Ngủ chung với trẻ sơ sinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ngủ chung với trẻ sơ sinh là một vấn đề gây tranh cãi, với việc các chuyên gia và các bậc cha mẹ đưa ra nhiều lập luận ủng hộ và phản đối điều này. Nếu bạn chọn ngủ cùng giường với trẻ, đảm bảo bạn có hiểu biết đầy đủ về những biện pháp an toàn nhất. Xin hãy chú ý là "ngủ cùng" có thể là chung giường hoặc chung phòng (với trẻ nằm trong nôi hoặc "cũi" để bên cạnh giường), loại thứ hai được các chuyên gia đề cập đến nhiều hơn.[1] Bài viết dưới đây tập trung vào việc ngủ chung giường với trẻ.

Các bước[sửa]

Cân nhắc các rủi ro[sửa]

  1. Phải thừa nhận rằng các chuyên gia không khuyến khích ngủ chung. Nhiều nghiên cứu cho thấy ngủ chung làm gia tăng nguy cơ chấn thương, ngạt thở, tử vong vì các nguyên nhân khác, và hội chứng đột tử ở trẻ (SIDS). Điều quan trọng là hiểu được không có giải pháp thực sự rõ ràng để giảm thiểu những rủi ro này, dù bạn cố gắng suy nghĩ một cách lạc quan về kiểu ngủ an toàn.[2]
    • Hầu hết các bác sĩ nhi khoa đều khuyến nghị ngủ chung phòng hơn là ngủ chung giường.
  2. Trao đổi kỹ với bác sĩ về những mặt lợi và hại khi ngủ cùng với trẻ. Nhiều bác sĩ nhi khoa có quan điểm mạnh mẽ về việc ngủ chung với trẻ. Một số bác sĩ có niềm tin chắc chắn về lợi ích của việc ngủ chung đối với cả bố mẹ và em bé, do đó, ủng hộ việc này. Những người khác có thể không chia sẻ sự hào hứng của bạn và khuyên bạn không làm việc đó.[3]
    • Dù ý kiến cá nhân của bác sĩ như thế nào, hãy đề nghị bác sĩ đưa ra các căn cứ lập luận ủng hộ và phản đối việc ngủ chung với trẻ sơ sinh cũng như những lời khuyên để ngủ an toàn.
  3. Nghiên cứu vấn đề này. Mạng internet cung cấp khối lượng thông tin khổng lồ về việc ngủ chung, một số thông tin dựa trên sự phỏng đoán, giả định không đúng và bịa đặt. Hãy tìm kiếm những nghiên cứu xác thực, có tính khoa học về chủ đề này.[2]
    • Trang web của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ và các website bệnh viện khác thường cung cấp các thông tin làm cha mẹ hữu ích.
    • Đến thư viện gần nhà tìm tài liệu viết về thực tế ngủ chung với trẻ. Tìm kiếm ở khu vực tài liệu dành cho cha mẹ và chọn những cuốn sách do nhiều tác giả viết. Chọn sách y khoa cũng như sách do những tác giả đã làm mẹ viết, những tài liệu này thường cung cấp nhiều kinh nghiệm cá nhân.
  4. Hãy hiểu rằng khi có trẻ ngủ cùng giường, một số cha mẹ không ngủ được nhiều bằng lúc trẻ không có ở đó. Mặc dù nhiều bậc cha mẹ dễ dàng ngủ cùng với trẻ, do đó có giấc ngủ tốt hơn, một số người khác lại cảm thấy lo lắng khi ngủ cùng trẻ mới sinh. Nỗi sợ làm trẻ bị đau có thể khiến cha mẹ không ngủ yên.[1]
    • Ngoài ra, nhiều cha mẹ trở nên nhạy cảm với bất cứ cử động nào của trẻ nên thường tỉnh giấc mỗi khi trẻ khóc thút thít.
  5. Đừng quên tập cho trẻ từ bỏ thói quen. Nếu bạn để con ngủ cùng, bạn sẽ phải giúp con từ bỏ thói quen đó, một việc rất khó đối với trẻ.

