Nhận biết các dấu hiệu tự kỷ ở trẻ em

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tự kỷ là một khuyết tật phổ rộng, có nghĩa là trẻ tự kỷ có nhiều cách biểu hiện hoặc cho thấy các dấu hiệu của chứng tự kỷ qua nhiều kiểu hành vi khác nhau. Trẻ tự kỷ có sự phát triển rối loạn của não, thường biểu hiện qua sự khó khăn hoặc khác biệt về năng lực trí tuệ, tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không lời, có hành vi tự kích thích.[1] Mặc dù mỗi trẻ tự kỷ là một trường hợp cá biệt, nhưng điều cần thiết là nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng càng sớm càng tốt để có thể can thiệp sớm, giúp bạn và con của bạn sống một cuộc sống hạnh phúc nhất có thể.

Các bước[sửa]

Nhận biết các khác biệt về xã hội[sửa]

  1. Tương tác với trẻ. Trẻ sơ sinh bình thường có bản năng xã hội và thích giao tiếp bằng mắt. Một đứa trẻ sơ sinh mắc chứng tự kỷ thường không có vẻ tương tác với cha mẹ, hoặc trông như "không chú ý" đến cha mẹ (cha mẹ không mắc chứng tự kỷ).
    • Giao tiếp bằng mắt. Một đứa trẻ phát triển bình thường có thể đáp lại ánh mắt của người khác ở độ tuổi từ 6 – 8 tuần. Trẻ tự kỷ có thể không nhìn vào bạn hoặc tránh ánh mắt bạn.
    • Mỉm cười với bé. Trẻ không mắc chứng tự kỷ có thể mỉm cười và tỏ vẻ vui mừng khi được sáu tuần tuổi hoặc sớm hơn. Trẻ tự kỷ có thể không cười, ngay cả với cha mẹ.
    • Chơi trò làm mặt xấu với bé và xem trẻ có bắt chước không. Trẻ tự kỷ có thể không tham gia vào trò chơi bắt chước.
  2. Gọi tên trẻ. Trẻ bình thường sẽ đáp lại tên gọi khi được chín tháng tuổi.[2]
    • Những trẻ phát triển bình thường có thể gọi "ba ba" hay "ma ma" khi được 12 tháng tuổi.
  3. Chơi với trẻ ở độ tuổi chập chững. Khi được 2 – 3 tuổi, một đứa trẻ bình thường sẽ rất thích thú tham gia trò chơi với bạn hoặc những người khác.
    • Trẻ tự kỷ ở tuổi chập chững có thể có biểu hiện tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, hoặc chìm vào suy nghĩ. Trẻ bình thường ở tuổi này sẽ thu hút bạn vào thế giới của bé bằng cách chỉ trỏ, cho xem, với tay hoặc vẫy tay khi được 12 tháng tuổi.
    • Trẻ bình thường có thể chơi song song cho đến khi được 3 tuổi. Khi trẻ tham gia vào hoạt động chơi song song tức là chúng chơi bên cạnh các trẻ khác và thích thú bầu bạn nhưng không nhất thiết phải hợp tác trong trò chơi.[3] Đừng nhầm lẫn việc chơi song song và một đứa trẻ tự kỷ không tham gia tương tác xã hội.
  4. Xem xét các ý kiến khác biệt. Khi lên 5 tuổi, một đứa trẻ bình thường có thể hiểu rằng bạn có ý kiến khác về các sự việc. Trẻ tự kỷ thường rất khó khăn trong việc nhận biết rằng những người khác có các quan điểm, suy nghĩ và cảm giác khác với chúng.
    • Nếu con bạn thích kem dâu, bạn hãy nói với trẻ rằng kem chocolate là món bạn yêu thích và xem liệu trẻ có cãi lại hoặc bực bội vì bạn không có cùng ý kiến với trẻ không.
    • Nhiều người mắc chứng tự kỷ hiểu điều này qua lý thuyết hơn là qua thực tế.[4] Trẻ tự kỷ có thể hiểu rằng bạn thích màu xanh, nhưng không hiểu rằng bạn sẽ bực bội nếu trẻ băng qua đường để chạy theo quả bóng bay.
  5. Đánh giá tâm trạng và các cơn bùng phát. Trẻ tự kỷ có thể nổi cơn hoặc bùng phát cảm xúc cực đoan tương tự như cơn thịnh nộ.[1] Tuy nhiên, những cơn bùng phát này không phải là ý muốn của trẻ và cực kỳ khó chịu đối với trẻ.
    • Trẻ tự kỷ trải qua nhiều thách thức và cố gắng “kiềm chế” cảm xúc để làm vừa lòng người chăm sóc. Các cảm xúc có thể vượt khỏi sự kiểm soát, và đứa trẻ có thể trở nên bức xúc đến mức tự làm tổn thương như đập đầu vào tường hoặc tự cắn mình.
    • Trẻ tự kỷ có thể cảm thấy đau khổ hơn đối với các vấn đề về cảm giác, sự ngược đãi và các vấn đề khác. Chúng có thể kích động nhiều hơn để tự vệ.

Quan sát những khó khăn về giao tiếp[sửa]

  1. Thủ thỉ với trẻ và xem trẻ có đáp lại không. Lắng nghe những âm thanh tăng dần và những tiếng bập bẹ khi trẻ lớn lên. Trẻ con thường hoàn toàn nói được khi được 16 đến 24 tháng tuổi.
    • Một đứa bé bình thường có thể cùng bạn trao đổi âm thanh qua lại, chẳng hạn như trò chuyện khi được chín tháng tuổi. Trẻ tự kỷ có thể không hề giao tiếp bằng lời nói hoặc từng có nhưng sau đó mất đi kỹ năng này.
    • Một đứa trẻ bình thường sẽ bập bẹ nói khi được khoảng 12 tháng tuổi.
  2. Trò chuyện với trẻ. Nói chuyện với con bạn về món đồ chơi yêu thích của bé và lắng nghe cấu trúc câu và kỹ năng trò chuyện của trẻ. Trẻ em phát triển bình thường sẽ có nhiều vốn từ khi lên 16 tháng tuổi, có thể nói được những cụm từ gồm 2 từ và có nghĩa khi được 24 tháng tuổi và nói được cả câu mạch lạc khi lên 5 tuổi.
    • Trẻ tự kỷ thường hay nhầm lẫn thứ tự của các từ trong cấu trúc câu hoặc chỉ đơn giản lặp lại các câu hoặc các cụm từ của người khác, gọi là nhại lời.[5][6] Trẻ có thể lẫn lộn các đại từ, ví dụ trẻ nói “Mẹ có muốn ăn bánh không?” khi cố gắng diễn đạt rằng trẻ muốn ăn bánh.[7]
    • Một số trẻ tự kỷ bỏ qua giai đoạn “lời trẻ thơ” và chúng có những kỹ năng ngôn ngữ siêu việt. Trẻ có thể học nói rất sớm và/hoặc phát triển vốn từ rất lớn. Chúng có cách nói chuyện khác biệt so với bạn đồng trang lứa.
  3. Thử dùng các cách diễn đạt khác nhau. Xác định xem liệu trẻ có hiểu các câu nói theo nghĩa đen không. Trẻ tự kỷ thường diễn giải sai ngôn ngữ cơ thể, âm điệu trong giọng nói và cách diễn đạt.
    • Nếu bạn diễn đạt một cách mỉa mai như “Hay nhỉ!” khi thấy trẻ dùng bút đỏ bôi đầy tường phòng khách, trẻ tự kỷ có thể nghĩ rằng bạn đang thực sự khen tác phẩm của trẻ.
  4. Kiểm tra các biểu đạt của nét mặt, giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể. Trẻ tự kỷ thường có cách truyền đạt không lời rất cá biệt. Phần đông mọi người quen với ngôn ngữ cơ thể bình thường, do đó điều này thỉnh thoảng có thể gây nhầm lẫn.
    • Âm điệu đều đều như người máy, giọng ê a hoặc giọng trẻ con khác thường (ngay cả khi trẻ ở tuổi thanh thiếu niên hoặc đã trưởng thành)
    • Ngôn ngữ cơ thể không tương thích với tâm trạng
    • Ít biểu cảm trên nét mặt, biểu cảm thái quá hoặc biểu cảm kỳ quặc.

