Làm việc với người kém thông minh hơn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn cảm thấy chán chường khi phải làm việc với người kém thông minh hơn? Dường như chẳng lúc nào là không phải trả lời hay gồng gánh cho những người đó? Thật không may, bạn chẳng thể làm gì để thay đổi trí thông minh ấy của họ. Dù vậy, đừng quá căng thẳng. Bạn vẫn có thể thay đổi cách tương tác và nhìn nhận của bản thân cơ mà. Chỉ với vài thay đổi nhỏ ấy, nhiệm vụ này sẽ dễ dàng hơn rất, rất nhiều.

Các bước[sửa]

Lịch sự[sửa]

  1. Đừng hét vào mặt họ. Điều tệ nhất để làm khi đối mặt với người kém thông minh hơn chính là cho họ biết họ thật ngu ngốc trong suy nghĩ của bạn. Nó sẽ chỉ làm họ tức giận và rồi, chẳng thèm nghe bạn nữa. Nếu muốn trao đổi hiệu quả với ai đó, đừng bao giờ nói rằng theo bạn, họ thật kém thông minh (hay chế nhạo bằng bất kỳ hình thức nào khác).[1]
    • Bạn thật nản lòng khi ai đó loay hoay mãi nhưng dường như vẫn không thể hiểu vấn đề? Dù vậy, đừng đá xoáy vào những thiếu hụt của họ. Hãy lựa lời hỏi xem liệu bạn có thể làm gì để giúp họ hiểu vấn đề hay không. Ví dụ, bạn có thể nói: "Hình như bạn đang gặp rắc rối với bài toán này à? Mình giúp được gì không?".
  2. Tìm điểm mạnh của đối phương. Ai cũng có sở trường riêng và vì vậy, thay vì chăm chăm vào khuyết điểm, hãy cố tập trung vào tài năng của người khác. Có thể không thông minh bằng bạn nhưng biết đâu họ lại xuất sắc hơn ở kỹ năng mềm hay khả năng đánh máy. Một khi ý thức được rằng mọi kỹ năng đều quan trọng và đáng giá, bạn sẽ biết trân trọng người khác hơn.[2]
    • Khuyến khích người đó bằng cách chỉ ra thế mạnh và dành tặng lời khen ngợi, kể cả khi họ đang phải vật lộn với những vấn đề khác. Ví dụ, bạn có thể nói: "Dù hệ thống này vẫn đang làm khó cậu nhưng hôm nay, cậu đã làm rất tuyệt trong tương tác với khách hàng đấy".
  3. Hãy biết cảm thông. Dù ý nghĩ trong đầu là gì, bạn vẫn nên luôn luôn đối xử với người khác theo cách mà mình mong muốn được đối xử. Hãy tử tế và tôn trọng, bất kể bản thân cảm thấy thế nào. Nó sẽ giúp bạn dễ dàng hòa hợp hơn với ai đó.[3]
    • Nếu cảm thấy đó là nhiệm vụ quá khó khăn, hãy dành chút thời gian nhìn thế giới qua đôi mắt người khác. Có thể bạn sẽ nhận ra được tài năng rất riêng của họ và hiểu rằng thật chẳng dễ dàng chút nào khi phải làm việc với người thông minh hơn.
    • Đừng khơi mào tranh luận dù thật sự tin rằng phần sai thuộc về đối phương. Trong hầu hết trường hợp, nó không hề hiệu quả mà chỉ khiến bạn thêm nản lòng mà thôi. Nếu thấy cần nêu quan điểm, thay vì thẳng thừng: "Bạn sai rồi, phải làm thế này ________", bạn có thể nói: "Theo mình thì ________ nhưng ý kiến bạn cũng thú vị đấy".
  4. Suy nghĩ cẩn thận trước khi báo cáo vấn đề. Đôi khi, không đề cập gì đến trí thông minh của người khác là điều tốt nhất nên làm, kể cả trong trường hợp buộc phải làm việc cùng họ. Hãy chắc là bạn đã cân nhắc lợi, hại thật sự cẩn thận.[4]
    • Nếu làm việc cùng người đó, trước khi đưa ra nhận xét, đừng quên cân nhắc phản ứng sẽ có từ cấp trên. Nếu cảm thấy cho dù phản ứng đó tiêu cực thế nào thì việc này cũng vẫn đáng để thử, hãy tiếp cận tình huống với những bằng chứng cụ thể thay vì ý kiến chủ quan.
    • Nếu là bạn học và chung nhóm với người đó, hãy làm tương tự khi trao đổi với giáo viên của bạn - bám vào bằng chứng, sự kiện.
    • Ví dụ, bạn có thể nói: "Em nhận thấy X gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành hệ thống và nó thật sự có thể làm chậm tiến độ của cả nhóm. Trung bình mỗi thành viên hoàn thành 15 nhiệm vụ trong lúc X chỉ làm được sáu hay bảy mà thôi. Em nghĩ đào tạo thêm hoặc phân công lại nếu được sẽ có lợi hơn cho X".

