Nhận biết các triệu chứng viêm loét dạ dày

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm loét là những tổn thương xuất hiện trên da hoặc niêm mạc cơ thể. Tình trạng viêm loét xảy ra trong dạ dày hoặc ruột non được gọi là viêm loét dạ dày – tá tràng hoặc loét dạ dày. Loét dạ dày là do các yếu tố có liên quan đến lối sống như chế độ ăn và stress hoặc do dư thừa axit trong dạ dày gây ra. Tuy nhiên, tình trạng loét dạ dày xảy ra phần lớn là do nhiễm trùng vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori). Triệu chứng viêm loét dạ dày có thể có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy từng người. Đôi khi loét dạ dày không có triệu chứng, nghĩa là người bị loét không có bất cứ một triệu chứng viêm loét dạ dày nào.

Các bước[sửa]

Nhận biết Triệu chứng[sửa]

  1. Chú ý đến cơn đau ở vùng bụng giữa xương ức và rốn. Mức độ nghiêm trọng và thời gian bị đau có thể khác nhau giữa mỗi người và cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài tiếng ở bất cứ vị trí nào. Cơn đau thường xuất hiện vào khoảng thời gian giữa các bữa ăn, khi dạ dày bạn rỗng. Bạn sẽ cảm thấy đau đớn như thiêu đốt hoặc như bị dao đâm.
    • Đôi khi cơn đau do loét dạ dày sẽ tạm thời được xoa dịu bằng cách ăn thức ăn giúp đệm axit trong dạ dày hoặc uống thuốc kháng axit OTC (thuốc không cần toa của bác sĩ).
    • Nếu bạn bị loét dạ dày, các cơn đau có thể xảy ra vào ban đêm và khi bạn đói bụng.
  2. Theo dõi các triệu chứng khác của viêm loét dạ dày. Không phải tất cả những triệu chứng này đều xuất hiện đối với tất cả mọi người nhưng bạn có thể gặp một vài triệu chứng trong số đó:
    • Đầy hơi và ợ nóng.
    • Cảm giác no và không thể uống nhiều nước.
    • Cảm thấy đói sau khi ăn được vài giờ.
    • Hơi buồn nôn, đặc biệt là khi mới bước xuống giường vào buổi sáng.
    • Mệt mỏi và không được khỏe.
    • Ăn mất ngon.
    • Giảm cân.
  3. Nhận biệt các triệu chứng của viêm loét dạ dày trầm trọng. Bị loét dạ dày mà không chữa trị sẽ dẫn đến chảy máu trong và các vấn đề khác khiến bạn phải đi cấp cứu.
    • Ói, đặc biệt là ói ra máu, có thể là dấu hiệu mức độ nghiêm trọng của loét dạ dày.
    • Phân bị nhão, có màu tối và giống nhựa đường cũng là dấu hiệu bị loét dạ dày nghiêm trọng.
    • Có máu trong phân.
  4. Đi khám bác sĩ nếu bạn gặp bất cứ triệu chứng nào của bệnh loét dạ dày. Loét dạ dày là bệnh nghiêm trọng và cần phải được điều trị y tế. Các loại thuốc OTC chỉ có thể giảm đau tạm thời nhưng không thể điều trị dứt điểm bệnh.
  5. Nhận biết xem bạn có nguy cơ bị loét dạ dày hay không. Mặc dù loét dạ dày là do nhiều nguyên nhân nhưng những người có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm:
    • Người bị nhiễm trùng vi khuẩn H. pylori.
    • Người thường xuyên uống thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, aspirin hoặc naproxen.
    • Người có tiền sử gia đình bị loét dạ dày.
    • Người thường xuyên uống rượu.
    • Người bị bệnh gan, thận hoặc phổi.
    • Người trên 50 tuổi

Mẹo Giảm đau Nhanh cho Người bị Loét dạ dày[sửa]

