Ngăn ngừa sẹo

Từ VLOS
(đổi hướng từ Ngăn ngừa Sẹo)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Một vết thương lâu ngày, dù lớn hay nhỏ, đều có thể sẽ để lại sẹo cho bạn. Đây là kết quả tự nhiên trong quá trình chữa lành vết thương: chất collagen ở lớp sâu hơn dưới da lộ ra và nhô lên bề mặt để “khép” lại vết thương, và sẹo đã hình thành trong quá trình đó. Không có cách trị liệu tại nhà màu nhiệm nào để ngăn chặn sẹo, nhưng có một số việc bạn có thể làm để tác động lên sự phát triển và lành lại của các mô sẹo trong quá trình lành vết thương.

Các bước[sửa]

Xử lý Vết Thương[sửa]

  1. Rửa vết thương. Bước đầu tiên cho phép vết thương bắt đầu quá trình chữa lành tự nhiên là làm sạch vùng da bị thương. Đảm bảo không để vật lạ nào kẹt trong vết thương, vì nó có thể gây nhiễm trùng.[1]
    • Dùng xà phòng và nước. Nhẹ nhàng rửa vùng da bị thương với xà phòng nhẹ dịu và nước ấm. Dùng vật liệu sạch và khô đè lên vết thương để cầm máu.
    • Tránh dùng nước ô-xy già để làm sạch vết thương. Khi cơ thể bắt đầu sản sinh ra các tế bào da mới, nước ô-xy già sẽ phá hủy các tế bào này và làm tăng khả năng hình thành sẹo ngay từ giai đoạn đầu của quá trình chữa lành.
  2. Xác định xem liệu bạn có cần chăm sóc y tế không. Những vết thương có thể cần chăm sóc đặc biệt là vết thương do các vật sắc nhọn đâm sâu vào da, vết thương chảy máu không ngừng, vết thương sâu, kèm theo gãy xương, nhìn thấy gân, dây chằng hoặc xương ở bên trong, vết thương ở trên mặt, vết thương do súc vật cắn, vết thương có những lớp da rách hoặc nham nhở, hoặc nó làm cho vết thương hiện tại hở ra.
    • Dựa vào độ nghiêm trọng, vết thương có thể cần được khâu hoặc may lại. Thực tế, việc may vết thương có thể giúp giảm nguy cơ để lại sẹo. Khi đã xác định vết thương không cần phải chăm sóc y tế và/hoặc phải khâu, bạn hãy thực hiện việc chăm sóc vết thương ở nhà.
    • Nếu vết thương ở trên mặt, có thể phải cần bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ khâu vết thương cho bạn, vì bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có khả năng dùng các kỹ thuật chuyên môn để giảm thiểu khả năng để lại sẹo.
  3. Bôi dầu khoáng petroleum jelly. Petroleum jelly giúp duy trì độ ẩm cho vùng da bị thương, đẩy mạnh quá trình chữa lành và ngăn ngừa đóng vảy. Petroleum jelly không ngăn cản quá trình chữa lành tự nhiên của vết thương mà thực tế còn đẩy nhanh quá trình đó.[1]
    • Nếu sẹo có hình thành thì việc dùng petroleum jelly có thể giúp giảm kích thước sẹo khi các mô liền lại.
    • Đóng vảy là quá trình tự nhiên của cơ thể để tạo nên lớp bảo vệ bên ngoài vết thương mới; tuy nhiên, sẹo bắt đầu hình thành ngay dưới lớp vảy đó.
    • Khi cơ thể tự chữa lành, chất collagen được đưa lên bề mặt da để nối lại mô bị vỡ hoặc tổn thương.
    • Sau đó, một lớp vỏ tạm thời, tức là lớp vảy, hình thành bên trên lớp collagen. Khi collagen hoạt động để làm liền mô bị vỡ, sẹo cũng bắt đầu hình thành ngay bên dưới lớp vảy.
  4. Dùng miếng đắp hydrogel hoặc băng gel silicone. Một số bằng chứng cho thấy miếng đắp hydrogel hoặc băng gel silicone giúp giảm việc hình thành sẹo. Những vật liệu này cung cấp độ ẩm cho các mô bị thương trong suốt quá trình chữa lành và giúp giảm sự hình thành sẹo.[1]
    • Miếng đắp hydrogel và gel silicone có tác dụng hỗ trợ sự trao đổi chất lỏng giữa các mô lành và mô bị thương tổn. Chúng là lớp băng ép giữ độ ẩm cho các mô và do đó hỗ trợ ngăn chặn sẹo.
    • Tuân theo hướng dẫn trên nhãn nếu bạn chọn một trong các sản phẩm này. Bạn có thể mua không cần toa bác sĩ. Các nhà sản xuất có khuyến cáo sử dụng cho các sản phẩm của họ.
    • Những sản phẩm tương tự có giá thấp hơn cũng có bán. Bạn thử hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về các miếng đắp mỹ phẩm chống sẹo không cần kê toa.
    • Tiếp tục dùng miếng đắp giữ ẩm/ ép trong nhiều tuần, thậm chí lâu hơn để giảm sự hình thành và kích thước sẹo.
    • Bạn không cần dùng petroleum jelly nếu đã chọn sử dụng miếng đắp hydrogel, băng gel silicone hay các vật liệu thay thế khác ít đắt tiền hơn, miễn là chúng cung cấp đủ độ ẩm cho vết thương.
    • Kiểm tra hàng ngày để xác định tác động của vết thương trong trường hợp cụ thể của bạn. Cân nhắc đổi vật liệu đắp nếu các mô không đủ ẩm và bắt đầu đóng vảy.
  5. Che phủ vết thương. Dùng băng có kích thước vừa phải băng lại để bảo vệ vết thương, giữ vùng da bị thương được kín và che phủ hoàn toàn vết thương. Sự tiếp xúc với không khí không cản trở quá trình lành vết thương nhưng cũng không giúp ngăn ngừa sẹo. Thực ra sẹo có nhiều khả năng hình thành hơn nếu bạn để vết thương không được che đậy và bảo vệ.[1]
    • Sự tiếp xúc với không khí khiến vết thương mau khô và dẫn đến hình thành vảy. Vảy đóng vai trò như một rào cản góp phần hình thành sẹo.
    • Nếu có làn da nhạy cảm với chất dính, bạn nên dùng miếng đắp không dính và dùng giấy hoặc băng y tế để băng kín lại.
    • Dùng băng cánh bướm. Loại băng này khép hai mép da bị đứt lại với nhau. Đảm bảo băng phải đủ dài để khi bôi petroleum jelly lên thì vẫn đủ để dính vào vùng da xung quanh.
    • Ngay cả khi đã dùng băng cánh bướm, bạn vẫn cần dùng gạc hoặc miếng đắp đủ rộng để che phủ hoàn toàn vùng da bị thương nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng hoặc vô tình tổn thương thêm.
  6. Thay miếng đắp hàng ngày. Rửa vết thương hàng ngày, kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng, giữ độ ẩm cho vết thương bằng cách bôi petroleum jelly và băng lại.[1]
    • Nếu băng cánh bướm vẫn chắc chắn và không có dấu hiệu nhiễm trùng bên dưới, bạn có thể để nguyên như thế.
    • Tiếp tục theo dõi vết thương hàng ngày để xem có tiến triển tốt không hay có dấu hiệu nhiễm trùng trong khi rửa vết thương, thay miếng đắp và bôi lại petroleum jelly.
    • Khi thấy lớp da mới hình thành với chiều hướng tốt, giai đoạn này có thể mất từ bảy đến mười ngày, bạn có thể kéo dài thời gian giữa các lần thay miếng đắp lên vài ngày, miễn là vẫn giữ đủ độ ẩm cho vùng da bị thương. Ngưng sử dụng cách trị liệu này khi vùng da đã lành hẳn.
  7. Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng. Thay miếng đắp hàng ngày, dùng xà phòng nhẹ dịu và nước để rửa sạch vết thương mỗi lần thay miếng đắp và kiểm tra xem có thay đổi nào báo hiệu tình trạng nhiễm trùng không. Ngay cả những vết thương được chăm sóc tốt nhất cũng có thể nhiễm trùng.[2]
    • Đến bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn để ý thấy các dấu hiệu nhiễm trùng. Bác sĩ có thể điều trị bằng các sản phẩm kháng sinh bôi lên vết thương hoặc có thể kê toa thuốc kháng sinh uống trong một thời gian.
    • Các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm hiện tượng đỏ hoặc sưng ở vùng bị thương, sờ vào thấy ấm nóng, xuất hiện các vệt đỏ trồi lên ở vùng da xung quanh vết thương, mủ hoặc dịch tích tụ dưới da gần vết thương hoặc rỉ ra từ vết thương, vết thương bốc mùi, đau từng cơn hoặc vùng da mềm bất thường, lạnh hoặc sốt.

Ngăn ngừa Hình thành Sẹo[sửa]

  1. Mát- xa vùng da bị thương. Khi vết thương bắt đầu lành, động tác mát-xa sẽ giúp phá vỡ sự hình thành collagen vốn gây ra mô sẹo. Cẩn thận không làm vết thương đang lành bị hở lại.[3]
    • Việc mát-xa phá vỡ quá trình hình thành liên kết collagen và ngăn ngừa hình thành các vùng cứng của collagen vốn gắn liền với sự phát triển lớp da mới. Động tác này ngăn ngừa sẹo hình thành hoặc giảm kích thước sẹo.
    • Mát-xa vùng da mỗi ngày nhiều lần bằng các động tác xoay tròn, mỗi lần 15 đến 30 giây.
    • Dùng lotion hoặc kem ngăn ngừa sẹo để hỗ trợ thêm khi mát-xa. Bạn có thể mua nhiều loại sản phẩm không cần toa bác sĩ.
    • Một nhóm sản phẩm thông dụng với nhiều ưu điểm trong các thành phần, trong đó có chiết xuất từ vỏ củ hành, đã được chứng minh là có tác dụng nhất định. Nhóm sản phẩm khác có chứa các thành phần kết hợp giúp duy trì độ ẩm trên da và giảm sự hình thành sẹo.
  2. Ép lên vết thương. Ép nhẹ và đều lên vết thương có thể giúp ngăn chặn hoặc giảm sẹo. Tập trung ép lên vùng có nhiều khả năng để lại sẹo nhất.[3]
    • Có các loại băng dùng để ép lên vết thương. Ngoài các miếng đắp hydrogel và silicone như đã đề cập ở trên, còn có các sản phẩm được thiết kế để tạo sức ép đều lên vết thương đồng thời bảo vệ vết thương.
    • Hỏi bác sĩ về cách làm loại băng ép thiết kế riêng cho thích hợp với bạn. Các lựa chọn bao gồm việc dùng các vật liệu đắp thông thường để làm dày thêm một phần của loại băng tiêu chuẩn và có thể đắp trực tiếp lên vùng có khả năng hình thành sẹo.
    • Đối với vùng da sẹo lớn hoặc lồi, có dụng cụ ép để sử dụng vào ban ngày trong vòng từ 4 đến 6 tháng. Đây là một phương pháp đắt tiền và cần bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc vết thương đánh giá và khuyên dùng.
    • Một nghiên cứu trên động vật dùng liệu pháp ép vết sẹo đã cho kết quả đáng kể và ổn định trong việc cải thiện vùng da sẹo, giảm độ dày của lớp da nơi từng có sẹo và tăng cường lưu thông máu ở vùng da được điều trị.[4]
  3. Dùng băng co giãn. Khi vùng da tổn thương đã bắt đầu lành và không có nguy cơ hở miệng vết thương, bạn hãy dùng băng co giãn dạng đặc trị để làm căng da, cải thiện sự lưu thông đến vùng bên dưới vết thương và ngăn chặn sự phát triển sẹo.[5]
    • Nhãn hiệu quen thuộc nhất của loại băng này là Kinesio Taping.
    • Chờ từ hai đến bốn tuần sau khi bị thương để đảm bảo vết thương lành hẳn.
    • Các kiểu băng khác nhau được khuyến cáo sử dụng dựa trên vị trí, độ sâu và độ dài của vết thương. Bạn hãy làm việc với bác sĩ, chuyên gia trị liệu hoặc huấn luyện viên thể thao để biết được kiểu nào thích hợp nhất có thể áp dụng cho vết thương của bạn.
    • Một kiểu băng thông dụng có tác dụng ngăn ngừa sẹo là áp một lớp hoặc một dải băng co giãn dọc theo chiều dài vết thương. Kéo giãn khoảng 25 -50% độ co giãn của băng. Xoa vuốt dải băng bên trên vùng da bị thương.
    • Dần dần tăng độ căng khi ép băng, miễn là da có thể chịu được mà không bị kéo hoặc rách.
    • Băng Kinesio có hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa vết sẹo khi áp dụng kiểu băng làm căng da, hỗ trợ lưu thông và bẻ gãy sự hình thành collagen. Nói chuyện với bác sĩ, chuyên gia trị liệu hoặc huấn luyện viên thể thao để biết kiểu nào thích hợp cho vết thương của bạn.