Giúp đỡ họ trong học tập[sửa]

  1. Làm quen và điều chỉnh cho phù hợp với phong cách học của người đó. Mỗi người đều có cách học riêng và chúng ta lại thường coi đó là biểu hiện của sự kém thông minh. Nó hoàn toàn không đúng. Thay vì vậy, hãy hỏi để biết cách học của họ là gì và có những điều chỉnh cần thiết.[5]
    • Một số câu hỏi có thể dùng để xác định phong cách học của ai đó gồm: "Theo bạn, cách tốt nhất để theo dõi tiến độ dự án là gì? Bạn có lên danh sách không? Biểu đồ thì sao? Bạn làm tốt với máy ghi âm chứ?", "Khi không biết đánh vần một từ, bạn sẽ làm thế nào? Đọc to, viết xuống và ngắm nghía xem đã đúng chưa hay dùng tay nguệch ngoạc và đánh vần chay?", "Với bạn, đâu là cách tốt nhất để tiếp nhận thông tin mới? Ghi chép, nhẩm lại hay tự mình thử nghiệm? Bạn nhớ kỹ hơn khi tự đọc hay được nghe?".
    • Bạn cũng có thể tự mình quan sát. Chẳng hạn như, phải chăng người đó bồn chồn và mất tập trung khi phải ngồi yên làm việc nhưng lại chú tâm và vui sướng với những nhiệm vụ cần đến xúc giác và hoạt động? Phải chăng họ thích phát biểu nhưng lại sợ đọc và nghiên cứu?
    • Với người học bằng thị giác, hãy dùng biểu đồ, danh sách, thẻ ghi nhớ và ghi chú dưới dạng viết.
    • Với người học bằng thính giác, hãy thảo luận, ghi âm và dùng các thiết bị ghi nhớ khác.
    • Với người học thông qua vận động và tiếp xúc, hãy dùng phương pháp phân vai hoặc thực nghiệm.
  2. Khuyến khích câu hỏi. Để giúp đỡ người kém thông minh hơn trong việc học tập, hãy chắc là họ có thể thoải mái đặt câu hỏi. Nếu cảm thấy bị đe dọa bởi sự thông minh vượt trội của bạn, nhiều khả năng đối phương sẽ ngại hỏi, sợ bộc lộ sự thiếu hiểu biết qua việc đó và vì vậy, khó lòng học thêm điều gì.[2] Do đó, hãy luôn thể hiện rằng bạn có thể và sẵn lòng trả lời bất kỳ câu hỏi nào, đánh giá hay phán xét là điều không bao giờ có.
    • Nếu cần giải thích dài, thi thoảng bạn nên tạm ngừng và tìm hiểu liệu họ có thắc mắc nào hay không. Thay vì chờ đợi thật lâu, hỏi ngay sẽ dễ hơn rất nhiều.
  3. Cho họ chút thời gian. Một số người có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để làm quen với môi trường mới, nhất là khi dường như ai ai cũng thông minh hơn. Nếu phải hợp tác cùng người kém thông minh hơn ở trường hay nơi làm việc, hãy rộng lượng và cho họ thêm chút thời gian để làm quen. Có lẽ một khi đã thích nghi, họ thật sự có thể đóng góp thật nhiều.[2]
    • Hãy tử tế, tạo điều kiện giúp người mới thích nghi dễ dàng hơn. Khi nhận thấy ai đó rơi lại phía sau, hãy cân nhắc đề nghị: "Bạn có muốn mình giúp không? Mình sẽ rất vui nếu có thể giúp bạn. Chưa quen thì hệ thống này khá rối rắm đấy".
  4. Giúp người đó khám phá thế mạnh của họ. Đôi khi, ngay cả chúng ta cũng không dám chắc đâu là sở trường và đâu là sở đoản của chính mình. Nếu mắc kẹt với ai đó, người dường như không được thông minh bởi sự thiếu hụt ở một mảng nhất định, hãy cân nhắc đổi phân công cho họ. Ví dụ như, nếu đang tiến hành công trình nghiên cứu và việc thu thập dữ liệu đang hỏng bét trong tay đối phương, hãy thử đề nghị đổi: bạn sẽ làm việc đó và phân tích dữ liệu sẽ là nhiệm vụ của họ. Có thể họ sẽ thật tuyệt trong nhiệm vụ mới này.[6]
    • Hãy tử tế hết mức có thể khi đề nghị. Chỉ đơn giản thể hiện mong muốn thử sức với việc họ đang làm có thể sẽ hữu ích. Nhờ đó, sẽ chẳng cần nói rằng họ đang làm rất tệ và rồi lại phải lo lắng có thể làm mất lòng họ.

Tránh phán xét[sửa]

  1. Hiểu rằng khuyết tật không phải lúc nào cũng đi kèm với kém thông minh. Ai đó có thể nói khác, làm khác hoặc hoàn toàn không nói nhưng vẫn thông minh ở mức trung bình hoặc trên trung bình. Nói chậm hay tránh tiếp xúc bằng ánh mắt không có nghĩa là họ kém thông minh hơn.
    • Một số người khuyết tật gặp vấn đề về đầu óc. Một số thì không. Thay vì tự cho là đúng, hãy dành thời gian làm quen và có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của họ.
  2. Nhận ra cạm bẫy của trí thông minh cao. Dù trong hầu hết trường hợp, thông minh là tốt nhưng đồng thời, kém thông minh hơn cũng có những lợi ích riêng của nó. Vì vậy, đừng gạt bỏ người kém thông minh hơn và coi họ là những kẻ vô dụng. Chẳng hạn như, người kém thông minh thường năng suất hơn người vô cùng thông minh, có thể là nhờ khả năng tập trung và kiên trì. Trong nhiều trường hợp, kém thông minh cũng đi kèm với chăm chỉ hơn bởi họ đã quen với việc phải nỗ lực nhiều trong học tập.[7]
  3. Xem lại thiếu sót của bản thân. Trước khi vội vàng kết luận ai đó kém thông minh hơn bạn, hãy dừng ít phút và nhìn nhận lại chính mình. Có thể vấn đề thuộc về bạn chứ không nằm ở ai khác cả.
    • Thật sai lầm khi kết luận rằng ai đó kém thông minh hơn chỉ đơn giản vì dường như họ không thể hiểu bạn đang yêu cầu hay chỉ dẫn điều gì. Vấn đề có thể nằm ở chỗ bạn đã truyền đạt ra sao. Có thể xuất phát điểm của hai bạn không đồng nhất. Có thể bạn đã nói chuyện quá chuyên môn và tự cho rằng đối phương sẵn có nền tảng giống bạn. Có thể khoa học thật dễ dàng với bạn nhưng đó lại là thử thách với người kia - người thật tuyệt trong giao tiếp và sử dụng ngôn từ. Hãy cố truyền đạt thật đơn giản và đừng cho rằng những gì có vẻ thật hiển nhiên với bạn cũng sẽ rõ ràng với người khác.
    • Người thông minh dưới mức trung bình thường tự thấy mình đạt mức trung bình hay thậm chí trên trung bình. Nghĩa là rất có khả năng bạn đã thổi phồng trí thông minh của chính bạn khi so sánh với những người cùng trang lứa. Hãy nhớ đến điều này trước khi khẳng định ai đó thật ngu ngốc.[8]
  4. Ngừng cố khẳng định sự vượt trội của bản thân. Kể cả khi thông minh hơn, không ngừng thể hiện sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho bạn. Nó không chỉ khiến người khác khó chịu mà còn có thể cản đường thành công của bạn. Hãy bớt thể hiện và rồi có lẽ, bạn sẽ hòa hợp hơn với mọi người và thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp.[7]
  5. Coi đó là một bài học. Nếu phải làm việc cùng người kém thông minh hơn và chẳng thể làm gì để thoát khỏi tình cảnh ấy, bạn sẽ gặt hái được nhiều điều khi nỗ lực hết mình. Học cách phối hợp tốt với người khó làm việc chung là một kỹ năng tuyệt vời cần cho bất kỳ ai và vì vậy, hãy xem đây là một trải nghiệm hữu ích.[9]
    • Nhớ rằng than phiền về người bạn học hay đồng nghiệp kém thông minh cũng rất tốn sức và có lẽ sẽ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn về tình huống đó. Vì vậy, hẳn là nó cũng chẳng đáng để làm đâu.
    • Nỗ lực hết mức để che dấu bất kỳ sự coi thường nào. Khi biết bạn không thích họ, đối tác cũng sẽ chẳng thích gì bạn nữa và điều đó chỉ làm gia tăng tính khó khăn trong việc hợp tác mà thôi.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng nhầm lẫn giữa kiến thức với trí thông minh và vội vàng kết luận ai đó không thông minh chỉ vì không biết điều mà bạn cho rằng họ phải biết.
  • Đừng xem nhẹ những người dường như kém thông minh hơn. Khi tiếp xúc nhiều hơn, có thể bạn sẽ nhận thấy họ vô cùng am hiểu một số lĩnh vực nhất định.
  • Đừng tỏ vẻ vượt trội vì nghĩ rằng mình thông minh hơn. Nó chẳng đem lại được gì và chỉ gây khó khăn cho công việc của bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]