Cân nhắc các lợi ích[sửa]

  1. Bạn cần biết rằng con bạn có thể thấy dễ chịu và an toàn khi ngủ cạnh bố mẹ. Vì vậy, trẻ có thể ngủ ngon hơn suốt đêm.[3]
    • Nhiều trẻ sơ sinh khó điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ của mình, và trong những ngày đầu sau sinh, cha mẹ nhận thấy trẻ thức vào ban đêm và ngủ vào ban ngày. Việc ngủ chung có thể là cách hiệu quả giúp cha mẹ điều chỉnh chu kỳ ngủ/thức của trẻ.
  2. Cân nhắc liệu bạn có thể ngủ thêm nếu con bạn ngủ bên cạnh. Cả bố và mẹ có thể kiệt sức sau khi con mình ra đời. Việc thức giấc để phục vụ mỗi khi trẻ khóc sẽ chỉ làm tình trạng này thêm trầm trọng.[3]
    • Cho trẻ ngủ cùng có nghĩa là bạn không phải ra khỏi giường và mò mẫm trong bóng tối để phục vụ trẻ khi chúng khóc.
  3. Hãy suy nghĩ liệu có cách nào cho trẻ ăn đêm dễ dàng hơn. Thử nghĩ việc người mẹ có thể dễ chợp mắt và nghỉ ngơi nhiều hơn nếu nằm cạnh cho con bú vào ban đêm.[1]
    • Trẻ bú mẹ có thể đòi ăn thường xuyên 1,5 giờ/lần. Đơn giản là thay đổi vị trí nằm và cho trẻ đang đói bú sẽ dễ hơn nhiều so với việc phải ra khỏi giường hai giờ một lần để phục vụ trẻ.
  4. Hãy suy nghĩ đến những ích lợi về cảm xúc mà việc ngủ chung có thể đem lại cho trẻ. Con bạn có thể cảm thấy an toàn hơn nếu nằm ngủ cạnh bạn. Vì vậy, trẻ sẽ ít bị căng thẳng hơn là nằm ngủ trong nôi.[3]
  5. Tìm hiểu những ảnh hưởng và lợi ích lâu dài của việc ngủ chung đối với trẻ. Mặc dù ngủ chung chưa được phổ biến, nhiều bác sĩ và chuyên gia sức khỏe tâm thần tin rằng trẻ được ngủ chung với bố mẹ sẽ phát triển sự tự tin và lòng tự trọng cao hơn trẻ không ngủ cùng với bố mẹ.[3]

Biết khi nào không nên ngủ chung[sửa]

  1. Không nên ngủ chung với trẻ khi bạn bị tác động bởi rượu bia hoặc chất gây nghiện. Giấc ngủ của bạn có thể bị ảnh hưởng và bạn không thể ý thức về sự tồn tại của trẻ.[4]
  2. Không ngủ với trẻ mới sinh nếu bạn hoặc các thành viên trong gia đình hút thuốc. Có mối liên hệ giữa nguy cơ bị chứng đột tử ở trẻ với việc cha mẹ hút thuốc.[1]
  3. Không cho trẻ em hoặc trẻ nhỏ mới biết đi ngủ cạnh trẻ sơ sinh. Trẻ em không nhận biết được sự tồn tại của em bé khi chúng ngủ. Thậm chí một đứa trẻ ở tuổi tập đi cũng có thể gây ra tình trạng ngạt thở ở trẻ sơ sinh nếu đè lên trên người em bé trong khi ngủ.[4]
  4. Đừng để trẻ ngủ một mình trên giường của bạn. Trẻ sơ sinh không bao giờ được ngủ trên giường người lớn mà thiếu sự có mặt của người lớn. Kể cả một em bé mới sinh nhỏ nhất cũng có thể trườn tới cạnh giường và bị rơi hoặc bị ngạt bởi ga giường mềm, gối hay chăn.[1]
  5. Đừng ngủ cạnh trẻ nếu bạn kiệt sức vì mất ngủ. Giấc ngủ sâu có thể khiến bạn khó có thể biết khi trẻ ngọ nguậy.[1]
    • Chỉ có bạn hiểu được mức độ hòa hợp giữa bạn và trẻ vào ban đêm và bạn là người ngủ sâu hay nông. Nếu có bất cứ vấn đề nào liên quan đến khả năng nhận thức về sự hiện diện của trẻ trong suốt đêm, bạn không nên ngủ chung với trẻ.
  6. Đừng ngủ cùng trẻ nếu bạn quá thừa cân, đặc biệt nếu bạn bị chứng ngưng thở khi ngủ. Bệnh béo phì bị cho là nguyên nhân của tình trạng ngưng thở lúc ngủ, làm gia tăng nguy cơ gây ngạt thở cho trẻ khi bạn ngủ không yên. [4]

