Nhận biết bệnh tiểu đường

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tiểu đường là một dạng rối loạn chuyển hóa tác động đến khả năng sử dụng và sản xuất insulin của cơ thể, cũng là cách mà cơ thể sử dụng đường huyết để sản sinh năng lượng.[1] Khi các tế bào trở nên kháng insulin hoặc cơ thể không sản xuất đủ insulin, mức đường huyết sẽ tăng, gây ra nhiều triệu chứng tức thời và lâu dài của bệnh tiểu đường. Có 4 loại tiểu đường: tiền tiểu đường, tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai nghén.[2] Tất cả đều có những triệu chứng giống nhau và các triệu chứng khác nhau phân biệt từng loại.

Các bước[sửa]

Nhận biết yếu tố nguy cơ của các loại tiểu đường[sửa]

  1. Đánh giá nguy cơ tiểu đường thai nghén.[3] Tiểu đường thai nghén xảy ra ở phụ nữ mang thai. Nếu thuộc hàng có nguy cơ cao, bạn có thể được xét nghiệm trong lần khám thai đầu tiên và xét nghiệm lại sau quý thứ hai. Phụ nữ có mức rủi ro thấp sẽ được xét nghiệm trong quý thứ hai, từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai nghén sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn trong 10 năm sau khi sinh. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
    • Mang thai ở độ tuổi trên 25
    • Tiền sử bản thân và gia đình có bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường
    • Thừa cân ở thời điểm mang thai (chỉ số cơ thể BMI từ 30 trở lên)
    • Phụ nữ người da đen, gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa, người châu Á hoặc người quần đảo Thái Bình Dương
    • Mang thai lần thứ ba trở lên[4]
    • Tử cung tăng trưởng quá mức trong thời gian mang thai[4]
  2. Chú ý những yếu tố nguy cơ của tiền tiểu đường.[5] Tiền tiểu đường là tình trạng chuyển hóa với đường huyết cao hơn mức bình thường (70-99). Tuy nhiên mức này vẫn thấp hơn mức khuyến cáo cần điều trị bằng thuốc để kiểm soát đường huyết. Các yếu tố nguy cơ của tiền tiểu đường bao gồm:
    • Tuổi từ 45 trở lên
    • Thừa cân
    • Tiền sử gia đình có bệnh tiểu đường tuýp 2
    • Có lối sống ít vận động
    • Cao huyết áp
    • Từng bị tiểu đường thai nghén
    • Sinh con nặng từ 4 kg trở lên
  3. Đánh giá rủi ro bệnh tiểu đường tuýp 2.[6] Loại này đôi khi được gọi là tiểu đường “toàn diện”. Ở tình trạng này, các tế bào của cơ thể trở nên đề kháng với tác dụng của leptin và insulin. Điều này làm tăng mức đường huyết, gây ra những triệu chứng và tác động phụ lâu dài của bệnh. Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng tương tự như tiền tiểu đường, bao gồm:
    • Trên 45 tuổi
    • Thừa cân
    • Ít vận động thể chất
    • Cao huyết áp
    • Có tiền sử bệnh tiểu đường thai nghén
    • Sinh con nặng trên 4 kg
    • Tiền sử gia đình có bệnh tiểu đường
    • Stress kinh niên[7]
    • Bạn là người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa, người châu Á hoặc người gốc ở quần đảo Thái Bình Dương
  4. Kiểm tra các yếu tố rủi ro của bệnh tiểu đường tuýp 1.[8] Các chuyên gia cho rằng tình trạng này là do sự kết hợp giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường.
    • Người da trắng có nguy cơ bị bệnh tiểu đường tuýp 1 cao hơn.
    • Thời tiết lạnh và virus có thể kích thích sự phát triển bệnh tiểu đường tuýp 1 ở những người có nguy cơ cao.
    • Bị stress từ thời thơ ấu.[7]
    • Trẻ được bú sữa mẹ và ăn thức ăn đặc chậm hơn ít có nguy cơ bị bệnh tiểu đường tuýp 1 hơn, bất kể yếu tố nguy cơ về gen.
    • Nếu có anh chị em sinh đôi bị tiểu đường tuýp 1, bạn có 50% rủi ro cũng phát triển bệnh.[9]

Theo dõi các triệu chứng của bệnh tiểu đường[sửa]

