Một số khái niệm/Một số khái niệm khác có liên quan

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nghề[sửa]

Cho đến nay, thuật ngữ nghề được hiểu và định nghĩa theo nhiều cách. Song, nghề là hiện tượng xã hội, có tính lịch sử nên qua mỗi thời kỳ phát triển của loài người lại có những định nghĩa khác nhau.

Nghề là tập hợp các hoạt động lao động chuyên môn làm theo yêu cầu của xã hội và nhu cầu sinh sống của con người. Trong điều kiện ngày nay, khi phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, một người có thể làm nhiều nghề, chuyển nghề trong cuộc đời hoạt động của mình. Yêu cầu về nghề thay đổi, nội dung nghề phát triển dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: kinh tế, khoa học - kỹ thuật - công nghệ, văn hóa - xã hội... Đồng thời, nghề luôn phát triển, xuất hiện nghề mới và tiêu vong nghề cũ theo quy luật của nền kinh tế có “cung - cầu”, có “cạnh tranh” với nhiều yếu tố tác động tới TTLĐ và nghề [40; 42]. Có thể nhận thấy một số nét đặc trưng về khái niệm nghề, đó là:

- Công việc chuyên làm;

- Phương tiện để sinh sống;

- Gắn với một người suốt đời hoặc phần lớn cuộc sống;

- Có thể làm thuê cho người khác hoặc làm cho bản thân;

- Phù hợp với yêu cầu của xã hội và nhu cầu bản thân.

Bất cứ nghề nghiệp nào cũng chứa tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm và hiệu quả. Nghề luôn là cơ sở giúp cho con người có nghiệp (có việc làm). Thông qua quá trình hoạt động nghề nghiệp (hành nghề, tác nghiệp) con người tạo ra những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của cá nhân và xã hội.

Trình độ[sửa]

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam thì trình độ (học vấn) là dung lượng, mức độ và chất lượng của hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, thái độ cảm xúc và đánh giá tương ứng trong cấu trúc nhân cách. Trình độ học vấn chung của con người cấu thành từ học vấn phổ thông, chuyên nghiệp, từ cuộc sống, kinh nghiệm ứng xử, thông qua con đường chủ đạo là dạy học, giáo dục và hoạt động “nhận thức-thực tiễn xã hội” của chính người đó [38; tr 594].

Tuy nhiên, làm thế nào để văn bằng và trình độ có thể đồng nhất và đủ tin cậy để chứng tỏ một người sở hữu một văn bằng nào đó thì cũng có nghĩa có trình độ tương ứng?

Trên thế giới, đến nay, khái niệm trình độ cũng được hiểu tương đối thống nhất với định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Đó là một văn bằng chính thức do một đơn vị chính thức phát hành, để công nhận rằng một cá nhân đã được đánh giá là đạt chuẩn đầu ra hoặc năng lực theo tiêu chuẩn đã qui định cho loại trình độ đó, thường là một loại chứng chỉ sơ cấp, bằng trung cấp, cao đẳng hoặc đại học. Việc học tập và đánh giá một trình độ có thể được thực hiện thông qua kinh nghiệm làm việc và/ hoặc một chương trình học tập. Một trình độ thể hiện sự công nhận chính thức về giá trị trên TTLĐ và cho bậc giáo dục và đào tạo cao hơn. [70; tr 2&3]

Bộ phận nhỏ nhất của một trình độ gọi là đơn vị trình độ. Đơn vị trình độ cũng có thể là một mô đun, chuyên đề hoặc năng lực. Đây là phần nhỏ nhất của một trình độ hoặc chương trình, có thể đánh giá một cách riêng rẽ và được chứng nhận.

Khung trình độ[sửa]

KTĐQG đã mở rộng đầu tiên từ các quốc gia nói tiếng Anh đầu những năm 1990 và lan sang các quốc gia ở tất cả các khu vực trên thế giới. Tuck (2007) đã mô tả KTĐ như một công cụ để phát triển, phân loại và công nhận các kỹ năng, kiến thức và năng lực theo những mức độ được chấp thuận liên tục. Đó là một cách cấu trúc trình độ mới và trình độ hiện tại được định nghĩa bởi chuẩn đầu ra (learning outcomes). Năm 2012, Tổ chức Đào tạo Châu Âu (ETF) đã ước tính có khoảng 130 quốc gia đã xây dựng KTĐQG. Những nước có KTĐQG đầu tiên là Scốtlen, Vương quốc Anh, Niu Zi Lân, Úc và Nam Phi. Các khung này đều dựa trên khái niệm chuẩn đầu ra như là cơ sở nền tảng cho trình độ. Trong một số trường hợp, chuẩn đầu ra có nguồn gốc từ khái niệm năng lực trong lĩnh vực đào tạo nghề.

KTĐQG là một công cụ để xây dựng và phân loại trình độ theo một bộ tiêu chí hoặc theo các tiêu chí dành cho các cấp độ học tập đã đạt được. Bộ tiêu chí này có thể được bao hàm trong bản mô tả trình độ hoặc được diễn giải dưới hình thức một bộ mô tả cấp độ. Phạm vi của khung có thể bao gồm toàn bộ các thành tựu học tập đạt được và các hình thức học hoặc có thể giới hạn ở một lĩnh vực học cụ thể, ví dụ như giáo dục ban đầu, giáo dục và đào tạo cho người trưởng thành hoặc một lĩnh vực nghề nghiệp.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây