Nhận biết bệnh rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mỗi người có một cách làm việc riêng và đôi khi cách của người này bất đồng với cách của người khác. Đa số chúng ta đều có khả năng tìm ra điểm chung và thỏa hiệp để cùng hợp tác trong mối quan hệ với nhau, giữa nhóm bạn bè và ở nơi làm việc. Tuy nhiên có đôi lúc bạn thấy một ai đó, hoặc chính bạn, dường như hoàn toàn không có khả năng thay đổi hoặc thỏa hiệp. Có thể đây là một trường hợp mắc bệnh rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD). Chỉ có chuyên gia được đào tạo về sức khỏe tâm thần mới có thể chẩn đoán OCPD, nhưng bạn có thể học cách nhận biết vài đặc điểm của chứng bệnh này.

Các bước[sửa]

Nhận biết Đặc điểm Thường gặp của Người OCPD[sửa]

  1. Tìm dấu hiệu nhấn mạnh tính hiệu quả, sự hoàn hảo và cứng nhắc. Người OCPD là người cầu toàn. Họ là người giữ kỷ luật thái quá và luôn bận tâm đến tiến trình, thủ tục và nguyên tắc. Họ dành nhiều thời gian và sức lực để lên kế hoạch, nhưng tính cầu toàn lại khiến họ không thể thực sự hoàn thành công việc.[1][2]
    • Người OCPD để ý sự việc đến từng chi tiết, và với nhu cầu phải hoàn thiện về mọi mặt, họ có ham muốn mạnh mẽ là kiểm soát mọi khía cạnh của hoàn cảnh xung quanh mình. Họ xét nét hết thảy mọi người mặc dù bị phản kháng.
    • Họ tin tưởng mãnh liệt vào việc tuân thủ quy định, đồng thời cho rằng những luật lệ, tiến trình, thủ tục phải được tuân theo và mọi bước chệch khỏi tiêu chuẩn đó đều dẫn đến kết quả không hoàn hảo.
    • Hành vi này được xác định ở tiêu chuẩn 1 về bệnh OCPD trong sách Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ năm (DSM-V).
  2. Quan sát cách người đó ra quyết định và hoàn thành công việc. Sự do dự và thiếu khả năng hoàn thành công việc là “thương hiệu” của người OCPD. Với tính cầu toàn của mình, người OCPD rất cẩn trọng khi cố gắng quyết định làm việc gì, vào lúc nào và như thế nào. Họ thường nghiên cứu mọi việc đến từng chi tiết, bất kể nó có liên quan đến quyết định trước mắt hay không. Người OCPD rất ghét sự bốc đồng hoặc tính mạo hiểm.[2]
    • Ngay cả trong những việc rất nhỏ, người OCPD cũng gặp khó khăn khi quyết định và thực hiện. Họ mất nhiều thời gian quý giá chỉ để cân lên đặt xuống từng dự định của mình, bất kể nhỏ nhặt đến đâu.
    • Sự chú trọng vào tính hoàn hảo cũng khiến người OCPD làm đi làm lại mãi một công việc; ví dụ như họ kiểm tra một tài liệu cẩn thận đến mức đọc đi đọc lại đến 30 lần, và kết quả là không thể hoàn thành đúng giờ. Tính lặp lại và tiêu chuẩn cao đến phi lý của họ thường khiến họ làm việc thiếu hiệu quả.
    • Hành vi này được xác định ở tiêu chuẩn 2 về bệnh OCPD trong sách Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ năm (DSM-V).
  3. Xem xét cách người đó phản ứng trong các tình huống xã hội. Người OCPD thường mang một vẻ “lạnh lùng” hoặc “vô tâm” vì họ tập trung vào hiệu suất và sự hoàn hảo đến độ bỏ qua những khía cạnh như quan hệ xã hội và tình cảm lãng mạn.[2]
    • Nếu có tham gia những hoạt động giao lưu với những người khác, người OCPD có vẻ không tận hưởng mà lại lo bận tâm rằng lẽ ra sự kiện phải làm sao cho tốt hơn hoặc họ cho rằng mình đang “phí thì giờ” khi vui chơi.
    • Người OCPD cũng có thể làm người khác khó chịu trong các sinh hoạt cộng đồng bởi tính nguyên tắc và cầu toàn của họ. Ví dụ họ có thể cực kỳ bức xúc với “luật chơi” của cờ tỷ phú vì nó không phải là những luật lệ “chính tắc”. Họ có thể từ chối không chơi, hoặc dài dòng bình phẩm, hoặc tìm cánh để cải tiến trò chơi.
    • Hành vi này được xác định ở tiêu chuẩn 3 về bệnh OCPD trong Sổ tay Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ năm (DSM-V).
  4. Xem xét quan niệm của người đó về đạo đức và phẩm hạnh. Người OCPD quan tâm quá mức về đạo đức và phẩm hạnh, về những điều đúng và sai. Họ quá chú trọng về việc làm “điều đúng đắn” với một khái niệm cứng nhắc, và ở họ không có chỗ cho sự tương đối hay sai lầm. Họ liên tục lo lắng về mọi luật lệ mà mình có thể đã vi phạm. Họ thường vô cùng kính trọng các cấp có thẩm quyền và tuân thủ các luật lệ và quy tắc, cho dù có vẻ vô nghĩa thế nào.[2]