  1. Xét nghiệm bệnh tiểu đường thai nghén trong suốt thời gian mang thai.[10] Phụ nữ bị tiểu đường thai nghén thường không có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào. Do đó, bạn nên yêu cầu được xét nghiệm nếu bạn có yếu tố rủi ro bị tiểu đường thai nghén. Căn bệnh này đặc biệt nguy hiểm vì nó ảnh hưởng cho cả bạn và thai nhi. Vì bệnh có tác động lâu dài đến con của bạn, nên việc chẩn đoán sớm là cần thiết.
    • Một số phụ nữ cảm thấy rất khát và có nhu cầu đi tiểu liên tục. Tuy nhiên đó cũng là các dấu hiệu bình thường khi mang thai.[11]
    • Một số phụ nữ kể rằng họ cảm thấy khó chịu hoặc không thoải mái sau khi ăn nhiều tinh bột hoặc đường.
  2. Cẩn thận với các triệu chứng của tiền tiểu đường. Cũng giống như tiểu đường thai nghén, tiền tiểu đường cũng thường có rất ít triệu chứng. Các triệu chứng của bệnh tiểu đường thường do huyết áp rất cao gây ra, mà điều này không có ở những người bị tiền tiểu đường. Nếu có những yếu tố nguy cơ bị tiền tiểu đường, bạn cần phải đề phòng, xét nghiệm thường xuyên, và lưu ý những triệu chứng dù nhỏ. Tiền tiểu đường có thể phát triển thành tiểu đường nếu không được điều trị.
    • Bạn có thể bị tiền tiểu đường nếu mắc chứng bệnh “gai đen” ("acanthosis nigricans") ở những khu vực đặc thù trên cơ thể. Đó là những mảng da dày, sậm màu, thường xuất hiện ở nách, cổ, khuỷu tay, đầu gối và các khớp đốt ngón tay.[12]
    • Bạn có thể cảm thấy khó chịu sau bữa ăn nhiều tinh bột hoặc đường.
    • Bác sĩ có thể cho bạn xét nghiệm tiền tiểu đường nếu bạn có mức cholesterol tăng, cao huyết áp hoặc mất cân bằng về hormone như hội chứng chuyển hóa, hoặc nếu bạn bị thừa cân.
  3. Đánh giá các triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2.[6] Dù có các yếu tố nguy cơ hay không, bạn vẫn có thể phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Chú ý tình trạng sức khỏe và theo dõi các dấu hiệu cho thấy đường huyết có thể tăng cao:
    • Sụt cân không rõ nguyên nhân
    • Mắt mờ hoặc thị lực thay đổi
    • Khát nhiều hơn do đường huyết tăng
    • Đi tiểu nhiều hơn
    • Mệt mỏi và buồn ngủ, ngay cả khi đã ngủ đủ giấc
    • Bàn chân hoặc bàn tay có cảm giác như kim châm hoặc tê
    • Hay bị nhiễm trùng hoặc tái phát nhiễm trùng bàng quang, da hoặc miệng
    • Run rẩy hoặc đói vào giữa buổi sáng hoặc buổi chiều
    • Những vết đứt hoặc trầy xước dường như lâu lành hơn.[13]
    • Da khô, ngứa hoặc có những cục u hay nốt phồng rộp bất thường.[14]
    • Cảm thấy đói hơn bình thường.
  4. Nghi ngờ bệnh tiểu đường tuýp 1 với các triệu chứng đột ngột. Mặc dù phần lớn bệnh nhân phát triển bệnh tiểu đường tuýp 1 trong thời thơ ấu hoặc ở tuổi vị thành niên, tuy nhiên bệnh tiểu đường tuýp 1 cũng có thể phát triển ở tuổi trưởng thành. Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể xuất hiện đột ngột hoặc không rõ rệt trong thời gian dài, có thể bao gồm:[15]
    • Khát quá mức
    • Đi tiểu nhiều hơn
    • Nhiễm nấm men âm đạo ở phụ nữ
    • Bứt rứt
    • Mắt mờ
    • Sụt cân không rõ nguyên nhân
    • Đái dầm bất thường ở trẻ em
    • Đói dữ dội
    • Mệt mỏi và yếu sức
  5. Tìm kiếm chăm sóc y tế khi cần thiết.[16] Các triệu chứng của bệnh tiểu đường thường bị bỏ qua khiến tình trạng tiến triển lên một mức độ nguy hiểm. Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 xuất hiện dần dần qua thời gian. Nhưng ở bệnh tiểu đường tuýp 1, cơ thể có thể ngừng sản xuất insulin rất đột ngột. Bạn sẽ có các triệu chứng trầm trọng hơn, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được nhanh chóng điều trị. Các triệu chứng này bao gồm:
    • Thở sâu và nhanh
    • Mặt đỏ, da và miệng khô
    • Hơi thở có mùi ngọt như hoa quả
    • Buồn nôn và nôn
    • Đau dạ dày
    • Lẫn lộn hoặc lờ đờ

