Ngăn ngừa cục máu đông

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cục máu đông, dù xuất hiện trong động mạch hay phổi, đều rơi vào nhóm "huyết khối tĩnh mạch" hay HKTM. Cục máu đông gây triệu chứng và ảnh hưởng khác nhau, tùy vị trí mà nó xuất hiện trong cơ thể. Tuy nhiên, tất cả các cục máu đông đều tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong nếu không được điều trị, bao gồm bệnh tim và đột quỵ. Do đó, bạn cần tự trang bị cho bản thân kiến thức về cách ngăn ngừa cục máu đông hình thành ngay từ đầu.

Các bước[sửa]

Hiểu rõ yếu tố nguy cơ[sửa]

  1. Nâng cao cảnh giác khi càng lớn tuổi. Nguy cơ xuất hiện cục máu đông lần đầu tiên là 100/100000. Tuy nhiên, nguy cơ này tăng theo cấp số nhân khi ta càng lớn tuổi: ở độ tuổi 80, tỉ lệ mắc HKTM là 500/100000.[1] Vì vậy, càng lớn tuổi, bạn càng cần thường xuyên đi khám để theo dõi sức khỏe tổng thể.
    • Phẫu thuật hoặc gãy xương hông hoặc chân cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
  2. Xem xét mức độ hoạt động. [2] Người có lối sống ít vận động hay thụ động có nguy cơ cao thuyên tắc phổi, hay cục máu đông trong phổi. Người ngồi hơn 6 tiếng mỗi ngày khi nghỉ ngơi có nguy cơ thuyên tắc phổi cao gấp đôi người chỉ ngồi ít hơn 2 tiếng. Ngồi, nằm hoặc đứng lâu một chỗ có thể gây ứ máu, dẫn đến hình thành cục máu đông. Đó là lý do tại sao chứng huyết khối tĩnh mạch thường xuất hiện ở bệnh nhân nội trú, đặc biệt là sau phẫu thuật, và người đi du lịch xa.
  3. Tính chỉ số khối cơ thể (BMI). Người trong nhóm béo phì có nguy cơ mắc chứng huyết khối tĩnh mạch cao hơn người có trọng lượng khỏe mạnh.[3] Mặc dù sự tương quan chưa được xác định rõ nhưng chuyên gia tin rằng, ít nhất một phần đó là do estrogen được tế bào mỡ sản sinh. Estrogen là yếu tố nguy cơ độc lập gây cục máu đông.[4] Tế bào mỡ còn sản sinh protein “cytokine”, chất đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành huyết khối tĩnh mạch.[5] Không phải lúc nào cũng vậy nhưng so với nhóm có cân nặng khỏe mạnh, béo phì có thể dẫn đến lối sống ít vận động.
    • Để tính chỉ số BMI, bạn có thể sử dụng công cụ tính trực tuyến. Theo đó, bạn chỉ cần nhập tuổi, chiều cao, cân nặng và giới tính để biết kết quả.
    • Người béo phì sẽ có chỉ số lớn hơn hoặc bằng 30. Nhóm thừa cân có chỉ số từ 25-29,9, nhóm bình thường là 18,5-24,9. Chỉ số BMI dưới 18,5 được xem là thiếu cân.
  4. Chú ý đến nồng độ hormone.[6] Thay đổi nội tiết, đặc biệt là estrogen, có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch. Tình trạng này thường thấy ở phụ nữ tiền mãn kinh do bổ sung estrogen trong liệu pháp thay thế hormone. Phụ nữ uống thuốc ngừa thai nội tiết tố và phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ cao.
    • Trước khi bắt đầu bất kỳ liệu pháp hormone nào, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ về yếu tố nguy cơ và phương án lựa chọn.
  5. Nhận biết tình trạng tăng đông máu.[7] Đông máu là một quá trình bình thường của máu. Máu không đông có thể khiến bạn chảy máu đến chết nếu vô tình cắt phải người. Mặt khác, tình trạng tăng đông máu là khi máu đông quá nhiều, ngay cả khi vẫn còn trong cơ thể. Tăng đông máu có thể là do ngồi hoặc nằm quá lâu, ung thư, thiếu nước, hút thuốc và liệu pháp hormone.[8] Bạn có nguy cơ tăng đông máu nếu:
    • Tiền sử gia đình có người bị đông máu bất thường.
    • Bản thân đã từng xuất hiện cục máu đông khi còn trẻ.
    • Xuất hiện cục máu đông khi đang mang thai.
    • Sảy thai nhiều lần và không xác định được nguyên nhân.
    • Bị rối loạn di truyền, ví dụ như Rối loạn Yếu tố V Leiden hay Kháng đông Lupus.
  6. Nhận biết các vấn đề sức khỏe khác có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Rung tâm nhĩ (nhịp tim bất thường) và tích tụ mảng bám cholesterol trong động mạch đều dẫn đến cục máu đông.[9]
    • Nếu bị rung tâm nhĩ, máu sẽ không lưu thông đúng cách, tích tụ và đông lại.[9]
    • Người bị rung tâm nhĩ có dấu hiệu nhịp tim bất thường và không có triệu chứng nào khác; triệu chứng thường được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc làm loãng máu hoặc các thuốc khác, thay đổi lối sống và dùng máy trợ tim hoặc phẫu thuật trong một số trường hợp.[10]
    • Mảng bám cholesterol có thể tích tụ trong động mạch (đôi khi là một phần của xơ vữa động mạch), và khi mảng bám vỡ ra, chúng có thể bắt đầu quá trình đông máu. [9] Hầu hết cơn đau tim và đột quỵ là do động mạch trong tim hoặc não vỡ ra.[9]

Ngăn ngừa cục máu đông[sửa]

  1. Tập thể dục thường xuyên. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục cường độ vừa hoặc mạnh 150 phút mỗi tuần giúp giảm nguy cơ mắc nhiều vấn đề về sức khỏe. [11] Trung bình, bạn nên tập 20-30 phút bài tập cường độ vừa (đi bộ, đạp xe, aerobic,...) mỗi ngày. Nên chọn những hoạt động mà bạn yêu thích để đảm bảo sự gắn bó. Tập thể dục kích thích tuần hoàn, cải thiện sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch.
  2. Thỉnh thoảng nên đưa chân lên cao. Bạn có thể đưa chân lên cao khi nghỉ ngơi hoặc trong khi ngủ. Nâng chân từ bắp chân đến bàn chân, không nâng cao đầu gối; vì vậy, bạn không nên đặt gối dưới đầu gối để nâng đầu gối lên. Thay vào đó, hãy đưa chân lên cao cách tim khoảng 15 cm. Không bắt chéo chân.
  3. Phá vỡ thói quen ngồi lâu một chỗ. Tập thể dục là một bước quan trọng nhưng sẽ không hiệu quả nếu bạn ngồi quá lâu trước khi tập. Nếu ngồi hoặc nằm trong thời gian dài, ví dụ như khi đi du lịch, làm việc với máy tính, nằm trên giường, bạn cần nghỉ ngơi tập thể dục giữa giờ. Cứ mỗi 2 tiếng, hãy đứng dậy và hoạt động nhẹ. Chẳng hạn, bạn có thể dạo bộ hoặc khởi động cơ thể bằng cách xoay gót chân, ngón chân.
    • Bất kỳ hoạt động nào khiến bạn phải ngồi cong đầu gối đều làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.[12]
  4. Bổ sung đủ nước. Mất nước nghiêm trọng sẽ "làm đặc" máu và kích thích hình thành cục máu đông.[13] Mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi và người có nguy cơ cao, đều nên uống nhiều nước. Viện Y học Mỹ khuyến nghị nam giới nên uống 13 cốc nước (3 lít), phụ nữ nên uống 9 cốc nước (2,2 lít) mỗi ngày.[14]
    • Không để bản thân bị khát. Khát nước là dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất khi cơ thể mất nước.