    • Người OCPD áp đặt các quan niệm về đạo đức và giá trị của họ lên người khác. Họ khó có thể chấp nhận rằng có người lại có quan niệm đạo đức khác biệt với họ, cho dù người kia đến từ một nền văn hóa khác.
    • Người OCPD thường hà khắc với bản thân và với những người khác. Họ có thể coi những lỗi lầm lặt vặt và những vi phạm nhỏ là thiếu đạo đức. “Tình tiết giảm nhẹ” không tồn tại trong quan niệm của người OCPD.
    • Hành vi này được xác định ở tiêu chuẩn 4 về bệnh OCPD trong Sổ tay Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ năm (DSM-V).
  5. Để ý đến hành vi tích trữ của người đó. Tích trữ đồ vật là một biểu hiện điển hình của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế, nhưng nó cũng tác động đến người OCPD. Người OCPD khư khư giữ lại ngay cả những món đồ vô dụng và chẳng mấy giá trị.[3] Có thể họ thu thập và cất giữ với ý nghĩ rằng chẳng có gì là vô dụng cả: “Biết đâu lại có lúc cần đến!”[4]
    • Họ tích trữ đủ thứ, từ thức ăn cũ thừa từ hôm trước cho đến những chiếc thìa nhựa hoặc pin cũ. Nếu họ có thể tưởng tượng ra được bất cứ lý do nào khiến món đồ đó trở nên hữu ích thì họ đều giữ lại.
    • Người tích trữ yêu quý “kho báu” của mình và rất bực bội nếu người khác làm xáo trộn “bộ sưu tập” của họ. Họ ngạc nhiên khi thấy mọi người không hiểu lợi ích của việc tích trữ.
    • Hành động tích trữ rất khác với sưu tầm. Những người sưu tầm cảm thấy thích thú và vui sướng với những vật họ sưu tầm, nhưng họ không lo âu khi bỏ đi các món đồ cũ kỹ, vô dụng hoặc không cần thiết. Người tích trữ thường bứt rứt nếu phải bỏ đi bất cứ thứ gì, ngay cả khi nó không còn sử dụng được nữa (chẳng hạn như một chiếc Ipod đã hỏng).[5]
    • Hành vi này được xác định ở tiêu chuẩn 5 về bệnh OCPD trong Sổ tay Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ năm (DSM-V).
  6. Tìm biểu hiện khó khăn khi giao phó công việc của họ. Người OCPD thường nổi tiếng là “kiểm soát gắt gao”. Rất hiếm khi họ giao trách nhiệm cho người khác bởi họ lo rằng công việc sẽ không được làm tốt theo tiêu chuẩn của họ. Nếu có thì họ sẽ kèm theo một danh sách dài dằng dặc, hướng dẫn thực hiện ngay cả những công việc đơn giản như xếp bát đĩa vào máy rửa bát.[3]
    • Người OCPD thường hay chỉ trích hoặc cố gắng “sửa” người khác nếu thấy cách làm của mọi người không giống như mình, tuy phương pháp khác cũng có hiệu quả hoặc đem lại cùng một kết quả như thế. Họ không thích người khác đề xuất các cách làm khác, thậm chí có thể phản ứng lại với sự ngạc nhiên và giận dữ.
    • Hành vi này được xác định ở tiêu chuẩn 6 về bệnh OCPD trong Sổ tay Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ năm (DSM-V).
  7. Quan sát hành vi chi tiêu của người đó. Người OCPD không những không chịu loại bỏ những thứ vô dụng, họ còn suốt ngày “tích cốc phòng cơ”. Họ thường đắn đo khi tiêu tiền, ngay cả trong việc mua sắm những thứ thiết yếu vì còn lo dành dụm cho bất trắc trong tương lai. Họ sống với mức sống thấp hơn nhiều so với thu nhập của mình, thậm chí không đạt đến tiêu chuẩn của cuộc sống lành mạnh chỉ để tiết kiệm tiền.
    • Điều này cũng có nghĩa là họ không thể bỏ tiền của mình ra để giúp đỡ người khác khi cần. Họ cũng thường can ngăn người khác tiêu tiền.
    • Hành vi này được xác định ở tiêu chuẩn 7 về bệnh OCPD trong Sổ tay Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ năm (DSM-V).
  8. Xét về mức độ ương bướng của người đó. Người OCPD cực kỳ cố chấp và thiếu linh hoạt. Họ không thích và không chấp nhận người khác nghi ngờ hoặc chất vấn những dự định, hành động, hành vi, ý tưởng hay niềm tin của họ. Họ luôn cho rằng mình đúng và không gì có thể thay thế những điều họ làm hoặc cách họ làm.[3]
    • Họ cho rằng bất cứ ai phản đối hoặc không chịu sự áp đặt của họ đều là bất hợp tác và thiếu trách nhiệm.
    • Tính cố chấp này thường khiến cho cả những bạn bè thân thiết hoặc người nhà cảm thấy khó chịu khi tương tác với người đó. Ngay cả người thân cũng không thể đặt vấn đề hay đưa ra đề nghị đối với người OCPD.
    • Hành vi này được xác định ở tiêu chuẩn 8 về bệnh OCPD trong Sổ tay Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ năm (DSM-V).