Xét nghiệm bệnh tiểu đường[sửa]

  1. Đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng. Bác sĩ sẽ phải làm nhiều xét nghiệm để xác định bạn có bị tiểu đường hay không. Nếu bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường, bạn cần phải tuân theo chế độ điều trị thường xuyên dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  2. Xét nghiệm đường huyết. Xét nghiệm đường huyết thực hiện đúng như tên gọi của nó: thử lượng đường (glucose) trong máu.[17] Đây là phương pháp dùng để xác định bạn có bị tiểu đường hoặc có nguy cơ tiểu đường hay không. Xét nghiệm này sẽ được thực hiện ở một trong ba trường hợp:[18]
    • Xét nghiệm nhanh đường huyết được thực hiện khi bạn không ăn gì trong ít nhất 8 tiếng. Nếu là trường hợp khẩn cấp, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên, bất kể bạn có vừa mới ăn hay không.
    • Xét nghiệm sau khi ăn no hai tiếng được thực hiện sau khi bạn ăn một lượng tinh bột nhất định để kiểm tra khả năng cơ thể xử lý đường. Xét nghiệm này thường được thực hiện ở bệnh viện do đó họ có thể đo lượng tinh bột bạn đã ăn trước khi xét nghiệm.
    • Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống đòi hỏi bạn uống một loại chất lỏng có lượng glucose cao. Bạn sẽ được thử máu và nước tiểu sau mỗi 30-60 phút để đo khả năng cơ thể dung nạp lượng đường thêm vào. Xét nghiệm này không được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị bệnh tiểu đường tuýp 1.
  3. Xét nghiệm A1C.[19] Loại xét nghiệm máu này còn được gọi là xét nghiệm glycated hemoglobin. Phương pháp này đo lượng đường kết hợp với các phân tử hemoglobin của cơ thể. Qua đó bác sĩ có thể biết nồng độ đường huyết trung bình của bạn trong 30-60 ngày qua.
  4. Xét nghiệm ketone nếu cần thiết. Ketone được tìm thấy trong máu khi sự thiếu hụt insulin buộc cơ thể phải chuyển hóa chất béo để cung cấp năng lượng.[20] Ketone được thải ra ngoài theo nước tiểu, thường gặp nhất ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1. Bác sĩ có thể đề nghị thử máu hay nước tiểu để tìm ketone nếu:[16]
    • Mức đường huyết cao hơn 240mg/dL.
    • Khi mắc các căn bệnh như viêm phổi, đột quỵ hoặc đau tim.
    • Buồn nôn và nôn.
    • Trong thời gian mang thai.
  5. Đề nghị xét nghiệm định kỳ. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường, việc theo dõi sức khỏe và đường huyết thường xuyên là rất quan trọng.[21] Lượng đường huyết cao sẽ gây tổn thương cho các vi mạch máu (micro-blood vessels) trong các cơ quan của cơ thể. Những tổn thương này có thể gây ra nhiều vấn để cho toàn bộ cơ thể. Để theo dõi sức khỏe toàn diện, bạn cần được:
    • Khám mắt hàng năm
    • Đánh giá tổn thương thần kinh tiểu đường ở bàn chân
    • Theo dõi huyết áp thường xuyên (ít nhất mỗi năm một lần)
    • Xét nghiệm thận hàng năm
    • Làm sạch răng mỗi 6 tháng
    • Xét nghiệm cholesterol thường xuyên
    • Đến bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc bác sĩ chuyên khoa nội tiết để khám định kỳ

Điều trị bệnh tiểu đường[sửa]