    • Dấu hiệu khác khi mất nước đó là khô miệng hoặc khô da nghiêm trọng.
    • Uống nước ngay có thể giúp nạp nước cho cơ thể. Nếu bị tiêu chảy, nôn mửa hoặc toát nhiều mồ hôi, có thể bạn cần uống nước điện giải như Gatorade để tái hydro hóa.
  5. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên khi mang thai. Nồng độ estrogen cao làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch. Đặc biệt trong thai kỳ, bạn không thể kiểm soát nồng độ estrogen mà cơ thể sản sinh. Cách duy nhất đó là tránh các yếu tố nguy cơ khác (như hút thuốc hoặc ngồi quá lâu) và nên đi khám thường xuyên để được theo dõi sức khỏe.
    • Nếu xuất hiện huyết khối tĩnh mạch ở tay chân, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc an toàn khi mang thai để ngăn huyết khối di chuyển đến phổi hoặc não và gây tử vong.
    • Uống thuốc loãng máu khi mang thai có thể gây rủi ro vì thuốc cản trở sự liên kết của nhau thai.
    • Tuy nhiên, trong trường hợp huyết khối tĩnh mạch quá nhiều, thuốc Lovenox có thể giúp ích. Sau khi sinh, người mẹ có thể chuyển sang dùng thuốc Coumadin an toàn trong giai đoạn cho con bú.[15]
    • Ở Mỹ và Tây Âu, huyết khối tĩnh mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ mang thai.[16]
  6. Trao đổi với bác sĩ về các phương pháp thay thế liệu pháp thay thế hormone (HRT). Thuốc HRT dùng kiểm soát triệu chứng mãn kinh làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Bạn có thể áp dụng liệu pháp thay thế không hormone khác như isoflavone đậu nành Estroven, giúp giảm triệu chứng bốc hỏa nhưng không làm tăng nguy cơ đông máu. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung isoflavone từ nguồn thực phẩm như đậu nành, sữa đậu nành hoặc đậu phụ. Lưu ý hiện chưa có hướng dẫn về liều bổ sung. [17]
    • Hoặc bạn có thể chọn cách sống chung với triệu chứng mãn kinh và không điều trị. Mặc dù không thoải mái nhưng cách này không gây hại cho sức khỏe.
  7. Chỉ uống thuốc tránh thai nội tiết tố khi được bác sĩ khuyến nghị.[18] Sự kết hợp của estrogen và progestin trong hầu hết các thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ đông máu lên 3-4 lần. Tuy nhiên, đối với phụ nữ khỏe mạnh và không mang các yếu tố rủi ro khác, rủi ro khi dùng thuốc tránh thai rất thấp, chỉ 1/3000 trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch.
    • Phụ nữ chảy máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt hoặc nội mạc tử cung bất thường nên chọn phép điều trị không hormone nếu có thể. Có thể cân nhắc việc dùng thuốc tránh thai không estrogen (chỉ chứa progesterone) hoặc các phương án không nội tiết tố khác như dùng vòng tránh thai.
    • Ngay cả khi có tiền sức hoặc nguy cơ mắc cục máu đông, bạn vẫn có thể dùng thuốc tránh thai nội tiết nếu uống thuốc chống đông máu. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc tránh thai chứa rất ít estrogen (hoặc không estrogen) để giảm nguy cơ đông máu.
  8. Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Vì tế bào mỡ dư thừa khi bị béo phì có liên quan đến nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch nên bạn cần giảm cân nếu bị béo phì (chỉ số BMI cao hơn hoặc bằng 30). Cách giảm cân lành mạnh nhất là kết hợp tập luyện và ăn uống có khoa học. Mặc dù cần hạn chế tiêu thụ calo nhưng bạn không được ăn ít hơn 1200 calo mỗi ngày.[19] Nếu tập thể dục, lượng calo cần bổ sung sẽ cao hơn. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ đối với trường hợp cụ thể.
