Linh hồn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Linh hồn, trong tư tưởng tín ngưỡng triết học, trong niềm tin của nhân loại là bản chất tự nhận thức bản thân đặc trưng cho một sinh vật nào đó. Theo những tư tưởng này, linh hồn sát nhập bản chất bên trong của mỗi sinh vật, và là cơ sở thật sự cho trí tuệ. Nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng tin rằng, linh hồn là sự thống nhất của ý thức về đặc tính của một cá thể.

Khái niệm về linh hồn có những liên hệ chặt chẽ với những ý niệm về cuộc sống sau khi chết, nhưng có nhiều ý kiến rất khác nhau, thậm chí của cùng một tôn giáo nào đó, về những gì sẽ xảy đến với linh hồn sau khi cơ thể chết đi. Nhiều người theo những tôn giáo, triết lý nhất định cho linh hồn là phi vật chất, trong khi có người khác lại cho rằng linh hồn có thể có một thành phần vật chất nào đó, và một vài người thậm chí đã cố tìm khối lượng (trọng lượng) của linh hồn. Linh hồn thường (nhưng không luôn luôn, như được giải thích ở dưới đây) được cho là bất tử.

Những người hoài nghi về linh hồn viện dẫn những hiện tượng như suy giảm hoặc mất khả năng nói, viết và hiểu ngôn ngữ ở dạng nói hay viết do thương tổn, bệnh tật ở các trung tâm não; và bệnh Alzheimer là những bằng chứng chứng tỏ đặc tính của một cá thể là vật chất, và hơn nữa được cấu tạo từ những thành phần đơn lẻ, trái với triết lý cho rằng linh hồn là bất tử, và thống nhất.

Giải thích linh hồn theo khoa học[sửa]

Khoa học thực nghiệm không đồng tình có linh hồn, mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể nào để minh chứng. Theo khoa học: bộ não là hoạt động của tâm lý. Do vậy, đa số nhà khoa học tuy chưa khẳng định dứt khoát nhưng họ ủng hộ quan điểm: "bộ não là linh hồn". Mặc dù vậy, họ vẫn chưa có chứng minh được bộ não là linh hồn. Câu hỏi: linh hồn là gì vẫn còn dành cho nhiều nhà khoa học. Vô số hiện tượng tâm lý xảy ra mà chưa có lời giải thích thỏa đáng.

Giải thích linh hồn theo Phật giáo[sửa]

Theo như giải thích của Phật giáo, đặc biệt là môn học Vi diệu pháp thì không có một linh hồn nào trong con người. Con người gồm 2 phần Sắc Uẩn (các bộ phận cơ thể) và Danh Uẩn (các trạng thái tâm lý). Vi diệu pháp quan niệm đời sống con người là tiến trình phối hợp giữa các trạng thái vật lý (của Sắc Uẩn) và trạng thái tâm lý (của Danh Uẩn) biến đổi theo nhân duyên (tùy thuộc điều kiện). Danh Uẩn gồm Thọ Uẩn (các trạng thái cảm giác), Tưởng Uẩn (các trạng thái tưởng tượng), Hành Uẩn (các trạng thái tâm hoạt động), Thức Uẩn (ý thức chủ) cùng sinh, cùng diệt tùy theo điều kiện phát sinh trong cuộc sống. Đa số những lầm tưởng về một cái linh hồn, cái ngã mà con người tưởng tượng ra là do Tưởng Uẩn hoạt động. Có 2 vấn đề chi phối đời sống tâm lý con người là Nghiệp và "Sự tùy thuộc phát sanh của Thức" (xem Thập nhị nhân duyên.

Theo như Vi diệu pháp, Thức không tồn tại thường hằng mà biến đổi, sinh và diệt rất nhanh. Trong một sát na (nhỏ hơn một giây rất nhiều lần) thì Thức sinh và diệt tiếp nối nhau. Ví dụ: sở dĩ chúng ta thấy được hình ảnh là do Nhãn thức (thức thấy) sinh và diệt liên tục tiếp nối nhau tạo ra "sự thấy". Nhãn thức 1 sinh rồi diệt, nhãn thức 2 sinh rồi diệt, nhãn thức thứ n sinh và diệt tạo nên cái thấy. Chúng ta tưởng rằng "cái thấy" do thức là trường tồn, chứ thật ra chúng sinh và diệt nối tiếp nhau. Tương tự cho: nhĩ thức (thức nghe), tỉ thức (thức ngửi mùi), thiệt thức (thức của vị), thân thức (thức của thân). Riêng Ý thức sanh lên cùng lúc với nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Tức là không có một cái ngã nào hay linh hồn nào mà trường cửu dù trong một giây đồng hồ. Vi diệu pháp tuyên bố rằng Danh Uẩn sinh diệt còn lẹ hơn là Sắc Uẩn gấp 17 lần. Điều này, chúng ta thấy rất gần với sự biến đổi (sinh diệt) của các hạt sơ cấp trong vật lý là không thể nắm bắt được vị trí của hạt đó. Lúc sắp chết, Thức Cuối Cùng (Tâm Tử) sinh lên và diệt, Thức Tái Sinh cho một kiếp sống mới được tạo ra do Nghiệp quy định. Do vậy, theo như Vi Diệu Pháp của Phật giáo nguyên thủy thì không có một linh hồn nào mà cái "linh hồn" chẳng qua là sự hoạt động của Danh Uẩn dưới tác động của Nghiệp và Do duyên sinh (do cuộc sống chi phối). Một số trường phái Phật giáo khác như Mật Tông quan niệm có Thân Trung Ấm để cho linh hồn trú ngụ trước khi nhập thai. Tuy nhiên, quan niệm ấy chưa được ai kiểm chứng và sự giải thích về linh hồn không phù hợp với khoa học.

Tham khảo[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.