo và hông, nồng độ đường huyết cao hơn bình thường và nồng độ cholesterol cao.[31]
    • Người Mỹ gốc Phi, người da đỏ, người Mỹ gốc Á, người Hispanic/Latina (Mỹ gốc Tây Ban Nha) hoặc người Mỹ đảo Thái Bình Dương có nguy cơ cao hơn.
    • Các hội chứng khác làm tăng nguy cơ tiểu đường khi mang thai. Nếu mắc một loại rối loạn hormone gọi là Hội chứng Buồng trứng Đa nang (PCOS), bạn sẽ có nguy cơ bị tiểu đường khi mang thai cao hơn. PCOS là tình trạng buồng trứng chứa nhiều u nang, dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản và kinh nguyệt. [32]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.cdc.gov/pcd/issues/2014/13_0415.htm
  2. http://www.diabetes.org/diabetes-basics/gestational/
  3. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/metabolic-syndrome/basics/lifestyle-home-remedies/con-20027243
  4. Onderoglu S, Sozer S, Erbil KM, et al. The evaluation of long-term effects of cinnamon bark and olive leaf on toxicity induced by streptozotocin administration to rats. J Pharm Pharmacol 1999;51:1305-12.
  5. http://www.whfoods.com/genpage.php?tname=foodspice&dbid=68
  6. https://www.nichd.nih.gov/publications/pubs/gest_diabetes/Pages/sub5.aspx
  7. 7,0 7,1 Moreno-Castilla C, Hernandez M, Bergua M, et al. Low-carbohydrate diet for the treatment of gestational diabetes: a randomized controlled trial. Diabetes Care. 2013
  8. Gunderson EP. Intensive nutrition therapy for gestational diabetes. Rationale and current issues. Diabetes Care. 1997;20(2):221-226
  9. 9,0 9,1 9,2 9,3 9,4 9,5 http://www.todaysdietitian.com/newarchives/080113p48.shtml
  10. http://www.diabetes.co.uk/nutrition/simple-carbs-vs-complex-carbs.html
  11. http://ajcn.nutrition.org/content/early/2015/04/22/ajcn.114.100461.short
  12. 12,0 12,1 http://cosmos.ucdavis.edu/archives/2014/Cluster7/Lin_Cailin_HFCS.pdf
  13. http://www.diabetes.org/food-and-fitness/food/what-can-i-eat/understanding-carbohydrates/sugar-and-desserts.html
  14. 14,0 14,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/basics/prevention/con-20014854
  15. http://www.heart.org/HEARTORG/GettingHealthy/NutritionCenter/HealthyEating/Added-Sugars_UCM_305858_Article.jsp
  16. http://www.diabetes.org/food-and-fitness/food/what-can-i-eat/understanding-carbohydrates/glycemic-index-and-diabetes.html
  17. http://www.health.harvard.edu/healthy-eating/glycemic_index_and_glycemic_load_for_100_foods
  18. http://www.diabetes.co.uk/nutrition/simple-carbs-vs-complex-carbs.htm
  19. http://www.eatright.org/resource/health/pregnancy/prenatal-wellness/healthy-weight-during-pregnancy
  20. Ceysens, G., D. Rouiller, and M. Boulvain: Exercise for diabetic pregnant women. Cochrane Database Syst Rev CD004225, 2006
  21. Zavorsky, G. S., and L. D. Longo: Adding strength training, exercise intensity, and caloric expenditure to exercise guidelines in pregnancy. Obstet Gynecol 117 (6):1399–1402, 2011a
  22. http://www.acog.org/Resources-And-Publications/Committee-Opinions/Committee-on-Obstetric-Practice/Vitamin-D-Screening-and-Supplementation-During-Pregnancy
  23. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/basics/treatment/con-20014854
  24. Basch E, Gabardi S, Ulbricht C. Bitter melon (Momordica charantia): a review of efficacy and safety. Am J Health Syst Pharm 2003;60:356-9
  25. Baskaran K, Kizar Ahamath B, Radha Shanmugasundaram K, Shanmugasundaram ER. Antidiabetic effect of leaf extract from Gymnema sylvestre in non-insulin-dependent diabetes mellitus patients. J Ethnopharmacol 1990;30:295-300
  26. http://www.diabetes.org/diabetes-basics/gestational/what-is-gestational-diabetes.html?referrer=http://www.diabetes.org/diabetes-basics/gestational/
  27. http://www.medicalnewstoday.com/info/diabetes/whatisinsulin.ph
  28. http://www.medicalnewstoday.com/info/diabetes/whatisinsulin.php
  29. 29,0 29,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000896.htm
  30. 30,0 30,1 30,2 http://www.niddk.nih.gov/health-information/health-topics/Diabetes/gestational-diabetes/Pages/index.aspx
  31. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/metabolic-syndrome/basics/definition/con-20027243
  32. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pcos/basics/definition/con-20028841

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này