Ngừng ghê sợ đồng tính luyến ái

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ghê sợ đồng tính luyến ái là sự phân biệt, sợ hãi hoặc thù ghét những người đồng tính, thể hiện qua nhiều hình thức như hành vi bạo lực, cảm giác ghét bỏ hoặc cử chỉ sợ hãi.[1] Nỗi ghê sợ đồng tính luyến ái có thể xuất hiện ở cá nhân cũng như hội nhóm và dẫn tới những hoàn cảnh thù địch. May thay, bạn có quyền lựa chọn không ghê sợ đồng tính luyến ái. Có thể sẽ mất chút thời gian để bạn thay đổi góc nhìn của mình về thế giới, và hẳn bạn cũng phải bỏ nhiều công sức. Tuy nhiên, bạn sẽ học được cách trở nên phóng khoáng để xây dựng một thế giới hạnh phúc và an toàn hơn.

Các bước[sửa]

Suy nghĩ về niềm tin của bạn[sửa]

  1. Viết về những cảm xúc của bạn. Nếu đang đưa ra một quyết định có ý thức để ngừng ghê sợ đồng tính luyến ái, bạn hẳn đã nhận ra một vài cảm xúc hay hành động khiến bản thân cũng như những người khác phải bận tâm. Hãy ghi lại những cảm xúc hoặc hành động kích thích cảm giác ghê sợ đồng tính luyến ái ở bạn.[2] Ví dụ:
    • Mình cảm thấy khó chịu và tức giận khi thấy một cặp đôi đồng giới hôn nhau.
    • Mình nghĩ việc chị gái mình thích những người phụ nữ khác là điều sai lầm.
    • Mình cảm thấy việc hai người đàn ông thích nhau thật bất thường.
  2. Nghiên cứu cảm xúc của mình. Sau khi đã viết ra toàn bộ những cảm xúc cụ thể gây nên nỗi sợ hãi đồng tính luyến ái ở bạn, giờ là lúc để bạn phân tích vì sao mình có cảm giác như vậy. Đây là bước cần thiết để bắt đầu tạo ra thay đổi. Hãy thử tự hỏi chính mình:[3]
    • ”Tại sao mình cảm thấy tức giận trong tình huống [x]? Ai hay điều gì đã ảnh hưởng tới cảm xúc này vậy? Liệu có lý do cụ thể nào khiến mình cảm thấy như vậy không?”
    • ”Mình có nghĩ rằng cảm giác đó là hợp lý không? Mình cần thực hiện những bước như thế nào để không cảm thấy như vậy nữa?”
    • ”Liệu mình có thể trò chuyện cùng ai về những cảm xúc này để xác định vì sao mình cảm thấy như vậy không?”
  3. Xác định những niềm tin của bạn. Thông thường, niềm tin của chúng ta thường đến từ bố mẹ hoặc những người cố vấn. Khi ngẫm nghĩ về cảm xúc của mình, hãy xem xét nguồn gốc nỗi sợ hãi đồng tính luyến ái của bạn. Tự hỏi bản thân:
    • ”Bố mẹ mình có ghê sợ đồng tính luyến ái không và quan điểm của họ có ảnh hưởng tới mình không?”
    • ”Liệu có ai đó trong cuộc đời khiến mình cảm thấy tiêu cực như vậy không?”
    • ”Quá trình học hành/tôn giáo/nghiên cứu có khiến mình cảm thấy như vậy không? Vì sao?”

Cân nhắc thói quen của bạn[sửa]