  1. Chọn lựa lối sống phù hợp đối với tình trạng tiền tiểu đường và tiểu đường type 2. Các tình trạng này thường phát triển do lối sống của chúng ta hơn là do gen di truyền. Bằng cách thay đổi lối sống, bạn có thể giảm mức đường huyết hoặc ngăn chặn sự phát triển bệnh.
  2. Ăn ít tinh bột hơn. Khi chuyển hóa tinh bột thành đường, cơ thể cần sử dụng nhiều insulin hơn. Giảm lượng ngũ cốc, mì, kẹo, đồ ngọt, soda và các loại thực phẩm khác chứa hàm lượng cao tinh bột dạng đơn, do cơ thể xử lý những thức ăn này quá nhanh và có thể khiến lượng đường huyết tăng vọt.[22] Tham khảo bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc đưa tinh bột dạng phức với nhiều chất xơ và có chỉ số đường huyết thấp vào chế độ ăn. Các loại tinh bột dạng phức, có chỉ số đường huyết thấp bao gồm:[23]
    • Đậu và các cây họ đậu
    • Rau không chứa tinh bột (hầu hết các loại rau, trừ các loại như củ cải vàng, chuối lá, khoai tây, bí ngô, bí, đậu hạt, ngô)[24]
    • Hầu hết các loại hoa quả (trừ một số loại như hoa quả khô, chuối và nho)[25]
    • Ngũ cốc nguyên cám, như yến mạch cắt nhỏ, cám, mì làm từ lúa mì nguyên cám, lúa mạch, hạt bulgur, gạo lứt, hạt quinoa[25]
  3. Tăng cường thực phẩm có hàm lượng cao đạm và chất béo tốt. Mặc dù từng bị coi là nguồn gây bệnh tim, nhưng các chất béo tốt có trong quả bơ, dầu dừa, thịt bò ăn cỏ và gà thả vườn hiện nay được coi là nguồn năng lượng tốt. Các chất béo này có thể giúp ổn định đường huyết và giảm sự thèm ăn.[26]
    • A-xít béo omega-3 có trong cá nước lạnh như cá ngừ hoặc cá hồi có thể giảm nguy cơ dẫn đến tiểu đường tuýp 2.[27] Ăn 1-2 khẩu phần cá mỗi tuần.[28]
  4. Duy trì cân nặng hợp lý.[29] Sự đề kháng insulin tăng tỷ lệ thuận cùng với vòng eo. Bạn có thể ổn định mức đường huyết dễ dàng hơn khi giữ được cân nặng khỏe mạnh. Sự kết hợp của chế độ ăn và tập luyện sẽ giúp bạn giữ được cân nặng ở mức hợp lý. Dành 30 phút tập thể dục mỗi ngày để giúp cơ thể sử dụng đường huyết mà không cần insulin. Điều này cũng giúp bạn duy trì trọng lượng khỏe mạnh và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  5. Không hút thuốc. Bỏ thuốc lá nếu bạn đang hút thuốc. Người hút thuốc lá có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 30-40% so với người không hút, và nguy cơ càng tăng nếu càng hút nhiều. Hút thuốc lá còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho những người đã sẵn bị tiểu đường.[30]
  6. Không phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc.[31] Nếu bạn bị tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 và tiểu đường thai nghén, bác sĩ có thể kê toa thuốc cho bạn uống ngoài việc thay đổi lối sống. Tuy nhiên, bạn không thể chỉ trông cậy vào thuốc để kiểm soát bệnh. Thuốc chỉ để hỗ trợ cho các thay đổi chủ yếu nhờ thay đổi trong lối sống của bạn.
  7. Uống thuốc hạ đường huyết (hypoglycemic) nếu bạn bị bệnh tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai nghén. Thuốc này có dạng viên uống, có tác dụng giảm đường huyết trong thời gian 1 ngày. Một số thuốc loại này có thể kể đến Metformin (biguanides), sulfonylureas, Meglitinides, thuốc ức chế alpha-glucosidase và viên uống kết hợp.[32][33]
  8. Tiêm insulin nếu bạn bị tiểu đường tuýp 1. Đây thực sự là cách duy nhất có hiệu quả để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1, tuy nhiên cũng có thể sử dụng cho bệnh tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai nghén. Có bốn loại insulin cho cách điều trị này. Bác sĩ sẽ xác định loại nào có hiệu quả nhất để kiểm soát đường huyết của bạn. Bạn có thể dùng một loại hoặc kết hợp nhiều loại ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày.[34] Bác sĩ cũng có thể đề nghị một loại bơm insulin để duy trì mức insulin 24 giờ mỗi ngày.[35]
    • Insulin tác dụng nhanh được dùng trước bữa ăn, thường dùng kết hợp với insulin tác dụng kéo dài.
    • Insulin tác dụng ngắn hạn được dùng trước bữa ăn 30 phút, và thường kết hợp với insulin tác dụng kéo dài.
    • Insulin tác dụng trung bình uống 2 lần mỗi ngày và có tác dụng giảm lượng đường khi insulin tác dụng nhanh và ngắn hạn hết tác dụng.
    • Insulin tác dụng kéo dài có thể dùng trong thời gian insulin tác dụng nhanh và ngắn hạn hết tác dụng.

Lời khuyên[sửa]

  • Lưu ý các yếu tố nguy cơ và tìm lời khuyên y khoa nếu bạn có các triệu chứng của bệnh tiểu đường.
  • Đặc biệt lưu ý khi bạn đang nóng hoặc lạnh. Cả hai tình trạng này có thể tăng mức đường huyết, đồng thời ảnh hưởng đến thuốc và các dụng cụ xét nghiệm.

Cảnh báo[sửa]

  • Không tự điều trị bệnh tiểu đường ở nhà. Biến chứng lâu dài của bệnh tiểu đường có thể bao gồm các bệnh về thận, mù mắt, cụt bàn tay hoặc chân, bệnh thần kinh tiểu đường và tử vong. Bạn có thể giảm việc dùng thuốc bằng cách thay đổi lối sống và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/diabetes.html
  2. http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/diabetes.printerview.all.html
  3. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/basics/tests-diagnosis/con-20014854
  4. 4,0 4,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18979449
  5. http://www.cdc.gov/diabetes/prevention/prediabetes.htm
  6. 6,0 6,1 http://www.aafp.org/afp/2000/1101/p2137.html
  7. 7,0 7,1 http://spectrum.diabetesjournals.org/content/18/2/121.full
  8. http://www.diabetes.org/diabetes-basics/genetics-of-diabetes.html
  9. http://care.diabetesjournals.org/content/24/5/838.full
  10. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/basics/symptoms/con-20014854
  11. http://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/gestational-diabetes/
  12. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prediabetes/basics/symptoms/con-20024420
  13. http://www.woundcarecenters.org/article/living-with-wounds/how-diabetes-affects-wound-healing
  14. http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/complications/skin-complications.html
  15. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-1-diabetes/basics/symptoms/con-20019573
  16. 16,0 16,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000305.htm
  17. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003482.htm
  18. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prediabetes/basics/tests-diagnosis/con-20024420
  19. http://www.niddk.nih.gov/health-information/health-topics/diagnostic-tests/a1c-test-diabetes/Pages/index.aspx
  20. http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/treatment-and-care/blood-glucose-control/checking-for-ketones.html?referrer=https://www.google.com
  21. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000305.htm
  22. http://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/carbohydrates/carbohydrates-and-blood-sugar/
  23. http://www.diabetes.org/food-and-fitness/food/what-can-i-eat/understanding-carbohydrates/glycemic-index-and-diabetes.html
  24. http://www.diabetes.org/food-and-fitness/food/what-can-i-eat/making-healthy-food-choices/grains-and-starchy-vegetables.html
  25. 25,0 25,1 http://www.health.harvard.edu/healthy-eating/glycemic_index_and_glycemic_load_for_100_foods
  26. http://annals.org/article.aspx?articleid=1846638&resultClick=3
  27. http://www.medscape.com/viewarticle/819533
  28. http://www.diabetes.org/mfa-recipes/tips/2012-08/seafood-a-smart-choice-for.html
  29. http://www.diabetes.org/food-and-fitness/weight-loss/
  30. http://www.cdc.gov/tobacco/campaign/tips/diseases/diabetes.html
  31. http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/treatment-and-care/medication/
  32. http://www.joslin.org/info/oral_diabetes_medications_summary_chart.html
  33. http://spectrum.diabetesjournals.org/content/20/2/101.full
  34. http://www.joslin.org/info/insulin_a_to_z_a_guide_on_different_types_of_insulin.html
  35. http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/treatment-and-care/medication/insulin/how-do-insulin-pumps-work.html