Nhận diện Người OCPD trong các Mối quan hệ[sửa]

  1. Tìm dấu hiệu của sự va chạm. Người OCPD thẳng thừng áp đặt ý tưởng và cách nhìn nhận lên người khác, ngay cả trong những tình huống mà hầu hết mọi người đều cho rằng không phù hợp. Người OCPD thường không nghĩ rằng thái độ và hành vi như thế sẽ khiến mọi người bực bội và sẽ dẫn đến xích mích trong quan hệ, và họ cũng sẽ không ngừng việc họ đã định làm.[3]
    • Người OCPD dường như không có cảm giác có lỗi khi vượt giới hạn, ngay cả khi đó là hành vi giám sát, kiểm soát, can thiệp và xâm phạm vào cuộc sống của người khác để áp đặt sự hoàn hảo và trật tự trong mọi việc.
    • Họ bực bội, giận dữ và thất vọng nếu người khác không làm theo sự chỉ đạo của họ. Họ có thể nổi giận hoặc bức xúc nếu mọi người có vẻ không ủng hộ khi họ nỗ lực kiểm soát và làm cho mọi việc hoàn hảo.
  2. Tìm sự mất cân bằng trong đời sống công việc. Người OCPD nói chung thường dành phần lớn thời gian thức của họ để làm việc – và đó là lựa chọn của họ. Họ hiếm khi bỏ thì giờ để giải trí. Thời gian giải trí của họ, nếu có, chỉ là để cố gắng “cải tiến” thứ này hay thứ khác. Vì thế, người OCPD không có nhiều bạn (hoặc hầu như không có mối quan hệ bạn bè).
    • Nếu người OCPD cố gắng dành thời gian tiêu khiển bằng một sở thích hoặc một hoạt động nào đó như vẽ hoặc các môn thể thao như tennis, họ không làm những việc đó vì vui thú. Họ không ngừng theo đuổi để trở nên tài giỏi trong nghệ thuật hoặc thể thao. Họ sẽ áp đặt nguyên lý đó cho các thành viên trong gia đình và trông đợi người nhà phải vươn tới sự nổi trội chứ không chỉ để vui chơi.[6]
    • Sự can thiệp gây phiền nhiễu của họ khiến mọi người xung quanh khó chịu. Nó không những phá hỏng thời gian tiêu khiển mà còn có thể hủy hoại mối quan hệ.
  3. Quan sát cách người đó thể hiện cảm xúc với người khác.Đối với đa số những người mắc chứng OCPD, thể hiện tình cảm tức là bỏ phí thì giờ quý giá lẽ ra nên dùng để tìm kiếm sự hoàn hảo. Nói chung họ rất dè dặt khi thể hiện cảm xúc.
    • Tính dè dặt này cũng xuất phát từ mối bận tâm rằng mỗi biểu hiện tình cảm đều phải hoàn hảo; Người OCPD phải cân nhắc rất lâu khi nói ra bất cứ điều gì trong biểu hiện tình cảm để đảm bảo tính “đúng đắn”.[3]
    • Người OCPD có vẻ kiểu cách hoặc quá trịnh trọng khi họ cố gắng thể hiện cảm xúc. Chẳng hạn họ bắt tay trong khi đối tác định ôm, hoặc họ dùng những từ ngữ quá cứng nhắc để cố làm sao cho “đúng”.
  4. Xem xét cách người đó phản ứng với cảm xúc của người khác. Người OCPD không những có vấn đề trong thể hiện cảm xúc, mà họ còn gặp khó khăn trong việc chấp nhận sự biểu lộ cảm xúc ở người khác. Người OCPD có thể khó chịu ra mặt khi mọi người bày tỏ tình cảm (ví dụ trong các sự kiện thể thao hoặc đoàn tụ gia đình).[3]
    • Chẳng hạn như, đa số mọi người sẽ chào mừng một người bạn đã lâu không gặp với thái độ hồ hởi và cảm động. Nhưng người OCPD có thể không tỏ ra như vậy, thậm chí họ còn không mỉm cười hoặc giang tay ôm.
    • Dường như họ có cảm giác “đứng trên” tình cảm và coi những người thể hiện cảm xúc là “phiền toái” hoặc tầm thường.