  1. Liệt kê những thói xấu của bạn. Khi đã nhận thức được cảm giác của mình và nguyên nhân của những cảm xúc đó, hãy liệt kê những thói xấu cụ thể mà bạn muốn thay đổi. Cách thức này sẽ khiến bạn xấu hổ vì những hành động trong quá khứ, nhưng thành thật với bản thân luôn luôn là điều tốt nhất bạn có thể làm để tiếp tục tiến lên. Cố gắng nêu ra cả những hậu quả có thể xảy đến.[4] Hãy cụ thể hóa hết mức có thể:
    • ”Mình có thói quen dùng từ ‘gay’ (nghĩa tiếng Việt là ‘đồng tính’) để mô tả mọi thứ xung quanh. Mình nghĩ thói quen đó sẽ xúc phạm tới những người đồng tính.”
    • ”Mình đã trêu chọc [x] hồi cấp ba và gọi cậu ấy là gay. Điều đó hẳn đã gây tổn thương cảm xúc của cậu ấy.”
    • ”Mình đã cư xử rất tồi tệ với chị gái khi chị ấy thừa nhận với gia đình rằng chị ấy là người đồng tính. Mình đã phá hỏng một mối quan hệ quan trọng trong cuộc đời chỉ vì sự thù ghét của bản thân.”
  2. Liệt kê những điều bạn muốn thay đổi một cách cụ thể nhất. Khi đã xác định được thói quen xấu và cảm xúc tiêu cực của mình, giờ là lúc để bạn cân nhắc những điều tích cực. Lên danh sách những mục tiêu bạn muốn đạt được.[5] Ví dụ:
    • ”Mình muốn dừng sử dụng từ ‘gay.’
    • ”Mình muốn xin những người từng bị mình trêu chọc tha thứ cho mình.”
    • ”Minh muốn nối lại quan hệ với chị gái và xin chị ấy tha thứ.”
  3. Hiếu rằng bạn cần thời gian để thay đổi. Bạn nên nhận ra rằng mình cần thời gian để thay đổi thói quen xấu thành thói quen tốt. Các chuyên gia cho rằng bạn sẽ mất chừng một tháng để tạo ra một thói quen mới.[6] Bạn có thể mắc sai lầm. Bạn có thể sẽ quay lại một số lối cư xử tồi tệ trước đây. Mẹo hay là bạn hãy cứ tiếp tục tiến lên và cố gắng.

Hành động để thay đổi[sửa]

  1. Lên tiếng phản đối thói ghê sợ đồng tính luyến ái. Bạn có thể đã từng nghe người khác nói hay thậm chí chính bạn đã từng nói “gay thật đấy!” Câu nói này thể hiện sự thiếu nhạy cảm và gây tổn thương tới cộng đồng LGBT (cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, song tính luyến ái và hoán tính) bởi tính xúc xiểm của nó. Khi nghe thấy bất kỳ ai nói vậy, hãy thử đáp lại như sau để ngăn cản họ tiếp tục:
    • ”Cậu có biết câu đó nghĩa là gì không?”
    • ”Tại sao cậu lại nói như vậy?”
    • ”Cậu không nghĩ là câu nói của mình sẽ khiến người khác tổn thương à?”
  2. Phản ứng trước những khẳng định thể hiện nỗi ghê sợ đồng tính luyến ái. Không may, những lời gièm pha thể hiện nỗi ghê sợ đồng tính luyến ái được ghi nhận ở khắp nơi, đặc biệt là trường lớp và trong khu vực trường học nói chung.[7] Khi nghe được một lời gièm pha hay khẳng định mang tính ghê sợ đồng tính luyến ái, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ phản ứng với thái độ phù hợp và tôn trọng đối phương. Khi nghe thấy những điều tiêu cực như “những người đồng tính đi ngược lại kế hoạch của Chúa” hoặc “tất cả những người đồng tính đều là kẻ ấu dâm,” hãy áp dụng một vài kỹ thuật sau để đối phó thành công với những lời nói đó:
    • Cư xử lý trí. Khi bạn để cảm xúc xen lẫn vào giọng nói của mình, những người khác sẽ rất dễ coi nhẹ bạn. Trình bày những sự kiện có thật với thái độ bình thản để tăng khả năng người khác lắng nghe thông điệp của bạn.
    • Giải thích vì sao điều họ nói gây khó chịu. Đôi khi mọi người nói chuyện mà không nhận ra rằng câu từ của họ cũng có ý nghĩa. Khi giải thích vì sao lời nói của một người gây khó chịu, anh ấy hoặc cô ấy có thể nhận ra sai lầm của mình.
    • Khẳng định rằng không có gì sai trái khi một người là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ. Thái độ tích cực đó cho thấy bạn ủng hộ những người thuộc cộng đồng này.
  3. Đứng lên bảo vệ những người khác. Bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu nhìn/nghe thấy những lời gièm pha, câu nói hay hành động ghét bỏ một người (dù đồng tính hay dị tính!), bạn hãy bảo vệ người đó bằng những thông điệp ủng hộ. Hãy tự tin và nói những điều như:
    • ”Mình thực sự không thích những điều cậu đang nói về [x]; hành động của cậu sẽ gây tổn thương nặng nề đó!”
    • ”Vì sao cậu nói vậy hay làm vậy? Cậu thấy sao nếu người khác cũng hành động như thế với cậu?”
    • ”Mình nghĩ chúng ta không thể là bạn nếu cậu cứ tiếp tục nói như vậy.”
  4. Học hỏi từ những bất công trong quá khứ. 76 quốc gia trên thế giới hiện đã ban hành pháp luật ngược đãi các cặp đôi đồng tính nam hoặc đồng tính nữ.[8] Lịch sử đã cho thấy nhiều hành động phân biệt và thù ghét cộng đồng LGBT. Hãy dành thời gian tìm hiểu những bất công đó để có góc nhìn rõ ràng hơn về các thử thách mà cộng đồng này phải đối mặt.
    • Phần lớn các giai đoạn của lịch sử đều ghi nhận thói ghê sợ đồng tính luyến ái. Ví dụ, vào Thế chiến thứ hai, Đức quốc xã đã nhốt những người đồng tính vào trại tập trung. Tìm hiểu những sự thật này sẽ giúp bạn nhìn nhận đúng đắn hơn về sự thù ghét đối với người đồng tính và học cách trở nên khoan dung hơn.
    • Bạn có thể tìm hiểu lịch sử qua nhiều phương thức khác nhau như phim tài liệu, podcast (chương trình phát thanh qua mạng), sách giáo khoa và mạng Internet.