Chuẩn bị phòng ngủ[sửa]

  1. Bảo vệ phòng ngủ từ trước. Coi cả căn phòng là khu vực chăm sóc trẻ mới sinh và điều chỉnh những vấn đề về an toàn cần thiết.[2]
    • Nếu giường của bạn kê gần cửa sổ, đảm bảo giặt rèm cửa để loại bỏ bụi bẩn bám lâu ngày. Nếu giường được đặt dưới quạt thông gió, cân nhắc chuyển sang vị trí khác trong phòng để trẻ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi luồng gió này trong khi ngủ.
  2. Chuẩn bị giường ngủ. Trước khi đặt trẻ lên giường của bạn, hãy thực hiện những thay đổi cần thiết để đảm bảo ưu tiên sự an toàn và thoải mái cho trẻ. Bạn cũng cần thay đổi tư thế ngủ của mình.[4][1][5]
    • Cân nhắc về kích thước giường. Chiếc giường có đủ rộng để bố mẹ và trẻ ngủ thoải mái hay không? Cố gắng cho trẻ ngủ cùng mà giường không đủ lớn sẽ rất nguy hiểm.
    • Nên dùng đệm cứng vì sự an toàn của trẻ. Trẻ sơ sinh rất dễ bị chứng đột tử ở trẻ (SIDS), thiếu không khí lưu thông tự do bị coi là một yếu tố rủi ro. Đệm quá mềm có thể tạo ra túi giữ lại không khí do trẻ thở ra, đồng thời khiến trẻ hít lại không khí đó thay vì ôxi.
    • Không được để trẻ ngủ trên đệm nước.
    • Mua ga trải giường vừa khít với đệm. Ga trải giường luôn phải vừa khít với đệm để tránh nhăn. Đảm bảo các góc ga giường được cài chặt vào đệm tránh nguy cơ bị tuột. Bạn cũng nên chú ý đến chất lượng ga trải giường vì chất vải thô ráp có thể làm làn da nhạy cảm của trẻ bị mẩn ngứa.
    • Suy nghĩ về việc bỏ tấm ván đầu giường hoặc cuối giường vì có khả năng trẻ bị mắc kẹt vào đó.
    • Xem xét tấm chăn bạn sẽ dùng để đắp khi ngủ. Tránh những chiếc chăn to hoặc các bộ đồ dùng trên giường khác có thể dễ dàng chẹn cổ trẻ hoặc làm nghẹt tiếng khóc của trẻ. Tốt nhất nên đắp các lớp vải mỏng thay cho chăn.
  3. Đặt giường ở vị trí chắc chắn. Một lần nữa, bạn hãy thực hiện những thay đổi cần thiết để phù hợp và ưu tiên sự an toàn của trẻ.[4][1][5]
    • Hạ thấp giường hoặc đặt đệm trên sàn nhà. Tai nạn có thể xảy ra, và đó là cách dễ nhất để tránh cho con bạn bị thương do ngã từ trên giường xuống.
    • Đẩy cạnh giường càng sát tường càng tốt để trẻ đỡ bị ngã ra khỏi giường. Nếu có khoảng cách giữa giường và tường, hãy cuộn chặt chăn hoặc khăn và chèn vào khoảng trống đó.
    • Cân nhắc việc mua thanh chắn giường để ngăn trẻ sơ sinh ngã khỏi giường. Đừng dùng thanh chắn giường thiết kế cho trẻ tập đi lớn hơn vì chúng có thể nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh.
    • Đặt thêm một tấm thảm nhung hoặc thảm tập yoga ở cạnh giường để giảm bớt chấn thương cho trẻ trong trường hợp bị ngã.
    • Kiểm tra khu vực xung quanh giường. Đảm bảo không có rèm xếp nếp hay dây dợ có nguy cơ vướng vào trẻ. Kiểm tra xem có ổ cắm gắn tường gần với giường hay không. Cân nhắc dùng vỏ bọc an toàn để che ổ cắm.