    • Đeo máy đo nhịp tim khi tập thể dục để theo dõi nhịp tim.
    • Để tính nhịp tim cần đạt được, đầu tiên bạn cần tính nhịp tim tối đa: 220-tuổi.[20]
    • Nhân kết quả với 0,6 cho ra kết quả nhịp tim cần đạt được. Sau đó, nên cố gắng duy trì nhịp tim này ít nhất 20 phút trong khi tập luyện, ít nhất 4 lần mỗi tuần.
    • Ví dụ, đối với phụ nữ trung niên 50 tuổi, nhịp tim cần đạt là (220-50) x 0,6 = 102.
  9. Mang vớ (tất) áp lực. Vớ áp lực hay còn gọi là vớ ngăn nghẽn mạch huyết khối. Những người phải ngồi hoặc đứng quá lâu như nhân viên phục vụ, y tá, bác sĩ, thường đeo vớ áp lực để cải thiện tuần hoàn. Vớ cũng được mang nếu bạn có cục máu đông để giảm cơn đau và sưng ở chân.[21] Bên cạnh đó, vớ áp lực đôi khi được dùng cho bệnh nhân nội trú nằm nhiều trên giường bệnh.
    • Bạn có thể mua vớ áp lực tại hầu hết các hiệu thuốc. Vớ chỉ cần cao đến đầu gối để cải thiện tuần hoàn.
  10. Trao đổi với bác sĩ về thuốc ngừa đông máu. Nếu cho rằng bạn có nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch, bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc phòng ngừa. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể khuyến nghị thuốc kê đơn (Coumadin hoặc Lovenox) hoặc không kê đơn như Aspirin.
    • Coumadin là thuốc kê đơn thường được uống một liều 5mg mỗi ngày.[22] Tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể mà thuốc có thể phản ứng khác nhau với vitamin K - vitamin cần thiết cho quá trình đông máu bình thường. Cũng do đó mà liều uống sẽ khác nhau.
    • Lovenox là thuốc tiêm kê đơn bạn có thể tiêm tại nhà.[23] Bạn sẽ được nhận ống tiêm nạp sẵn thuốc để tiêm hai lần mỗi ngày. Liều tiêm tùy thuộc vào cân nặng.
    • Aspirin là thuốc không kê đơn thích hợp cho người có nguy cơ thấp.[24] Thuốc được chứng minh là giúp ngăn ngừa các bệnh huyết khối, từ cục máu đông đến đột quỵ, đau tim.
  11. Hỏi bác sĩ về thuốc đặc biệt nếu bạn bị ung thư. 1/5 bệnh nhân ung thư ác tính sẽ mắc chứng huyết khối tĩnh mạch.[25] Có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm viêm liên quan đến ung thư, thiếu vận động, hoặc tác dụng phụ của thuốc.[26] Bệnh nhân ung thư mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sẽ được cho uống Lovenox hoặc Coumadin và có thể được cho dùng bộ lọc tĩnh mạch chủ dưới (IVC). IVC hoạt động như bộ lọc trong trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu vỡ ra từ tĩnh mạch chân. Bộ lọc ngăn ngừa cục máu đông di chuyển đến phổi hoặc tim, giảm nguy cơ tử vong.[27]
  12. Áp dụng liệu pháp tự nhiên. Liệu pháp tự nhiên ngăn cục máu đông thường được truyền miệng và không được khoa học chứng minh. Người ta cho rằng các dưỡng chất thực vật có thể ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư.[28] Dù vậy, hiện chưa có cơ chế nào chứng minh chế độ ăn tự nhiên giúp ức chế viêm nhiễm và ức chế sản sinh cytokine. Những thực phẩm được khuyến nghị trong chế độ ăn ngăn ngừa cục máu đông bao gồm:
    • Hoa quả: Mơ, cam, mâm xôi đen, cà chua, dứa, mận, việt quất.