Mở rộng giới hạn của bản thân[sửa]

  1. Trò chuyện với một người đồng tính. Khi bạn cảm thấy thoải mái với cảm xúc của mình, đã tới lúc để bạn thúc đẩy bản thân thay đổi. Thử trò chuyện và đối thoại với một người đồng tính. Hãy tôn trọng và tử tế với họ, đừng đặt ra những câu hỏi châm chọc khuynh hướng tình dục của họ.
    • Chỉ đối thoại bình thường và giữ mình cởi mở với người cùng trò chuyện.
    • Hãy thử những câu hỏi xã giao trung lập như: “Cậu có thể cho tớ biết về công việc của cậu được không?” hoặc “Cậu thích xem thể loại phim nào?” hay “Cậu thích nhà hàng nào nhất?”
  2. Tới một cuộc họp ủng hộ cộng đồng LGBTQ (cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, song tính luyến ái, hoán tính và dị biệt). Thật khó để đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và hiểu họ đã bị ngược đãi ra sao.
    • Để mở mang hiểu biết của bạn, hãy thử tới những cuộc họp, đại hội, hội thảo chuyên đề hoặc bài giảng ủng hộ quyền của người đồng tính nam/đồng tính nữ. Một lần nữa, tôn trọng người khác là điều quan trọng, bất kể quan điểm cá nhân của bạn là gì.
    • Để tìm địa điểm tổ chức những cuộc họp như vậy, hãy đọc tờ rơi tại khu vực trường đại học lân cận. Nhìn chung, các trường đại học có cộng đồng đa dạng hơn và thường tổ chức những buổi họp mặt/bài giảng/hội thảo chuyên đề.
  3. Thúc đẩy bản thân kết bạn. Khi đã mở mang hiểu biết và luyện tập những thói quen tốt, hãy thử kết bạn với những người đồng tính. Trò chuyện với những người cùng chia sẻ mối quan tâm và sở thích với bạn, đồng thời hãy là chính mình!
    • Kết bạn với người đồng tính cũng tương tự như kết bạn với người dị tính. Tìm kiếm ai đó chia sẻ mối quan tâm tương đồng với bạn và để tình bạn đó phát triển tự nhiên.

Lời khuyên[sửa]

  • Sẽ không sao hết nếu bạn chưa thể thay đổi sau một đêm. Quá trình thay đổi sẽ mất nhiều thời gian. Hãy cố gắng tiếp tục thực hiện điều đó.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]