  1. Lên lịch hẹn khám bác sĩ. Hầu hết các trường hợp loét dạ dày có thể tự phục hồi. Tuy nhiên, đối với trường hợp bị loét nghiêm trọng, bạn cần phải được chẩn đoán và chữa trị nội soi. Nội soi là phương pháp luồn một ống nhỏ được thắp sáng xuống thực quản của bạn và chỉ có bác sĩ mới có thể tiến hành nội soi. Trong lúc chờ đợi ngày khám, hãy áp dụng những cách giúp bạn giảm đau nhanh sau đây.
  2. Uống thuốc ngăn chặn axit. Nguyên nhân gây loét dạ dày là do sự mất cân bằng giữa các dịch tiêu hóa trong dạ dày và tá tràng. Do đó, thuốc ngăn chặn axit đôi khi được các bác sĩ khuyên dùng nếu những triệu chứng loét dạ dày nghiêm trọng hơn.
  3. Thay đổi một số thói quen. Ngừng hút thuốc, uống rượu và uống thuốc NSAID. Hút thuốc và uống rượu đều có thể gây mất cân bằng dịch tiêu hóa, còn uống NSAID liều cao có thể phá vỡ sự cân bằng này. Ngừng cả 3 thói quen xấu này trong khi chờ đợi sự chẩn đoán của bác sĩ.
  4. Không uống sữa. Uống sữa có thể giúp làm dịu chứng loét dạ dày tạm thời nhưng nó giống như bạn đang tiến một bước nhưng lùi tới hai bước trong quá trình chữa trị viêm loét dạ dày. Sữa có thể lót dạ trong một quãng thời gian ngắn nhưng cũng sẽ kích thích sản xuất nhiều axit dạ dày hơn và làm vết loét trong dạ dày trở nên trầm trọng hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Một tỷ lệ đáng kể bệnh loét dạ dày không phải trực tiếp do stress hay chế độ ăn uống mà do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra, hoàn toàn không do vi rút. Giải Nobel đã được trao cho hai nhà khoa học người Úc là Barry Marshall và Robin Warren cho phát hiện này.
  • Một nguyên nhân phổ biến khác của loét dạ dày là các màng niêm dịch của cơ thể mỏng và quá nhạy cảm đến nỗi dễ bị phá vỡ. Sự phá vỡ này khiến thành dạ dày bị tiếp xúc với các axit vốn do màng niêm dịch chịu trách nhiệm loại bỏ. Có nhiều loại thuốc theo toa và OTC có thể làm màng niêm dịch ngày càng bị mỏng đi. Aspirin, NSAID và một số chất làm loãng máu tổng hợp là một trong các tác nhân bào mòn màng niêm dịch.
  • Trước khi phát hiện ra mối liên hệ giữa vi khuẩn H. pylori và bệnh loét dạ dày, các bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân kiểm soát viêm loét bằng chế độ ăn uống hợp lý và thay đổi lối sống không lành mạnh. Mặc dù hầu hết các trường hợp loét dạ dày là do vi khuẩn nhưng lối sống và chế độ ăn không khoa học cũng có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm. Thường xuyên kiểm soát stress bằng cách cầu nguyện, tập Yoga, ngồi thiền, tập thể dục, áp dụng thực đơn cân bằng và tốt cho sức khỏe, ít chất béo và gia vị có thể giúp bạn kiểm soát được những triệu chứng loét dạ dày.

Cảnh báo[sửa]

  • Những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày của bạn: uống rượu, hút thuốc, sử dụng aspirin, ibuprofen hoặc các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) khác, căng thằng quá độ và phương pháp xạ trị. Tất cả các tác nhân trên đều được nhận định là có thể bào mòn các màng niêm dịch của cơ thể trong đó có niêm mạc dạ dày.
  • Nếu không chữa trị, vết loét có thể ăn mòn thành dạ dày và ruột non, gây chảy máu trong, thủng hoặc tắc nghẽn hệ tiêu hóa.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây