Là người tốt mà mọi người kính trọng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu muốn trở thành một người tốt hơn, bạn phải bắt đầu tự hoàn thiện chính mình. Tự đánh giá và tự trau dồi bản thân là cần thiết trước khi bạn có thể tương tác với người khác theo cách tử tế và tốt bụng. Nếu bạn muốn được ngưỡng mộ, bạn cần cố gắng tự hoàn thiện chính mình và kết nối với mọi người bằng lòng nhân ái và vị tha.

Các bước[sửa]

Tự hoàn thiện bản thân[sửa]

  1. Xác định các phẩm chất cá nhân tốt. Điều gì làm nên một người "tốt"? Mọi người có ý kiến khác nhau về điều gì tạo nên một người tốt, song có một vài phẩm chất mà hầu hết mọi người sẽ đồng ý là điểm đáng ao ước. Lập danh sách về các phẩm chất mà bạn muốn cố gắng để trở thành ai đó mà người khác kính trọng.
    • Bạn có thể xác định rằng "tốt" nghĩa là có tính chính trực, đáng tin cậy, và trung thực.
    • Một số người nhận ra lòng tốt có trong sự khiêm nhường, sự rộng lượng và lòng hảo tâm.
    • Khả năng đồng cảm với người khác và không phán xét là một cách khác để trở thành người tốt.
  2. Thận trọng tìm kiếm sự tán thành của người khác. Phấn đấu trở thành một người tốt là không có gì sai. Tuy nhiên, thay đổi chính bản thân chỉ để được yêu mến thì không phải ý kiến hay. Bạn không thể theo ý kiến của tất cả mọi người được. Phấn đấu trở nên tử tế vì muốn bản thân tốt hơn không phải là để gây ấn tượng với người khác.
    • Nếu nhiệm vụ thay đổi bản thân bị thúc đẩy bởi ý kiến của người khác, bạn sẽ dễ mất định hướng. Bạn có thể thấy bản thân phục vụ sự mong đợi của người khác thay vì làm điều đúng đắn.
    • Việc muốn tạo hình mẫu chuẩn mực cho người khác là tốt, đặc biệt đối với trẻ em. Nếu là bố mẹ, các giá trị mà bạn thể hiện sẽ để lại ấn tượng cho trẻ.
  3. Thành thật. Thành thật nghĩa là nói những gì bạn thực sự nghĩ và ủng hộ lời nói đi cùng với hành động. Mọi người ngưỡng mộ những ai thành thật là do họ không cố gắng giả vờ họ là ai khác, và bạn có thể tin những gì họ nói.
    • Để trở nên thành thật hơn, bạn cần nhận ra liệu bạn có đang sống với các giá trị của mình. Ví dụ, nếu coi trọng bảo vệ môi trường, lối sống của bạn có phản ánh điều đó không? Làm một vài việc như tái chế, đi xe chung, tiết kiệm nước, v.v., là cách để thành thật với niềm tin rằng bảo vệ môi trường là quan trọng. [1]
    • Chấp nhận bản thân. Mọi người đều biết họ giỏi ở một số lĩnh vực và biết rằng một số điều thì không đến dễ dàng. Họ phải giải quyết sai lầm và không nghĩ đến phần thưởng dành cho nỗ lực trong lần thử đầu tiên. Mọi người không phải trở nên hoàn hảo để có thể làm người tốt. Người thành thật luôn thoải mái với sự thật rằng họ vẫn có một số điểm yếu và điểm mạnh. Họ cũng thoải mái với việc phải thử nhiều lần cho tới khi thành công.
    • Đừng phán xét người xung quanh. Người thành thật có xu hướng không so sánh người khác với chính họ hoặc một vài tiêu chuẩn bên ngoài. Người thành thật thực sự chấp nhận người khác vì họ chính là họ. Cố gắng tránh phán xét bạn bè, thành viên gia đình và đồng nghiệp.[1]
  4. Hoàn thiện lòng tự trọng. Ghi nhận điều tốt đẹp về bản thân và ăn mừng thành công. Thoải mái với chính mình là điều quan trọng để trở thành người tử tế và được ngưỡng mộ. Mọi người có xu hướng kính trọng những ai có sự tự tin phù hợp. Sẽ dễ dàng hơn để suy nghĩ về người khác khi bạn không bị ám ảnh bởi những nhận thức không đúng đắn của riêng mình.
    • Nếu bạn cảm thấy mình kém cỏi, hãy theo đuổi các hoạt động khiến bạn cảm thấy dễ chịu với bản thân. Ví dụ, nếu giỏi lắng nghe người khác, bạn có thể làm tình nguyện tại viện dưỡng lão và dành thời gian để trò chuyện với mọi người. Bạn sẽ cảm thấy tích cực về việc làm tốt, phù hợp với kỹ năng.
    • Trò chuyện với chính mình theo hướng tích cực. Khi đối mặt với thử thách, nói với chính mình: "Tôi có thể làm được điều này". Khi làm điều gì đó tốt, hãy tự chúc mừng.