    • Gia vị: Cà ri, ớt Cayenne, ớt Paprika, húng tây, nghệ, gừng, cam thảo, bạch quả.
    • Vitamin: vitamin E (hạnh nhân, óc chó, đậu lăng, yến mạch và lúa mì) và axit béo omega 3 (cá nhiều chất béo như cá hồi).
    • Nguồn thực vật: Hạt hướng dương, dầu hạt cải, dầu cây rum.
    • Thực phẩm chức năng: Tỏi, bạch quả, Vitamin C, thực phẩm chức năng bổ sung Nattokinase.
    • Rượu vang và mật ong.

Cảnh báo[sửa]

  • Một bên chân sưng, căng đau, da đỏ hoặc hơi đổi màu xanh, cảm giác ấm có thể là dấu hiệu bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Trong trường hợp đó, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
  • Khó thở, đau ngực dữ dội, chóng mặt hoặc bất tỉnh, nhịp tim nhanh hoặc ho ra đờm có máu không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu nghẽn mạch phổi và bạn cần gọi cấp cứu 115 ngay lập tức. Tình trạng này có thể là do cục máu đông di chuyển đến phổi và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Richard White, The Epidemiology of Venous Thrombosis. Circulation 2003 107 1 (4) 1-8
  2. http://www.theguardian.com/society/2011/jul/05/sedentary-lifestyle-pulmonary-embolism
  3. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16164883
  4. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20163835
  5. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12584387
  6. http://www.clevelandclinicmeded.com/medicalpubs/diseasemanagement/womens-health/risk-of-venous-thromboembolism/
  7. http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/hypercoagulation.html
  8. http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/hypercoagulation/causes-risk-factors.html
  9. 9,0 9,1 9,2 9,3 http://www.webmd.com/dvt/blood-clots
  10. http://www.webmd.com/heart-disease/atrial-fibrillation/
  11. http://www.revespcardiol.org/en/cardiovascular-risk-factors-insights-from/articulo/13117552/
  12. Harvey Sugarman MD, Bo G Eklof MD, William Toft MD. Air Travel-Related deep Vein Thrombosis and Pulmonary Embolism, JAMA, Dec 19 2012 vol 308 No 23 2531
  13. Stephen Gabon MD, MPH. Prevention of Deep Vein Thrombosis and Pulmonary Embolism, Public Health Reports . 2008 July-Aug 123 (4) 420-421.
  14. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
  15. Lee Dresang MD, Pat Fontaine MD, Larry Leeman MD et al American Family Physician June 15 2008, issue 77 (12) 1709-1716
  16. http://atvb.ahajournals.org/content/29/3/326.full
  17. http://www.chiro.org/nutrition/FULL/Soy_Isoflavones_for_Womens_Health.shtml
  18. http://www.stoptheclot.org/learn_more/womens_health_faq.htm
  19. http://www.healthline.com/health/diet-and-weight-loss/1200-calorie-diet
  20. http://www.heart.org/HEARTORG/GettingHealthy/PhysicalActivity/FitnessBasics/Target-Heart-Rates_UCM_434341_Article.jsp
  21. http://files.www.clotconnect.org/patients/resources/brochures/compressionstockinghandout-1.pdf
  22. http://www.webmd.com/drugs/2/drug-4069/coumadin-oral/details
  23. http://www.lovenox.com/
  24. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-disease/in-depth/daily-aspirin-therapy/art-20046797
  25. http://www.medscape.com/viewarticle/762201
  26. http://www.stoptheclot.org/faq_blood_clots_cancer.htm
  27. http://surgery.med.umich.edu/vascular/patient/treatments/ivc_filters.shtml
  28. http://www.integrativeoncology-essentials.com/2013/03/reduce-your-risk-of-blood-clots-without-a-prescription/