  4. Hạn chế vận động. Căng thẳng và cử động sẽ khiến vết sẹo rộng ra, vì vậy hãy cố gắng hết sức tránh các hoạt động có thể khiến vùng da xung quanh vết thương bị kéo căng.
    • Cử động nhẹ nhàng nếu vết thương ở các vùng khớp nối như khuỷu tay hay đầu gối. Mặc dù có lẽ bạn muốn cử động thoải mái như trước, nhưng bạn cần cẩn thận để vết thương không bị hở lại.
    • Tiếp tục những bài tập thể dục hoặc các hoạt động thường ngày, miễn là không tác động xấu lên vết thương. Tập thể dục giúp tăng cường sự lưu thông trong cơ thể, một yếu tố rất quan trọng trong quá trình chữa lành vết thương.

Nâng cao Kết quả Chữa lành Vêt thương[sửa]

  1. Không để vết thương tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Dùng kem chống nắng để bảo vệ lớp da mới khi vết thương đang lành và bạn không còn phải duy trì miếng đắp liên tục để che vết thương nữa.[3]
    • Tia cực tím từ mặt trời có thể làm chậm quá trình lành vết thương. Đảm bảo vết thương lành lại trước khi bạn loại bỏ các vật liệu đắp để bảo vệ da khỏi các tia mặt trời.
    • Ánh nắng mặt trời cũng kích thích các sắc tố của tế bào trong da, khiến lớp da mới dễ bị biến thành màu đỏ hoặc nâu, làm cho vết sẹo càng lộ rõ nếu nó được thành hình
    • Dùng sản phẩm chống nắng phổ rộng và độ SPF ít nhất là 30.
  2. Ăn theo chế độ dinh dưỡng thúc đẩy quá trình chữa lành. Duy trì chế độ ăn lành mạnh cung cấp các dưỡng chất nâng cao khả năng chữa lành các mô bị tổn thương. Các thành phần quan trọng trong chế độ ăn thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương là vitamin C, protein và kẽm.[6]
    • Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C trong thực đơn hàng ngày. Có bằng chứng hỗ trợ cho ý kiến khuyến nghị tăng cường lượng vitamin C nạp vào để ngăn chặn hình thành các mô sẹo ở các vết thương mới. Tuy thực phẩm bổ sung chứa vitamin C luôn sẵn có, nhưng bạn có thể lấy vitamin C từ chế độ ăn.[7]
    • Hỏi lại bác sĩ để biết chắc liều lượng. Hầu hết mọi người đều có thể tăng cường thực phẩm giàu vitamin C đủ để thúc đẩy quá trình chữa lành. Trong một vài trường hợp, có thể dùng vitamin C với liều lượng cao hơn nhưng phải được bác sĩ tư vấn.
    • Vitamin C sẽ được cơ thể tiêu thụ hết, do đó bạn nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C trong mỗi bữa ăn, thậm chí có thể dùng như món ăn vặt.
    • Rau củ giàu vitamin C gồm có ớt chuông, bông cải xanh, khoai tây, cà chua và bắp cải. Hoa quả có hàm lượng vitamin C cao là cam, dâu tây, bưởi, dưa ruột vàng và quýt.
    • Một số công trình nghiên cứu gần đây cho rằng tiêu thụ nhiều vitamin C hơn trong bữa ăn (hoặc có thể dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung), kèm với việc sử dụng kem bôi có thể giúp ngăn ngừa sẹo hình thành. Các sản phẩm vitamin C để bôi bao gồm nhiều loại có nồng độ từ 5-10%.
    • Tăng lượng kẽm bằng cách ăn các loại thực phẩm như thịt bò, gan và hải sản như cua. Kẽm cũng được tìm thấy trong hạt hướng dương, hạnh nhân, bơ đậu phộng, các sản phẩm sữa và trứng.
    • Protein là chất thiết yếu cung cấp dưỡng chất mà cơ thể cần để chữa lành làn da bị thương. Các nguồn dồi dào protein gồm có các sản phẩm từ sữa như trứng, sữa, phô mai, cá, sò, cá ngừ, gà , gà tây và thịt đỏ.