    • Có thể rất khó để cải thiện lòng tự trọng, đặc biệt nếu bạn bị bất cứ vấn đề sức khỏe tinh thần trước đó ảnh hưởng đến nhận thức về bản thân. Trong trường hợp này, cân nhắc gặp bác sĩ chuyên khoa hay nhân viên tư vấn để thảo luận về vấn đề. Bạn có thể tìm được nhà trị liệu bằng cách hỏi bác sĩ đa khoa để có giấy giới thiệu hoặc tìm trên mạng thông qua công ty bảo hiểm để biết phương pháp nào và chuyên gia tư vấn nào chấp nhận chế độ bảo hiểm của bạn. Nếu là sinh viên, bạn có thể được hưởng bảo hiểm miễn phí hoặc mức chiết khấu thông qua trường cao đẳng hay đại học.
  5. Kiềm chế sự bốc đồng tiêu cực. Đôi khi có một vài phản ứng tiêu cực là điều bình thường. Tuy nhiên, quan trọng là học cách để đối phó với phản ứng tiêu cực mang tính xây dựng, nếu không hành vi của bạn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Bạn có thể thực hiện bằng cách rèn luyện điều chỉnh cảm xúc, đây là cách để xử lý cảm xúc theo hướng lành mạnh.
    • Điều chỉnh cảm xúc là một quá trình từng bước. Đầu tiên, thừa nhận rằng bạn đang cảm thấy tức giận hay có cảm xúc tiêu cực khác. Chú ý cảm nhận và đặt tên cho nó. Nghĩ về những gì đang gây ra cảm xúc. Dành thời gian để đánh giá cảm nhận của bạn, và cách bạn muốn xử lý nó. Cuối cùng, chọn thực hiện một hành động phù hợp.[2]
    • Dành thời gian xử lý cảm xúc theo cách này sẽ tạo cơ hội cho hành vi cảm xúc lành mạnh thay vì phản ứng bốc đồng. Ví dụ, con gái của bạn về nhà sau “giờ giới nghiêm”. Thay vì giận dữ la hét, nên dành thời gian để xử lý cơn giận và quyết định quá trình hành động thận trọng, như dành thời gian trò chuyện về vấn đề đó vào ngày tiếp theo.
    • Đôi khi chấn thương tâm lý và bị lạm dụng trong quá khứ tạo ra cảm xúc có thể cản trở quá trình điều chỉnh. Bạn thấy mình có cơn bộc phát tình cảm làm ảnh hưởng mọi người xung quanh. Thử phân tâm để bình tĩnh, sau đó dành thời gian cho đối thoại nội tâm, như: “Không sao cả, mình chỉ là đang có một ngày tồi tệ. Nó đôi khi vẫn xảy ra. Ngày mai sẽ tốt hơn”. Cũng sẽ có ích để giải thích cho mọi người xung quanh bạn: “Tôi có một ngày tồi tệ và cảm thấy căng thẳng và có chút thất vọng. Trước hết tôi sẽ bình tĩnh lại, sau đó chúng ta có thể trò chuyện khi tôi cảm thấy khá hơn”.
    • Tha thứ là điều quan trọng để trở thành người tốt. Tha thứ cho người khác và bản thân vì sai lầm trong quá khứ có thể giải tỏa cảm xúc oán giận, nghi ngờ, và tức giận có thể ảnh hưởng hành vi trong hiện tại.
    • Nếu gặp khó khăn khi tha thứ, và có xu hướng níu giữ sự hận thù, hãy trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa về cách để buông bỏ sự oán giận trong quá khứ. Yoga khuyến khích lối sống ở hiện tại theo ý thức tâm linh và cũng bổ ích khi học cách để tha thứ.[3]
  6. Chú ý các hành vi có khả năng gây hại cho người khác. Lưu tâm đến con người mà bạn có tại thời điểm hiện tại và hãy trung thực. Điều gì trong cuộc sống ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với người khác? Bạn điều chỉnh nó bằng cách nào?
    • Kiểm tra sức khỏe tinh thần. Thật khó để đối xử tốt với người khác khi bạn gặp khó khăn với việc chăm sóc bản thân. Nếu đang bị trầm cảm, lo lắng, hay bất cứ vấn đề tâm lý khác, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia sức khỏe tâm thần được đào tạo. Ổn định tinh thần có thể giúp bạn làm người tốt hơn với mọi người xung quanh.
    • Đương đầu với sự nghiện ngập đang gặp phải. Ham mê/Nghiện có thể là vấn đề thể chất (hút thuốc, uống rượu, ma túy) hoặc cảm xúc (trò chơi điện tử, mạng internet). Dù là bất cứ hình thức nào, sẽ rất khó để thúc đẩy các mối quan hệ có ý nghĩa và nhận được sự ngưỡng mộ và tôn trọng khi bạn đang chật vật với thói nghiện. Có một loạt các bài kiểm tra tự đánh giá trực tuyến để biết bạn có triệu chứng nghiện không. Nếu có, bạn nên nhờ bác sĩ chuyên khoa giúp đỡ. Cũng có một vài nhóm hỗ trợ, như Hội cai rượu vô danh và Hội cai thuốc vô danh, họ có trung tâm tại một số cộng đồng khắp cả nước có thể giúp bạn đối phó với thói nghiện.
    • Kiềm chế mức độ căng thẳng. Nếu là người dễ căng thẳng, bạn có thể gây ảnh hưởng lên người xung quanh mà thậm chí không nhận ra. Nếu quá lo lắng về các rắc rối và vấn đề riêng, bạn có thể vô tình phớt lờ hoặc gạt bỏ nhu cầu của người khác. Thiền, trị liệu, tập thể dục và trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa hay chuyên gia tư vấn đều có thể giúp bạn kiềm chế mức độ căng thẳng.[4]

Tương tác với mọi người[sửa]

  1. Có uy tín. Để người khác kính trọng bạn, uy tín là điều quan trọng. Nỗ lực cải thiện lời nói, lắng nghe, và kỹ năng kể chuyện để trở thành người có sức hút và đáng yêu hơn.
    • Để là người lắng nghe hiệu quả, thực hành lắng nghe tích cực. Thay vì nghĩ những gì bạn sẽ đáp lại, hãy thực sự lắng nghe và quan tâm khi ai đó đang nói. Ủng hộ họ bằng cách gật đầu và đặt câu hỏi.
    • Cố gắng nắm được tình hình về thế giới xung quanh. Mọi người có xu hướng bị ấn tượng bởi những ai mà biết rõ sự việc và có kiến thức. Đọc báo, tạp chí, và các tờ báo trực tuyến. Theo dõi sự kiện hiện tại. Bạn không nhất thiết phải có quan điểm chính trị vững mạnh riêng, nhưng có quan điểm cho cuộc trò chuyện hiện tại là điều quan trọng để có uy tín.[5]
    • Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để truyền tải sự tự tin. Duy trì giao tiếp bằng mắt với người khác. Đứng thẳng người. Gật đầu và hưởng ứng những gì người khác đang nói để truyền tải sự quan tâm và hiểu biết. Trong cuộc trò chuyện, hãy hỏi về người khác. Mọi người bị thu hút bởi những ai thực sự quan tâm đến người khác xung quanh họ.[5]
    • Thực hành kỹ năng kể chuyện hay. Mọi người thường ngưỡng mộ những ai có khả năng kể chuyện hay, vì thế thử làm người khác thích thú với các câu chuyện cá nhân hài hước. Nghe các chương trình phát thanh có thể hữu ích để có được khả năng kể chuyện hay.[5]
  2. Thành thật và quyết đoán. Có nghĩa là, nói với mọi người cách bạn thực sự cảm thấy thay vì tô vẽ nó và giấu đi suy nghĩ thật. Đây là cách để xây dựng sự tin cậy của mọi người dành cho bạn. Thẳng thắn và thành thật với người xung quanh sẽ khiến bạn trở thành một người tốt hơn và được ngưỡng mộ.
    • Thực hành trung thực với người khác bằng hành động, ngay cả khi bạn đã phạm sai lầm. Ví dụ, bạn lỡ hạn cuối công việc mà không đổ lỗi cho việc thiếu ngủ, căng thẳng, hay yếu tố khác. Đơn giản chỉ cần tiến lên và nói: "Tôi đã không chú ý và đã làm hỏng. Lần tới tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn."[3]
    • Thành thật ngay cả khi nó có thể làm tổn thương cảm xúc của người khác không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng có một cách để thực hiện mà không gây ra tổn thương. Điều chỉnh sự phản hồi theo hướng xây dựng. Ví dụ, nếu ai đó hỏi ý kiến bạn về chiếc áo sơ mi mới và bạn nghĩ nó không đẹp, bạn có thể nói: "Đó không phải cái áo sơ mi mình thích bạn mặc. Để mình cho bạn xem cái áo mà mình thích bạn mặc nhất?"[3]