Xác định các hành vi lặp đi lặp lại[sửa]

  1. Quan sát xem trẻ có các hành vi lặp lại bất thường không. Mặc dù mọi đứa trẻ đều thích chơi trò lặp lại ở mức độ nào đó, nhưng trẻ tự kỷ sẽ biểu hiện những hành vi lặp lại mạnh mẽ như đu đưa, vỗ tay, sắp xếp lại các đồ vật, hoặc lặp đi lặp lại các âm thanh, gọi là nhại lời.[5] Những hành vi này có thể cần thiết cho việc tự trấn tĩnh và thư giãn.
    • Mọi đứa trẻ đều chơi trò nhại lời nói cho đến tuổi lên ba. Trẻ tự kỷ có thể làm điều này thường xuyên hơn và khi đã quá ba tuổi.[8]
    • Một số hành vi lặp lại gọi là tự kích thích, có nghĩa là những hành vi đó kích thích các giác quan của đứa trẻ. Một ví dụ của hiện tượng này là trẻ ngọ nguậy các ngón tay trước mặt để tự kích thích thị giác và mua vui cho mình.
  2. Để ý cách chơi của trẻ. Trẻ tự kỷ thường không bị thu hút bởi các trò chơi tưởng tượng mà thích sắp xếp các vật (ví dụ như các đồ chơi sắp xếp hoặc xây dựng thành phố cho búp bê thay vì chơi nhà búp bê). Sự tưởng tượng xảy ra trong đầu trẻ.
    • Thử phá vỡ kiểu thức: xếp lại búp bê mà trẻ đang xếp hoặc đi qua mặt trẻ khi trẻ đang cố gắng đi thành vòng tròn. Trẻ tự kỷ sẽ bực bội rõ rệt vì sự can thiệp của bạn.
    • Trẻ tự kỷ có thể có khả năng chơi trò chơi tưởng tượng với trẻ khác, nhất là khi đứa trẻ đó dẫn đầu. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ thường không tự chơi trò này một mình.
  3. Nhận biết các mối quan tâm và các vật yêu thích. Sự ám ảnh mạnh mẽ và bất thường đối với các vật dụng trong nhà (chẳng hạn như cây chổi hoặc chuỗi hạt), hoặc sau đó là các sự vật, có thể là một dấu hiệu của chứng tự kỷ.[1]
    • Trẻ tự kỷ có thể phát triển sự quan tâm đặc biệt về một đề tài, và tiếp thu được kiến thức cực kỳ sâu rộng. Các ví dụ có thể gồm kiến thức về loài mèo, các con số thống kê về bóng chày, truyện cổ tích, trò chơi ghép hình và chơi cờ. Trẻ thường “hào hứng” hoặc cởi mở khi được hỏi về các đề tài đó.
    • Trẻ có thể có một mối quan tâm đặc biệt, hoặc cùng lúc quan tâm vài đề tài. Các sở thích của trẻ có thể thay đổi khi trẻ học hỏi và lớn lên.
  4. Quan sát sự nhạy cảm tăng hoặc giảm với các giác quan. Nếu con bạn tỏ ra khó chịu bất thường với ánh sáng, kết cấu, âm thanh, mùi vị hoặc nhiệt độ, bạn hãy nói với bác sĩ.[9]
    • Trẻ tự kỷ có thể “phản ứng thái quá” với âm thanh lạ (ví dụ như tiếng động lớn và đột ngột hoặc tiếng máy hút bụi), kết cấu (như tất hoặc áo len gây ngứa), v.v… Hiện tượng này là do giác quan nào đó được phóng đại lên và gây khó chịu hoặc đau đớn thực sự.

