Một số khái niệm/Kỹ năng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Kỹ năng là một vấn đề phức tạp và được các nhà nghiên cứu bàn luận khá nhiều. Kỹ năng là tri thức trong hành động, là “khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong lĩnh vực nào đó vào thực tế” [23; tr 644]. Kỹ năng thể hiện khả năng thực hiện có kết quả những hành động trên cơ sở những kiến thức có được đối với việc giải quyết những nhiệm vụ đặt ra phù hợp với mục tiêu và điều kiện cho phép.

Theo tác giả Đặng Thành Hưng, kỹ năng là một dạng hành động được thực hiện tự giác dựa trên tri thức về công việc, khả năng vận động và những điều kiện sinh học-tâm lí khác của cá nhân (chủ thể của kỹ năng đó) như nhu cầu, tình cảm, ý chí, tính tích cực cá nhân... để đạt được kết quả theo mục đích hay tiêu chí đã định, hoặc mức độ thành công theo chuẩn hay quy định [11; tr 25].

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới bộ kỹ năng của người lao động bao gồm nhiều lĩnh vực kỹ năng khác nhau: kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội và hành vi, kỹ năng kỹ thuật. Những lĩnh vực này bao gồm các kỹ năng công việc cụ thể, phù hợp cho các ngành nghề cụ thể, cũng như năng lực nhận thức và các tố chất cá nhân khác nhau có ý nghĩa quyết định đến thành công trên TTLĐ:

- Các kỹ năng nhận thức bao gồm kỹ năng sử dụng tư duy lô-gíc, trực giác và tư duy phê phán cũng như tư duy giải quyết vấn đề thông qua các kiến thức đã có. Các kỹ năng này bao gồm khả năng đọc, viết và tính toán, và mở rộng đến cả năng lực hiểu được các ý tưởng phức tạp, học hỏi từ kinh nghiệm, và phân tích vấn đề sử dụng các quy trình tư duy lô-gic.

- Các kỹ năng xã hội và hành vi bao gồm các tố chất cá nhân có tương quan đến thành công trên TTLĐ như: cởi mở để trải nghiệm, tận tâm, hướng ngoại, biết cách tán đồng và sự ổn định về cảm xúc.

- Các kỹ năng kỹ thuật bao gồm sự khéo léo để sử dụng các công cụ, thiết bị phức tạp cho đến các kiến thức cụ thể liên quan đến công việc và các kỹ năng trong các lĩnh vực chuyên ngành như kỹ sư hay y khoa. [20; tr 11]

Tuy nhiên, việc phân chia như vậy chỉ mang tính tương đối và chủ yếu phục vụ mục tiêu nghiên cứu xã hội học vì không phải lúc nào cũng tồn tại lằn ranh rõ ràng mà có sự giao thoa 3 lĩnh vực kỹ năng trên. Chẳng hạn, có những kỹ năng kỹ thuật sẽ không thể thực hiện được nếu không dựa trên những hành vi phù hợp, và hẳn nhiên phải dựa trên kiến thức và sự hiểu biết thiết yếu, tối thiểu. Hoặc những ứng xử nghề nghiệp phù hợp nhiều khi chỉ có được thông qua kinh nghiệm và trải nghiệm trong cuộc sống và lao động mà không chỉ do khóa đào tạo mang lại. Trong phạm vi của đào tạo nghề, theo chúng tôi, kỹ năng là sự vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã có để giải quyết một nhiệm vụ hay thực hiện một công việc nào đó theo yêu cầu của nghề phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cho phép.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây