Loại bỏ u nang

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

U nang là các túi kín chứa đầy dịch. [1] U nang có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và có thể là do nhiễm trùng, di truyền, khuyết tật trong tế bào hoặc các ống dẫn bị tắc.[2] Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách nhận biết triệu chứng của các loại u nang khác nhau và cách điều trị.

Các bước[sửa]

Xác định loại u nang[sửa]

  1. Phân biệt giữa u nang bã nhờn và u nang biểu bì. U nang biểu bì phổ biến hơn u nang bã nhờn. Mỗi loại sẽ có triệu chứng và cách điều trị hơi khác nhau. Vì vậy, việc chẩn đoán đúng loại u nang trên da là rất quan trọng để điều trị hiệu quả.
    • Cả hai loại u nang đều có màu giống thịt hoặc màu trắng-vàng và bề mặt mịn. [3]
    • U nang biểu bì phổ biến hơn. Loại u nang này phát triển chậm và thường không gây đau. U nang biểu bì không cần điều trị, trừ khi gây đau hoặc bị nhiễm trùng. [4]
    • U nang lông được cấu tạo chủ yếu từ keratin (loại protein tạo nên sợi tóc và móng) và hình thành từ lớp vỏ ngoài của lông, thường là ở trên đầu.[5] U nang lông thường được cho là một thuật ngữ khác để gọi u nang bã nhờn nhưng thực tế là hai loại u nang này khác nhau.
    • U nang bã nhờn thường xuất hiện trong nang tóc. Chúng hình thành bên trong các tuyến tiết bã nhờn - một chất nhờn bao phủ sợi tóc. Khi chất nhờn tiết ra bị mắc kẹt, chúng sẽ phát triển thành một túi nhỏ chứa chất giống-phô-mai. U nang bã nhờn thường xuất hiện ở các vị trí gần cổ, lưng trên và trên da đầu.[3] U nang bã nhờn thường bị nhầm lẫn với u nang lông hoặc u nang biểu bì.
  2. Phân biệt giữa u nang ở ngực và khối u.[6] U nang có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên ngực. Nếu không chụp quang tuyến vú hoặc tiến hành sinh thiết kim thì gần như không thể phân biệt được 2 loại bướu này trong ngực. Triệu chứng u nang ngực gồm có:
    • Cục bướu mềm, dễ di chuyển và có các cạnh rõ rệt
    • Cảm giác đau trên cục bướu
    • Kích thước và cảm giác đau tăng ngay trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu
    • Kích thước và cảm giác đau giảm sau khi kỳ kinh nguyệt kết thúc
  3. Hiểu về mụn bọc. Mụn là thuật ngữ nói chung để mô tả nhiều loại mụn nhọt, mụn đầu đen, mụn đầu trắng và mụn bọc. Mụn bọc là những nốt đỏ lồi, thường có kích thước 2-4 mm, giống cục u nhỏ và là loại mụn nghiêm trọng nhất. Nhiễm trùng mụn bọc nghiêm trọng hơn so với nhiễm trùng các loại mụn mủ khác hoặc mụn đầu trắng. Mụn bọc gây đau đớn.[7]
  4. Xác định u nang hạch. Đây là loại bướu phổ biến nhất ở bàn tay và cổ tay. U nang hạch không gây ung thư và thường vô hại. Loại u nang này chứa dịch, có thể xuất hiện và biến mất nhanh chóng hoặc thay đổi kích thước. U nang hạch không cần được điều trị, trừ khi cản trở đến chức năng hạch hoặc có vẻ ngoài khó chấp nhận.[8]
  5. Xác định nếu cơn đau là do u nang xương cụt. U nang xương cụt là khi có u nang, áp-xe hoặc hình lõm hình thành trong nếp gấp giữa mông, chạy từ đầu dưới của cột sống đến hậu môn. U nang xương cụt có thể là do mặc quần áo quá chật, lông cơ thể quá nhiều, ngồi lâu hoặc béo phì. Triệu chứng có thể bao gồm mủ tại vị trí u nang, u nang đau hoặc vùng da ấm, mềm hoặc sưng gần xương cụt. Hoặc có thể không có triệu chứng nào ngoài hốc hoặc lõm ở xương cùng cột sống. [9]
  6. Phân biệt u nang tuyến Bartholin. Các tuyến này nằm ở hai bên lỗ âm đạo để bôi trơn âm đạo. Khi tuyến Bartholin bị bít tắc, một cục sưng tương đối không đau sẽ hình thành, gọi là u nang tuyến Bartholin. Bạn sẽ không phát hiện được nếu u nang không nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể xuất hiện sau vài ngày, gây đau, sốt, khó chịu khi đi lại, đau khi “quan hệ” và bướu đau gần lỗ âm đạo.[10]
  7. Đi khám bác sĩ để phát hiện sưng tinh hoàn. Mọi trường hợp sưng tinh hoàn đều phải được bác sĩ chẩn đoán để xác định sự khác nhau giữa u nang, ung thư, tràn dịch màng tinh hoàn hoặc nhiễm trùng tinh hoàn. U nang tinh hoàn, hay còn được gọi là nang mào tinh hoàn hoặc nang mào tinh, là các túi đầy dịch, không đau và không gây ung thư trong bìu phía trên tinh hoàn.[11]
  8. Cân nhắc việc lấy ý kiến thêm nếu chưa hài lòng với chẩn đoán và phương pháp điều trị của bác sĩ. Hầu hết các trường hợp u nang biểu bì và u nang lông đều không cần được bác sĩ điều trị. Nhưng nếu bạn đã hỏi ý kiến tư vấn y tế mà vẫn chưa hài lòng với kết quả, bạn có thể cân nhắc lấy ý kiến thêm. Hầu hết các trường hợp u nang bã nhờn và u nang biểu bì đều dễ nhận biết nhưng cũng có các vấn đề khác có dấu hiệu tương tự các loại u nang này. [12]
    • Trong một nghiên cứu tình huống của trường Đại học Royal College of Surgeons của Anh, các tác giả đưa ra hai trường hợp, trong đó u hắc tố ác tính và khoang miệng lõm sâu ban đầu đã bị nhầm thành u nang bã nhờn.
    • Có nhiều bệnh nhiễm trùng khác có thể bị nhầm lẫn với u nang bã nhờn, bao gồm nhọt, mụn nhọt (đinh nhọt) và hậu bối.

Ngăn ngừa u nang[sửa]

  1. Hiểu được loại u nang nào không ngăn ngừa được. U nang lông phát triển sau tuổi dậy thì và có tính di truyền ưu thế nhiễm sắc thể thường. Nghĩa là u nang lông xuất hiện ở cả hai giới và nếu bố/mẹ mang gen mắc u nang lông thì nguy cơ con bị loại u nang này sẽ cao hơn. Khoảng 70% trường hợp bị u nang lông sẽ có nhiều u nang trong suốt cuộc đời.[13]
    • Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây u nang phát triển trong mô vú.
    • Các bác sĩ chưa có câu trả lời chính xác về yếu tố nguy cơ và phương pháp phòng ngừa mụn bọc. Tuy nhiên, mụn bọc được cho là có liên quan đến tình trạng tăng nồng độ hormone trong giai đoạn dậy thì, mang thai và nhiễm trùng sâu trong nang lông do bã nhờn (dầu trên da) gây bít tắc.[14]
  2. Hiểu rõ loại u nang nào có thể ngăn ngừa được. Hầu hết u nang đều không ngăn ngừa được, trừ một số loại. Ví dụ, phương pháp ngăn ngừa u nang xương cụt bao gồm mặc quần áo không bó chật, duy trì mức cân nặng bình thường và đứng dậy sau khi ngồi một chỗ mỗi 30 phút trong suốt cả ngày.
    • Theo Viện Hàn lâm Da liễu của Mỹ (American Academy of Dermatology), không có phương pháp hiệu quả nào để ngăn sự hình thành của u nang biểu bì.[15] Tuy nhiên, có những nhóm người có nguy cơ mắc u nang biểu bì cao hơn: nam giới bị nhiều hơn nữ giới, người bị mụn trứng cá và người ở ngoài trời nắng quá lâu. [15]
    • Người bị chấn thương ở tay có nguy cơ cao bị u nang biểu bì hoặc u nang hạch ở bàn tay.
    • U nang tuyến Bartholin có thể xuất hiện sau chấn thương ở vị trí lỗ âm đạo.
  3. Giảm nguy cơ mắc u nang. Mặc dù hầu hết các loại u nang đều không thể ngăn ngừa được nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc loại u nang có thể phòng ngừa. Dùng sản phẩm chăm sóc da không dầu và tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.[16]
    • Cạo lông và tẩy lông bằng sáp cũng có thể khiến u nang hình thành. Tránh cạo và tẩy lông quá nhiều ở những vị trí từng bị u nang để ngăn u nang tái phát hoặc hình thành u nang mới.

Điều trị u nang tại nhà[sửa]

  1. Điều trị u nang bã nhờn và u nang biểu bì không nhiễm trùng tại nhà. Dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm vị trí u nang trở nên sưng đỏ, đau hoặc đỏ và ấm. Nếu phương pháp điều trị u nang tại nhà không hiệu quả hoặc có triệu chứng nhiễm trùng, bạn nên tìm sự chăm sóc y tế từ bác sĩ.[17]
    • U nang gây đau hoặc khó chịu khi đi lại hoặc quan hệ tình dục cần được chăm sóc y tế và điều trị.
  2. Chườm khăn ẩm, ấm lên u nang biểu bì để kích thích dẫn lưu và chữa lành. Khăn chườm phải nóng nhưng không quá nóng đến mức gây bỏng da. Chườm khăn lên u nang 2-3 lần mỗi ngày.[18]
    • Mụn bọc phản ứng với phương pháp chườm đá tốt hơn chườm ấm.
    • Có thể điều trị u nang tuyến Bartholin tại nhà bằng cách tắm bồn Sitz với nước ấm. Tắm bồn Sitz là quá trình ngồi trong mực nước ấm cao khoảng vài cm để kích thích dẫn lưu u nang.
  3. Không đâm, bóp hoặc nặn u nang biểu bì và u nang bã nhờn. Những hành động này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo. Ngoài ra, tuyệt đối không đâm, bóp hoặc nặn mụn bọc để tránh khiến nhiễm trùng sâu hơn và tăng nguy cơ hình thành mô sẹo.
  4. Để u nang biểu bì dẫn lưu tự nhiên. Khi u nang bắt đầu dẫn lưu, bạn nên dùng khăn tiệt trùng che u nang lại và thay khăn hai lần mỗi ngày. Tìm sự chăm sóc y tế nếu lượng mủ lớn bắt đầu dẫn lưu từ u nang, vùng da xung quanh chuyển màu đỏ còn u nang trở nên ấm và mềm, hoặc máu bắt đầu dẫn lưu từ u nang.
  5. Giữ sạch u nang. Để ngăn ngừa nhiễm trùng, bạn cần giữ cho u nang và vùng da xung quanh được sạch sẽ. Rửa sạch bằng xà phòng hoặc kem kháng khuẩn mỗi ngày.

Tìm sự chăm sóc y tế[sửa]

  1. Biết khi nào nên đi khám bác sĩ. Hầu hết u nang đều hoàn toàn vô hại và sẽ tự biến mất, trong khi một số khác lại cần được chăm sóc y tế. Bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu u nang sưng hoặc đau, hoặc vùng da xung quanh u nang trở nên ấm vì đó là dấu hiệu nhiễm trùng. [1]
  2. Hỏi bác sĩ về việc loại bỏ u nang. Nếu u nang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì bạn không nên tự nặn. Thay vào đó, nên trao đổi với bác sĩ xem liệu việc phẫu thuật loại bỏ u nang có an toàn và được khuyến nghị không. [19]
  3. Đánh giá các phương án phẫu thuật. Có nhiều quy trình phẫu thuật, tùy thuộc vào vị trí, kích thước và mức độ cản trở chức năng cơ thể của u nang. Có 3 phương án loại bỏ u nang trên cơ thể. Bạn và bác sĩ cần trao đổi về từng quy trình phẫu thuật để xác định phương án tốt nhất cho trường hợp của bạn và loại u nang.
    • Rạch và dẫn lưu (I & D) là quy trình đơn giản, trong đó bác sĩ sẽ tạo một vết rạch 2-3 mm trong u nang và nhẹ nhàng ấn cho dịch chảy ra. Quy trình này có thể được tiến hành tại phòng khám của bác sĩ đối với u nang trên da, ví dụ như u nang biểu bì, u nang bã nhờn và u nang xương cụt trên bề mặt không sâu hoặc không nhiễm trùng (nếu cần thiết). Rạch và dẫn lưu có thể được áp dụng cho u nang ngực, u nang hạch, u nang tinh hoàn hoặc tuyến Bartholin đối với bệnh nhân ngoại trú, sử dụng phương pháp gây mê cục bộ hoặc gây tê tại chỗ. Tuy nhiên, u nang có tỉ lệ tái phát cao nếu tường u nang không được loại bỏ. Phương pháp rạch và dẫn lưu không thể loại bỏ tường u nang.
    • Kỹ thuật cắt bỏ tối thiểu sẽ giúp loại bỏ tường u nang và chất dịch nhờn như phô mai bên trong.[20] U nang được cắt mở và dẫn lưu trước khi kéo thành u nang ra. Tùy vào kích thước mà vết cắt có thể cần hoặc không cần khâu lại. Kỹ thuật này có thể là lựa chọn để điều trị u nang ngực, u nang tinh hoàn, u nang tuyến Bartholin và u nang hạch. Kỹ thuật cắt rất hiếm khi được áp dụng cho mụn bọc. Phương pháp này thường được tiến hành sau khi gây tê tại chỗ và bệnh nhân có thể xuất viện ngay; còn gây mê cục bộ thường được áp dụng cho trẻ nhỏ.
    • Loại bỏ u nang bằng laser là lựa chọn chỉ dành cho u nang biểu bì lớn hoặc ở vị trí da dày. Đây là quy trình mở u nang bằng tia laser và nhẹ nhàng ấn dịch bên trong ra ngoài. Một tháng sau, kỹ thuật cắt bỏ tối thiểu sẽ được tiến hành để kéo tường u nang ra. Phương pháp loại bỏ này có tính thẩm mỹ cao đối với u nang không viêm hoặc không nhiễm trùng. [21]
  4. Xác định xem việc loại bỏ u nang trên da có cần thiết không.[22] Có thể tiến hành nhiều phương pháp điều trị tại nhà để kích thích dẫn lưu và chữa lành u nang bã nhờn hoặc u nang biểu bì. Tuy nhiên, bạn cần tìm sự chăm sóc y tế nếu vị trí u nang có vẻ bị nhiễm trùng, u nang phát triển nhanh, u nang ở vị trí liên tục bị kích ứng hoặc nếu bạn thấy bận tâm vì vấn đề thẩm mỹ.
  5. Xác định xem việc loại bỏ u nang ngực có cần thiết không.[23] Không nhất thiết phải tiến hành điều trị u nang chứa dịch đơn giản ở ngực. Nếu bạn chưa đến giai đoạn mãn kinh, bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi u nang hàng tháng. Bác sĩ có thể chọc hút bằng kim nhỏ để dẫn lưu u nang.
    • Nếu chú ý thấy u nang trong suốt 2-3 chu kỳ kinh nguyệt không tự khỏi hoặc tăng kích thước, bác sĩ có thể tiến hành siêu âm.
    • Bác sĩ có thể khuyến nghị uống thuốc ngừa thai để điều hòa hormone trong kỳ kinh nguyệt. Phương pháp điều trị này chỉ được áp dụng ở nữ giới có triệu chứng nghiêm trọng.
    • Phẫu thuật loại bỏ chỉ cần thiết khi u nang gây bất tiện, có dịch giống máu hoặc màu xanh lá khi chọc vào, hoặc khi bác sĩ cho rằng đó là tăng trưởng trên da không lành tính. Trong trường hợp này, toàn bộ u nang sẽ được phẫu thuật loại bỏ (sau khi gây mê) vì phương pháp rạch và dẫn lưu sẽ để lại nang và tăng nguy cơ tái phát.
  6. Tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu về việc điều trị mụn bọc. [14] Đầu tiên, bác sĩ sẽ kê đơn các thuốc dùng điều trị các loại mụn khác. Nếu kết quả không cải thiện, bác sĩ có thể khuyến nghị dùng Isotretinoin hoặc Accutane.
    • Accutane là thuốc giúp kiểm soát mụn hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ như dị tật ở thai nhi, tăng nguy cơ trầm cảm và tự tử, ảnh hưởng đến nồng độ lipid, chức năng gan, đường huyết và lượng tế bào bạch cầu. Bạn cần xét nghiệm máu một lần mỗi tháng để theo dõi phản ứng với thuốc. [24] Nữ giới phải uống hai dạng thuốc tránh thai trong khi uống Accutane.
  7. Tìm phương pháp điều trị u nang hạch. Phương pháp điều trị loại u nang này bao gồm việc quan sát và thường không cần điều trị bằng phẫu thuật. Vị trí u nang có thể được giữ cho bất động nếu hoạt động làm tăng kích thước, áp lực hoặc cơn đau.[8] U nang hạch có thể được chọc dịch nếu gây đau hoặc cản trở hoạt động. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ để chọc dịch ra tại phòng khám dưới điều kiện vô trùng.
    • Nếu triệu chứng không thuyên giảm khi điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật (chọc kim hoặc giữ cho bất động), hoặc u nang tái phát sau khi chọc dịch, bác sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật cắt bỏ u nang, hay còn gọi là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ u hạch. Trong quy trình này, một phần của dây chằng hoặc bao khớp cũng được loại bỏ. Vẫn có khả năng thấp là u nang tái phát sau khi được loại bỏ hoàn toàn. Đây là quy trình phẫu thuật được tiến hành sau khi gây tê cục bộ và bệnh nhân có thể xuất hiện ngay.
  8. Điều trị u nang tuyến Bartholin. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào kích thước u nang, mức độ bất tiện và liệu u nang có nhiễm trùng hay không.[25] Tắm bồn Sitz nước ấm (ngồi trong mực nước ấm cao vài cm) nhiều lần mỗi ngày có thể giúp tuyến Bartholin tự dẫn lưu.
    • Rạch và dẫn lưu được áp dụng nếu tuyến Bartholin phình to hoặc nhiễm trùng và cách tắm bồn Sitz không hiệu quả. Phương pháp gây tê cục bộ hoặc an thần sẽ được áp dụng. Trong tuyến sẽ còn ống thông giúp mở tuyến tối đa 6 tuần để dẫn lưu hoàn toàn.
    • Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
  9. Hiểu về phương pháp điều trị u nang tinh hoàn. Đầu tiên, bác sĩ phải xác định u nang không gây ung thư.[26] Nếu u nang lớn đến mức gây cảm giác nặng hoặc kéo lê tinh hoàn thì bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về việc phẫu thuật cắt bỏ.
    • Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Children’s Hospital of Philadelphia) ở Mỹ không khuyến nghị phương án phẫu thuật cho thanh thiếu niên. Thay vào đó, họ khuyến nghị các thanh niên nên tìm hiểu cách tự kiểm tra và báo cáo sự thay đổi hoặc tăng kích thước (có thể là dấu hiệu cần phẫu thuật) nếu có.[27] U nang tinh hoàn ở trẻ em thường tự khỏi.
    • Tiêm xơ qua da là một lựa chọn giúp giảm nguy cơ phải phẫu thuật bìu và mang lại kết quả tốt trong nghiên cứu.[28] Khi sử dụng siêu âm để hướng dẫn tiêm chất chống xơ hóa, triệu chứng đã khỏi hẳn ở 84% nam giới trong nghiên cứu sau 6 tháng. Chất chống xơ hóa giúp giảm kích thước và triệu chứng u nang tinh hoàn. Quy trình này giúp giảm đáng kể rủi ro về sức khỏe và giảm nguy cơ u nang tái phát.

Lời khuyên[sửa]

  • Hầu hết các loại u nang đều không thể phòng ngừa được và không gây ung thư. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ chờ và quan sát trước khi khuyến nghị quy trình can thiệp y tế hoặc phẫu thuật.

Cảnh báo[sửa]

  • Tuyệt đối không nặn, bóp hoặc đâm u nang. Những hành động này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và sẹo ở mô.
  • Hầu hết u nang trên da đều tự khỏi. Nếu muốn loại bỏ u nang nhanh hơn, bạn có thể đi khám bác sĩ để trao đổi về các phương án điều trị dựa trên kích thước, vị trí và loại u nang.
  • Luôn rửa tay sạch trước và sau khi điều trị u nang hay bất kỳ bệnh nhiễm trùng da nào.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000842.htm
  2. http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/cysts_explained
  3. 3,0 3,1 http://www.drugs.com/health-guide/cysts.html
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sebaceous-cysts/basics/definition/con-20031599
  5. http://www.dermnetnz.org/lesions/pilar-cyst.html
  6. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/breast-cysts/basics/symptoms/con-20032264
  7. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acne/multimedia/cystic-acne/img-20006234
  8. 8,0 8,1 http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=a00006
  9. http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/pilonidal-cyst/symptoms.html
  10. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bartholin-cyst/basics/symptoms/con-20026333
  11. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scrotal-masses/basics/causes/con-20022447
  12. http://www.researchgate.net/publication/5651007_Just_another_sebaceous_cyst
  13. http://www.drugs.com/health-guide/epidermoid-cyst.html
  14. 14,0 14,1 http://www.niams.nih.gov/health_info/acne/
  15. 15,0 15,1 http://www.dermatologist.org.uk/epidermoid-cysts.html
  16. http://www.mayoclinic.com/health/sebaceous-cysts/DS00979/DSECTION=prevention
  17. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sebaceous-cysts/basics/lifestyle-home-remedies/con-20031599
  18. http://firstaid.webmd.com/tc/skin-cyst-home-treatment-topic-overview
  19. http://www.patient.info/doctor/epidermoid-and-pilar-cysts-sebaceous-cysts-pro
  20. http://www.aafp.org/afp/2002/0401/p1409.html
  21. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2714896/
  22. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/breast-cysts/basics/treatment/con-20032264
  23. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sebaceous-cysts/basics/symptoms/con-20031599
  24. http://www.drugs.com/cdi/isotretinoin.html
  25. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bartholin-cyst/basics/treatment/con-20026333
  26. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/tre.200/pdf
  27. http://www.dermnet.com/videos/benign-tumors/pilar-cyst/pilar-cyst-appearance/
  28. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12949457