Ngôn ngữ chuyên ngành nhìn từ góc độ phương pháp giao tiếp trong khoa học và tiếp nhận văn bản khoa học

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nội dung[sửa]

Trong quá trình đào tạo một chuyên ngành bất kì, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, khi ngoại ngữ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong giao lưu và chuyển giao công nghệ, điều kiện thiết yếu để nắm vững chuyên môn của chuyên ngành nhất định là nắm vững ngôn ngữ chuyên ngành trên cơ sở văn bản khoa học và ngôn từ khoa học trong giao tiếp. Mỗi cán bộ trẻ trên cương vị công tác chuyên môn cần biết cách đọc nhanh và hiểu nhanh văn bản khoa học theo chuyên ngành của mình và chuyển tải nội dung khái quát của văn bản ở dạng nói hoặc viết, biết cách thảo luận một cách tự nhiên và hiểu biết về các chủ đề chuyên môn, cũng như cần biết cách tạo lập văn bản theo phong cách ngôn ngữ và thể loại văn bản trong khuôn khổ nắm vững chuyên môn của mình. Có thể nói rằng, các kĩ năng trên là một bộ phận quan trọng trong quá trình đào tạo cán bộ khoa học.

Trong quá trình đào tạo và tự đào tạo, cùng với toàn bộ các kiến thức về chuyên môn nhất định, người học cần nắm vững một lượng tối thiểu các kiến thức về lí luận và thực hành phong cách ngôn ngữ khoa học, cũng như ngôn ngữ chuyên ngành của mình. Hiện nay, ở Việt Nam, phong cách ngôn ngữ khoa học và ngôn ngữ chuyên ngành còn chưa được giảng dạy trong hầu hết các cơ sở đào tạo như một môn học chính khóa. Vấn đề này sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều khi công việc cần đến ngoại ngữ chuyên ngành, khi người làm chuyên môn cần nắm vững chuyên ngành của mình bằng tiếng nước ngoài và chuyển dịch được các kiến thức về chuyên ngành đó sang tiếng Việt một cách chính xác và đầy dủ.

Cơ sở để nắm vững ngôn ngữ chuyên ngành cụ thể trong giao tiếp và tiếp nhận văn bản khoa học là phong cách ngôn ngữ khoa học. Trong hệ thống các phong cách ngôn ngữ chức năng tiếng Việt, phong cách ngôn ngữ khoa học chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Có thể nói rằng phong cách ngôn ngữ khoa học, ở dạng nói cũng như viết, hoạt động dưới dạng đặc thù của ý thức xã hội và tư duy một cách khách quan và khoa học dựa trên hệ thống các kiến thức cụ thể về con người, về xã hội và về thế giới vật chất. Phong cách ngôn ngữ khoa học và ngôn ngữ khoa học cụ thể tạo nên thế giới ngôn ngữ khác so với thế giới ngôn ngữ của khẩu ngữ tự nhiên. Mỗi khoa học cụ thể như toán học, sinh học, xã hội học, luật học v.v. đều tạo nên bức tranh riêng biệt về thế giới khoa học của mình và thể hiện sự lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ cũng như kiểu loại văn bản khoa học nhất định một cách đặc thù.

Ngoài những đặc trưng riêng biệt, phong cách ngôn ngữ khoa học thể hiện hàng loạt đặc điểm chung đối với tất cả các lĩnh vực khoa học khác nhau. Không phụ thuộc vào đối tượng mô tả, vào kiểu tư duy hoặc phương pháp nghiên cứu, phong cách ngôn ngữ khoa học được đặc trưng bởi các dấu hiệu ngoại ngôn ngữ như tính chính xác, trừu tượng, lôgíc và khách quan (theo M.N.Kozưna). Các đặc trưng này của phong cách ngôn ngữ khoa học ở các mức độ khác nhau được thể hiện cả trong các phong cách ngôn ngữ chức năng khác như hành chính – công vụ, chính luận – báo chí và thậm chí trong hàng loạt cách diễn trong khẩu ngữ tự nhiên. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng các dấu hiệu ngoại ngôn ngữ đã nêu đều cần thiết và bắt buộc đối với việc tạo lập văn bản khoa học và giao tiếp trong lĩnh vực khoa học.

Việc nghiên cứu phong cách ngôn ngữ khoa học và các phương tiện ngôn ngữ kèm theo được thực hiện trong giao tiếp khoa học, trước hết, dựa trên cơ sở của sự chọn lựa. Việc chọn lựa này được thực hiện một cách liên tục, bởi văn bản khoa học là đối tượng chính trong hoạt động của quá trình đào tạo và tự đào tạo. Văn bản khoa học là kiểu văn bản đặc thù với hàng loạt hạn chế có tính nguyên tắc về từ vựng - ngữ nghĩa, với ngữ pháp đặc trưng và các dấu hiệu riêng về cấu trúc, thể loại v.v. Xét về mặt chức năng ngôn ngữ, văn bản khoa học khác với các thể loại văn bản hành chính và văn học về sự lựa chọn các phương tiện biểu đạt văn bản. Văn bản khoa học sử dụng tích cực các dạng thức và thủ thuật tư duy đặc biệt như loại suy và giả định, các công thức và hình vẽ mô tả. Có thể thấy rằng văn bản khoa học tuân thủ sự lựa chọn theo trình tự: S (chủ thể giao tiếp) – O (đối tượng mô tả) – R (địa chỉ giao tiếp). Ở đây, nhân tố chủ thể phần lớn xác định tổ chức tình thái của văn bản khoa học; nhân tố đối tượng mô tả thể hiện nội dung thông tin khoa học bao gồm cấu tạo của văn bản và sự lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ đặc thù; nhân tố địa chỉ giao tiếp được phản ánh qua việc lựa chọn các dạng thức, thể loại văn bản và phong cách ngôn ngữ. Một văn bản khoa học bất kì đều có thể hàm chứa các yếu tố mang tính hội thoại công khai và tiềm ẩn. Như vậy, các thể loại văn bản, sự đa dạng về nội dung và phong cách ngôn ngữ của văn bản phụ thuộc vào nội dung giao tiếp chủ yếu của văn bản.

Vấn đề chủ yếu trong chọn lựa là tường thuật khoa học. Trên thực tế, văn bản khoa học được tạo lập bởi một số hạn chế ngôn ngữ như cấu tạo chủ yếu bởi các danh từ, sử dụng từ loại ngôi thứ I số nhiều (chúng tôi, chúng ta), vô nhân xưng, bị động v.v. Sự chọn lựa được thực hiện trong việc sử dụng nhiều danh từ, cụm danh từ và ngữ định danh. Có thể nhận thấy rõ rằng chiếm tần số cao trong các văn bản khoa học là các từ và cụm từ mang nghĩa trừu tượng, danh động từ, trong đó số lượng các phương tiện liên kết cú pháp tăng một cách đáng kể.

Đặc biệt quan trọng đối với giao tiếp khoa học là thuật ngữ chuyên ngành đòi hỏi các kiến thức về chuyên môn và nỗ lực đặc biệt của độc giả để có thể đọc và hiểu văn bản theo chuyên ngành nhất định. Sự chọn lựa được thể hiện ở việc cần thiết sử dụng các đoản ngữ đã được thuật ngữ hóa trong các văn bản khoa học. Như vậy, lựa chọn đúng các phương tiện ngôn ngữ cần thiết là điều kiện để tạo lập văn bản khoa học, và rộng hơn là điều kiện hoạt động của phong cách ngôn ngữ khoa học.

Vấn đề quan trọng nhất để tổ chức ngôn từ khoa học và văn bản khoa học là tính hệ thống, là sự tổ chức toàn diện các phương tiện ngôn ngữ để tạo nên bức tranh thế giới có tính khoa học. Có thể nhận thấy rằng tính hệ thống được thể hiện trong mỗi phong cách chức năng của ngôn ngữ. Theo M.N.Kozưna, phong cách ngôn ngữ được tạo thành chính bởi hệ thống các phương tiện liên kết, trong tổng thể xác định các đặc trưng cho dạng lời, tạo ra đặc tính mà chúng ta cảm nhận theo trực giác, ví dụ như phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ hành chính, phong cách ngôn ngữ báo chí v.v. Tuy nhiên, không ở đâu, không trong bất kì phong cách ngôn ngữ nào mà tính hệ thống được thể hiện rõ nét và nghiêm ngặt như trong phong cách ngôn ngữ khoa học. Tính hệ thống của việc chọn lựa và tổ chức các phương tiện ngôn ngữ trong ngôn ngữ khoa học hoàn toàn tương ứng với các dấu hiệu ngoại ngôn ngữ của tính chính xác, trừu tượng, lôgích và khách quan. Do chịu các hạn chế theo truyền thống về việc sử dụng các phương tiện xúc cảm và biểu cảm, về lựa chọn các phương tiện hình thái và cú pháp, ngôn từ khoa học phải loại bỏ nhiều khả năng của ngôn ngữ toàn dân để tuân thủ tính hệ thống, lôgích rành mạch và chính xác nghiêm ngặt.

Trong văn bản khoa học, mối quan hệ của các yếu tố được thể hiện một cách rõ ràng, từ được lặp lại, trật tự từ trung hòa, tính chuẩn mực về cấu trúc ngữ nghĩa, kết cấu và các đặc trưng khác của văn bản hoàn toàn tương ứng với các yêu cầu về tính hệ thống của một văn bản khoa học và chỉ thay đổi khi có yêu cầu của các khoa học riêng biệt.

Trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu thuộc khối các lĩnh vực khoa học và công nghệ, ngôn ngữ được sử dụng là ngôn ngữ chuyên ngành. Cán bộ giảng dạy tiếng Anh hoặc ngoại ngữ tại các cơ sở đào tạo nói trên không chỉ đơn giản nghiên cứu phong cách ngôn ngữ khoa học, mà là nghiên cứu ngôn ngữ chuyên ngành.

Nghiên cứu ngôn ngữ chuyên ngành là quá trình thực hành phong cách ngôn ngữ khoa học trong hệ thống sử dụng lĩnh vực kiến thức nhất định và chuyên ngành cụ thể. Trong lĩnh vực phương pháp luận nói riêng, đây là lĩnh vực dạy ngoại ngữ đảm bảo giao tiếp khoa học học đường và chuyên môn khi lĩnh hội các kiến thức chuyên ngành tại cơ sở đào tạo bằng ngôn ngữ được học.

Đơn vị hành chức chủ yếu của quá trình dạy và học ngôn ngữ chuyên ngành là văn bản khoa học mà người học cần có kĩ năng đọc, hiểu, tái tạo và tạo lập. Vì vậy, vấn đề thực hành văn bản khoa học bao giờ cũng được bắt đầu từ phương pháp dạy và đọc hiểu. Một điều quan trọng khác về nắm vững ngôn ngữ chuyên ngành là khả năng nghe bài giảng hoặc nghe hiểu một vấn đề. Các kĩ năng đọc và nghe hiểu trong các lĩnh vực khoa học luôn mở ra con đường tiến tới nắm vững ngôn ngữ độc thoại và hội thoại chuyên ngành.

Tài liệu tham khảo[sửa]

1. Беляева Л.Н. Теория и практика перевода. Санкт-Петербург, 2003.

2. Волхова З.Н. Научно-технический перевод. М., 2000.

3. Жукова В.В. К вопросу об интенсификации процесса обучения взрослых иностранному языку (на материале английского языка). - с. 291 - 303. // Функциональные стили и преподавание иностранных языков. Отв. ред. М.Я. Цвиллинг. М., Наука, 1982. - 360 с.

4. Метс Н.А. Особенности синтаксиса научного стиля речи и проблемы обучения иностранных учащихся. М., МГУ, 1979.

5. Митрофанова О.Д. Научный стиль речи: проблемы обучения. М., 1985.

6. Основы научной речи. Под ред. В.В.Химика, Л.Б.Волковой. М. - СПб, 2003, с.5.

7. Федоров А.В. Основы общей теории перевода. М., “Высшая школа”, 1983.

8. Дао Хонг Тху. Характерные особенности перевода научного текста эпохи межъязыковой коммуникации - Прикладная лингвистика: новый век. Сб. научно-методических статей, вып.1, С-Петербург, 2006, с.48-55.

9. Nguyễn Hữu Quỳnh. Tiếng Việt hiện đại. Hà Nội, Trung tâm biên soạn Bách khoa Việt Nam, 1994.

10. Nguyễn Kim Thản và những người khác. Tiếng Việt trên đường phát triển. Nxb.KHXH, 1982.

Bản quyền[sửa]

TS.Đào Hồng Thu

Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số tháng 4/2007.