Nhận biết cơn đau tim

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cơn đau tim xuất hiện khi lưu thông máu bị đứt đoạn khiến tim không được cấp đủ oxy. Cơ tim không thể hoạt động bình thường và mô tim nhanh chóng chết dần.[1] Tính riêng tại Mỹ, khoảng 735.000 người bị lên cơn đau tim mỗi năm.[2] Tuy nhiên, chỉ khoảng 27% trong số đó biết mọi triệu chứng cấp của một cơn đau tim.[3] Đừng để chính bạn trở thành một phần trong số liệu thống kê. Đau đè nén ở ngực và đau nhức người trên (khi dùng hay không dùng sức) là triệu chứng đau tim điển hình, bên cạnh một số dấu hiệu báo động cần được lưu ý khác. Nhận biết dấu hiệu đau tim và đến bệnh viện ngay lập tức có thể làm nên sự khác biệt giữa sống sót, tổn thương mô vĩnh viễn và cái chết. Khi có bất kỳ nghi ngờ nào về những triệu chứng trên, hãy tìm đến y tế ngay lập tức.

Các bước[sửa]

Nhận biết Thời điểm Cần Chăm sóc Y tế Khẩn cấp[sửa]

  1. Chú ý triệu chứng đau ngực. Cơn đau ở ngực, dù là đau nhói hay âm ỉ, đều là dấu hiệu phổ biến nhất của đau tim. Người thường xuyên lên cơn đau tim thường cho biết họ cảm thấy bị siết, căng tức, ép, thắt chặt hoặc cảm giác nhói đau ở vùng trung tâm hay bên ngực trái. Cảm giác này có thể kéo dài vài phút hoặc hơn, hay biến mất và tái xuất hiện sau đó.[4]
    • Đau ngực bắt nguồn từ đau tim không phải lúc nào cũng có cảm giác nặng nề, đè nén như một số người miêu tả - thường được gọi là cơn đau tim "điện ảnh". Trên thực tế, nó có thể khá nhẹ, vì vậy, đừng bỏ qua đau ngực ở bất kỳ mức độ nào.[5]
    • Đau ngực "sau xương ức" khá phổ biến. Nó là cơn đau nằm ở phía sau xương ngực, hay xương ức, thường dễ dàng bị nhầm lẫn với cơn đau do khó chịu dạ dày, chẳng hạn chướng bụng. Hãy gọi bác sĩ khi có bất kỳ nghi ngờ nào liên quan đến cơn đau này.
    • Nhớ rằng đau ngực không luôn xuất hiện cùng đau tim. Trên thực tế, phần nhiều bệnh nhân đau tim không hề có cảm giác đau ngực. Đừng loại bỏ khả năng bị đau tim chỉ vì bạn không bị đau ở khu vực đó.
  2. Kiểm tra sự không thoải mái ở phần trên của cơ thể. Đôi khi, cơn đau xuất phát từ một cơn đau tim có thể lan tỏa từ ngực ra xung quanh, gây cảm giác khó chịu ở cổ, hàm, bụng, lưng trên và cánh tay trái.[6] Đó thường là cơn đau âm ỉ. Nếu bị đau dù trong thời gian gần đó không hề tập thể thao hay làm bất kỳ điều gì có thể dẫn đến đau nhức phần trên cơ thể, có thể bạn đang bị đau tim.[1]
  3. Cẩn thận với triệu chứng chóng mặt, cảm giác lâng lâng và muốn ngất.[7] Dù không xuất hiện ở mọi trường hợp, chúng cũng là những dấu hiệu cực kỳ phổ biến của đau tim.
    • Tương tự những triệu chứng đau tim khác, chóng mặt, cảm giác lâng lâng và muốn ngất còn là dấu hiệu của nhiều chứng bệnh khác, và vì vậy, dễ bị xem nhẹ. Đừng phớt lờ chúng, đặc biệt là khi đồng thời, bạn cảm thấy đau ngực.
    • Không phải mọi phụ nữ đều trải qua những triệu chứng trên khi đau tim. Dù vậy, tần suất xuất hiện ở phụ nữ thường cao hơn nam giới.
  4. Kiểm soát hơi thở của bạn. Khó thở là một triệu chứng đau tim khó nhận biết và không nên xem nhẹ. Khác với khó thở liên quan đến các chứng bệnh khác, trong trường hợp đau tim, dường như nó xuất hiện không vì nguyên nhân gì. Người bị khó thở do đau tim mô tả cảm giác tương tự như vừa tập ở cường độ rất cao dù tất cả những gì họ làm chỉ là ngồi và thư giãn.[1]
    • Khó thở có thể là triệu chứng đau tim duy nhất của bạn. Đừng xem nhẹ nó! Đặc biệt, nếu bị khó thở dù không làm gì có thể dẫn đến điều đó, hãy tìm đến hỗ trợ y tế khẩn cấp.
  5. Cẩn thận với dấu hiệu của buồn nôn. Buồn nôn cũng có thể dẫn đến đổ mồ hôi lạnh hay thậm chí ói mửa. Nếu có những triệu chứng này, đặc biệt là trong mối quan hệ với những triệu chứng khác, có thể bạn đang bị đau tim.[8]
  6. Kiểm soát sự lo lắng của bản thân. Nhiều bệnh nhân đau tim trở nên cực kỳ lo lắng và có cảm giác như thể "tim ngừng đập". Đừng xem nhẹ nó và hãy nhanh chóng tìm đến cấp cứu khi trải qua cảm xúc mãnh liệt này.
  7. Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu nghi ngờ bản thân hay ai đó đang lên cơn đau tim. Càng sớm được điều trị y tế, cơ hội sống sót càng cao. Đừng liều lĩnh thuyết phục bản thân không làm gì hay chờ đợi quá lâu.
    • Một nghiên cứu cho thấy quá bán số người có triệu chứng đau tim mất hơn 4 giờ mới tìm giúp đỡ.[5] Gần một nửa trường hợp tử vong xảy ra ngoài bệnh viện.[4] Đừng coi thường bất kỳ triệu chứng nào, dù chúng dường như nhẹ đến mức khó nhận biết. Hãy nhanh chóng tìm đến hỗ trợ khẩn cấp.

Nhận biết Dấu hiệu Báo động sớm Khác[sửa]

  1. Tìm đến chăm sóc y tế khi bị đau thắt ngực (angina). Angina là cơn đau ngực có thể đem lại cảm giác như một sự ép nhẹ, bỏng rát hoặc căng đầy. Nó thường bị nhầm lẫn với ợ nóng. Angina có thể là dấu hiệu của bệnh viêm mạch vành, một trong những nguyên nhân đau tim phổ biến nhất. Khi cảm thấy bất kỳ cơn đau nào ở ngực, tốt nhất, bạn nên đi kiểm tra ngay lập tức.[9]
    • Hầu hết cơn đau thắt đều xuất hiện ở ngực. Tuy nhiên, nó cũng có thể xuất hiện ở tay, vai, cổ, hàm, họng hoặc lưng. Có thể sẽ khó để xác định chính xác chỗ đau.[10]
    • Angina thường được cải thiện sau khi nghỉ ngơi vài phút.[11] Nếu cơn đau ngực kéo dài hơn một vài phút hoặc không đỡ khi nghỉ ngơi hay điều trị đau thắt ngực, hãy tìm đến hỗ trợ y tế khẩn cấp.[10]
    • Một số người xuất hiện angina sau khi tập luyện và nó không luôn là dấu hiệu của đau tim hay bệnh tim mạch. Sự khác biệt với thông thường là điều quan trọng nhất cẩn lưu ý.
    • Nếu cho rằng bản thân bị đau bởi chứng khó tiêu, có thể sự thực là bạn đang bị đau thắt ngực. Hãy đặt hẹn với bác sĩ để tìm nguyên nhân của cơn đau.
  2. Xác định liệu bạn có mắc chứng rối loạn nhịp tim hay không. Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim không bình thường và xuất hiện ở ít nhất 90% người bị đau tim. Khi cảm thấy xốn xang trong lồng ngực hay có cảm giác như thể tim bị “rớt nhịp”, có thể bạn đã bị rối loạn nhịp tim.[12] Hãy gặp chuyên gia để được tiến hành kiểm tra và xác định nguyên nhân triệu chứng ở bạn.
    • Rối loạn nhịp tim cũng có thể biểu hiện ở những triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như chóng mặt, cảm giác lâng lâng, muốn ngất, tim đập nhanh hay mạnh, khó thở và đau ngực. Khi bất kỳ triệu chứng nào trên đây xuất hiện kèm theo rối loạn nhịp tim, hãy tìm đến hỗ trợ y tế khẩn cấp.[13]
    • Dù khá phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi, rối loạn nhịp tim có thể là dấu hiệu của vấn đề y tế nghiêm trọng hơn. Đừng xem nhẹ, phớt lờ nó. Hãy tư vấn bác sĩ để được kết luận chắc chắn.[13]
  3. Nhận biết triệu chứng mất phương hướng, nhầm lẫn và tương tự đột quỵ. Ở người lớn tuổi, những triệu chứng này có thể thật sự là dấu hiệu của vấn đề tim mạch. Hãy tìm đến chăm sóc y tế khi gặp khó khăn không xác định được nguyên nhân liên quan đến nhận thức.
  4. Cẩn thận với tình trạng đuối sức bất thường. Khi bị đau tim, so với nam giới, triệu chứng đuối sức bất thường, đột ngột hay không giải thích được phổ biến hơn ở phụ nữ.[7] Tình trạng này có thể bắt đầu một vài ngày trước khi cơn đau tim thật sự xuất hiện.[14] Khi có hiện tượng đuối sức bất thường, đột ngột dù không có sự thay đổi trong hoạt động hàng ngày, hãy trao đổi với bác sĩ ngay lập tức.

Hành động Trong lúc Chờ Cấp cứu[sửa]

  1. Gọi cấp cứu ngay lập tức. Dịch vụ cấp cứu có thể sẽ cho bạn biết cách giúp đỡ người đang có triệu chứng đau tim. Hãy làm chính xác những gì được hướng dẫn. Gọi hỗ trợ trước khi tiến hành bất kỳ điều gì khác.[15]
    • Gọi 115 (hoặc số dịch vụ cấp cứu của bạn) sẽ giúp bạn tới bệnh viện nhanh hơn là tự lái xe đến phòng cấp cứu. Hãy gọi xe cứu thương. Đừng lái xe đến bệnh viện trừ khi không còn lựa chọn nào khác.[16]
    • Điều trị đau tim đạt hiệu quả nhất khi được bắt đầu trong vòng 1 giờ kể từ lúc xuất hiện triệu chứng.[1]
  2. Dừng mọi hoạt động. Ngồi xuống và nghỉ ngơi. Cố giữ bình tĩnh bằng cách thở đều đặn hết mức có thể.[17]
    • Nới lỏng mọi trang phục bó sát, chẳng hạn như cổ áo và thắt lưng.
  3. Dùng mọi loại thuốc được bác sĩ chỉ định cho việc điều trị bệnh tim của bạn. Khi dùng thuốc kê đơn như nitroglycerin, hãy dùng liều lượng được khuyên dùng trong lúc chờ cứu thương đến.[17]
    • Đừng dùng thuốc kê đơn không được bác sĩ chỉ định riêng cho bạn. Dùng thuốc của người khác có thể gây tổn hại đến tính mạng.[18]
  4. Dùng aspirin. Nhai và nuốt một viên aspirin có thể giúp phá vỡ cục máu đông hay sự tắc nghẽn góp phần dẫn đến đau tim.[19]
    • Đừng dùng aspirin khi bị dị ứng hoặc được bác sĩ chỉ định không dùng.[18]
  5. Khám bác sĩ kể cả khi cơn đau đã giảm bớt. Kể cả khi triệu chứng được cải thiện trong vòng năm phút, hãy đến gặp bác sĩ. Đau tim có thể để lại các cục tắc nghẽn trong dòng lưu thông của máu, có khả năng dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như tái đau tim hoặc đột quỵ. Bạn cần được kiểm tra và đánh giá bởi chuyên gia y tế.

Nhận biết Nguyên nhân khác của Triệu chứng[sửa]

  1. Nhận biết triệu chứng của chứng khó tiêu. Khó tiêu còn được biết đến với tên gọi “rối loạn tiêu hóa” hay “đau dạ dày”. Đó thường là cơn đau tái diễn hay mãn tính ở vùng bụng trên.[20] Khó tiêu có thể dẫn đến đau hay ép ngực nhẹ. Một vài triệu chứng dưới đây thường xuất hiện cùng cảm giác đau:[21]
    • Ợ nóng
    • Cảm giác căng hoặc đầy bụng
    • Trào ngược a-xít
    • Đau hay “khó chịu” dạ dày
    • Mất cảm giác thèm ăn
  2. Nhận biết triệu chứng GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản). GERD xảy ra khi van thực quản không đóng đúng mức, khiến thành phần ở dạ dày tràn ngược vào thực quản. Điều này có thể dẫn đến ợ nóng và cảm giác như thể thức ăn “mắc kẹt” trong ngực. Bạn sẽ thấy buồn nôn, đặc biệt sau khi ăn xong.[22]
    • Triệu chứng của GERD thường xuất hiện sau khi ăn. Chúng trở nên tệ hơn khi nằm hay cúi người, hoặc có thể tệ hơn vào buổi tối.
  3. Nhận biết triệu chứng hen phế quản. Hen phế quản có thể gây cảm giác đau, ép hay thắt ngực. Chúng thường xuất hiện cùng với ho và thở khò khè.[23]
    • Cơn hen phế quản nhẹ thường bớt sau vài phút. Nếu vẫn khó thở sau vài phút, hãy tìm đến hỗ trợ y tế.
  4. Nhận biết một cơn hoảng loạn. Người vô cùng lo lắng có thể đang ở trong một cơn hoảng loạn. Ban đầu, triệu chứng của hoảng loạn có thể dường như rất giống với của một cơn đau tim. Đó có thể là tim đập nhanh, đổ mồ hôi, đuối sức hay ngất xỉu, đau ngực hoặc khó thở.[24]
    • Triệu chứng của hoảng loạn đến rất nhanh và cũng thường biến mất rất nhanh. Nếu triệu chứng không cải thiện trong vòng 10 phút, hãy tìm đến hỗ trợ y tế.[25]

Nhận biết Rủi ro Của bạn[sửa]

  1. Cân nhắc vấn đề tuổi tác. Nguy cơ đau tim gia tăng cùng độ tuổi. Đàn ông từ 45 tuổi trở lên và phụ nữ từ 55 tuổi trở lên dễ bị đau tim hơn.[26]
    • Triệu chứng đau tim có đôi chút khác biệt ở người lớn tuổi. Triệu chứng cần lưu ý ở người lớn tuổi bao gồm cảm giác muốn ngất, khó thở, buồn nôn và mất sức.
    • Triệu chứng mất trí, chẳng hạn như trí nhớ không hoàn chỉnh, thái độ khác thường hay thất thường, suy giảm khả năng phán đoán, có thể báo hiệu cơn đau tim “thầm lặng” ở người già.[6]
  2. Cân nhắc cân nặng của bạn. Quá cân hay béo phì sẽ khiến bạn có nguy cơ đau tim cao hơn.[26][1]
    • Lối sống ít hoạt động cũng làm tăng rủi ro của bạn.[26]
    • Chế độ ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành - có thể dẫn đến đau tim.
  3. Dừng hút thuốc lá. Hút và tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng nguy cơ đau tim.[27]
  4. Nghĩ về những vấn đề sức khỏe mãn tính khác. Nguy cơ đau tim cao hơn khi bạn gặp một trong những tình trạng y tế sau:[4]
    • Huyết áp cao
    • Hàm lượng cholesterol trong máu cao
    • Bệnh sử gia đình hoặc cá nhân có đau tim hoặc đột quỵ
    • Tiểu đường
      • Triệu chứng đau tim ở người bị tiểu đường có thể ít kịch tính hơn. Hãy tìm đến chăm sóc y tế ngay lập tức khi có bất kỳ triệu chứng đáng ngờ nào.[6]

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng chậm trễ trong việc tìm đến hỗ trợ y tế vì ngại ngùng hay cho rằng bản thân không “thật sự” đau tim. Nó có thể giết chết bạn.
  • Đừng xem nhẹ bất kỳ triệu chứng đau tim nào. Nếu vẫn không khỏe sau một vài (5-10) phút ngồi nghỉ, hãy tìm đến hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Cảnh báo[sửa]

  • Từng bị đau tim, nguy cơ tái phát sẽ cao hơn.
  • Đừng dùng máy khử rung tim (AED) trừ khi được huấn luyện đặc biệt.
  • Khi bị thiếu máu cục bộ không triệu chứng, cơn đau tim có thể xuất hiện mà không hề có triệu chứng hay dấu hiệu báo trước nào.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 http://www.nhlbi.nih.gov/files/docs/public/heart/heart_attack_fs_en.pdf
  2. http://www.cdc.gov/heartdisease/facts.htm
  3. http://www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/mm5707a3.htm
  4. 4,0 4,1 4,2 http://www.cdc.gov/dhdsp/data_statistics/fact_sheets/fs_heartattack.htm
  5. 5,0 5,1 http://www.webmd.com/heart-disease/features/recognizing-heart-attack-stroke-angina
  6. 6,0 6,1 6,2 Domino, F. (n.d.). In The 5-minute clinical consult standard 2015 (23rd ed.)
  7. 7,0 7,1 http://www.heart.org/HEARTORG/Conditions/HeartAttack/WarningSignsofaHeartAttack/Heart-Attack-Symptoms-in-Women_UCM_436448_Article.jsp
  8. http://www.heart.org/HEARTORG/Conditions/911-Warnings-Signs-of-a-Heart-Attack_UCM_305346_SubHomePage.jsp
  9. http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/angina
  10. 10,0 10,1 http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/angina/signs
  11. http://www.heart.org/HEARTORG/Conditions/HeartAttack/WarningSignsofaHeartAttack/Angina-in-Women-Can-Be-Different-Than-Men_UCM_448902_Article.jsp
  12. http://www.mayoclinic.com/health/heart-arrhythmias/DS00290/DSECTION=symptoms
  13. 13,0 13,1 http://www.heart.org/HEARTORG/Conditions/Arrhythmia/SymptomsDiagnosisMonitoringofArrhythmia/Symptoms-Diagnosis-Monitoring-of-Arrhythmia_UCM_002025_Article.jsp
  14. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-attack/in-depth/heart-attack-symptoms/art-20047744?pg=2
  15. http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/heartattack/signs
  16. http://www.webmd.com/heart-disease/features/recognizing-heart-attack-stroke-angina?page=2
  17. 17,0 17,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000063.htm
  18. 18,0 18,1 http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-heart-attack/basics/art-20056679
  19. http://www.everydayhealth.com/heart-health-specialist/helping-heart-attack-victim.aspx
  20. http://gi.org/guideline/management-of-dyspepsia/
  21. http://www.webmd.com/digestive-disorders/tc/dyspepsia-topic-overview
  22. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000265.htm
  23. http://www.webmd.com/asthma/guide/asthma-symptoms
  24. http://www.webmd.com/anxiety-panic/guide/panic-attack-symptoms
  25. Agabegi, S. (2013). Diseases of the Cardiovascular System. In Step-up to medicine (3rd ed., p. 8). Philadelphia: Wolters Kluwer/Lippincott Williams & Wilkins.
  26. 26,0 26,1 26,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-attack/basics/risk-factors/con-20019520
  27. http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/smo

Liên kết đến đây