Nhận biết Người OCPD tại Nơi làm việc[sửa]

  1. Xem xét lịch trình làm việc của người đó. Chưa nói đến việc bắt buộc phải làm, nhiệm vụ nặng nề trong công việc lại khiến người OCPD cảm thấy thỏa mãn là khác. Họ là người tham công tiếc việc, nhưng theo kiểu gây khó khăn cho người khác. Người OCPD coi mình là người lao động trung thành và có trách nhiệm. Họ dành nhiều thời gian miệt mài với công việc mặc dù chẳng đem lại hiệu quả là bao.[7]
    • Điều này thường được người OCPD áp dụng cho bản thân và họ chờ đợi mọi nhân viên khác trong công ty cũng phải làm theo cho đồng bộ.
    • Nói chung, người OCPD bỏ nhiều thời gian để làm việc nhưng là một tấm gương xấu và không thể làm hình mẫu tiên phong cho những người làm dưới quyền hoặc làm việc chung với họ noi theo. Họ là người thiên về công việc hơn là thiên về con người (mối quan hệ). Họ không thể tạo thế cân bằng giữa nhiệm vụ và mối quan hệ. Họ cũng không có khả năng khuyến khích người khác làm theo họ và theo sự chỉ đạo của họ.
    • Tuy nhiên bạn cũng cần biết là theo văn hóa ở một vài nơi, người ta đánh giá cao một người làm việc nhiều giờ hoặc dành phần lớn thời gian ở nơi làm việc. Điều này không giống với bệnh OCPD.
    • Đối với người OCPD, làm việc không phải là bắt buộc mà là tự nguyện.
  2. Nhìn cách tương tác của người đó. Người OCPD cứng nhắc và bướng bỉnh trong cách tiếp cận tình huống, kể cả đối với đồng nghiệp và nhân viên. Họ có thể “can thiệp quá mức” vào cuộc sống cá nhân của đồng nghiệp, không để ý đến ranh giới và không cho người khác không gian riêng tư. Họ mặc nhiên cho rằng cách họ cư xử ở nơi làm việc là cách mà mọi người nên làm.[8]
    • Ví dụ, một người quản lý mắc chứng OCPD có thể bác đơn xin nghỉ vì lý do cá nhân của nhân viên vì cho rằng không xác đáng. Họ tin rằng sự trung thành của nhân viên trước nhất phải dành cho công ty hơn bất cứ bổn phận nào khác (kể cả gia đình).
    • Người OCPD không cho rằng ở họ hoặc cách làm việc của họ có bất cứ điều gì sai. Họ coi bản thân mình là một ví dụ điển hình cho sự hoàn hảo và trật tự. Đối với họ, nếu ai đó khó chịu với thái độ này thì chỉ là vì người đó không đáng tin cậy và không chịu tin vào công việc vì lợi ích của tổ chức.
  3. Tìm dấu hiệu can thiệp vào việc của người khác. Người OCPD cảm thấy rằng những người khác không biết làm như thế nào là tốt nhất. Họ cho rằng cách của mình là cách làm việc duy nhất và tốt nhất. Việc hợp tác và cộng tác không được họ đánh giá cao.
    • Người OCPD thường là một người “xét nét” hoặc một “đồng đội” khủng khiếp vì họ thường buộc người khác phải làm theo cách của họ.
    • Người OCPD không thấy thoải mái khi để cho người khác tự làm theo cách riêng vì sợ rằng người đó mắc lỗi. Họ miễn cưỡng giao trách nhiệm cho người khác và giám sát từng ly từng tí nếu buộc phải giao việc. Hành vi và thái độ của họ cho thấy rằng họ không tin người khác và không đặt niềm tin vào khả năng của người khác.
  4. Tìm dấu hiệu không đáp ứng đúng thời hạn. Người OCPD thường xuyên mải mê theo đuổi sự hoàn hảo đến mức không kịp hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, ngay cả những công việc quan trọng. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý thời gian sao cho hiệu quả vì lo để tâm vào từng chi tiết nhỏ nhặt.
    • Bản tính, thái độ và những quy tắc của họ qua thời gian sẽ tạo ra xung đột và đẩy họ vào thế cô lập vì ngày càng có nhiều người tỏ ra không hài lòng khi làm việc với họ. Thái độ ương ngạnh và tính cầu toàn của họ làm phức tạp mọi thứ ở nơi làm việc và có thể chạm đến mức đẩy những người ngang hàng hoặc cấp dưới ra xa.
    • Khi mất đi hệ thống hỗ trợ, họ càng trở nên cứng rắn hơn để chứng minh cho mọi người thấy rằng không có gì thay thế được cách làm của họ. Điều này lại càng khiến họ rơi vào sự cô lập.

Tìm kiếm Điều trị[sửa]

  1. Đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần. Chỉ có chuyên gia sức khỏe tâm thần mới có thể chẩn đoán và điều trị người OCPD. May mắn là việc điều trị chứng OCPD thường có hiệu quả hơn các chứng rối loạn nhân cách khác.[9] Một chuyên gia sức khỏe tâm thần thích hợp phải là nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần; hầu hết bác sĩ gia đình và bác sĩ khám tổng quát không được đào tạo để xác định bệnh OCPD.
  2. Tham gia vào quá trình trị liệu. Liệu pháp trò chuyện, và đặc biệt là liệu pháp hành vi – nhận thức (CBT) được coi là cách điều trị có hiệu quả cao cho người OCPD.[9] CBT do chuyện gia sức khỏe tâm thần đảm nhiệm, bao gồm việc dạy cho người bệnh cách nhận biết và thay đổi lối suy nghĩ và hành vi vô ích.[10]
  3. Hỏi bác sĩ về thuốc điều trị. Hầu hết các trường hợp OCPD đều có thể chữa trị bằng liệu pháp tâm lý là đủ. Tuy nhiên đối với một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc như Prozac, một loại thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc (SSRI).[11]

Hiều về Chứng rối loạn[sửa]

  1. Tìm hiểu về OCPD. OCPD còn được gọi là anankastic personality disorder (tùy vào vị trí địa lý bạn đang sống).[12] Như tên gọi của nó, đây là một chứng rối loạn nhân cách, xảy ra khi xuất hiện các dạng thức không thích nghi trong suy nghĩ, hành vi và trải nghiệm, vượt qua nhiều bối cảnh khác nhau và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người đó.
    • Như vậy, ở trường hợp OCPD, người bệnh luôn có nhu cầu về quyền lực và kiểm soát môi trường xung quanh. Những triệu chứng này có thể bao gồm dạng thức điển hình là sự chú trọng về sự ngăn nắp, tính hoàn hảo, sự kiểm soát về tâm lý và quan hệ cá nhân.
    • Kiểu kiểm soát như thế triệt tiêu tính hiệu quả, sự cởi mở và tính linh hoạt, bởi vì niềm tin cứng nhắc của người đó thường cản trở khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
  2. Phân biệt giữa OCPD và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. OCPD là một chứng bệnh hoàn toàn khác với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), mặc dù hai chứng bệnh này có một số biểu hiện chung.[9]
    • Như tên gọi ngụ ý, sự ám ảnh có nghĩa là suy nghĩ và cảm giác của người bệnh hoàn toàn bị lấn át vì một ý nghĩ dai dẳng. Ý nghĩ này có thể là sự sạch sẽ, an toàn hoặc nhiều thứ khác có ý nghĩa to lớn đối với người đó.
    • Sự cưỡng chế bao gồm hành động dai dẳng và lặp đi lặp lại mà không được đền đáp hoặc đem lại sự hài lòng.[13] Những hành động này thường được thực hiện để xua đi nỗi ám ảnh, chẳng hạn như rửa tay nhiều lần vì ám ảnh về sạch sẽ hoặc kiểm tra ổ khóa đến 32 lần với nỗi ám ảnh rằng nếu không làm vậy thì sẽ có kẻ đột nhập vào nhà.
    • Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một rối loạn lo âu, trong đó sự ám ảnh phải được xử trí bằng những hành vi cưỡng chế. Người bị OCD thường biết rằng nỗi ám ảnh của họ là phi lý hoặc không có lý do, nhưng họ vẫn cảm thấy không thể tránh được.[14] OCPD là một chứng rối loạn nhân cách, trong đó người bệnh thường không nhận ra rằng những suy nghĩ và nhu cầu kiểm soát cứng nhắc về mọi mặt trong đời sống của họ là vô lý và có vấn đề.[9]
  3. Nhận biết tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh OCPD. Sổ tay Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ 5 (DSM-V) chỉ ra rằng, một người mắc chứng OCPD phải có từ bốn triệu chứng trở lên, biểu hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau và gây cản trở cho cuộc sống của người đó như sau:[15]
    • Bận tâm về các chi tiết, nguyên tắc, danh sách, trật tự, tổ chức hoặc lịch trình đến một mức độ làm mất đi mục tiêu chính của hoạt động.
    • Biểu hiện sự cầu toàn gây cản trở cho sự hoàn thành công việc. (Ví dụ như không có khả năng hoàn thành dự án vì tiêu chuẩn quá khắt khe của riêng họ không được đáp ứng).
    • Tận tụy thái quá với công việc và năng suất đến mức gạt bỏ các hoạt động giải trí và mối quan hệ bạn bè (không tính những hoạt động hoặc quan hệ cần thiết vì lợi ích kinh tế rõ ràng)
    • Cẩn trọng quá mức, đắn đo và cứng nhắc về vấn đề đạo đức, phẩm hạnh hay giá trị (không tính đến đặc điểm về tôn giáo hay văn hóa)
    • Không thể từ bỏ những đồ vật cũ kỹ và vô giá trị, ngay cả khi chúng không có giá trị tinh thần nào.
    • Rất do dự khi giao nhiệm vụ cho người khác hoặc làm việc với người khác trừ khi mọi người tuân theo chính xác cách làm của người đó.
    • Thói quen chi tiêu dè sẻn khổ sở cho cả bản thân và với những người khác; họ coi tiền là một thứ để dành dụm khi cơ nhỡ.
    • Có biểu hiện rất cứng nhắc và cố chấp.
  4. Nhận biết tiêu chuẩn của bệnh rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế. Tương tự, bảng Phân loại Quốc tế về Bệnh tật lần 10 của Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra rằng một bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn nhân cách (như đã đề cập ở trên) và có ba trong số các triệu chứng sau đây thì được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế:
    • Có cảm giác hoài nghi và cẩn trọng thái quá;
    • Bận tâm đến các chi tiết, nguyên tắc, danh sách, trật tự, tổ chức hoặc lịch trình;
    • Tính cầu toàn gây cản trở cho sự hoàn thành công việc;
    • Tận tâm quá mức, đắn đo và bận tâm với năng suất đến mức gạt bỏ thú vui và các mối quan hệ cá nhân;
    • Đứng đắn thái quá và bám chặt vào các quy ước xã hội;
    • Cứng nhắc và ương bướng;
    • Khăng khăng một cách phi lý đòi người khác phải phục tùng chính xác cách làm của họ, hoặc miễn cưỡng giao việc cho người khác;
    • Có những suy nghĩ và cơn bột phát không đúng lúc và dai dẳng.
  5. Biết một số yếu tố nguy cơ của OCPD. OCPD là một trong những rối loạn nhân cách thường gặp nhất; DSM-V ước tính có khoảng 2,1% đến 7,9% dân số chung mắc chứng OCPD.[16] Bệnh này cũng thường xảy ra trong gia đình, do đó OCPD có thể mang yếu tố di truyền.[9]
    • Nam giới có tỷ lệ mắc OCPD cao gấp đôi nữ giới.[16]
    • Trẻ nhỏ lớn lên trong gia đình cứng nhắc và kiểm soát có nhiều khả năng mắc OCPD.[17]
    • Trẻ nhỏ được cha mẹ nuôi dạy quá nghiêm khắc và hay chê trách hoặc bảo vệ thái quá có khả năng cao phát triển bệnh OCPD.[17]
    • 70% người OCPD đồng thời cũng mắc chứng trầm cảm.[18]
    • Khoảng 25-50% người OCD cũng bị OCPD.[18]

Lời khuyên[sửa]

  • Lưu ý rằng chỉ có chuyên gia về sức khỏe đủ năng lực mới có thể chẩn đoán người mắc chứng rối loạn này.
  • Bạn hoặc người quen của bạn có thể có từ 3 triệu chứng trở lên trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế hoặc 4 triệu chứng/dấu hiệu trở lên liên quan đến OCPD, nhưng chưa chắc đã mắc chứng bệnh này. Việc hỗ trợ tư vấn vẫn có thể giúp ích cho nhóm này.
  • Dùng thông tin trên đây để biết bạn hoặc người quen của bạn có cần tìm kiếm sự trợ giúp không.
  • Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và APA (Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ) nghiên cứu trên hai bản riêng biệt DSM và ICD. Hai bản này nên được xem xét kết hợp với nhau.[19]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://edmonton.cmha.ca/mental_health/obsessive-compulsive-personality-disorder/#.U1B3nVca1PY
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Washington, DC: APA. p. 679
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 3,5 American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Washington, DC: APA. p. 680.
  4. http://www.adaa.org/understanding-anxiety/obsessive-compulsive-disorder-ocd/hoarding-basics
  5. http://www.adaa.org/living-with-anxiety/ask-and-learn/ask-expert/what-hoarding-and-how-do-i-know-if-i%E2%80%99m-hoarder-what-dif
  6. American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Washington, DC: APA. p. 679.
  7. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/personality-disorders/basics/symptoms/con-20030111
  8. Mark Unterberg. Personality Disorders in the Workplace: The Overinvolved, Underachieving Manager. Business and Health Jul. 1, 2003;21.
  9. 9,0 9,1 9,2 9,3 9,4 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000942.htm
  10. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3138327/
  11. http://psychcentral.com/disorders/sx26t.htm
  12. Barlow, D.H. & Durand, V.M. (2009) Abnormal Psychology: An integrative approach (5th edn). Wadsworth: CA.
  13. Barker, P. (2002) Psychiatric and Mental Health Nursing
  14. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/obsessive-compulsive-disorder-ocd/index.shtml
  15. American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Washington, DC: APA. p. 678-9.
  16. 16,0 16,1 American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Washington, DC: APA. p. 681.
  17. 17,0 17,1 https://iocdf.org/wp-content/uploads/2014/10/OCPD-Fact-Sheet.pdf
  18. 18,0 18,1 http://www.dsm5.org/research/pages/obsessivecompulsivespectrumdisordersconference(june20-22,2006).aspx
  19. http://www.dsm5.org/about/pages/faq.aspx#10

Liên kết đến đây