Làm dầu từ hoa oải hương

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Được ưa chuộng không chỉ nhờ hương thơm dịu nhẹ và tinh tế, dầu hoa oải hương còn được sử dụng để làm giảm viêm tấy ở những vùng da bị tổn thương hoặc bị côn trùng cắn, giúp dễ ngủ hoặc làm tinh dầu mát xa.[1] Dầu hoặc sáp dưỡng từ hoa oải hương là lựa chọn tuyệt vời nhất nếu bạn muốn tự chiết xuất tại nhà bởi chúng rất đơn giản, có thể sử dụng với một lượng hoa tùy ý và thành phẩm có thể sử dụng ngay lập tức. Bạn cũng có thể tự làm tinh dầu hoa oải hương nguyên chất nhưng nên nhớ rằng quy trình chiết xuất tinh dầu nguyên chất khá phức tạp và khối lượng thành phẩm sẽ rất nhỏ mà chắc chắn là sẽ phải pha trộn với một loại dầu khác thì mới sử dụng được.

Các bước[sửa]

Làm Dầu từ Hoa oải hương[sửa]

  1. Hái hoa oải hương tươi hoặc mua hoa khô. Trước tiên, hãy cắt bỏ phần cuống hoa một đoạn khoảng 15 cm hoặc dài hơn. Bạn nên bỏ phần cành cứng ở gốc còn phần lá và cành phía trên vẫn có thể giữ lại để ngâm cùng với hoa.[2][3] Bạn có thể dùng cả phần nụ và hoa với hương thơm rất đặc trưng.[4]
    • Bạn nên chuẩn bị nhiều hoa oải hương hơn hơn mức cần thiết một chút bởi nếu như thành phẩm tạo ra không đủ thơm như bạn muốn thì cũng không phải đợi đến lần sau để chờ hoa khô.
  2. Phơi khô hoa. Nếu bạn dùng oải hương tươi, trước tiên hãy phơi khô hoa ở nơi có bóng râm hoặc bọc hoa trong một miếng vải để làm tăng mùi thơm của hoa cũng như tránh cho dầu bị hôi. Buộc dây vào cuống và treo ngược bó hoa ở nơi khô và ấm. Tuy ánh nắng mặt trời có thể làm hoa khô nhanh hơn nhưng sẽ khiến cho tinh dầu trong hoa bị hỏng. Hoa oải hương tươi cần đến hai tuần để khô hoàn toàn. Cũng có người chỉ phơi hoa trong vài ba ngày để hoa héo đi chứ không khô giòn, việc này có thể giảm đáng kể chứ không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ hoa bị hỏng.[5]
  3. Vò nhẹ hoa và cho hoa vào trong lọ. Bóp vụn hoa bằng tay sạch hoặc dùng một vật nặng đập dập để hoa tiết ra tinh dầu. Nếu bạn muốn ngâm cả nụ hoa, hãy tách các nụ ra bằng tay hoặc dao nhọn. Cho tất cả hoa vào một chiếc lọ sạch.
    • Trước tiên cần rửa sạch tay và lọ rồi để khô trước khi tiếp xúc với hoa. Để nước dính vào dầu có thể ảnh hưởng đến quá trình ngâm hoa.[6]
  4. Đổ dầu vào hoa. Bạn có thể cho bất kỳ dung dịch dầu không mùi hoặc có mùi thơm nhẹ vào lọ, đổ ngập hoa nhưng nên để lại một khoảng 1,25 - 2,5cm.[4] Các loại dầu thường được sử dụng là dầu hạnh nhân, dầu oliu và dầu rum, đây là những lựa chọn tốt nhất vì mùi của chúng sẽ không lấn át đi mùi hoa oải hương.
  5. Ngâm hoa nếu bạn có thời gian và trời có nắng. Buộc chặt miệng lọ và ngâm hỗn hợp dưới ánh nắng mặt trời. Hỗn hợp bắt đầu có mùi hương rõ rệt sau ít nhất 48 tiếng và thường được ngâm trong ba tới sáu tuần. Nếu không có đủ ánh nắng hoặc bạn không có thời gian để áp dụng phương pháp này, hãy thực hiện bước tiếp theo.
  6. Trong điều kiện không đủ ánh nắng và thời gian, hãy đun nóng hỗn hợp một cách thận trọng. Một phương pháp nhanh hơn ngâm dưới ánh mặt trời là đun hỗn hợp dầu hoa oải hương trong nồi hơi kép từ 2-5 giờ, đặt nhiệt độ ổn định trong khoảng 38–49ºC. Bạn chỉ nên áp dụng phương pháp này nếu có nhiệt kế chuyên dụng cho việc nấu nướng và đảm bảo nhiệt độ luôn ở mức thấp có thể kiểm soát được bởi nhiệt độ quá cao sẽ làm ảnh hưởng tới mùi thơm cũng như hạn sử dụng của dầu.[5]
  7. Tách dầu. Đặt một miếng vải mỏng lên một chiếc bát và đổ hỗn hợp dầu qua đó.Loại bỏ phần xác hoa.
  8. Lặp lại quy trình này nếu như bạn muốn làm cho dầu thơm hơn. Bạn có thể đổ lại dầu vào lọ cùng với một lượt hoa oải hương mới. Thực hiện theo hướng dẫn nên trên, ngâm dung dịch dưới ánh nắng hoặc đun ở nhiệt độ thấp để tạo ra dung dịch dầu ngâm thơm hơn. Quy trình này có thể lặp lại tới tám lần để cho ra dung dịch dầu hoa oải hương với hương thơm tuyệt vời.[7]
  9. Bổ sung vài giọt vitamin E (tùy ý). Bạn có thể cho thêm vào vài giọt vitamin E để kéo dài hạn sử dụng của dung dịch. Điều này là đặc biệt cần thiết nếu như bạn không thể cất giữ dầu ở nơi tối và khô thoáng hoặc nếu như dầu mà bạn dùng đã để lâu và sắp hết hạn. Nhỏ vài giọt vitamin E hoặc cắt một viên nang vitamin E và nhỏ vào hỗn hợp và lắc nhẹ cho tan.
  10. Cất giữ dầu trong chai hoặc lọ tối màu. Vắt kiệt dầu ở miếng vải lọc vào bát chứa dầu. Đổ dung dịch vào chai lọ bằng thủy tinh hoặc nhựa đục màu để tránh bị mất mùi hương khi tiếp xúc với ánh nắng. Hạn dùng của hỗn hợp dầu ngâm hoa oải hương chủ yếu phụ thuộc vào loại và độ mới của dầu được sử dụng nhưng thường để được vài tháng nếu được cất giữ trong điều kiện thiếu sáng và khô thoáng.

Làm Sáp dưỡng hoặc Cao giảm đau từ Dầu hoa oải hương[sửa]

  1. Trước tiên, hãy thực hiện theo các bước trên đây để tạo ra dầu ngâm hoa oải hương. Phương pháp này sẽ hướng dẫn bạn cách làm một loại sáp giúp giảm đau tiêu viêm từ dầu ngâm hoa oải hương.[1] Trước hết,bạn cần làm dầu ngâm hoa oải hương hoặc tìm mua ở cửa hàng dược liệu.
  2. Bào sáp ong bằng dao hoặc dụng cụ bào phô mai. Bạn nên sử dụng dụng cụ bào rẻ tiền bởi sáp ong rất khó rửa sạch. Ước lượng lượng sáp cần thiết trước khi bào nhỏ. Bạn cần khoảng 1 phần sáp ong cho 8 phần dầu. Bạn có thể dùng nhiều sáp ong hơn nếu muốn sáp dưỡng thành phẩm cứng hơn và ít sáp ong hơn nếu muốn sáp mềm hơn.[8]
    • Nếu bạn mua sáp ong bán theo cân, bạn có thể sử dụng các công thức quy đổi khối lượng sang thể tích như sau: 1 ounce sáp ong = 1 ounce dung dịch = 1/8 cốc = 28 gram.[9]
  3. Đun nóng sáp ong và dầu ở nhiệt độ thấp. Cho sáp ong đã bào nhỏ vào chảo, đổ dầu ngâm hoa oải hương vào. Đun ở nhiệt độ thấp đến khi hỗn hợp tan vào nhau. Mất khoảng 15 phút để sáp ong tan ra. Khuấy đều bằng thìa gỗ hoặc các dụng cụ chịu nhiệt khác, tốt nhất là nên dùng thứ mà bạn không cần dùng đến nữa bởi sáp ong sẽ bị bám vào rất khó tẩy rửa.
  4. Đổ hỗn hợp vào lọ chứa. Đổ hỗn hợp sáp đun chảy vào đồ chứa bằng thủy tinh hoặc thiếc khô sạch và đóng kín nắp.
  5. Để hỗn hợp ở nơi mát mẻ cho đông lại. Sau khi để 10 - 15 phút trong tủ lạnh hoặc 30 phút ở nơi khô thoáng, kiểm tra xem sáp đã đông cứng chưa. Nếu sáp vẫn lỏng hoặc quá cứng để lấy sáp bằng tay, bạn cần phải đun lại từ đầu. Thêm nhiều sáp ong để sáp cứng hơn hoặc thêm dầu để sáp mềm hơn.
  6. Lau rửa nồi và dụng cụ. Đun nóng nồi cùng với nước rửa chén cho đến khi tan sạch sáp ong rồi tắt bếp để vài phút cho nguội bớt. Đeo găng tay cao su vào để chà phía trong thành nồi cho sạch trong khi nước xà phòng còn ấm. Bạn nên rửa dụng cụ khuấy bằng nước ấm sau khi đã tắt bếp. Bạn có thể rửa nồi và dụng cụ bằng miếng bọt biển cứng hoặc chổi cọ.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn có thể trộn hoa oải hương với các loại thảo dược khác như cây phỉ, bạc hà hoặc vỏ cam,chanh.
  • Tinh dầu hoa oải hương nguyên chất (chỉ chứa tinh dầu thơm chứ không pha lẫn với dung dịch dầu khác) thường được chiết tách bằng hơi nước.
  • Bạn nên lót một lớp giấy sáp vào giữa lọ và nắp lọ để tránh cho cao su hoặc các chất khác trên nắp ảnh hưởng đến mùi hương của dầu.[6]

Cảnh báo[sửa]

  • Không nên để sáp ong hoặc dầu gần bếp nấu vì chúng rất dễ bị khét hoặc bắt lửa khi nhiệt độ quá cao.

Những thứ bạn cần[sửa]

Làm dầu hoa oải hương:

  • Nụ, hoa hoặc lá cây oải hương (hoặc cả ba loại)
  • Lọ có miệng rộng và nắp chặt
  • Bất kể loại dầu nào không nặng mùi (đủ để đổ ngập hoa)
  • Ánh nắng mặt trời hoặc nồi hơi kép
  • Bát chứa
  • Vải lọc
  • Chai thủy tinh tối màu có nút chặt

Làm sáp dưỡng từ hoa oải hương:

  • Dầu hoa oải hương
  • Sáp ong
  • Nồi hoặc chảo
  • Dụng cụ khuấy
  • Lọ hoặc hộp thiếc có nắp chặt

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây