Nhận biết dấu hiệu ung thư vú

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cứ tám phụ nữ thì có một người bị ảnh hưởng bởi ung thu vú, một căn bệnh chỉ xếp thứ hai sau ung thư da về số ca được chẩn đoán ung thư mỗi năm. Căn bệnh này cũng là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư, chỉ sau ung thư phổi.[1] Mặc dù nguy cơ thấp hơn so với nữ giới, nhưng nam giới cũng có thể được chẩn đoán ung thư vú. Tiền sử gia đình về ung thư vú là yếu tố đặc biệt quan trọng để bạn chủ động và lưu ý mọi thay đổi ở vú. Việc nhận thức và phát hiện bệnh sớm sẽ tăng cơ hội thành công trong điều trị cũng như cơ hội sống của bệnh nhân.

Các bước[sửa]

Nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú[sửa]

  1. Hiểu về sự thay đổi trong các nghiên cứu về tính hiệu quả của phương pháp tự kiểm tra vú. Trước đây, phương pháp tự kiểm tra vú hàng tháng (BSE) được khuyến nghị thực hiện đối với mọi phụ nữ. Tuy nhiên vào năm 2009, sau khi nhiều công trình nghiên cứu quan trọng được công bố, Lực lượng Đặc nhiệm về Dịch vụ Phòng bệnh Hoa Kỳ đã ra khuyến cáo về việc hướng dẫn phụ nữ tự kiểm tra vú.[2] Các nghiên cứu này kết luận rằng BSE không giúp giảm tỷ lệ tử vong hoặc tăng số ca ung thư được phát hiện.[3]
    • Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Lực lượng Đặc nhiệm về Dịch vụ Phòng bệnh Hoa Kỳ, BSE nên được thực hiện theo ý nguyện của phụ nữ và họ phải được biết về hạn chế của BSE. Có lẽ điều chủ yếu mà các tổ chức này muốn nhấn mạnh là phụ nữ nên biết mô vú như thế nào là bình thường.
    • Nói cách khác, BSE không thể (và không nên) thay thế cho quá trình kiểm tra ở phòng khám để phát hiện những dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên BSE có thể giúp bạn hiểu hơn về trạng thái bình thường của vú, qua đó bạn sẽ có khả năng hỗ trợ bác sĩ phát hiện những thay đổi. BSE không bao giờ nên dùng để thay thế phương pháp kiểm tra vú ở cơ sở y tế do bác sĩ thực hiện.[4]
  2. Quan sát bằng mắt. Bạn có thể thực hiện việc này bất cứ khi nào muốn, mặc dù thời gian tốt nhất để kiểm tra là sau kỳ kinh nguyệt, khi vú đã bớt căng và sưng. Cố gắng thực hiện vào cùng một thời gian hàng tháng. Ngồi hoặc đứng trước gương, cởi áo và áo ngực. Hai cánh tay giơ lên và hạ xuống. Quan sát kích thước, hình dạng, độ căng và vẻ ngoài của mô vú cũng như vùng xung quanh, đặc biệt ở vùng nách. Các thay đổi có thể bao gồm:[5]
    • Vùng da lồi lõm và nhăn nheo như vỏ cam (còn gọi là peau d’orange).
    • Vết đỏ mới hoặc vết phát ban có vẩy
    • Vú sưng hoặc căng bất thường.
    • Các thay đổi ở núm vú, chẳng hạn như núm vú thụt vào, ngứa hoặc đỏ.
    • Tiết dịch ở núm vú, dịch tiết có thể không màu, màu vàng hoặc có máu.
  3. Kiểm tra bằng tay. Thời điểm lý tưởng để kiểm tra là trong kỳ kinh nguyệt, khi vú ít căng nhất, thường là trước khi hết kinh vài ngày.[6] Bạn có thể thực hiện bằng cách nằm xuống để vú trải ra, khiến mô vú mỏng hơn và dễ sờ nắn hơn, hoặc bạn cũng có thể kiểm tra khi tắm dưới vòi sen, vì xà phòng và nước giúp các ngón tay di chuyển dễ dàng hơn trên vùng da vú.[7] Thực hiện theo các bước sau:
    • Nằm ngửa và đặt tay phải sau đầu. Dùng ba ngón tay đầu tiên của bàn tay trái sờ nắn mô vú bên phải. Nhớ dùng mặt dưới ngón tay, không chỉ dùng đầu ngón tay.[7]
    • Dùng ba lực ấn khác nhau để khám vú ở ba phần: phần ngay bên dưới da, phần giữa vú và ấn mạnh hơn chút nữa để nắn mô vú gần sát lồng ngực. Đảm bảo dùng mọi lực ấn cho từng khu vực trước khi chuyển sang chỗ khác.[7]
    • Bắt đầu kiểm tra theo đường vẽ tưởng tượng chạy dọc bên sườn, bắt đầu từ nách và di chuyển với động tác lên xuống. Bắt đầu từ xương đòn đi xuống đến khi chạm xương sườn. Di chuyển vào giữa đến khi sờ thấy xương ức. Quan trọng là kiểm tra toàn bộ vú, do đó bạn hãy cố gắng sờ nắn theo thứ tự.[7]
    • Tiếp đó, đặt tay trái dưới đầu và kiểm tra tương tự với vú bên trái.
    • Nhớ rằng mô vú mở rộng đến khu vực gần sát nách. Đây là nơi thường được gọi là chân vú và thường xuất hiện khối u hoặc ung thư.[8]
  4. Làm quen với vú. Biết hình dạng và cảm giác của vú. Tập quen thuộc với kết cấu, đường nét, kích thước, v.v… Nhờ đó bạn có thể trao đổi với bác sĩ tốt hơn.
    • Khuyến khích bạn đời trao đổi với bạn về những thay đổi mà anh ấy có thể nhận ra. Bạn đời của bạn có thể nhận ra những thay đổi ở mô vú mà bạn có thể bỏ qua vì họ nhìn cơ thể bạn dưới góc độ khác.
  5. Biết về các yếu tố nguy cơ. Một số người có rủi ro mắc bệnh ung thư vú cao hơn những người khác. Cần lưu ý là, dù rơi vào một hoặc nhiều trường hợp dưới đây, bạn cũng không nhất định sẽ bị ung thư vú; tuy nhiên điều này thực sự cho thấy rằng bạn nên lưu tâm hơn, khám vú định kỳ ở bệnh viện và chụp X-quang tuyến vú. Một số yếu tố cho thấy nguy cơ cao gồm:[9]
    • Giới tính: Nữ giới thường có khả năng phát triển ung thư vú hơn nam giới.
    • Tuổi tác: Nguy cơ ung thư vú tăng theo độ tuổi. Phần đông phụ nữ bị ung thư vú ở độ tuổi trên 45.
    • Kinh nguyệt: Nếu bạn bắt đầu có kinh trước 12 tuổi hoặc bước vào thời kỳ mãn kinh khi đã quá tuổi 55, mức rủi ro của bạn sẽ cao hơn đôi chút.
    • Mang thai và cho con bú: Mang thai sớm hoặc mang thai nhiều lần và nuôi con bằng sữa mẹ có thể giảm nguy cơ ung thư vú. Phụ nữ không có con hoặc không mang thai khi đã quá 30 tuổi có rủi ro phát triển ung thư vú cao hơn.
    • Các yếu tố về lối sống: Béo phì, hút thuốc lá và sử dụng chất cồn đều là các yếu tố tăng nguy cơ ung thư vú.
    • Liệu pháp hormone thay thế (HRT): Việc đang và đã từng sử dụng hormone thay thế khiến rủi ro ung thư vú cao hơn. Tuy nhiên điều này còn gây tranh cãi với nhiều ý kiến ủng hộ cũng như phản đối, do đó tốt nhất là bạn nên trao đổi với bác sĩ về các rủi ro cá nhân, các lựa chọn khác và cách theo dõi.
  6. Biết về tiền sử bệnh của gia đình và cá nhân. Ngoài các yếu tố trên còn có các yếu tố rủi ro liên quan đến cá nhân từng người, tiền sử gia đình và gien di truyền, bao gồm:
    • Bệnh sử cá nhân: Nếu trước đây bạn đã từng được chẩn đoán ung thư vú, các tế bào ung thư sẽ có khả năng tái phát ở vú đó hoặc vú bên kia.
    • Bệnh sử gia đình: Bạn có nhiều khả năng mắc ung thư vú hơn nếu có một hoặc nhiều thành viên trong gia đình bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung và ung thư ruột già. Rủi ro tăng gấp đôi nếu bạn có người thân thuộc hàng thứ nhất (chị em gái, mẹ, con gái) bị bệnh.
    • Gien: Các khuyết tật về gien tìm thấy trên các gien BRCA 1 và BRCA 2 có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư vú. Bạn có thể sử dụng dịch vụ lập bản đồ gien biết mình có những gien này không. Nói chung, 5-10% số ca có liên quan đến yếu tố di truyền.

Nhận biết những triệu chứng điển hình[sửa]

  1. Quan sát những thay đổi về kích thước và hình dạng vú. Hiện tượng sưng do khối u hoặc nhiễm trùng có thể làm biến dạng và thay đổi kích thước mô vú. Sự thay đổi này thường xảy ra chỉ một bên vú, nhưng cũng có thể ở cả hai bên.[10]
  2. Lưu ý nếu có dịch tiết bất thường từ núm vú. Nếu hiện tại bạn không cho con bú thì sẽ không có hiện tượng tiết dịch. Nếu núm vú tiết dịch, đặc biệt là khi không nặn núm vú hoặc mô vú, bạn cần đi khám để được xét nghiệm thêm.[11]
  3. Quan sát hiện tượng sưng. Đặc biệt lưu ý tình trạng sưng xung quanh vú, xương đòn hoặc nách. Một số dạng ung thư vú xâm lấn có thể gây sưng ở những vùng này trước khi bạn có thể sờ thấy khối u ở mô vú.[12]
  4. Chú ý tình trạng lồi lõm ở mô vú hoặc thay đổi ở núm vú. Các khối u trong vú gần bề mặt da hoặc gần núm vú có thể thay đổi hình dạng mô.[13]
    • Trong một số trường hợp, núm vú sẽ bị tụt vào hoặc có thể bạn nhận thấy da lồi lõm bên trên mô vú.
  5. Báo với bác sĩ về hiện tượng da dày, đỏ, nóng hoặc ngứa. Mặc dù hiếm xảy ra, nhưng ung thư vú dạng viêm là một dạng ung thư đặc biệt xâm lấn và hung hãn. Các triệu chứng của loại ung thư này có thể biểu hiện tương tự như tình trạng viêm vú, ví dụ như cảm giác ấm, ngứa hoặc đỏ ở mô. Nếu thuốc kháng sinh không nhanh chóng chữa khỏi tình trạng này, bạn nên tìm đến bác sĩ phẫu thuật vú càng sớm càng tốt.[14]
  6. Lưu ý rằng hiện tượng đau là không bình thường. Nếu thấy đau ở mô vú hoặc vùng núm vú và không khỏi nhanh, bạn nên tìm sự chăm sóc y tế. Mô vú bình thường sẽ không đau, và hiện tượng đau có thể cho thấy tình trạng nhiễm trùng, sự xuất hiện của bướu hoặc khối u. Tuy nhiên, đau vú thường không phải là một dấu hiệu của ung thư.[15]
    • Nhớ rằng nếu bạn đang có kinh hoặc mang thai, có thể bạn có cảm giác đau vú, khó chịu, căng tức tạm thời do sự thay đổi hormone. Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy đau dai dẳng và không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ.[12]
  7. Nhận biết các dấu hiệu ung thư vú di căn. Nhớ rằng các dấu hiệu này không hoàn toàn khẳng định bạn bị ung thư vú. Tuy nhiên chúng cho thấy bạn cần phải đến bác sĩ để được kiểm tra thêm. Các triệu chứng này bao gồm:
    • Sụt cân
    • Đau xương
    • Thở gấp
    • U nhọt ở vú, tức là có chỗ đau có thể đỏ, ngứa và chảy mủ hoặc dịch trong.

Khám tầm soát ung thư vú[sửa]

  1. Đi kiểm tra vú chuyên khoa. Khi đi khám sức khỏe hoặc kiểm tra vùng chậu hàng năm, bạn nên nhờ bác sĩ kiểm tra vú bằng tay để tìm các khối u hoặc các thay đổi đáng ngờ khác. Bác sĩ được huấn luyện kiểm tra vú và sẽ biết phải tìm các dấu hiệu gì. Đó là lý do tại sao bạn không bao giờ nên cố gắng tự kiểm tra vú thay cho bác sĩ, dù có thể bạn cảm thấy không thoải mái và ngượng ngùng.[5]
    • Bác sĩ sẽ kiểm tra bên ngoài vú. Bạn sẽ được yêu cầu giơ tay lên đầu, sau đó thõng tay xuống hai bên sườn khi bác sĩ kiểm tra kích thước và hình dạng vú. Sau đó bạn sẽ được thăm khám lâm sàng. Khi bạn nằm trên bàn khám, bác sĩ sẽ dùng ngón tay kiểm tra toàn bộ vùng vú, bao gồm vùng nách và xương đòn. Cuộc thăm khám chỉ kéo dài vài phút.[16]
    • Nếu thấy không thoải mái, bạn có thể yêu cầu một y tá hay người nhà có mặt trong phòng khi bác sĩ thăm khám. Nếu bạn là nữ và bác sĩ là nam thì đây là thủ tục bắt buộc trong hầu hết các trường hợp. Nếu cảm thấy hồi hộp, bạn hãy hít một hơi thở sâu và tự nhủ rằng đây là phần cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe.
  2. Chụp X-quang tuyến vú. Chụp X-quang tuyến vú sử dụng tia X có độ bức xạ thấp để kiểm tra mô vú, và thông thường có thể phát hiện các khối u trước khi bạn có thể sờ thấy.[17] Viện Ung thư Vú Quốc gia khuyến nghị phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên chụp X-quang tuyến vú tầm soát hàng năm hoặc hai năm một lần. Phụ nữ dưới 40 tuổi nhưng có các yếu tố nguy cơ cao nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tần suất chụp X-quang tuyến vú. Cho dù không có các yếu tố rủi ro hoặc các triệu chứng, bạn vẫn nên chụp X-quang tuyến vú vài năm một lần như một phần của chế độ chăm sóc sức khỏe.[17][2]
    • Trong quá trình chụp X-quang tuyến vú, hai vú sẽ được đặt trên mặt phẳng, được ép xuống để mô vú trải đều và cho phép chụp bằng tia X năng lượng thấp. Bạn sẽ cảm thấy áp lực và hơi khó chịu, nhưng điều này chỉ là tạm thời. Quá trình chụp được thực hiện ở cả hai vú để bác sĩ X-quang có thể so sánh hai bên.
    • Ngoài việc phát hiện các khối u có khả năng ung thư, bác sĩ cũng kiểm tra sự vôi hóa, u xơ vú và u nang qua hình ảnh X-quang tuyến vú.[18]
  3. Làm thêm xét nghiệm nếu nhận thấy có khối u hoặc các thay đổi đáng ngờ khác. Nếu bạn hoặc bác sĩ nhận thấy một khối u hoặc bất cứ dấu hiệu báo động nào, ví dụ như tiết dịch ở núm vú hoặc da nhăn nheo, có thể bạn cần thêm các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân và xác định liệu bạn có bị ung thư vú hay không. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:[17]
    • Chụp X-quang tuyến vú chẩn đoán: Hình ảnh X-quang vú có thể đánh giá khối u. Quá trình chụp có thể lâu hơn chụp X-quang tuyến vú tầm soát vì cần nhiều hình ảnh hơn.
    • Siêu âm: Sóng siêu âm được sử dụng để cho thấy hình ảnh vú. Kỹ thuật này có hiệu quả nhất khi kết hợp với chụp X-quang tuyến vú. Tuy có ưu điểm là đơn giản và không xâm lấn, nhưng kỹ thuật siêu âm có thể cho nhiều kết quả dương tính và âm tính giả.[19] Tuy nhiên, kỹ thuật này thường được sử dụng rất hiệu quả trong việc hướng dẫn kim sinh thiết cho khối u bị nghi ngờ.[20]
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này sử dụng từ trường để chụp hình ảnh vú. Bạn có thể cần chụp MRI nếu chụp X-quang tuyến vú chẩn đoán không thể xác định được khối u hoặc bướu. Kỹ thuật này cũng thường được khuyến nghị áp dụng cho các phụ nữ có nguy cơ rất cao phát triển bệnh ung thư vú, ví dụ như những phụ nữ có tiền sử gia đình hoặc mang gien di truyền có xu hướng ung thư vú.[21][22]
  4. Làm sinh thiết. Nếu hình ảnh chụp X-quang tuyến vú và MRI phát hiện khối u hoặc bướu, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm để xác định loại tế bào ung thư và thủ tục phẫu thuật hoặc hóa trị liệu cần thiết. Trong quá trình sinh thiết, một phần mô rất nhỏ được lấy ra từ vùng nghi ngờ trong vú và đem đi phân tích. Thủ thuật này thường được thực hiện với kim tương đối lớn chọc xuyên qua da đã được gây tê. Hầu hết các thủ thuật sinh thiết mô vú là thủ tục ngoại trú, và bạn không cần phải nằm viện qua đêm. Chỉ trong trường hợp phẫu thuật cắt bỏ khối u vú (lumpectomy), mới cần gây tê cục bộ.[23]
    • Thủ thuật sinh thiết mô là xét nghiệm cần thiết trước khi lựa chọn phương án điều trị để xác định bản chất của loại ung thư. Mặc dù sinh thiết có vẻ đáng sợ, và đúng là đáng sợ, nhưng xét nghiệm này là quan trọng để biết liệu các tế bào trong mô vú có phải là tế bào ung thư hay không và sau đó xác định phác đồ điều trị. Bệnh ung thư vú được phát hiện càng sớm thì tỷ lệ sống sót càng cao.
    • Một điều quan trọng (và rất khích lệ!) là 80% số phụ nữ làm sinh thiết mô vú KHÔNG phát hiện ung thư vú.[23]
  5. Chờ kết quả. Thời gian chờ kết quả hình ảnh và sinh thiết có thể rất căng thẳng và lo âu. Mọi người đối phó với thời gian này bằng nhiều cách khác nhau. Một số người muốn tự làm xao lãng bằng những hoạt động thú vị và duy trì sự bận rộn. Một số khác nhận thấy việc làm hữu ích trong thời gian này là nghiên cứu về bệnh ung thư vú và tìm hiểu mọi phương án chữa trị nếu kết quả chẩn đoán là dương tính. Một số người cũng dùng thời gian chờ đợi để suy ngẫm lại cuộc sống và xác định (hoặc xác định lại) các điều ưu tiên cũng như các mối quan hệ của mình.[24]
    • Tập thể dục nhiều và ăn uống lành mạnh để duy trì năng lượng và nâng cao tinh thần. Tìm sự hỗ trợ xã hội từ bạn bè, đồng nghiệp hoặc gia đình, những người cũng từng trải qua hoàn cảnh tương tự và có thể cho những lời khuyên hữu ích.[24]
    • Nếu cảm thấy bị ám ảnh, quá sức chịu đựng hoặc trầm cảm đến mức tinh thần và thể chất có nguy cơ suy sụp, bạn nên báo cho bác sĩ biết. Có thể bạn cần liên lạc với chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc chuyên gia tư vấn để trao đổi về cảm giác của mình trong thời gian chờ chẩn đoán.

Lời khuyên[sửa]

  • Một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho bản thân là hiểu hơn về tình trạng mô vú như thế nào là bình thường. Như vậy bạn sẽ có khả năng xác định một hiện tượng nào đó là “không ổn”.
  • Tập thoải mái trao đổi về sức khỏe của mình với bác sĩ và gia đình. Đây là việc bạn sẽ còn phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt khi bạn nhiều tuổi hơn. Việc chăm sóc sức khỏe tổng thể bằng chế độ dinh dưỡng tốt, hoạt động thường xuyên và kiểm soát stress có thể giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, kể cả ung thư.

Cảnh báo[sửa]

  • Đến bác sĩ để được chẩn đoán. Bạn không thể chẩn đoán ung thư vú tại nhà. Do đó, trước khi quá lo lắng hoặc băn khoăn, bạn hãy tìm câu trả lời bạn cần và ra những quyết định đúng đắn.
  • Nếu không hài lòng với câu trả lời của bác sĩ, bạn hãy đi tìm những ý kiến khác. Đó là cơ thể và cuộc sống của bạn. Hãy lắng nghe tiếng nói bên trong về sức khỏe của mình, và tìm thêm một ý kiến khác là điều quan trọng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.cancer.org/cancer/breastcancer/overviewguide/breast-cancer-overview-key-statistics
  2. 2,0 2,1 http://www.uspreventiveservicestaskforce.org/Page/Topic/recommendation-summary/breast-cancer-screening
  3. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC81193/
  4. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/breast-exam/basics/risks/prc-20020418
  5. 5,0 5,1 http://www.nationalbreastcancer.org/breast-cancer-symptoms-and-signs
  6. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/breast-exam/basics/how-you-prepare/prc-20020418
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/breast-exam/basics/what-you-can-expect/prc-20020418
  8. http://www.breastcancer.org/symptoms/testing/types/self_exam
  9. http://www.cancer.org/cancer/breastcancer/detailedguide/breast-cancer-risk-factors
  10. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/breast-cancer/basics/symptoms/con-20029275
  11. http://www.idph.state.il.us/about/womenshealth/factsheets/breast_cancer_facts.htm
  12. 12,0 12,1 http://www.cancer.org/cancer/news/breast-cancer-symptoms-what-you-need-to-know
  13. http://www.breastcancer.org/questions/bc_signs
  14. http://www.cancer.org/cancer/news/breast-cancer-symptoms-what-you-need-to-know
  15. http://www.nationalbreastcancer.org/breast-pain
  16. http://www.nationalbreastcancer.org/clinical-breast-exam
  17. 17,0 17,1 17,2 http://www.nationalbreastcancer.org/mammogram
  18. http://www.breastcancer.org/symptoms/testing/types/mammograms/mamm_show
  19. http://ww5.komen.org/BreastCancer/Ultrasound.html
  20. http://www.breastcancer.org/symptoms/testing/types/ultrasound
  21. http://ww5.komen.org/BreastCancer/BreastMRI.html
  22. http://www.nationalbreastcancer.org/breast-mri
  23. 23,0 23,1 http://www.nationalbreastcancer.org/breast-cancer-biopsy
  24. 24,0 24,1 http://www.nationalbreastcancer.org/breast-cancer-results