Sử dụng các biện pháp phòng ngừa khi ngủ[sửa]

  1. Kiểm tra lần nữa để đảm bảo khu vực quanh giường an toàn. Loại bỏ gối kê, thú nhồi bông hay gối dựa ra khỏi giường. Những đồ vật trên giường phải là những vật thực sự cần thiết cho giấc ngủ an toàn và dễ chịu.[1]
  2. Cân nhắc đặt trẻ nằm giữa mẹ và bề mặt được bảo vệ như tường hoặc thanh chắn. Các bà mẹ thường có bản năng nhận biết sự hiện diện của trẻ tốt hơn trong khi ngủ. Sẽ an toàn hơn khi đặt trẻ nằm ở vị trí đó thay vì ở giữa bố mẹ.[4]
  3. Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ để giảm thiểu nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ. Chiến dịch "Nằm ngửa là tốt nhất" đã giảm đáng kể các trường hợp đột tử ở trẻ trong vài năm qua.[4]
  4. Tránh dùng bất kỳ vật gì để che đầu trẻ khi đang ngủ. Không đội mũ ngủ cho trẻ vì có thể mũ bị kéo xuống che mặt trẻ. Bạn cũng cần chú ý đến chăn, gối và những vật khác có thể che mặt trẻ. Trẻ sơ sinh không thể đẩy vật cản đường thở của chúng.[1]
  5. Đừng mặc quá nhiều cho trẻ. Hãy nhớ rằng trẻ có thể cần ít quần áo hơn vì nhiệt từ cơ thể được truyền từ người này sang người khác. Trẻ em thường không cần bao bọc để giữ ấm như người lớn.[4]
  6. Loại bỏ những nguy hiểm tiềm tàng hoặc những thứ khiến cơ thể bạn sao nhãng. Nói chung, càng ít có khoảng cách giữa bạn và trẻ càng tốt. Điều này sẽ khiến việc cho bú đơn giản hơn và tăng cường sự gắn bó giữa bạn và em bé.[4]
    • Nên mặc quần áo không có đai, nút buộc hay dây, những thứ có thể vướng vào trẻ khi bạn ngủ. Vòng cổ hoặc đồ trang sức khác cũng có thể trở thành rủi ro tiềm tàng, vì vậy, hãy suy xét một cách hợp lý nhất.
    • Tránh sử dụng kem dưỡng da toàn thân, khử mùi hoặc sản phẩm dành cho tóc có nước hoa, những thứ này có thể làm mất mùi hương tự nhiên ở người mẹ. Trẻ theo bản năng sẽ bị cuốn hút bởi mùi tự nhiên của bạn. Hơn nữa, những sản phẩm này có thể gây kích ứng lỗ mũi nhỏ bé của trẻ.

Cảnh báo[sửa]

  • Trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe về việc ngủ chung nếu bạn hoặc con bạn có vấn đề về sức khỏe gây nguy hiểm cho việc ngủ chung an toàn với trẻ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]