    • Tuy nhiên, đừng đưa ra lời khuyên không mong muốn. Điều này thường xảy ra khi thuyết giáo và mọi người thường không dễ tiếp nhận. Nhất là khi đối mặt với vấn đề nhạy cảm, như cân nặng, công việc, hay tình trạng quan hệ tình cảm của ai đó, tốt nhất là nên giữ các lựa chọn cho riêng bạn, trừ khi ai đó yêu cầu bạn cụ thể.[3]
  3. Tốt bụng với người khác. Hào phóng với bạn bè và thành viên gia đình là một cách tuyệt vời để được ngưỡng mộ và trở thành người tốt hơn. Những cử chỉ nhỏ, tử tế sẽ có ảnh hưởng lớn.
    • Nếu bạn được mời tới bữa tiệc, hãy mang món gì đó đến để chia sẻ. Bánh snack hay thức uống sẽ cho chủ nhà thấy bạn đánh giá cao lời mời. Thậm chí nếu bạn biết món ăn nào sẽ được phục vụ, việc mang món ăn đến sẽ thể hiện thiện chí.[3]
    • Khi ra ngoài chơi với bạn bè, đề nghị mua thức uống hoặc lái xe.
    • Nếu bạn bè có một ngày khó khăn, sẽ có ích khi cho họ một món quà nhỏ như tự làm thiệp hay bánh nướng.
    • Cho đi không phải lúc nào cũng là hình thức tặng quà vật chất. Bạn có thể dùng thời gian của mình. Ví dụ, dành một tiếng để thăm bạn bè trong bệnh viện hay ghé qua nhà của một thành viên trong gia đình nếu họ đang trải qua sự tan vỡ nghiêm trọng. Đôi khi, chỉ ở bên cạnh ai đó có năng lượng tích cực cũng giúp ích.
  4. Đóng góp cho cộng đồng. Trở thành người tốt nên vượt ngoài phạm vi vòng tròn bạn bè thân thuộc. Tìm một số cách để đóng góp cho cộng đồng.
    • Tình nguyện là cách tuyệt vời để đóng góp cho cộng đồng. Cố gắng tìm một trường hợp mà bạn hứng thú và có thể đóng góp. Ví dụ, nếu là người thích đọc sách, hãy tình nguyện đọc sách cho trẻ em và người lớn tuổi tại bệnh viện, viện dưỡng lão hay nhà trẻ. Nếu thích động vật, tìm hiểu khu bảo vệ động vật địa phương có cần tình nguyện viên không.[3]
    • Quyên góp tiền cũng hữu ích, nhưng bạn có thể tăng cường độ lên bằng cách gây quỹ. Xung phong gọi điện thoại cho các nhà tài trợ trước đây thay mặt cho một tổ chức mà bạn quan tâm. Tham gia hoạt động gây quỹ như bữa ăn tối từ thiện, đấu giá, chạy marathon và những sự kiện khác.[3]
    • Bạn cũng có thể chủ động giúp đỡ ở quy mô nhỏ. Chú ý khu hàng xóm của bạn. Nếu hàng xóm là người lớn tuổi, tình nguyện giúp họ cào lá cây hay dọn đường lái xe vào mùa đông. Nếu nhà hàng xóm có trẻ con, đề nghị thỉnh thoảng giữ trẻ miễn phí. Nếu ai đó trong tòa nhà mất một thành viên gia đình, ghé thăm họ với món thịt hầm và mì ống tự làm để giúp giảm áp lực trong quá trình đau buồn.[3]

Lời khuyên[sửa]

  • Luôn lịch sự với người khác. Thậm chí nếu bạn nản lòng, cố gắng trò chuyện với mọi người một cách điềm tĩnh và lịch sự.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]