Loại bỏ mụn đầu đen trên mũi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mụn đầu đen là các đốm mụn nhỏ màu đen trên bề mặt da, xuất hiện khi nang lông bị tắc nghẽn. Mụn có màu đen không phải do bụi bẩn mà là do quá trình oxy hóa, khi lỗ chân lông tắc nghẽn tiếp xúc với không khí.

Các bước[sửa]

Dùng nguyên liệu tại nhà[sửa]

  1. Tẩy tế bào chất bằng muối nở. Tẩy tế bào chết là bước quan trọng giúp loại bỏ tế bào da chết, ngăn tế bào gây bít tắc lỗ chân lông và tạo mụn đầu đen. Không những vậy, tẩy tế bào chết còn giúp tăng tuần hoàn cho da và giúp da có vẻ ngoài sáng khỏe.
    • Hòa 2 thìa muối nở vào bát nước khoáng để tạo thành hỗn hợp. Thoa hỗn hợp lên mũi và mát-xa nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương da.[1]
    • Để hỗn hợp khô vài phút rồi rửa sạch bằng nước ấm. Lặp lại quá trình tẩy tế bào chết cho da 1-2 lần mỗi tuần.
    • Muối nở giúp làm khô mụn đầu đen và khiến da trông sáng hơn, sạch hơn.
    • Có thể cho thêm giấm táo vào hỗn hợp muối nở. Giấm táo là chất làm se và kháng khuẩn tự nhiên.[2]
  2. Xông hơi da mặt trước khi tẩy tế bào chết. Xông hơi sẽ giúp giảm sự xuất hiện của lỗ chân lông bằng cách làm mềm da và giúp loại bỏ mụn đầu đen dễ dàng hơn bằng hỗn hợp tẩy tế bào chết.[3]
    • Chuẩn bị 1 bát lớn, nước và khăn sạch.
    • Đun sôi nước. Chờ nước nguội bớt rồi đổ vào bát.
    • Đưa mặt lên trên bát nước rồi dùng quăn trùm qua đầu để giữ cho hơi nước tỏa lên mặt.
    • Xông mặt 5-10 phút. Cẩn thận không đưa mặt quá gần để tránh hơi nước nóng làm bỏng da.
    • Rửa mặt sạch bằng nước ấm rồi vỗ cho khô.
    • Xông hơi da mặt nhiều lần mỗi tuần, trước khi tẩy tế bào chết.
  3. Dùng hỗn hợp tẩy tế bào chết bằng yến mạch. Hỗn hợp yến mạch, nước cốt chanh và sữa chua rất hiệu quả trong việc loại bỏ mụn đầu đen.[1]
    • Trộn 2 thìa yến mạch, 3 thìa sữa chua trắng với nước cốt nửa quả chanh.
    • Thoa hỗn hợp lên mũi, để vài phút rồi rửa sạch bằng nước ấm.
    • Có thể tạo hỗn hợp tẩy tế bào chết từ bột yến mạch với mật ong và cà chua. Trộn 1 thìa cà phê mật ong với nước ép 4 quả cà chua, cùng vài thìa yến mạch.
    • Thoa hỗn hợp lên mũi, để 10 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm.
    • Tẩy tế bào chết bằng hỗn hợp này đều đặn, ít nhất 1 lần mỗi tuần.
  4. Tẩy tế bào chết bằng đường. Nếu có thể, bạn nên thêm dầu Jojoba vào hỗn hợp tẩy tế bào chết từ đường vì dầu Jojoba “bắt chước” bã nhờn trên da. Bã nhờn là chất nhờn được cơ thể sản sinh để ngăn ngừa da khô.[4] Nếu không có dầu Jojoba, bạn có thể dùng các loại dầu khác như dầu hạt nho, dầu ôliu hoặc dầu hạnh nhân ngọt.[3]
    • Trộn 4 thìa dầu vào 1 cốc đường nâu hoặc đường trắng đựng trong hũ thủy tinh kín khí. Khuấy đều.
    • Làm ướt mặt rồi múc hỗn hợp đường cho lên ngón tay. Dùng hỗn hợp để mát-xa mũi và mặt theo chuyển động tròn.
    • Mát-xa khoảng 1-2 phút rồi rửa mặt sạch bằng nước ấm.
    • Tẩy tế bào chết bằng đường không quá 2-3 lần mỗi tuần để tránh làm khô hoặc kích ứng da.
    • Bảo quản hỗn hợp đường trong hũ thủy tinh kín khí ở nơi khô, tối trong vòng tối đa 2 tháng.
  5. Dùng mặt nạ đất sét. Để có mặt nạ đất sét chất lượng, bạn nên dùng đất sét Bentonite (có bán trực tuyến hoặc các cửa hàng mỹ phẩm). Đất sét Bentonite giàu khoáng chất và từ hàng thế kỷ nay đã được sử dụng trong việc điều trị nhiều bệnh, chủ yếu là các vấn đề liên quan đến da. Khi đắp mặt nạ đất sét, da sẽ hấp thụ các khoáng chất này, đồng thời đất sét sẽ hút mụn đầu đen ra.[3]
    • Trộn 1 thìa đất sét Bentonite với nước hoặc giấm táo. Hỗn hợp phải đặc nhưng vẫn dễ thoa lên da.
    • Dùng ngón tay thoa một lớp mặt nạ mỏng lên da. Đắp mặt nạ khoảng 10-20 phút cho đất sét khô, tùy vào kết cấu hỗn hợp. Mặt nạ khô sẽ khiến bạn cảm thấy da mặt co lại. Một số người sẽ bị khô hoặc kích ứng da nếu đắp mặt nạ đất sét quá lâu, đặc biệt là người có da khô. Bạn nên tự điều chỉnh thời gian chờ mặt nạ khô cho phù hợp với loại da.
    • Rửa sạch mặt nạ bằng nước ấm rồi thoa dưỡng ẩm cho da vùng mũi.
    • Đắp mặt nạ đất sét lên mũi đều đặn, ít nhất 1 lần mỗi tuần, để đạt hiệu quả.[2]
  6. Thoa lòng trắng trứng lên mũi. Mặc dù mùi trứng sống hơi tanh nhưng lòng trắng trứng lại chứa nhiều dưỡng chất và ít làm khô da hơn các nguyên liệu khác trị mụn đầu đen tại nhà.[5][3]
    • Chuẩn bị 1 quả trứng, khăn giấy hoặc giấy vệ sinh, bát nhỏ và khăn sạch.
    • Tách riêng lòng trắng trứng vào bát.
    • Rửa mặt sạch bằng sữa rửa mặt yêu thích.
    • Vỗ cho da mặt khô bớt rồi dùng ngón tay thoa một lớp mỏng lòng trắng trứng lên mũi.
    • Chờ lớp đầu tiên khô. Sau đó, tiếp tục thoa lớp lòng trắng trứng thứ hai lên mũi. Chờ khô rồi thoa lớp thứ ba. Cần đảm bảo lớp lòng trắng trứng đã khô trước khi thoa lớp tiếp theo.
    • Chờ lớp lòng trắng trứng cuối cùng khô khoảng 15 phút. Da mặt sẽ cảm thấy hơi căng. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy lòng trắng trứng đang dính vào mũi và mụn đầu đen.
    • Nhúng khăn sạch vào nước ấm và nhẹ nhàng chà sạch lòng trắng trứng trên mũi. Thấm khô nước trên mũi.
  7. Tự làm miếng lột mụn. Miếng lột mụn được làm từ nguyên liệu có tính bám dính và được dán lên mũi hoặc mặt. Khi kéo miếng lột mụn ra, bạn sẽ kéo theo cả bã nhờn và tế bào chết trong lỗ chân lông, nhờ đó loại bỏ mụn đầu đen. Nên nhớ rằng miếng lột mụn không ngăn ngừa mụn đầu đen mà chỉ giúp loại bỏ khi mụn đầu đen xuất hiện.[3]
    • Dùng sữa và mật ong để tự làm miếng lột mụn không chứa hóa chất hoặc hương liệu gây hại như các miếng lột mụn bán ngoài cửa hàng.
    • Chuẩn bị 1 thìa mật ong nguyên chất, 1 thìa cà phê sữa và 1 mảnh vài cotton sạch (từ áo thun hoặc khăn sạch).
    • Trộn mật ong nguyên chất với sữa đựng trong bát dùng trong lò vi sóng. Cho hỗn hợp vào lò vi sóng để làm nóng khoảng 5-10 giây. #*Trộn cho hỗn hợp hòa quyện đều.
    • Kiểm tra nhiệt độ hỗn hợp để đảm bảo không quá nóng trước khi thoa một lớp mỏng lên mũi.
    • Đắp miếng vải cotton lên mũi và ấn nhẹ.
    • Chờ hỗn hợp khô ít nhất 20 phút trước khi lột miếng vải đi.
    • Rửa sạch mũi bằng nước lạnh và vỗ cho khô nước.
    • Dùng miếng lột mụn đều đặn để loại bỏ lỗ chân lông.
  8. Dùng nước cân bằng da (Toner) tự nhiên cho da mặt. Nước cân bằng da là sản phẩm tuyệt vời giúp loại bỏ tế bào chết trên da mặt và giảm tình trạng da đỏ, viêm, đặc biệt là ở quanh mũi. Bạn có thể dùng thảo mộc có đặc tính xoa dịu như bạc hà để xoa dịu da kích ứng.[3]
    • Trộn 3 thìa giấm táo với 3 thìa lá bạc hà nghiền nhuyễn đựng trong chai nhỏ. Bảo quản khoảng 1 tuần ở nơi mát mẻ, tối.
    • Lọc hỗn hợp lấy nước rồi hòa thêm với 1 cốc nước lọc. Bảo quản nước cân bằng da trong tủ lạnh tối đa 6 ngày.
    • Mỗi tối, sau khi rửa mặt sạch, dùng bông gòn sạch để thoa nước cân bằng da lên vùng mũi.
    • Để qua đêm hoặc vài tiếng đối với da nhạy cảm.
    • Đảm bảo thoa dưỡng ẩm cho da vùng mũi sau khi thoa nước cân bằng da.

Ngăn ngừa mụn đầu đen[sửa]

  1. Cảnh giác với những thông tin sai lệch về mụn đầu đen. Một phần nguyên nhân khiến bạn không thể đơn giản lau sạch mụn đầu đen là vì mụn không phải do bụi bẩn tích tụ. Thay vào đó, mụn là do sự tích tụ của tế bào da chết/bã nhờn, sau đó phản ứng với khí oxy và biến chất trong lỗ chân lông thành màu đen.[3]
    • Tương tự, bạn không thể thu nhỏ, se khít hoặc làm hở lỗ chân lông vì lỗ chân lông không thuộc nhóm cơ. Đó đơn giản là những lỗ nhỏ trong nang lông và tuyến bã nhờn trên cơ thể.
    • Mặc dù một số nguyên liệu như chanh hoặc bạc hà có thể khiến lỗ chân lông trông nhỏ hơn nhưng thực tế thì lỗ chân lông không thu nhỏ lại.
    • Các yếu tố khác như di truyền, tuổi tác và tiếp xúc với ánh nắng sẽ ảnh hưởng đến kích thước lỗ chân lông và không có phương pháp diệu kỳ nào có thể giúp lỗ chân lông thu nhỏ lại.
  2. Loại bỏ dầu thừa trên mặt. Rửa mặt không quá 2 lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ không chứa dầu. Ngoài ra, cần rửa mặt sạch nếu trang điểm hàng ngày vì lớp trang điểm sót lại có thể khiến dầu nhờn tích tụ trên da. [6]
    • Tẩy tế bào chết cho da mặt bằng nguyên liệu tự nhiên hoặc sản phẩm chuyên nghiệp, đồng thời dùng nước cân bằng da tự nhiên hoặc sản phẩm bán sẵn mỗi ngày.
  3. Giặt sạch vỏ gối ít nhất 1 lần mỗi tuần. Giặt vỏ gối giúp loại bỏ tế bào da chết và dầu trên da mặt dính trong sợi vải.[5]
  4. Tránh để tóc bết dính lên mặt và không chạm tay lên mặt. Tóc có thể mang vi trùng và vi khuẩn dính lên mặt và/hoặc mũi.[6]
    • Tránh chạm tay vào mặt hoặc mũi. Tay có thể mang bụi bẩn, vi trùng và vi khuẩn dính lên mặt và gây tích tụ dầu nhờn, dẫn đến mụn đầu đen.
  5. Tuyệt đối không nặn hoặc xoa mụn đầu đen. Hành động này chỉ khiến da mũi bị viêm, nhiễm trùng và thậm chí để lại sẹo. [2]
    • Khi tẩy tế bào chết cho da, bạn không nên chà lên mụn đầu đen quá mạnh vì như vậy có thể dẫn đến kích ứng và viêm da.

Dùng sản phẩm chuyên nghiệp[sửa]

  1. Dùng sữa rửa mặt chứa axit salicylic và axit glycolic. Cách tốt nhất để phân giải dầu tắc nghẽn trong lỗ chân lông là dùng sản phẩm chứa axit beta-hydroxy hay axit salicylic. Dùng sữa rửa mặt chứa axit salicylic đều đặn sẽ giúp ngăn ngừa mụn đầu đen và loại bỏ dầu trong lỗ chân lông.[2]
    • Axit salicylic kết hợp với axit glycolic để loại bỏ tế bào da chết và các chất cặn bã trên bề mặt da.[6]
    • Các sản phẩm trị mụn trứng cá như Proactiv, Benzac và PanOxyl đều chứa các thành phần này.
  2. Mua miếng dán lột mụn. Miếng dán lột mụn không kê đơn có thể giúp loại bỏ dầu nhờn gây bít tắc lỗ chân lông ở mũi và nhờ đó loại bỏ mụn đầu đen.[6]
  3. Trao đổi với bác sĩ da liễu về thuốc retinoid. Retinoid chứa vitamin A và giúp loại bỏ tình trạng bít tắc lỗ chân lông, ngăn ngừa mụn đầu đen.[2]
    • Retinoid mạnh được kê đơn là thuốc hiệu quả nhất và ở dạng thuốc viên. Retinol không kê đơn cũng được bán ở các hiệu thuốc.
    • Khi uống retinoid, ban đầu bạn có thể thấy da bong tróc. Tuy nhiên, sau khi sử dụng đều đặn 3-7 lần mỗi tuần trong vòng 4-6 tuần, tác dụng phụ sẽ giảm dần và da trông sáng hơn, sạch hơn.
  4. Hỏi bác sĩ da liễu về phương pháp điều trị siêu mài mòn da. Đây là phương pháp điều trị chuyên nghiệp sử dụng các tinh thể nhỏ trên da để nhẹ nhàng loại bỏ lớp da ngoài cùng, bao gồm mụn đầu đen. Phương pháp này giúp tẩy tế bào chết, trẻ hóa làn da vùng mũi để giúp da trông mềm hơn, sáng hơn.[7]
    • Phương pháp này ít gây kích ứng hơn phương pháp mài mòn da nhưng cần được tiến hành bởi chuyên gia chăm sóc da đã được đào tạo.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]