Đánh giá chứng tự kỷ qua độ tuổi[sửa]

  1. Biết khi nào có thể nhận biết chứng tự kỷ. Một số triệu chứng xuất hiện rõ rệt khi trẻ được 2 – 3 tuổi. Ngoài ra, trẻ có thể được chẩn đoán bệnh ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp (ví dụ như lên trung học hoặc chuyển nhà) hoặc trong các thời kỳ căng thẳng. Những áp lực quá mức trong cuộc sống có thể khiến người tự kỷ “đi ngược lại” để đối phó,[10] khiến những người thân lo lắng tìm sự chẩn đoán.
    • Một số người chỉ được chẩn đoán khi vào đại học, khi sự phát triển khác biệt của họ trở nên rõ rệt.
  2. Biết về các cột mốc thời niên thiếu. Tuy có một vài khác biệt, hầu hết trẻ em đều đạt các mốc phát triển theo các kiểu thức đặc trưng. Trẻ em tự kỷ thường đạt đến các mốc này muộn hơn.[11] Một số trường hợp có thể phát triển sớm hơn, và cha mẹ của trẻ có thể coi đó là biểu hiện của một đứa trẻ thiên tài đang vật lộn hoặc đang thu mình lại.
    • Lên ba tuổi, trẻ con thường có thể leo cầu thang, chơi với các đồ chơi khéo léo đơn giản và chơi trò đóng giả.
    • Lên bốn tuổi, trẻ có thể kể lại những câu chuyện yêu thích, vẽ nguệch ngoạc và làm theo các hướng dẫn đơn giản.
    • Lên năm tuổi, nói chung trẻ có thể vẽ tranh, kể về hoạt động trong ngày của mình, tự rửa tay và tập trung vào nhiệm vụ.
    • Những trẻ tự kỷ ở lứa tuổi lớn hơn và tuổi vị thành niên có thể tuân theo một kiểu thức hoặc trình tự nghiêm ngặt, bị cuốn hút vào những mối quan tâm đặc biệt, thích thú với những đề tài thường không thuộc nhóm tuổi của trẻ,[12] tránh giao tiếp bằng mắt và rất nhạy cảm với sự đụng chạm.
  3. Để ý đến các kỹ năng bị mất đi. Nói với bác sĩ gia đình nếu bạn lo ngại về bất cứ điểm nào trong sự phát triển của trẻ. Đừng trì hoãn nếu con bạn mất khả năng nói chuyện, các kỹ năng tự chăm sóc hoặc các kỹ năng xã hội ở bất cứ lứa tuổi nào.
    • Hầu hết các kỹ năng bị mất đi vẫn còn "ở đó" và có thể lấy lại được.

Lời khuyên[sửa]

  • Tuy không nên tự chẩn đoán cho con, nhưng bạn vẫn có thể kiểm tra trên mạng.
  • Người ta cho rằng chứng tự kỷ thường xảy ra ở bé trai nhiều hơn bé gái. Các chuyên gia nhận thấy rằng chứng tự kỷ ở bé gái thường bị bỏ qua trong các tiêu chuẩn chẩn đoán[13] đặc biệt do bé gái thường “ngoan hơn”.[14]
  • Hội chứng Asperger từng được coi là dạng rối loạn khác, nhưng hiện nay cũng được xếp vào nhóm rối loạn phổ tự kỷ.
  • Nhiều trẻ tự kỷ có kèm theo các chứng bệnh khác như lo âu, trầm cảm, rối loạn dạ dày - ruột, co giật, rối loạn xử lý cảm giác và hội chứng pica, một hội chứng thèm ăn những thứ không phải thức ăn (ngoài thói quen phát triển bình thường của trẻ ở tuổi chập chững là thường hay cho mọi thứ vào miệng).
  • Vắc-xin tiêm phòng không gây ra chứng tự kỷ.[15]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]