Làm loãng máu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu có cục máu đông, bị đột quỵ, nhịp tim bất thường hoặc đau tim, bạn có thể sẽ phải uống thuốc làm loãng máu do bác sĩ kê đơn. Làm loãng máu có thể giúp ngăn ngừa các bệnh kể trên tái phát. Bên cạnh việc dùng thuốc, việc thay đổi lối sống kết hợp với sự giúp đỡ của bác sĩ có thể giúp bạn làm loãng máu và sống khỏe mạnh hơn.

Các bước[sửa]

Sử dụng thuốc kê đơn[sửa]

  1. Uống thuốc chứa coumarin. Nếu bạn mắc các bệnh cần dùng thuốc làm loãng máu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống đông máu - thuốc nhắm đến các yếu tố đông máu. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chứa coumarin như Coumadin hoặc Warfarin. Các thuốc này giúp giảm sự hình thành của yếu tố đông máu phụ thuộc vào vitamin K trong máu. Thuốc thường được uống một lần mỗi ngày, cùng một thời điểm mỗi ngày, cùng hoặc không cùng với thức ăn.
    • Tác dụng phụ thường gặp gồm có đầy hơi, đau bụng, đôi khi rụng tóc. [1]
  2. Nhận biết tác dụng phụ của Warfarin. Nếu đang uống Warfarin, bạn cần được theo dõi cẩn thận vì Warfarin có thể gây xuất huyết nội. Bạn sẽ cần được xét nghiệm máu hàng tuần và liều dùng sẽ được điều chỉnh dựa trên kết quả xét nghiệm.
    • Warfarin có thể tương tác với nhiều thuốc khác nên bạn cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc, thực phẩm chức năng và vitamin mình đang uống. Ngoài ra, cần duy trì chế độ ăn điều độ khi uống Warfarin vì nồng độ vitamin K tăng cao có thể ảnh hưởng đến thuốc và gây cục máu đông.
    • Khi uống Warfarin, bạn cần tránh tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin K như bông cải xanh, bông cải trắng, mầm cải Brussel, bắp cải, cải xoăn, rau bina, đậu xanh, gan và một số loại phô mai. Nên trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe về chế độ ăn khi uống Warfarin.[1]
  3. Thử dùng các thuốc làm loãng máu khác. Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn uống các thuốc chống đông máu khác. Ưu điểm của các thuốc này là bạn không cần phải được theo dõi hàng tuần và việc bổ sung vitamin K cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại không thích kê đơn những thuốc này vì chúng khó theo dõi và nếu tình trạng xuất huyết xảy ra, bác sĩ sẽ khó dùng vitamin K để đảo ngược (không giống như khi uống Warfarin).
    • Bác sĩ có thể kê đơn thuốc Pradaxa, thường là thuốc uống, cùng với hoặc không cùng với thức ăn, hai lần mỗi ngày. Tác dụng phụ thường gặp của Pradaxa bao gồm các triệu chứng đường tiêu hóa như đau bụng và buồn nôn. Các tác dụng phụ nghiêm trọng khác gồm có xuất huyết và phản ứng dị ứng. [2]
    • Bác sĩ có thể kê đơn thuốc Xarelto. Dựa trên tình trạng cụ thể của bạn mà bác sĩ có thể hướng dẫn uống Xarelto 1-2 lần mỗi ngày cùng thức ăn. Tác dụng phụ của Xarelto gồm có phản ứng dị ứng với thuốc, xuất huyết hoặc nôn ra máu, chóng mặt, nóng rát, tê, ngứa ran, yếu cơ, lú lẫn và đau đầu.[3]
    • Bác sĩ có thể kê đơn thuốc Eliquis uống 2 lần mỗi ngày, cùng hoặc không cùng với thức ăn. Cần cẩn trọng khi uống thuốc nếu thấy có dấu hiệu phản ứng dị ứng, xuất huyết, chóng mặt, lú lẫn, đau đầu, đau hoặc sưng cơ, đau ngực và thở khò khè. [4]

Sử dụng các phương pháp khác[sửa]

  1. Uống Aspirin liều cho trẻ (Baby Aspirin). Nếu bạn đã từng bị đau tim hoặc đột quỵ, hoặc mang một số yếu tố nguy cơ, bác sĩ có thể khuyến nghị uống viên Aspirin với liều 81 mg mỗi ngày. Aspirin giúp làm loãng máu bằng cách ngăn tế bào máu dính với nhau, nhờ đó giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.[5] Tuy nhiên, bạn cần biết rằng Aspirin có thể gây nguy cơ xuất huyết như đột quỵ xuất huyết và xuất huyết đường tiêu hóa.
    • Cho bác sĩ biết nếu bạn bị loét dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa, hoặc dị ứng với Aspirin. Nếu đang uống thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) đều đặn như Ibuprofen, nguy cơ xuất huyết khi uống Aspirin sẽ cao hơn. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi điều trị bằng Aspirin.
    • Aspirin có thể tương tác với các thuốc khác như Heparin, Ibuprofen, Plavix, Corticosteroid và thuốc chống trầm cảm, cũng như thực phẩm chức năng từ thảo mộc như bạch quả, rễ cây Kava (thuộc họ Hồ tiêu) và cây móng mèo.[5]
    • Cho bác sĩ biết về tất cả các loại vitamin, thực phẩm chức năng và thuốc bạn đang uống.
  2. Tăng cường tập thể dục. Tập thể dục rất cần thiết để giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Mặc dù không thể phục hồi những tổn thương sẵn có nhưng tập thể dục kết hợp với uống thuốc sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng.[6] Chuyên gia khuyến nghị nên tập thể dục 150 phút mỗi tuần, thường chia thành 30 phút mỗi ngày đối với các bài tập Aerobic cường độ vừa phải như đi bộ nhanh. [7]
    • Tránh tham gia các bài tập thể dục có thể gây chấn thương nghiêm trọng, biến chứng hoặc xuất huyết nội. Nên hỏi bác sĩ xem hoạt động thể dục nào là phù hợp nhất đối với tình trạng bệnh và loại thuốc bạn đang uống.
  3. Thay đổi chế độ ăn. Thay đổi chế độ ăn có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về tim. Ngoài ra, chế độ ăn còn giúp cải thiện hiệu quả của thuốc để làm loãng máu và giúp bạn khỏe mạnh hơn.
    • Kiểm soát khẩu phần ăn bằng cách dùng đĩa nhỏ, đồng thời theo dõi lượng thức ăn trong mỗi bữa ăn.
    • Ăn nhiều rau củ quả vì chúng giàu vitamin, chất dinh dưỡng và chất chống oxi hóa.
    • Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt thay vì bột mì trắng.
    • Tăng cường nguồn chất béo tốt như các loại hạt, cá giàu chất béo như cá ngừ hoặc cá hồi.
    • Tăng cường nguồn protein nạc trong chế độ ăn như lòng trắng trứng, chế phẩm sữa ít béo, thịt gà không da.
    • Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa. Lượng calo từ chất béo bão hóa chỉ nên chiếm ít hơn 7% tổng lượng calo trong thực phẩm bạn ăn. Ngoài ra, nên tránh tiêu thụ chất béo chuyển hóa, chỉ nên ít hơn 1% tổng lượng calo trong thực phẩm.
    • Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn mặn và quá béo, thức ăn nhanh, đông lạnh, đóng gói sẵn. Thức ăn đông lạnh được quảng cáo tốt cho sức khỏe cũng có thể chứa rất nhiều muối. Ngoài ra, bạn nên hạn chế ăn bánh ngọt, bánh Waffle và Muffin lạnh.[8]
  4. Uống nhiều nước. Nước là chất làm loãng máu tự nhiên. Mất nước khiến máu đặc hơn, gây vón cục tạo thành cục máu đông. Uống nhiều nước mỗi ngày giúp làm loãng máu và cải thiện sức khỏe tổng thể.
    • Bác sĩ khuyến nghị nên uống khoảng 1,8 lít nước mỗi ngày. Hoặc bạn nên uống lượng nước dựa trên công thức, đối với mỗi 0,5 kg trọng lượng, bạn cần uống 15 ml nước. Ví dụ, nếu nặng 70 kg, bạn cần uống 210 ml nước mỗi ngày.[9]
    • Không uống quá nhiều nước. Bạn chỉ nên uống đủ nước và không ép bản thân phải uống nước quá nhiều nếu thấy quá no.

Tìm kiếm trợ giúp y tế[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ. Các bệnh như cục máu đông, thuyên tắc động mạch phổi, đau tim, rung nhĩ và đột quỵ có thể rất nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng. Bệnh có thể tái phát nếu không điều trị đúng cách. Nếu mắc các bệnh này, bạn phải đi khám sức khỏe đều đặn và cần sự chăm sóc của bác sĩ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp làm loãng máu và thiết lập cho bạn chế độ ăn đặc biệt.
    • Mặc dù một số thực phẩm có thể giúp làm loãng hoặc đặc máu nhưng bạn không được tự ý dùng thực phẩm hoặc chế độ ăn để làm loãng máu.
  2. Không tự chữa bệnh. Nếu có nguy cơ cao hoặc đã mắc các vấn đề về tim hoặc đột quỵ, bạn không được tự ý tìm cách làm loãng máu. Chỉ riêng chế độ ăn và các nguyên liệu tại nhà không thể giúp ngăn ngừa cục máu đông hay đau tim. Chế độ ăn và tập thể dục chỉ giúp phòng ngừa bệnh tim. Nếu bị bệnh tim hoặc bệnh cần làm loãng máu, chỉ tập luyện và thay đổi chế độ ăn sẽ không đủ phòng ngừa bệnh.
    • Luôn tuân thủ lời khuyên của bác sĩ đối với việc dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn.
  3. Nhận biết dấu hiệu xuất huyết. Đi khám bác sĩ ngay nếu đang uống thuốc chống đông máu và thấy có dấu hiệu hoặc triệu chứng xuất huyết đáng kể. Đó có thể là dấu hiệu xuất huyết nội, xuất huyết hoặc xuất huyết ẩn.
    • Tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu chảy máu bất thường. Ví dụ như chảy máu mũi thường xuyên, chảy máu bất thường ở nướu (lợi), chảy máu kinh hoặc âm đạo nhiều hơn bình thường.
    • Tiếp nhận cấp cứu ngay lập tức nếu bị chấn thương hoặc xuất huyết nghiêm trọng và không thể kiểm soát.
    • Tìm kiếm trợ giúp y tế ngay nếu có dấu hiệu xuất huyết nội như nước tiểu đỏ, hồng hoặc nâu; phân có màu đỏ sáng, phân nổi vằn đỏ hoặc đen giống hắc ín; ho ra máu hoặc cục máu đông; nôn ra máu hoặc nôn ra thứ giống như bột cà phê; đau đầu; cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu hoặc ốm yếu.[10][11]

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ đối với việc dùng thuốc kê đơn, thay đổi chế độ ăn và điều trị y tế.
  • Không sử dụng thực phẩm chức năng từ thảo mộc nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ. Hiện nay chưa có sản phẩm thực phẩm chức năng từ thảo mộc nào có thể giúp làm loãng máu hiệu quả. Ngoài ra, nên cho bác sĩ biết nếu bạn đang uống bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào để hỗ trợ điều trị các bệnh khác. Thực phẩm chức năng có thể ảnh hưởng đến thuốc làm loãng máu và gây ra vấn đề nghiêm trọng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]