Nam châm có thể ảnh hưởng đến não

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Từ trường của nam châm có thể làm rối loạn hoạt động não và khiến chúng ta đưa ra quan điểm lệch lạc.

Hai bị cáo trong một phiên tòa tại hạt Pierce, bang Washington, Mỹ vào ngày 30/3. Ảnh minh họa: AP.

Khi con người nghe tin về một hành động tội ác nào đó như tống tiền, giết người, cướp của, đa số chúng ta cần thêm thông tin trước khi đưa ra phán quyết về việc hành động đó hợp lý hay vô đạo đức, vô tình hay cố ý. Một vụ giết người bằng súng có thể là một tai nạn nếu người bắn bóp cò khi nạn nhân đang cầm dao xông tới. Nhưng nó là vụ giết người có chủ ý nếu nạn nhân chẳng làm gì khiến người bắn phải hoảng sợ.

Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy trên vỏ não người có một vùng chịu trách nhiệm xử lý những đánh giá về đạo đức. Vùng này - nằm gần tai phải - được gọi là thùy thái dương bán cầu não phải.

Livescience cho biết, Liane Young - một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ - cho rằng nếu hoạt động của thùy thái dương bán cầu não phải trở nên rối loạn, quan điểm đạo đức của con người sẽ thay đổi. Để chứng minh, Young và các đồng nghiệp tiến hành thử nghiệm đối với một số người tình nguyện.

Nhóm nghiên cứu áp dụng một kỹ thuật có tên "kích thích từ trường xuyên sọ" (transcranial magnetic stimulation) để trực tiếp làm gián đoạn hoạt động của thùy thái dương bán cầu não phải của một số tình nguyện viên. Nguyên lý của kỹ thuật này như sau: Các chuyên gia dùng nam châm để tạo ra từ trường trên một vùng nhỏ của não khiến các tế bào thần kinh không thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, kỹ thuật chỉ gây nên hiệu ứng tạm thời nên không gây nguy hiểm cho tình nguyện viên.

Trong thử nghiệm thứ nhất, Young và cộng sự áp dụng kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ đối với 8 tình nguyện viên rồi yêu cầu họ câu chuyện về một chàng trai dẫn một cô gái qua cầu. Trong một kịch bản, chàng thanh niên muốn gây hại cho cô gái song thiếu nữ vẫn bình an vô sự. Nhưng trong một kịch bản khác, chàng trai có ý tốt song lại vô tình để cô gái vấp phải chướng ngại vật khiến mắt cá chân của cô vỡ. Sau đó họ phải đánh giá hành động của các nhân vật dựa trên một thang điểm về đạo đức. Điểm thấp nhất là 1 (hoàn toàn không thể chấp nhận) và điểm cao nhất là 7 (hoàn toàn được phép).

Thử nghiệm thứ hai diễn ra gần giống với thử nghiệm thứ nhất, song lần này các chuyên gia sử dụng kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ khi 12 tình nguyện viên đang suy nghĩ để đưa ra đánh giá về hành động của các nhân vật.

Kết quả cho thấy, trong thử nghiệm thứ nhất tình nguyện viên tập trung vào ý định của người thanh niên chứ không quan tâm tới hậu quả của hành động. Họ đều lên án việc chàng thanh niên muốn gây hại cho cô gái nhưng không thành công. Do tác dụng của từ trường biến mất ngay trước khi tình nguyện viên đọc kịch bản nên phán xét của họ giống như người bình thường. Tuy nhiên, trong thử nghiệm thứ hai thì họ chỉ xem xét hậu quả chứ không chú ý tới ý định của người thanh niên. Vì thế họ lên án việc chàng trai để cô gái bị vỡ mắt cá chân, dù anh ta chẳng có ý định xấu.

Nhóm nghiên cứu cho rằng sự rối loạn của thùy thái dương bán cầu não phải khiến các tình nguyện viên lúng túng trong việc phân tích ý định của chàng trai. Vì thế họ đưa ra nhận xét dựa trên hậu quả của hành động.

"Họ cho rằng nếu thủ phạm cố ý hãm hại nạn nhân nhưng hành động của thủ phạm không gây nên bất kỳ thiệt hại hay tổn thương nào thì luật pháp không nên trừng phạt. Ngược lại, nếu một cá nhân muốn làm việc tốt với người khác nhưng vô tình gây thiệt hại cho người kia thì đó là tội ác", Young nói.

Young cho rằng phát hiện trên không chỉ có ý nghĩa đối với những chuyên gia thần kinh mà còn quan trọng đối với các thẩm phán hay ban hội thẩm trong các phiên tòa.

"Nghiên cứu này chứng tỏ rằng bất kỳ một cá nhân nào cũng có thể bị tác động để đưa ra đánh giá có lợi hoặc có hại cho bị cáo trong các phiên tòa. Một điều rõ ràng là với sự hiện diện của nam châm, một thành viên hội thẩm hoặc cả ban hội thẩm sẽ chỉ quan tâm tới hậu quả của hành động để phán xét bị cáo chứ xem xét ý định của bị cáo", Young giải thích.

  • Nguồn: Minh Long - VnExpress
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này