Ngăn bệnh lở miệng phát triển

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Lở miệng là bệnh do vi-rút Herpes Simplex gây ra, bệnh rất dễ lây lan và lây truyền qua tiếp xúc. Có đến 90% người trưởng thành dương tính với bệnh này, ngay cả khi chưa từng có triệu chứng.[1] Lở miệng là những mụn nước nhỏ thường xuất hiện quanh miệng. Những mụn nước này thường lành trong vòng 2-4 tuần.[2] Hiện chưa có cách chữa hay vắc-xin ngừa bệnh. Tuy nhiên, thay đổi thói quen và thường xuyên vệ sinh cá nhân sẽ giúp ngăn lở miệng phát triển và lây lan.

Các bước[sửa]

Điều trị lở miệng[sửa]

  1. Nhận biết dấu hiệu. Nếu đã từng bị lở miệng, bạn có thể nhận biết khi nào bệnh sắp xuất hiện. Dấu hiệu gồm có cảm giác ngứa, bỏng rát hoặc ngứa ran quanh miệng khoảng 1 ngày trước khi bệnh lở miệng xuất hiện.[1] Nếu nghi ngờ sắp bị lở miệng, bạn có thể bắt đầu điều trị ngay để rút ngắn thời gian bệnh. Ngoài ra, phát hiện sớm sẽ tránh vô tình lây lan vi-rút cho người khác do tiếp xúc.
    • Lở miệng thường xuất hiện khi bạn căng thẳng quá độ, quá mệt mỏi hoặc khi bị nhiễm vi-rút hoặc sốt (lở miệng còn được gọi là "mụn nhiệt").[1]
  2. Sử dụng thuốc thoa không kê đơn. Có nhiều loại kem kháng vi-rút mà bạn có thể tự mua không cần đơn thuốc của bác sĩ để điều trị lở miệng. Các thuốc này có tác dụng tăng tốc độ chữa lành lở miệng nhưng không thực sự giúp loại bỏ vi-rút Herpes Simplex hay giúp ngăn ngừa bệnh tái phát. Thuốc chỉ hiệu quả nếu thoa sớm ngay sau khi mụn nước xuất hiện.
    • Các kem kháng vi-rút mà bạn có thể sử dụng gồm có Acyclovir, Penciclovir và Docosanol.[3]
    • Kết quả báo cáo từ một nghiên cứu cho thấy Penciclovir có hiệu quả kháng vi-rút cao nhất.[4]
    • Bạn chỉ cần thoa kem 4-5 ngày, nhiều nhất 5 lần mỗi ngày.[3]
    • Nên dùng tăm bông hoặc đeo găng tay dùng một lần khi thoa kem để tránh vi-rút lây sang tay.[5]
  3. Xem xét việc sử dụng thuốc uống kháng vi-rút. Nhiều kem kháng vi-rút cũng có ở dạng viên uống. Bạn có thể uống trực tiếp nếu không muốn dùng kem thoa.[2] Thuốc uống có thể hiệu quả hơn kem thoa tại chỗ. Bạn không phải chạm vào vết lở miệng, từ đó ngăn lở miệng lây lan. Nếu chưa chắc chắn, bạn có thể hỏi bác sĩ và dược sĩ để được tư vấn.
  4. Xoa dịu cơn đau. Bên cạnh thuốc kháng vi-rút, bạn có thể cân nhắc việc uống thuốc giảm đau để xoa dịu cơn đau và giảm kích ứng do lở miệng. Nếu muốn giảm ngứa do lở miệng, bạn có thể dùng kem không kháng vi-rút để xoa dịu kích ứng. Tuy nhiên, cần nhớ rằng những thuốc này không giúp điều trị lở miệng hay giúp bệnh mau khỏi. Tốt nhất nên hỏi ý kiến của dược sĩ.[3]
    • Có thể uống thuốc giảm đau thông thường như Ibuprofen và Paracetamol để xoa dịu cơn đau do lở miệng.[6]
  5. Dùng vật lạnh để xoa dịu kích ứng. Chườm vật lạnh lên vết lở miệng có thể giúp giảm đau và giảm kích ứng. Bạn có thể nhẹ nhàng đặt đá viên lên vết lở miệng hoặc chườm khăn ẩm, mát lên mặt. [7] Chườm mát có thể giúp giảm đỏ và kích thích vết lở miệng lành lại. [8] Bạn có thể chườm khăn mát lên vết lở miệng 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 20 phút.[6]
  6. Cân nhắc sử dụng liệu pháp tự nhiên. Mặc dù không đáng tin cậy bằng thuốc nhưng có nhiều liệu pháp tự nhiên được cho rằng có thể giúp điều trị lở miệng. Một trong số đó là L-lysine, một loại axit amin có thể mua ở dạng thực phẩm chức năng và dạng kem. Thoa một lượng nhỏ L-lysine lên vết lở miệng có thể giúp ích. Ngoài ra, Propilis, hay keo ong tổng hợp, có thể giúp rút ngắn thời gian bệnh nếu thoa lên vết lở miệng sớm và thường xuyên.
    • Kem chứa đại hoàng và xô thơm được xem như nguyên liệu tại gia có thể thay thế cho kem Acyclovir.
    • Căng thẳng có thể gây lở miệng, do đó, tìm cách giảm mức độ căng thẳng có thể giúp ích.[9]

Duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ[sửa]

  1. Giữ tay sạch. Vệ sinh cá nhân tốt là cách để ngăn lở miệng phát triển hoặc lây lan. Nên giữ tay sạch bằng cách rửa thường xuyên với xà phòng và nước để giảm nguy cơ lây bệnh. Không nên chạm tay vào vết lở miệng; nên giữ tay sạch để phòng trường hợp vô tình chạm phải.[10]
    • Nếu chạm vào vết lở miệng, bạn phải rửa tay sạch ngay lập tức. Nếu không, bạn có thể khiến vi-rút lây lan đến những bộ phận khác trên cơ thể.
  2. Tránh lây vi-rút cho người khác. Nên biết rằng một phần quan trọng của thói quen duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ đó là tránh lây lan vi-rút cho người khác. Bạn có thể ngăn lây lan vi-rút bằng những việc đơn giản như không dùng chung đồ dùng cá nhân (đồ dùng tiếp xúc với vết lở miệng). Không dùng chung vật dụng như khăn tắm, cốc, son môi, dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng.[11]
    • Ngoài ra, bạn không nên hôn người khác hoặc quan hệ tình dục bằng miệng. Hành động này có thể lây truyền vi-rút.[12]
    • Quan hệ tình dục bằng miệng khi đang bị lở miệng có thể lây truyền vi-rút cho đối phương và gây mụn rộp ở cơ quan sinh dục. [13]
  3. Rửa mặt nhẹ nhàng. Lở miệng có thể gây khó khăn khi rửa mặt. Nên nhớ điều quan trọng nhất là tránh kích thích vết lở miệng. Bạn chỉ nên rửa mặt hai lần mỗi ngày và dùng xà phòng dịu nhẹ. Có thể chỉ dùng nước nếu xà phòng gây kích thích vết lở miệng. Ngoài ra, phải rửa tay sạch trước khi rửa mặt. [14]

Không gây kích ứng vết lở miệng[sửa]

  1. Không chạm vào vết lở miệng. Nếu muốn ngăn bệnh lở miệng phát triển và lây lan, bạn cần kiềm chế ý muốn chạm vào, gãi hoặc xoa vết lở miệng. Chạm vào có thể khiến vết lở miệng thêm trầm trọng và tăng nguy cơ lây vi-rút đến các bộ phận khác trên cơ thể.[6] Chạm vào vết lở miệng sẽ khiến vi-rút dính vào tay và gây bệnh chín mé.
    • Mắt cũng có thể bị lây nhiễm vi-rút, có thể gây sẹo, tổn thương hoặc vấn đề về thị lực.
    • Bệnh lở miệng có thể lây đến những vùng khác trên da. Nguy cơ lây lan đến da sẽ cao hơn nếu bạn bị bệnh chàm và bệnh có thể gây vấn đề nghiêm trọng. [15]
  2. Che và bảo vệ vết lở miệng. Để ngăn bệnh lở miệng phát triển, bạn có thể che vết lở miệng lại để bảo vệ khỏi tác nhân gây kích ứng và tránh gây nhiễm trùng thêm. Có thể dùng miếng dán chứa gel hydrocolloid để che và bảo vệ vết lở miệng. Miếng dán là công cụ hiệu quả để điều trị vết thương trên da, giúp vết thương nhanh lành và bảo vệ vết thương.[3]
    • Hoặc bạn có thể thoa sáp dưỡng ẩm để bảo vệ vết lở miệng. Rửa tay sạch trước khi thoa sáp dưỡng ẩm.[16]
  3. Tránh tác nhân gây kích ứng. Ngoài việc tránh chạm vào vết lở miệng, bạn cần đảm bảo không cho các tác nhân kích ứng tiếp xúc với vết lở miệng. Ở một số đối tượng, ánh nắng mặt trời có thể kích thích gây lở miệng. Nếu nằm trong nhóm này, bạn nên thoa nhiều kem chống nắng để bảo vệ da, đặc biệt là da quanh miệng, môi, hoặc vị trí vết lở miệng thường xuất hiện.[17]
    • Thức ăn cay, mặn và có tính axit có thể gây kích ứng mụn nước quanh miệng và môi. Nên tránh ăn những thực phẩm này khi bị lở miệng. [7]

Cảnh báo[sửa]

  • Cảnh giác với dấu hiệu nhiễm trùng thứ cấp, ví dụ như mủ nóng, mủ màu vàng xanh hoặc sưng. Đi khám bác sĩ nếu xuất hiện những dấu hiệu trên.
  • Nên đến gặp bác sĩ nếu cơn đau khiến bạn không thể ăn uống, bị mụn rộp sinh dục, mụn rộp quanh mắt hoặc mũi, hoặc mụn đỏ, sưng hoặc đau trong mắt.
  • Đi khám bác sĩ nếu lở miệng không lành sau 2 tuần hoặc vết lở miệng mới phát triển.[7]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]