  3. Tăng cường tiêu thụ chất curcumin. Curcuminlà một gia vị chiết xuất từ củ gừng, và là hợp chất chủ yếu thường có trong củ nghệ, thường dùng trong các món ăn kiểu Ấn Độ.[8]
    • Một nghiên cứu trên động vật đã tìm thấy sự tương quan tích cực trong việc kiểm soát phản ứng sưng viêm, dẫn đến cải thiện quá trình chữa lành vết thương. Các tác giả đã kết luận rằng có mối liên hệ tích cực trong việc thúc đẩy quá trình chữa lành các mô bị thương tổn và việc ngăn ngừa sẹo.
    • Có bằng chứng hỗ trợ cho việc sử dụng curcumin vượt ra khỏi nghiên cứu trên động vật, tuy vẫn còn hạn chế.
  4. Bôi mật ong lên vết thương. Nghiên cứu về việc sử dụng mật ong để thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương còn gây tranh cãi, tuy nhiên có đủ bằng chứng hỗ trợ việc dùng mật ong dược phẩm để đẩy nhanh quá trình chữa lành một số vết thương. Sẹo sẽ ít có khả năng hình thành nếu vết thương tự lành nhanh hơn.[9]
    • Loại mật ong dược phẩm được khuyên dùng nhiều nhất để chữa trị vết thương là mật ong Manuka. Mật ong Manuka đã được FDA chứng thực vào năm 2007 như một lựa chọn được khuyến nghị dùng để chữa trị vết thương.
    • Loại này tương đối khó tìm vì nói chung nó chỉ được sản xuất ở một số vùng nhất định trên trái đất, nơi có cây Manuka sinh trưởng tự nhiên.
    • Nhu cầu cao về mật ong Manuka khiến cho một số sản phẩm có thể bị làm giả, vì vậy bạn nên cẩn trọng khi chọn mua loại mật ong này.
    • Làm một miếng đắp vết thương bằng cách dùng một lượng nhỏ mật ong Manuka phết lên vật liệu đắp, ví dụ như miếng đắp vô trùng. Đắp lên vết thương và bịt kín lại bằng các loại băng y tế để ngăn rò rỉ.[10]
    • Rửa vết thương và thay miếng đắp nhiều lần trong ngày. Luôn kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng.
  5. Dùng lô hội. Về mặt nghiên cứu khoa học thì vẫn còn hạn chế, nhưng các nhà sản xuất liên tục tuyên bố về lợi ích của lô hội tác dụng lên vết thương, đồng thời y học truyền thống của Trung Quốc và các nền văn hóa khác vẫn tiếp tục sử dụng lô hội để bôi và uống.[9]
    • Bài viết gần đây nhất trên một tài liệu đã được xuất bản không cung cấp đủ bằng chứng về tác dụng lên vết thương của lô hội. Tuy nhiên, các tác giả đề nghị có thêm những thử nghiệm được điều chỉnh để nghiên cứu và báo cáo một cách thích đáng về tính chất chữa lành của lô hội.
    • Các sản phẩm gel lô hội được sản xuất để bôi thường được kết hợp với vitamin A, B, C và E cùng với các enzyme, amino a-xít, đường và khoáng chất.
    • Không khuyến khích uống lô hội vì thiếu bằng chứng cho thấy tính hiệu quả và độc tính về việc tiêu hóa lô hội.
  6. Tránh sử dụng vitamin E. Mặc dù nhiều năm nay chúng ta nghe nói về công hiệu chữa lành và ngăn ngừa sẹo của vitamin E đối với vết thương mới, nhưng nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng vitamin E không giúp ngăn ngừa các mô sẹo hình thành.[3][11]
    • Một nghiên cứu cho rằng bôi vitamin E thực ra còn ngăn cản quá trình chữa lành tự nhiên.
    • Một công trình nghên cứu khác còn phát hiện ra rằng bôi vitamin E có thể gây ra những phản ứng dị ứng mới, chiếm đến 30% số người sử dụng vitamin E theo cách này.
  7. Tránh bôi kem hoặc thuốc mỡ có chất kháng sinh. Trừ khi có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc bác sĩ khuyên dùng, bạn không cần sử dụng các loại kem hoặc thuốc mỡ kháng sinh không kê toa.[1]
    • Ngày càng nhiều người trở nên kháng thuốc kháng sinh vì sử dụng khi không cần thiết, dùng nhiều lần hoặc kéo dài.
    • Điều này cũng bao gồm cả các sản phẩm kháng sinh dùng để bôi không cần toa bác sĩ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này